Lịch sử phát triển thế giới đã chứng minh
vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học - công nghệ trong khát vọng vươn mình
của mỗi dân tộc. Trong mỗi cuộc cách mạng công nghiệp, quốc gia nào nắm trong
tay khoa học - công nghệ dẫn dắt, nắm bắt được thời cơ thì quốc gia đó vươn lên
nhóm đầu trên thế giới. Hàn Quốc là một trong những quốc gia thành công nhất
trong nắm bắt cơ hội, phát triển khoa học - công nghệ, sau này là đổi mới sáng
tạo để vươn mình. Từ một nền kinh tế nghèo khó sau chiến tranh, Hàn Quốc bắt
tay vào khôi phục kinh tế trong khi thế giới đang ở thời kỳ Cách mạng công
nghiệp lần thứ hai, trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong cuộc Cách
mạng công nghiệp lần thứ ba(11) và nay trở thành một cường quốc
công nghệ và kinh tế toàn cầu.
Chìa khoá thành công của Hàn Quốc chính là
tập trung vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chiến lược sáng tạo
quốc gia của Hàn Quốc đã tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, kết
hợp giữa chính sách hỗ trợ từ chính phủ, hợp tác công - tư, đầu tư mạnh vào
nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổng chi
cho nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tính
theo tỷ lệ phần trăm GDP, Hàn Quốc còn cao hơn cả Mỹ, Nhật Bản, chỉ đứng sau
Israel với 4,96% GDP. Chiến lược sáng tạo quốc gia được triển khai từ năm
2013 đã đưa Hàn Quốc liên tục tăng hạng trong đánh giá chỉ số đổi mới sáng tạo
(GII), từ vị trí thứ 18 năm 2013 lên vị trí thứ 6 năm 2024. Theo dữ liệu của
Ngân hàng Thế giới, GDP Hàn Quốc năm 1960 chỉ gần 4 tỷ USD, nhưng năm
2024, GDP Hàn Quốc đạt 1.665 tỷ USD, tăng 416 lần.
Một quốc gia khác thành công vươn mình
trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là Trung
Quốc. Từ cuối năm 2012, Trung Quốc đã có sự thay đổi về trọng tâm phát triển
đất nước. Cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển trọng tâm từ tăng trưởng dựa vào
xuất khẩu và đầu tư công nghiệp nặng sang phát triển dựa trên tiêu dùng nội
địa, đổi mới công nghệ và dịch vụ. Năm 2015, Trung Quốc công bố Chiến lược
“Made in China 2025” (MIC25) với mục tiêu: Giai đoạn 1 (2015 - 2025): Đưa Trung
Quốc trở thành cường quốc chế tạo công nghệ; giai đoạn 2 (2025 - 2035): Đưa
Trung Quốc gia nhập nhóm các cường quốc chế tạo công nghệ toàn cầu hạng trung;
giai đoạn 3 (2035 - 2045): Đưa Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu thế giới
về công nghệ(12). Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau
Mỹ), là quốc gia đông dân nhất thế giới, đồng thời là nước đầu tư cho nghiên
cứu và phát triển (R&D) cao thứ hai thế giới. Phát triển của công nghệ cao,
đầu tư mạnh vào các lĩnh vực, như trí tuệ nhân tạo, công nghệ xanh, năng lượng
tái tạo và phát triển hạ tầng kỹ thuật số để duy trì tăng trưởng. Chuyển
đổi hướng đến chất lượng thay vì tốc độ, đặt mục tiêu tăng trưởng bền vững và
tập trung vào cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm thiểu bất bình đẳng và bảo
vệ môi trường thay vì chỉ chú trọng tốc độ tăng trưởng cao.
Năm 2016, Trung Quốc ban hành “Chiến lược
quốc gia về phát triển dựa trên đổi mới” (National Innovation - Driven
Development Strategy) với mục tiêu phát triển Trung Quốc thành một cường quốc
về khoa học - công nghệ, đồng thời xây dựng nền kinh tế siêu cường dựa trên
tinh thần đổi mới sáng tạo. Chiến lược này nhấn mạnh vai trò của công nghệ
trong phát triển kinh tế và đặt ra các mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc
gia dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo vào năm 2035. Theo đó, để hiện thực
hoá các tầm nhìn về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Trung
Quốc đã cải cách sâu rộng về tổ chức, bộ máy quản lý; đồng thời, thành lập Ủy
ban Khoa học và Công nghệ Trung ương, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Cộng sản Trung Quốc.
Từ khi triển khai Chiến lược quốc gia về
phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, nền kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là
kinh tế số đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Giá trị gia tăng của lĩnh vực
sản xuất của Trung Quốc tăng từ 16.980 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.370 tỷ USD) năm
2012, lên 31.400 tỷ nhân dân tệ (khoảng 4.370 tỷ USD) năm 2021, chiếm gần 30%
tổng giá trị toàn cầu, tăng từ 22,5%(13). Theo ước tính tại Hội nghị
Kinh tế số toàn cầu năm 2023, quy mô nền kinh tế số của Trung Quốc đã tăng lên
50,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,96 nghìn tỷ USD) năm 2022, với tốc độ tăng
trưởng hai con số hằng năm là 14,2% kể từ năm 2016. Tỷ trọng của kinh tế số
trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng lên 41,5% năm 2022 và
tốc độ tăng trưởng của kinh tế số trong thời gian này cao hơn khoảng 10% so với
tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế(14).
Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu nhảy
vọt trong phát triển khoa học, công nghệ. Nếu giai đoạn 2003 - 2007, Trung Quốc
chỉ dẫn đầu 3/64 công nghệ quan trọng tầm chiến lược thì giai đoạn 2019 - 2023,
Trung Quốc dẫn đầu trong 57/64 công nghệ quan trọng tầm chiến lược. Trung Quốc
xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình, phóng các tàu thăm dò lên mặt trăng, sao
hỏa, phát triển máy bay thương mại C919, tàu lặn dưới biển sâu và siêu máy
tính. Mạng lưới đường sắt tốc độ cao đã mở rộng gấp bảy lần, xây dựng gần 70
sân bay mới và khoảng một triệu ki-lô-mét đường cao tốc. Chỉ số GII của
Trung Quốc liên tục tăng, năm 2012, Trung Quốc đứng thứ 34, đến năm 2024, chỉ
số GII của Trung Quốc đứng thứ 11.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét