Đối
với mỗi quốc gia, khoa học - công nghệ luôn đóng vai trò quan trọng trên tất cả
các lĩnh vực đời sống xã hội. Dưới góc độ chính trị, khoa học - công nghệ quyết
định sức mạnh của quốc gia, cũng như vị thế của quốc gia đó trong trật tự thế
giới. Chính vì vậy, các quốc gia luôn tìm cách nghiên cứu, sáng tạo và nắm giữ
chìa khóa, công cụ là những thành tựu khoa học - công nghệ mới, tiên tiến nhằm
khẳng định sức mạnh cũng như vị thế quan trọng trong hệ thống quan hệ quốc tế.
Dưới góc độ kinh tế, khoa học - công nghệ được coi là động lực, đồng thời là
nguồn lực quan trọng, là yếu tố sản xuất trực tiếp có tác động lớn tới hiệu quả
sản xuất của các nền kinh tế(1). Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của nước ta cũng khẳng định: Phát
triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động
lực chính để tăng trưởng kinh tế(2).
Kể
từ khi Đảng ta được thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, công tác phát
triển khoa học - công nghệ luôn được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Đảng ta đã sớm
nhận thức được tầm quan trọng của việc hiện đại hóa đất nước thông qua đổi mới
sáng tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Những nghị quyết, chỉ thị của Đảng ta
qua các thời kỳ(3) đã minh chứng rất rõ điều này, từ việc chú
trọng xây dựng nền tảng công nghiệp nặng trong giai đoạn kế hoạch hóa tập
trung, cho đến định hướng đổi mới toàn diện và hội nhập kinh tế quốc tế sâu
rộng trong thời kỳ đổi mới. Sự ra đời của mỗi nghị quyết đều đánh dấu một bước
ngoặt quan trọng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta trong việc đưa
đất nước tiến lên, không ngừng vươn tới mục tiêu giàu mạnh và hùng cường(4).
Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định nhiệm vụ “chuyển mạnh
nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học
và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm,
hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của
nền kinh tế”(5).
Từ
nhận thức đúng đắn đó, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm
thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội (năm 1991), đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch
sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện(6). Những thành tựu, kết quả to
lớn đã có chính là nền tảng, điều kiện quan trọng, cùng với cơ hội của thời đại
để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên vươn mình của dân tộc - kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên
giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng
thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa(7), dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Hiện nay, tình hình thế giới được đang tiếp tục diễn biến nhanh
chóng, phức tạp, khó lường, nợ công toàn cầu tăng, thị trường tài chính, tiền
tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro,…; trong khi đó, khoa học - công nghệ, đổi mới
sáng tạo, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có sự tác động mạnh
mẽ, sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu; công nghệ số trở thành động lực
thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, làm thay đổi phương thức quản lý nhà
nước, mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội. Ở
trong nước, “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu có một cuộc cách mạng
với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động
lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học -
công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc
của lực lượng sản xuất”(8). Chuyển đổi số hiện nay không đơn thuần
là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá
trình xác lập một phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản
xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa
con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư
liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất có những biến đổi sâu
sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số(9).
Trước bối cảnh
mới, nước ta đang có chuyển động mạnh mẽ, vận hành với tinh thần mới, vận tốc
mới “vừa chạy, vừa xếp hàng”, tạo ra động lực mới, hiệu năng mới cho phát triển
kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân(10).
Đặc biệt, cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được
thực hiện mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ có
đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức
danh, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nhằm xây dựng hệ
thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là nền tảng quan
trọng để quản trị quốc gia. Để thực sự vươn mình, phát triển nhanh chóng, bền
vững hơn nữa, chúng ta cần tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng tạo động lực, nền
tảng mới cho phát triển - cuộc cách mạng về phát triển khoa học - công nghệ,
đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, động
lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ
sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội,
ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ
nguyên mới. Cùng với đó, đổi mới tư duy, đẩy
mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, nâng cao vai trò
khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét