Vừa qua, RFA đăng tải bài viết “Báo động tình trạng Việt Nam gia tăng đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập”, trong đó dẫn lời ông Stephen Shneck - Chủ tịch USCIRF, về cái gọi là “thông cáo báo chí báo động về tình trạng đàn áp đang gia tăng đối với các nhóm độc lập tại Việt Nam”, và không quên kèm theo các “dẫn chứng” nhằm hướng lái dư luận tin vào nội dung báo cáo, hiểu sai tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Để “luận chứng” cho USCIRF về cái gọi là “các giới chức chính quyền đã kết án tù năm nhà sư người Khmer Krom với các bản án từ hai đến sáu năm tù, quấy nhiễu hoạt động thờ phượng của người theo đạo Cao Đài, và tiếp tục bắt những người Thượng theo Tin Lành ở Tây Nguyên phải bỏ đạo”, RFA đã dẫn ra việc “tòa án nhân dân Vĩnh Long kết án tù 09 nhà sư và Phật tử người Khmer Krom ngày 26/11 vừa qua, với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước” và “Bắt, giữ người trái pháp luật””.
RFA chỉ đưa tin nửa vời, không đề cập đến toàn bộ tình tiết của vụ án và bỏ qua luôn việc “chín nhà sư và phật tử” kia đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và hối hận về những hành vi của mình. Thông tin thêm để bạn đọc biết. Về nội dung “chín nhà sư và phật tử người Khmer Krom” mà RFA đã đưa ra, thì vụ việc diễn ra tại ấp Tổng Hưng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, từ năm 2020, Kim Khiêm cùng một số người dân tiến hành khởi công, xây dựng công trình trái pháp luật trên phần đất trồng lúa thuộc quyền sử dụng của bà Thạch Thị Ôi (ngụ ấp Tổng Hưng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) mà không được sự đồng ý của bà Ôi. Sau đó vụ việc được tòa án nhân dân huyện Tam Bình xét xử, buộc trả lại phần đất trên cho bà Ôi. Nhưng Kim Khiêm và một số người tại địa phương cản trở khiến cơ quan chức năng không thực hiện được nhiệm vụ thi hành bản án. Cũng từ đó, Kim Khiêm lôi kéo một số phần tử như Thạch Chanh Đa Ra (SN 1990), Dương Khải (SN 1994), Kim Khiêm (SN 1978), Thạch Ve Sanal (SN 1987), Quý Lầy (SN 1986), Kim Sa Rương (SN 1987), Kim Khu (SN 1959), Thạch Nha (SN 1998); Thạch Chóp (SN 2003) nhiều lần lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và “bắt, giữ người trái pháp luật” làm mất an ninh trật tự, xáo trộn cuộc sống của nhân dân địa phương.
Vậy là, RFA đã cho mọi người thấy USCIRF hoặc là thiếu thông tin, hoặc là cố tình suy diễn sai lệch mà cáo buộc sai sự thật về tình hình tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, kể từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đi vào đời sống, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự và công dân theo tôn giáo tăng theo thời gian, ở tất cả các tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam có hơn 27 triệu tín đồ, chiếm 28% dân số cả nước; hơn 55.000 chức sắc; gần 150.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Từ năm 2021 đến năm 2023, tính riêng đạo Tin Lành, Nhà nước đã chấp thuận thêm 170 điểm nhóm, 6 tổ chức tôn giáo trực thuộc ở khu vực miền núi phía bắc; chấp thuận thêm 11 tổ chức tôn giáo trực thuộc từ các điểm nhóm đã được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung trước đó ở 5 tỉnh Tây Nguyên. Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân. Tại Việt Nam, không ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Qua đó, cho thấy, các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tạo dựng được tinh thần phấn khởi trong đồng bào tín đồ và các nhà tu hành. Điều này đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được tôn trọng trên thực tế. Các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng đã được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét