Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành từ ngày 6-1 đến 7-2-1930, tại Hồng Công (Trung Quốc).
Hội nghị đã thảo luận và thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, gồm 6 nội dung chủ yếu sau đây:
Về phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam: Chính cương vắn tắt của Đảng xác định: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đó là mục tiêu cơ bản, lâu dài của Đảng và của cách mạng Việt Nam; thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH); đưa cách mạng Việt Nam hòa vào quỹ đạo chung của thế giới, vào xu thế phát triển tất yếu của thời đại.
Về nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, chủ yếu trước mắt là đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày, sớm hình thành tư tưởng phân hóa giai cấp địa chủ phong kiến, đặt nhiệm vụ chống đế quốc và Việt gian tay sai để giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Điều đó được thể hiện: Về chính trị: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; lập chính phủ công nông binh; tổ chức quân đội công nông. Về kinh tế: Thủ tiêu hết các thứ quốc trái; tịch thu toàn bộ sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng...) của tư bản, đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý; tịch thu toàn bộ ruộng đất của bọn đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo; bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; mở mang công nghiệp và nông nghiệp; thi hành luật ngày làm 8 giờ.
Về lực lượng cách mạng, Sách lược vắn tắt của Đảng chỉ rõ: Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh đổ bọn đại địa chủ và phong kiến; làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia; phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, thanh niên... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp; đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến...) thì đánh đổ.
Về phương pháp cách mạng, Đảng chủ trương tiến hành bằng con đường bạo lực cách mạng chứ không thể là con đường cải lương thỏa hiệp, “đánh trúc bọn đại địa chủ”, đánh đổ ách tư bản, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, “không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào đường thỏa hiệp”.
Về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới: Sách lược vắn tắt của Đảng nêu rõ cách mạng Việt Nam liên lạc mật thiết và là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, “trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng thời tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới”.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng: Sách lược vắn tắt của Đảng ghi rõ: “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng”. Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ra để lãnh đạo quần chúng lao khổ làm giai cấp tranh đấu để tiêu trừ tư bản đế quốc chủ nghĩa, làm cho thực hiện xã hội cộng sản”.
Những nội dung cơ bản của Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt tuy chưa toàn diện, đầy đủ nhưng thể hiện rõ nét những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam. Thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam; có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.
Về lý luận
Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng phản ánh một cách súc tích các luận điểm cơ bản của cách mạng Việt Nam. Từ mục tiêu, phương hướng chiến lược đến nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể trước mắt, đến lực lượng cách mạng, phương pháp cách mạng, mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, về vai trò của Đảng đối với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Những nội dung cơ bản ấy khẳng định lần đầu tiên cách mạng Việt Nam có một bản cương lĩnh chính trị phản ánh được quy luật khách quan của xã hội Việt Nam, đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại, định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của một nước thuộc địa nửa phong kiến. Đó chính là giải quyết đúng đắn các mối quan hệ cốt lõi trong cách mạng Việt Nam: Kết hợp đúng đắn vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc; kết hợp truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân Việt Nam với những kinh nghiệm của cách mạng thế giới; kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế trong sáng; đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn và đầy sáng tạo đặc điểm thực tiễn, yêu cầu của cách mạng Việt Nam với tư tưởng tiên tiến của thời đại.
Về thực tiễn
Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng ngay từ khi ra đời đã trở thành trung tâm đoàn kết các lực lượng cách mạng to lớn.
Kể từ khi thực dân Pháp xâm lược (1858) đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (tháng 2-1930), cách mạng Việt Nam đã trải qua 72 năm cứu nước theo các khuynh hướng khác nhau nhưng đều thất bại. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trên cơ sở phân tích đặc điểm, tính chất và các mâu thuẫn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam, Đảng đã đề ra chủ trương đánh đổ đế quốc Pháp và Việt gian tay sai; làm cho nước Việt Nam được độc lập; thành lập chính phủ công nông binh; tịch thu tất cả các nhà băng và cơ sở sản xuất của đế quốc giao cho chính phủ công nông binh; quốc hữu hóa toàn bộ đồn điền và đất đai của bọn đế quốc và địa chủ phản cách mạng chia cho nông dân nghèo; thực hiện ngày làm 8 giờ; hủy bỏ mọi thứ quốc trái và thuế thân, miễn các thứ thuế cho nông dân nghèo; đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân; thực hành giáo dục toàn dân; thực hiện nam nữ bình quyền... Chủ trương đó không chỉ đem lại lợi ích cho giai cấp công nhân, giai cấp nông dân mà cho toàn thể dân tộc Việt Nam. Tuyệt đại đa số các giai tầng trong xã hội Việt Nam khi đó đều tìm thấy lợi ích của mình trong đó. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta... Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta-Đảng của giai cấp công nhân-không ngừng củng cố và tăng cường”.
Lịch sử 95 năm cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định tính đúng đắn của Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt.
Từ năm 1930 đến nay, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều bước thăng trầm, thậm chí có những lúc đất nước lâm vào tình thế hiểm nghèo tưởng như không thể vượt qua. Nhưng được dẫn dắt bởi đường lối chiến lược do Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng vạch ra, cách mạng Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại, làm thay đổi cả vận mệnh dân tộc, thay đổi cả thân phận của người dân và từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Từ năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được những thắng lợi vĩ đại: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế; thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH với nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam”.
Với những thắng lợi trên đây, Việt Nam từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa; nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Tiếp nối những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam, trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng vẫn chủ trương “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH”. Đó là con đường cách mạng do Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn từ năm 1930 và được lịch sử chứng minh là đúng.
Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ôn lại những trang sử đầu tiên, mà cụ thể và trước hết là nội dung bản Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (tháng 2-1930), đó là những văn kiện đặt nền móng cho những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Mỗi chúng ta càng thêm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét