Là thành viên chính thức của Liên hợp quốc trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao bởi vai trò và những đóng góp tích cực, hiệu quả về nhiều vấn đề quan trọng, mang tính cấp bách toàn cầu. Nổi bật là các hoạt động gìn giữ, củng cố nền hòa bình thế giới cùng các sáng kiến phát triển bền vững, bảo vệ, thúc đẩy và nâng cao quyền con người.
Ngày 24/12/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước
Liên hợp quốc về chống tội phạm mạng sau nhiều năm đàm phán giữa các nước thành
viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với
loại tội phạm nguy hiểm này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đánh giá: “Công ước
này là minh chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương có thể thành công trong thời kỳ
khó khăn và phản ánh ý chí chung của các quốc gia thành viên trong thúc đẩy hợp
tác quốc tế để ngăn ngừa và chống lại tội phạm mạng”.
Đáng chú ý, việc thông qua văn bản luật quốc tế này đến từ
những đóng góp tích cực của Việt Nam trên tư cách là một thành viên có trách
nhiệm của Liên hợp quốc. Điều đó được thể hiện bằng chính sự quan tâm và ủng hộ
nhiệt thành của Việt Nam ngay tại thời điểm bắt đầu quá trình khởi động đàm
phán Công ước.
Xuyên suốt tám kỳ họp của Ủy ban chuyên trách, Việt Nam luôn
tham gia tích cực và có những đề xuất, sáng kiến thực chất cho nội dung Công ước.
Do đó, chúng ta đã được cộng đồng quốc tế chấp thuận trở thành nước đăng cai lễ
ký Công ước Liên hợp quốc về tội phạm mạng vào năm 2025, với tên gọi văn bản
pháp lý này là Công ước Hà Nội.
Sự ra đời của Công ước Hà Nội đã khép lại một năm hoạt động
thành công của Việt Nam tại Liên hợp quốc khi chúng ta ngày càng khẳng định
năng lực, vai trò và trách nhiệm của mình đối với các vấn đề toàn cầu. Tại các
cơ quan thuộc Liên hợp quốc mà Việt Nam đang đảm nhiệm nhiều trọng trách, chúng
ta đã trở thành điểm sáng trong các công việc chung của tổ chức liên quốc gia lớn
nhất hành tinh khi sẵn sàng hành động, đưa ra những ý kiến có trọng lượng góp
phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế, đấu tranh và bảo vệ các
nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.
Trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn
sắc nét trong năm 2024 với tinh thần tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp
tác tất cả các quyền con người ở tám lĩnh vực ưu tiên.
Trên lĩnh vực quyền con người, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn
sắc nét trong năm 2024 với tinh thần tôn trọng và hiểu biết, đối thoại và hợp
tác tất cả các quyền con người ở tám lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Nâng cao hiệu quả
hoạt động của Hội đồng Nhân quyền gắn với đề cao luật pháp quốc tế; quyền con
người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; chống bạo lực và phân biệt đối xử, tăng
cường bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương; thúc đẩy bình đẳng giới; quyền con người
trong bối cảnh chuyển đổi số; quyền sức khỏe; quyền việc làm; quyền tiếp cận
giáo dục chất lượng và giáo dục quyền con người.
Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến tại nhiều phiên họp, thảo
luận về bảo đảm các quyền cụ thể như quyền môi trường trong lành, bền vững; quyền
lương thực; quyền văn hóa; quyền của người khuyết tật; quyền trẻ em... Ngày
25/3/2024, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết do Việt
Nam đề xuất lấy ngày 11/6 hằng năm làm Ngày Quốc tế Vui chơi.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích cực hoàn thành trách nhiệm
thành viên Liên hợp quốc, trong đó đã tham gia nghiêm túc Cơ chế rà soát định kỳ
phổ quát (UPR) chu kỳ IV. Đồng thời, Việt Nam tham gia hầu hết các công ước quốc
tế về quyền con người và luôn nhìn nhận con người là trung tâm của mọi chính
sách phát triển. Nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam được cộng đồng quốc tế
ghi nhận, đánh giá cao.
Ngày 21/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn
đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương
lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đánh giá về chuyến công tác này, Chủ tịch Đại
hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78 Dennis Francis nhận định: “Việc Tổng Bí thư, Chủ
tịch nước Tô Lâm tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay là
một sự kiện hết sức có ý nghĩa, thể hiện cam kết cao nhất về mặt chính trị vào
một thời điểm quan trọng khi cộng đồng quốc tế đang quyết tâm thúc đẩy chủ
nghĩa đa phương nhằm đối phó hàng loạt thách thức toàn cầu hiện nay”.
Kết quả đạt được trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Liên
hợp quốc trong năm 2024 đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, nâng cao
vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Quan trọng hơn, mối quan hệ tốt đẹp này
đang phát triển đúng hướng khi mục tiêu của Liên hợp quốc về hòa bình và quyền
con người cũng chính là những khát vọng, mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và dân tộc
Việt Nam hướng tới.
Những thành tựu vượt bậc về kinh tế-xã hội của Việt Nam sau
gần 40 năm đổi mới cũng gắn liền với tiến bộ không ngừng trong công tác bảo đảm,
bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân. Chỉ số phát triển con người
(HDI) của Việt Nam đã liên tục tăng trong những thập kỷ qua đưa nước ta vào
nhóm cao về HDI.
Việt Nam cũng là tấm gương sáng về giảm nghèo khi là quốc
gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền
vững vì luôn ưu tiên chính sách và nguồn lực để hỗ trợ, cải thiện chất lượng sống
của các nhóm yếu thế trong xã hội.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cũng đang tiếp tục
phải đối mặt với hệ quả nặng nề kéo dài của dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu,
do đó việc đạt được những chỉ số giảm nghèo đa chiều và chỉ số HDI ở mức cao là
thành tích đáng tự hào.
Bên cạnh đó, sự tương đồng trong tầm nhìn và định hướng phát
triển của Liên hợp quốc và Việt Nam là chất xúc tác hữu ích để Việt Nam tự tin
sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp tích cực hơn vào công việc chung của
Liên hợp quốc và giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, vì lợi ích hòa bình,
an ninh, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới.
Mặc dù còn hạn chế về nguồn lực song tinh thần thiện chí, chủ
động xây dựng, lắng nghe và chia sẻ quan điểm để hướng đến những lợi ích toàn cầu
của Việt Nam đã luôn nhận được sự đồng tình, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ của cộng
đồng quốc tế.
Chính sự tín nhiệm này đã góp phần giúp Việt Nam đảm trách
thành công cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2023-2025 trong lần thứ 2 ứng cử, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm
kỳ 2023-2027, Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và
trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027 cùng nhiều vị trí quan trọng
khác của các cơ quan Liên hợp quốc.
Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam vững tin sẽ
tiếp nối những đóng góp thực chất, cụ thể vào sự nghiệp chung của cộng đồng quốc
tế mà minh chứng cụ thể là quyết định tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp
quốc nhiệm kỳ 2026-2028.
Tại lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền
Liên hợp quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã đề nghị các nước tiếp tục ủng
hộ Việt Nam với cam kết mạnh mẽ rằng, nếu trúng cử, Việt Nam sẽ tiếp tục tham
gia một cách tích cực, xây dựng và có trách nhiệm, sẽ phấn đấu hết mình thúc đẩy
thực hiện các mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền, bảo đảm ngày càng tốt hơn
việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới.
Rõ ràng, vị thế và uy tín của Việt Nam tại Liên hợp quốc và
các diễn đàn quốc tế song phương, đa phương là không thể phủ nhận.
Rõ ràng, vị thế và uy tín của Việt Nam tại Liên hợp quốc và
các diễn đàn quốc tế song phương, đa phương là không thể phủ nhận. Bởi kết quả
này đã được gây dựng từ chính sức mạnh nội sinh của quốc gia kết hợp với tinh
thần đoàn kết quốc tế trong sáng vì lợi ích chung của nhân loại. Thế nhưng, các
thế lực thù địch với dã tâm chống phá Việt Nam vẫn cố tình đưa ra những luận điệu
sai sự thật nhằm phủ nhận vai trò và tầm ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực và
trên thế giới.
Thời gian qua, ngay sau khi Việt Nam chính thức tái ứng cử
vào Hội đồng Nhân quyền, một số cá nhân, tổ chức phản động, thiếu thiện chí đã
ra sức tìm mọi cách vu cáo, công kích, bôi nhọ Việt Nam; qua đó hòng gây sức ép
lên các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc nhằm mục đích cô lập Việt Nam với
thế giới.
Những đối tượng, tổ chức này thường xuyên đưa ra những cáo
buộc vô căn cứ và đòi hỏi phi lý như đòi Việt Nam trả tự do cho tất cả phạm
nhân mà họ tự gọi là “tù nhân lương tâm”, trong khi thực chất đây là những cá
nhân có hành vi vi phạm pháp luật, đã bị xử lý công khai, nghiêm minh theo các
quy định pháp luật hiện hành. Thủ đoạn của những hội, nhóm chống phá này không
mới và đã bị chính những thành tựu nổi bật trên lĩnh vực quyền con người của Việt
Nam trực tiếp bác bỏ.
Đáng tiếc do mang sẵn định kiến và không nắm được bản chất của
các vấn đề, sự việc liên quan tình hình nhân quyền Việt Nam, một vài tổ chức quốc
tế đã có phát ngôn, hành vi cổ súy nhằm lan truyền thông tin thất thiệt, sai sự
thật gây ảnh hưởng xấu, tiêu cực lên vị thế và uy tín của Việt Nam tại một số
diễn đàn quốc tế.
Trong năm 2025, Việt Nam vẫn kiên định với các mục tiêu, nhiệm
vụ đã cam kết với Liên hợp quốc mà trọng tâm là phát huy những kết quả đạt được
trong hai năm đảm đương vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền; tổ chức thành
công lễ ký Công ước Hà Nội về tội phạm mạng; tham gia các hoạt động nâng cao nhận
thức về hòa bình và an ninh; thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên
cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc.
Việc hoàn thành những mục tiêu này sẽ là những minh chứng
thuyết phục tiếp tục đập tan âm mưu của thế lực thù địch và các cá nhân, tổ chức
không thiện chí đang mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, ngăn cản Việt
Nam ứng cử, tham gia vào các vị trí trọng yếu của Liên hợp quốc và các diễn đàn
quốc tế.
Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng nhưng với những thành tựu
đã đạt được cùng sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự
tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, chúng ta hoàn toàn đủ cơ sở để tin
rằng, chắc chắn Việt Nam sẽ đảm trách tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền
và nhiều cơ quan, tổ chức khác trực thuộc Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ tới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét