Triển khai đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phát huy thế và lực mới của đất nước, công tác đối ngoại, ngoại giao Việt Nam đã đạt được những kết quả toàn diện, quan trọng, trở thành điểm sáng nổi bật trong thành tựu chung của đất nước.
Cơ hội từ những dấu ấn tích cực của ngoại giao
Năm 2024, Việt Nam ghi dấu một năm bứt phá ngoạn mục với những
thành tựu vượt bậc trong lĩnh vực ngoại giao. Qua đó, tiếp tục tạo dựng hình ảnh
một Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới theo phương châm đa phương hóa, đa
dạng hóa quan hệ đối ngoại, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng
quốc tế. Có thể nói, các thành tựu về đối ngoại, ngoại giao đã góp phần định vị
vị thế đất nước và là cầu nối đưa Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ thế giới.
Trong bài viết “Ngoại giao cây tre của Việt Nam để lại bài học
cho Nam bán cầu” đăng ngày 2-10-2024, nhật báo The Japan Times khẳng định,
trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp giữa các nước lớn,
Việt Nam nổi lên như một trung gian chiến lược. “Thông qua cách tiếp cận cứng rắn
nhưng linh hoạt, đường lối ngoại giao "cây tre Việt Nam" đã thành
công trong việc đưa quốc gia này vào một vị thế có lợi trên trường quốc tế,
trong bối cảnh các siêu cường đang tranh giành ảnh hưởng”, The Japan Times nhấn
mạnh.
Chỉ từ tháng 6 đến 8-2024 (3 tháng), thông qua các hoạt động
đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, Việt Nam đã thu hút hàng tỷ USD đầu tư từ
nước ngoài. Tháng 6-2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam. Sau đó,
vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm Ấn
Độ. Cùng tháng 8, đồng chí Tô Lâm trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng
có chuyến thăm Trung Quốc để nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác song phương giữa
hai quốc gia láng giềng.
The Japan Times nhận định, Việt Nam đã chứng minh được giá
trị chiến lược trong quan hệ với các siêu cường trong và ngoài khu vực Ấn Độ
Dương-Thái Bình Dương. Quốc gia này có những lợi thế nhất định khi cạnh tranh với
Trung Quốc và Ấn Độ về hạ tầng cơ sở, với Washington và Bắc Kinh về công nghệ
tiên tiến, đồng thời là đối tác sát cánh cùng Nga, Trung Quốc và Ấn Độ trong giải
quyết các thách thức ở khu vực. Các quốc gia Nam bán cầu có thể học hỏi kinh
nghiệm từ chiến lược ngoại giao khôn khéo của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam
cũng duy trì sự cân bằng tối ưu giữa các lợi ích từ hợp tác kinh tế quốc tế và
các tính toán về địa chính trị và an ninh trong khu vực.
Tờ nhật báo tiếng Anh lớn nhất Nhật Bản đã lấy ví dụ về thu
hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở để minh chứng cho bài học thành công của
ngoại giao Việt Nam. Giống như hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam nhận
được các khoản vay và hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế để phát triển hạ
tầng cơ sở. Trong khi tận dụng các khoản đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam cũng
thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Tập đoàn Adani-một
trong những tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ-rót vốn vào các dự án phát triển hạ tầng
cơ sở của Việt Nam.
Được biết, Tập đoàn Adani đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên
Chiểu (Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD. Ngoài ra, Tập đoàn cũng tính rót
2,8 tỷ USD vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận) và mong muốn
tham gia các dự án xây cảng hàng không, trung tâm logistics tại Việt Nam.
The Japan Times cho rằng, sự cạnh tranh gia tăng mang lại
cho Việt Nam lợi thế “mặc cả” tốt hơn trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, chính
sách ngoại giao cân bằng cũng giúp Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực
như thương mại, công nghệ và các lĩnh vực mới, mở ra những cơ hội giúp kinh tế
Việt Nam tăng trưởng.
Câu chuyện Việt Nam
Việt Nam đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ
nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ một vùng đất chưa có tên trên bản
đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn
lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu
tư và du khách quốc tế. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt
vào tốp 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong tốp 20 quốc gia
trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn
kết với hơn 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập
quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ đối tác toàn diện,
đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với 32 nước, trong đó có tất
cả các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn, và là thành viên
tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân
dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như
một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Thế nhưng, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức
chưa từng có trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức
tạp. Những mối đe dọa về an ninh, xung đột... Bên cạnh đó, bất công trong quan
hệ thương mại, tài chính quốc tế, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, nguy
cơ tụt hậu, chủ nghĩa đơn phương, khủng bố quốc tế... ngày càng phức tạp và
không nước nào có thể một mình xử lý được.
Nhìn lại những chuyển biến phức tạp, sâu rộng ở khu vực và
trên thế giới trong năm 2024 mới thấy, nền đối ngoại-ngoại giao Việt Nam đang
có những bước chuyển phù hợp với thời cuộc. Trên cơ sở nguyên tắc kiên định sự
lãnh đạo của Đảng, gắn kết chặt chẽ giữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao
Nhà nước và đối ngoại nhân dân, ngoại giao tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò
tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát
triển đất nước, đồng thời đổi mới và sáng tạo hơn trong việc sử dụng các công cụ
đối ngoại, hướng tới kết quả cụ thể trong bối cảnh tiếp tục hội nhập sâu rộng,
góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, củng cố vị trí của Việt Nam trong chuỗi
sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thông qua con đường ngoại giao để xây dựng lòng tin chiến lược,
thu hẹp khoảng cách, hóa giải mâu thuẫn, giảm bất đồng trong các vấn đề liên
quan đến chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc. Thông qua hợp tác quốc
tế để tạo một chỗ đứng tối ưu về chính trị-an ninh trong bàn cờ chiến lược ở
khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Thực lực là cái chiêng
mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn". Khát vọng vươn
mình của Việt Nam phản ánh sự chủ động thích ứng với một môi trường chiến lược
thay đổi nhanh chóng, đồng thời góp phần lan tỏa thông điệp về một “Việt Nam độc
lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc”, tạo
nguồn cảm hứng, khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc trên toàn thế
giới./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét