Cả nước đang sôi sục chuyển mình theo lời hiệu triệu khẩn thiết của Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm. Một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đi đôi với những giải pháp quyết liệt thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.
Tất cả đang cho thấy nỗ lực to lớn, phi thường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tích cực chuẩn bị đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới.
Toàn nhân loại đang tiến nhanh vào một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên của sự phát triển tăng tốc, bứt phá, mà cốt lõi là cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt về khoa học và công nghệ, trong đó hai cuộc đua tranh lớn nhất sẽ là cuộc chạy đua về tốc độ đổi mới tri thức khoa học cơ bản và về tốc độ rút ngắn vòng đời các công nghệ.
Đặc biệt hơn, hai cuộc đua tranh về tri thức và công nghệ đó lại được diễn ra trên nền tảng của cuộc đua tranh vừa quyết liệt, vừa dịu êm - cuộc cạnh tranh toàn cầu về sức mạnh mềm (soft power) chủ yếu thông qua việc lan tỏa, phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Nếu như hai cuộc đua tranh kia được quyết định bởi hàm lượng trí tuệ tích hội trong cấu trúc năng lực cạnh tranh của từng quốc gia, cộng đồng, doanh nghiệp thì cuộc đua tranh thứ ba lại được quyết định bởi hàm lượng và phương thức biểu đạt những giá trị nhân văn - nhân bản mà từng cá nhân, cộng đồng hay quốc gia - dân tộc đạt được, nhờ thế mà họ có thể tỏa sáng và chế ngự thế giới tràn ngập công nghệ cao, thế giới của đổi mới sáng tạo trong tương lai không xa. Chính là trong bối cảnh đó dân tộc Việt Nam ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đây là mục tiêu rất thách thức, để đạt được, dân tộc ta phải vượt qua nhiều khó khăn rất to lớn và phức tạp, nhất là trong điều kiện cạnh tranh gay gắt về mọi phương diện, trên quy mô toàn cầu. Hướng về tương lai một cách bình tĩnh, tỉnh táo, tự tin, Tổng Bí thư Tô Lâm nói: “Câu hỏi lớn được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là: Đã đủ”. Vấn đề bây giờ là chớp thời cơ lịch sử để tiến lên. Người đứng đầu Đảng ta chỉ rõ: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa”.
Nghe những lời phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta lại liên tưởng đến Bác Hồ trong những ngày cuối tháng 7 năm 1945. Khi đó, ở căn cứ Tân Trào, Bác đang bị ốm rất nặng, tưởng chừng khó qua khỏi. Nhưng cứ mỗi lúc tạm dứt cơn sốt, Người lại căn dặn và thúc giục đồng chí Võ Nguyên Giáp và các vị lãnh đạo khác: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Theo lời hiệu triệu của Người, toàn thể dân tộc ta đã nhất tề vùng lên, cả quyết “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, chặt tan xiềng xích đế quốc, phong kiến, giành lấy “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Đích đến của dân tộc ta trong kỷ nguyên vươn mình, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra, “là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”, cụ thể là đến năm 2045, Việt Nam trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp phát triển, thu nhập cao, thoát khỏi tình trạng tụt hậu về trình độ phát triển, gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia phát triển bền vững tiên tiến nhất.
Bây giờ là lúc thời cơ lịch sử cho dân tộc ta cất cánh, vươn mình đã đến, nhưng thời cơ đó lại luôn song hành với thách thức sống còn: Nếu không thực hiện được thành công chiến lược phát triển rút ngắn, thoát khỏi tình trạng tụt hậu thì Việt Nam và các nước đi sau sẽ trở thành “bãi rác công nghệ” và “thuộc địa văn hóa” của các nước phát triển và sẽ bị chi phối, bị lệ thuộc lâu dài vào các nước đó.
Vậy chúng ta có thể tiến lên phía trước, chớp lấy thời cơ như thế nào và bằng phương tiện gì?
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy cứ mỗi khi đứng trước thách thức sống còn và trước những vận hội lớn lao, dân tộc Việt Nam cần phải đoàn kết, đồng lòng, chung tay gắng sức, nỗ lực hết mình thì mới đạt được thắng lợi. Ký ức cộng đồng dân tộc từ thuở hồng hoang vẫn còn ghi khắc: Trước hiểm họa ngoại xâm, cậu bé Gióng ở làng Phù Đổng đã kịp vươn mình đánh tan giặc dữ. Nhưng sự vươn mình hóa thánh của chàng Gióng trước hết cũng nhờ “bảy nong cơm, ba nong cà” chung tay góp sức của bà con làng xóm. Sau này sử sách còn ghi: Năm 1284, khi 50 vạn quân Mông Nguyên hung dữ sắp tràn vào bờ cõi, cũng là lúc toàn thể dân tộc ta muôn người như một, “anh em hòa mục, cả nước góp sức”, đến cả các bậc phụ lão khi nhà vua hỏi nên hòa hay nên đánh thì đều hô “đánh”, “muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”. Đại Việt Sử ký toàn thư ghi lại như thế và đó chính là truyền thống “chúng chí thành thành” - ý chí đoàn kết của nhân dân chung đúc nên thành đồng lũy thép.
Truyền thống lớn đó là mạch nguồn tiếp nối để dân tộc ta vượt muôn ghềnh thác, lập nên những kỳ tích văn trị, võ đức rực rỡ sử xanh. Đây chính là chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát lại một cách hết sức dung dị: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, và: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Đại hội XIII của Đảng thì coi đó là nguyên tắc chính trị cốt lõi của chế độ ta: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Còn đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thì quán triệt: Ý Đảng lòng dân hòa quyện làm một để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trước những thách thức to lớn, những vấn đề nan giải người ta khó mà không khỏi dao động, do dự; khi tiến hành những biện pháp quyết liệt như đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và đặc biệt là sắp xếp lại toàn bộ hệ thống điều hành đất nước theo hướng “tinh gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” thì không tránh khỏi lợi ích của cá nhân, nhóm hay bộ phận bị đụng chạm, thậm chí đòi hỏi cả những sự hy sinh dũng cảm và cao cả theo tinh thần “dĩ công vi thượng”, “chí công vô tư” của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Sẽ có những cơ quan, tổ chức bị suy giảm vị thế, thậm chí phải chấm dứt hoạt động; sẽ có những người phải rời bỏ vị trí vốn không chỉ gắn với quyền lợi mà còn gắn với cả “tên tuổi”, danh vị cá nhân. Đây chắc chắn không thể là những điều dễ chấp nhận. Nhưng nếu các bộ phận, các cá nhân biết đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết; nếu họ hiểu sâu sắc lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rằng: Nước ta là nước dân chủ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; Bao nhiêu quyền hạn đều của dân; (...) Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra; Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân thì họ sẽ vui lòng, tình nguyện hy sinh vì cái chung cao cả.
Tinh thần đoàn kết, ý chí kiên quyết, bao gồm cả tinh thần sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa là vô cùng quan trọng và cần thiết. Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ tạo nên xung lực phát triển và chưa đủ để đề phòng, ứng phó các rủi ro. Trước lúc đi xa, dường như Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã lường trước được những bước đường dân tộc ta sẽ phải trải qua để đi tới đích ấm no, hạnh phúc và phồn thịnh. Trong Di chúc, Người đã thấy trước “Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.
Lời căn dặn của Bác kính yêu thật sâu sắc, chí lý! Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tích cực, khẩn trương, đoàn kết và tự tin bước vào kỷ nguyên mới, nhưng khoa học và cẩn trọng, như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: “Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam... vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể”.
Mùa xuân mới, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới: “Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng... Sức ta đã mạnh, người ta đã đông”, với bản lĩnh vững vàng và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, dân tộc ta có đủ lòng tin vững chắc vào những thành công của công cuộc kiến tạo một hình thái mới của nền văn minh Việt Nam: hiện đại, nhân văn và bền vững, tỏa sáng trong thế giới toàn cầu hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét