Thanh niên Việt Nam có độ tuổi từ 18 đến 27 khi đủ các điều kiện về chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khỏe theo Luật nghĩa vụ quân sự (2015) được tham gia nghĩa vụ quân sự là vinh dự, trách nhiệm, niềm tự hào lớn lao của mỗi cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ luôn là tấm gương sáng cho mọi thế hệ thanh niên tiếp bước, noi theo, cùng bước vào Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Vinh dự, trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc
Theo Điều 45 Hiến pháp nước Việt Nam năm 2013 có nêu rõ: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân và công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định: Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Công dân không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú khi đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với Tổ quốc.
Thực tiễn cho thấy, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên cả nước luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, từng bước hiện thực khẩu hiệu hành động: “Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, rèn đức, luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong việc hun đúc lý tưởng cách mạng, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ năng lực chuyên môn, kỹ năng sống, có điều kiện trải nghiệm xã hội… để đem sức lực phục vụ Tổ quốc và nhân dân.
Tham gia môi trường quân ngũ không chỉ có điều kiện tốt để rèn luyện ý chí, kỷ luật mà còn có một thể lực khỏe mạnh nhờ việc tập thể dục thể thao so với việc thức khuya dậy sớm do lạm dụng điện thoại, mạng xã hội hại cho sức khỏe. Từ môi trường kỷ luật, thanh niên sẽ sống trong nề nếp có nguyên tắc. Điều này làm giảm bớt một phần tính cách xuề xòa, không gọn gàng hiện tại của bản thân. Trong quá trình tham gia quân ngũ, tư duy và cách suy nghĩ của thanh niên chắc chắn sẽ thay đổi theo hướng tích cực và trưởng thành hơn, từ đó họ sẽ biết lựa chọn cho mình một lối đi riêng, một kế hoạch sau khi xuất ngũ. Đối với những người chưa có công việc ổn định thì sau khi xuất ngũ họ sẽ được tạo điều kiện học nghề, tìm kiếm việc làm. Điều này cũng làm giảm bớt tình trạng thất nghiệp trong xã hội…
Những giải pháp đồng bộ nâng cao ý thức của công dân
Nâng cao ý thức công dân của thanh niên trong thực hiện nghĩa vụ quân sự đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương cơ sở cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thanh niên các địa phương chủ động nhập ngũ
Theo đó, các chủ thể như: Cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đặc biệt là Đoàn thanh niên, gia đình, nhà trường cần nâng cao nhận thức, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, xác định đúng vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động thanh niên chủ động, tự giác nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên quán triệt và làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đặc biệt là luật nghĩa vụ quân sự phù hợp với đặc điểm, trình độ nhận thức của thanh niên, chú trọng đối tượng thanh niên trong độ tuổi gọi nhập ngũ. Coi trọng công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cho thanh niên, với nhiều nội dung, hình thức, phong phú, đa dạng, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung giáo dục cho thanh niên về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, truyền thống hào hùng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam, của lực lượng vũ trang và truyền thống của nền văn hóa nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Kết hợp các hình thức như: Nói chuyện truyền thống, gặp gỡ động viên, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa địa..., qua đó giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng động cơ, trách nhiệm công dân, khơi dậy trong mỗi thanh niên sự tôn kính, niềm kiêu hãnh, tự hào về truyền thống đánh giặc, giữ nước của các thế hệ cha ông, từng bước bồi đắp tình cảm, ý chí, củng cố niềm tin, trách nhiệm của mỗi họ trong thực hiện nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc.
Hai là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở địa phương, tạo điều kiện để nâng cao ý thức công dân của thanh niên trong thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Thực hiện tốt biện pháp này, các chủ thể cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của môi trường văn hoá đối với nâng cao ý thức công dân của thanh niên trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Coi trọng xây dựng môi trường văn hóa trên địa bàn từng địa phương với những giá trị đặc trưng, vừa mang đậm nét bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, như: Yêu nước, nhân văn, dân chủ, đoàn kết, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ...; vừa mang những giá trị đặc thù của văn hoá vùng miền. Không ngừng trùng tu, sửa chữa, nâng cấp những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở các địa phương; chú trọng bảo tồn, phát triển những ấn phẩm văn hoá truyền thống của dân tộc. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, xây dựng hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể ở địa phương vững mạnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thi đua xung kích, các phong trào tình nguyện ở địa phương. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, đoàn thể, đề cao tự phê bình và phê bình; phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, tính tiền phong gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong từng cơ quan, đơn vị trên từng địa bàn.
Đẩy mạnh công tác đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm cướp giật tài sản, sử dụng ma túy, mại dâm. Tập trung phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho thanh niên. Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, nêu gương người tốt, việc tốt; đồng thời đấu tranh, lên án những biểu hiện, hành vi tiêu cực, sai trái tạo bầu không khí dân chủ, vui tươi, gần gũi, chân thành để thanh niên thực sự thoải mái, yên tâm phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thành nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật.
Ba là, hoàn thiện chính sách pháp luật về nghĩa vụ quân sự và thực hiện đúng, đủ chế độ, chính sách đối với thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Theo đó, trước hết cần rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nghĩa vụ quân sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, đặc biệt là xu thế hợp tác, hội nhập quốc tế và yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Có cơ chế bảo đảm hài hoà giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa cống hiến và hưởng thụ của công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự; đồng thời hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ, thuận tiện cho các địa phương trong cả nước.
Quán triệt và thực hiện đúng, đủ chế độ, chính sách đối với thanh niên trong quá trình đăng ký, khám tuyển nghĩa vụ quân sự, thanh niên tại ngũ và xuất ngũ. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể các cấp đặc biệt là cấp xã, phường, thị trấn ở các địa phương cần làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để nắm bắt, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng đối tượng thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trên địa bàn. Tập trung rà soát, quán triệt, thực hiện đúng, đủ chế độ, chính sách đối với thanh niên trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, phát lệnh gọi, nhập ngũ, tại ngũ và xuất ngũ. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện, kịp thời phát hiện những hành vi tiêu cực, trục lợi, làm sai, thực hiện không đúng, đủ các chế độ, chính sách trong thực hiện nghĩa vụ quân sự của thanh niên, qua đó, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, trốn tránh Luật nghĩa vụ quân sự.
Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của mỗi thanh niên ở các địa phương trên địa bàn cả nước trong thực hiện nghĩa vụ quân sự hiện nay.
Mỗi thanh niên cần nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò là những chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhận thức đúng đắn quyền, nghĩa vụ của bản thân đối với Tổ quốc, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện nghĩa vụ quân sự,... Từ đó nêu cao tính tự thân, tích cực, chủ động, tự giác trong tiếp nhận sự tuyên truyền, giáo dục, vận động của các chủ thể; chủ động, tích cực, sáng tạo trong quá trình tự học tập, tự rèn luyện, tự nâng cao trình độ tri thức về chuyên môn, nghiệp vụ, các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để phát huy được tính tích cực, chủ động, tự giác của thanh niên trong thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với đất nước, cần có sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương trong cả nước; đặc biệt là vai trò của Đoàn thanh niên, gia đình, nhà trường trong chăm lo giáo dục, đào tạo và tổ chức vận động thanh niên. Đây là việc làm vô cùng cần thiết nhằm tạo nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng, bồi dưỡng và phát triển thế hệ cách mạng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét