Trước sự phát triển và hiệu quả tác chiến của một số loại vũ khí hiện đại tại các cuộc xung đột gần đây trên thế giới, một số người lại tiếp tục cổ súy thuyết “vũ khí luận”, tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí công nghệ cao; đồng thời, hạ thấp vai trò của con người, phủ nhận đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng. Đây là những luận điệu không mới, song rất nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta phải đề cao cảnh giác và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu làm rõ một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Phòng không nhân dân (tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV). Ảnh: qdnd.vn |
Chúng ta biết, vũ khí công nghệ cao được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo dựa trên những tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, như: vũ khí hủy diệt lớn, vũ khí năng lượng định hướng, vũ khí chùm tia, laze, chùm hạt, điện từ và vũ khí mềm, v.v. Các vũ khí này có đặc điểm nổi bật là độ chính xác cao, uy lực lớn, hoạt động ở tầm xa; nếu sử dụng một cách hợp lý sẽ đạt hiệu quả tác chiến cao gấp nhiều lần so với vũ khí thông thường. Một số loại vũ khí công nghệ cao còn được gọi là vũ khí thông minh, có khả năng nhận biết địa hình, ghi nhớ tọa độ và tự động tìm kiếm, lựa chọn và tiêu diệt mục tiêu, v.v. Tuy nhiên, do đều có nguồn gốc từ các loại vũ khí thông thường, hoạt động theo quy luật nhất định và phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố (địa hình, thời tiết, trình độ của người sử dụng,...).
Sự xuất hiện của các loại vũ khí công nghệ cao không chỉ dẫn đến nhiều vấn đề lý luận mới trong chiến tranh, như: chiến lược tác chiến chiều sâu, chiến tranh bằng tiến công hỏa lực, làm mờ đi ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương, không gian chiến tranh mở rộng, không còn nơi nào là hoàn toàn an toàn…; mà sự ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực quân sự hiện nay còn làm xuất hiện những công cụ chiến tranh mới (trí tuệ nhân tạo, rô bốt, công nghệ hóa sinh, công nghệ na nô...), môi trường tác chiến mới (không gian mạng), kéo theo đó là sự ra đời của các loại hình chiến tranh và phương thức tác chiến mới, làm gia tăng tính “phi đối xứng”, “phi tiếp xúc”, tạo tính đột biến, thay đổi cục diện chiến trường.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ quân sự, những cuộc thử nghiệm, công bố các loại vũ khí mới của một số quốc gia và viện dẫn về tình hình thế giới gần đây, nhất là những diễn biến phức tạp của cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông ngày một lan rộng, cũng như xung đột giữa Nga - Ukraine đang diễn ra ác liệt,… một số người đã tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí, đề cao thuyết “vũ khí luận”, coi nhẹ nhân tố con người trong chiến tranh. Họ cho rằng, một nước nhỏ có thể chống lại một nước lớn nếu có vũ khí công nghệ cao; hay, chỉ khi được trang bị vũ khí công nghệ cao mới có thể giành được chiến thắng trong chiến tranh hiện đại. Từ đó, họ hồ đồ kết luận: ngày nay, thắng hay thua trên chiến trường là do vũ khí công nghệ cao quyết định và đưa ra những quan điểm có tính chất phủ nhận đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của Đảng. Theo họ, để bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước không cần phải chi nhiều tiền của, công sức cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, cũng như các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố làm gì, vì như thế là “dàn trải”, “không phù hợp”, “không có sức mạnh để chế áp kẻ thù”, “làm cho đất nước suy yếu”. Họ còn đưa ra các yêu sách đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta nên dùng các khoản ngân sách chi cho quốc phòng, an ninh để mua sắm các loại vũ khí công nghệ cao,… và sớm phải có vũ khí hạt nhân nhằm răn đe kẻ thù, coi đó là biện pháp quyết định trong thực hiện mục tiêu chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, v.v.
Những luận điệu nêu trên cho thấy, hoặc là họ không nhận thức đầy đủ hoặc “cố tình” không hiểu về mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố con người (giữ vai trò quyết định) và vũ khí (giữ vai trò quan trọng); cũng như tác dụng, giá trị và ý nghĩa của đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân và xây dựng “thế trận lòng dân” của Đảng, Nhà nước ta. Và dù là “vô tình” hay cố ý thì những luận điệu này là hoàn toàn sai trái, không có cơ sở khoa học và không thể chấp nhận được.
Trước hết, chúng ta không phủ nhận vai trò và hiệu quả tác chiến của vũ khí công nghệ cao trong chiến tranh, song cho dù vũ khí có tiên tiến đến đâu thì cũng do con người chế tạo ra và sử dụng nó. Do vậy, con người vẫn là nhân tố quyết định trong chiến tranh. Đây là sự thật hiển nhiên, được cả lý luận và thực tiễn minh chứng.
Về lý luận, theo V.I. Lênin - lãnh tụ vĩ đại của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, người đã cùng Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga giải quyết thành công hàng loạt vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức, xây dựng và lãnh đạo Hồng quân, đã chỉ rõ: Con người mới là nguồn gốc thắng lợi của mọi cuộc chiến tranh chứ không phải vũ khí là quyết định. V.I. Lênin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”. Trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, mối quan hệ giữa con người và vũ khí là mối quan hệ biện chứng, có tác động qua lại lẫn nhau để làm nên chiến thắng; trong đó, con người luôn giữ vai trò quyết định, còn vũ khí là yếu tố quan trọng, cần thiết - “người trước, súng sau”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân khí mạnh thì vũ khí nào cũng không chống nổi”. “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng” và “không thể cậy vũ khí mà có thể quyết định được thắng lợi. Phải xem những người cầm vũ khí có phải là những chiến sĩ hăng hái đánh trận không”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người trực tiếp chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ trên chiến trường Việt Nam, bằng trải nghiệm thực tiễn cũng khẳng định: “Vũ khí là cần, nhưng quan trọng hơn là con người vác súng”.
Về thực tiễn, lịch sử truyền thống hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã khẳng định rõ vai trò quyết định của con người trong chiến tranh. Thực tế hầu hết các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược trong các triều đại phong kiến Việt Nam đều có một đặc điểm chung là tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch hết sức chênh lệch. Ta là một nước nhỏ, mọi tiềm lực đều có hạn; trái lại, các đế chế phương Bắc có khả năng huy động nguồn lực ưu thế hơn hẳn ta cả về quân số, trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh và có nguồn bổ sung to lớn. Nhưng với ý chí của một dân tộc không biết khuất phục trước mọi kẻ thù, bằng nghệ thuật quân sự độc đáo “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, các thế hệ người Việt đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Vậy, tại sao một nước nhỏ, tại sao một đội quân không đông mà đánh tan những đạo quân viễn chinh khổng lồ, hiếu chiến? Đó là, do ta đã biết phát huy sức mạnh của con người, đoàn kết một lòng, toàn dân đánh giặc, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đây chính là bằng chứng cho thấy vai trò quyết định của con người chứ không phải vũ khí trong chiến tranh của dân tộc Việt Nam.
Trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã luôn giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa con người và vũ khí, đề ra đường lối chiến tranh nhân dân, tiến hành kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, lãnh đạo quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù được Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ về quân sự, song trình độ vũ khí trang bị của Quân đội ta vẫn lạc hậu so với các phương tiện chiến tranh tối tân của đế quốc Mỹ. Xét về trình độ khoa học và công nghệ vào thời điểm đó, nước Mỹ có tiềm lực khoa học, công nghệ lớn và quân đội được trang bị hiện đại nhất thế giới tư bản. Hầu hết các loại vũ khí hiện đại của quân đội Mỹ đều được sử dụng tham chiến tại chiến trường miền Nam. Nhưng với truyền thống yêu nước, ý chí quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, toàn dân đoàn kết thống nhất đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhìn lại hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cho thấy, một trong những sai lầm của những người vạch kế hoạch chiến tranh ở Pháp là đã đánh giá thấp Việt Minh, họ cho rằng Việt Minh chỉ là những người du kích nông dân. Còn người Mỹ lại xem Việt Cộng chỉ là đội quân được trang bị vũ khí lạc hậu. Tóm lại, cả người Pháp và Mỹ đều có chung quan điểm coi ưu thế của khoa học, công nghệ quyết định tất cả - đó là sai lầm về chiến lược. Bởi vì, “Ở Việt Nam, không phải vũ khí mà là con người quyết định kết quả chiến đấu. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc đối đầu với các đội quân xâm lược được trang bị hiện đại nhất thế giới” và “Bí quyết thắng lợi thần kỳ của nhân dân Việt Nam không phải là nằm trong các điều kiện hoàn cảnh ngoài như viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa mà nằm trong nhân tố nội tại - con người”. Nhà sử học người Anh Nigel Cawthorne, sau nhiều năm nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đã khẳng định: “Nước Mỹ buộc phải chấp nhận một điều rằng dù với tất cả sức mạnh và sự ưu việt về kỹ thuật của mình, họ vẫn không thể đánh bại một đối thủ tuy nhỏ bé nhưng đầy quyết tâm”.
Mong muốn có vũ khí công nghệ cao để bảo vệ vững chắc Tổ quốc là điều tốt, nhưng không phải cứ muốn là làm ngay được. Hơn thế, xét đến cùng, vũ khí công nghệ cao dù hiện đại đến đâu, thì hiệu quả về sức mạnh vẫn phải do con người sử dụng nó. Con người mới là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, còn vũ khí, trang bị tốt sẽ góp phần nâng cao hiệu quả tác chiến; nó không thể quyết định thắng lợi; không thể thay thế vai trò của con người. Do vậy, tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí công nghệ cao, phủ nhận sức mạnh của con người là hoàn toàn sai trái, cần phải phê phán, bác bỏ.
Hai là, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc là đúng đắn, sáng tạo và là vấn đề không thể đảo ngược; mọi luận điệu suy diễn chủ quan từ thuyết “vũ khí luận” để phủ nhận đường lối quan trọng này của Đảng là không thể chấp nhận được. Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc cho thấy, tư tưởng cơ bản, bao trùm nhất của tổ tiên ta là “Giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Ngày nay, để bảo vệ Tổ quốc, Đảng kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân9, chiến tranh nhân dân. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới, thì nội dung này càng trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Cho dù các thế lực thù địch luôn cho rằng chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao mà xác định đường lối đó là lỗi thời, lạc hậu, thì với ta xây dựng một nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, một cuộc chiến tranh nhân dân đích thực thì không một thế lực nào có thể đánh bại được.
Đảng xác định, phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân toàn diện, vững mạnh ngay từ thời bình, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh. Nền quốc phòng này không chỉ hiện đại, mà còn phát huy tối đa các giá trị truyền thống và cốt cách văn hóa Việt Nam, kết hợp sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại tạo sức mạnh tổng hợp cao, khả năng đề kháng mạnh mẽ, sẵn sàng triệt tiêu các nguy cơ từ bên trong có thể gây đột biến và cũng là phương án hiệu quả nhất để ngăn chặn, đẩy lùi mọi nguy cơ xung đột và chiến tranh (kể cả trong bối cảnh chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao). Thực tiễn một số cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra cho thấy, cùng với những ưu điểm trong tác chiến của vũ khí công nghệ cao, thì việc chi phí cho chế tạo, sản xuất các loại vũ khí này là rất lớn. Trong khi đó, với chiến trường rộng lớn của chiến tranh nhân dân Việt Nam, vũ khí công nghệ cao dù có uy lực mạnh, nhưng địch cũng không thể có đủ số lượng để tiến công và phá hủy tất cả mục tiêu trên khắp đất nước ta. Cùng với đó, chiến thắng trên chiến trường chỉ có thể quyết định thông qua hành động trên bộ, thì với thế trận chiến tranh nhân dân - mỗi người dân Việt Nam là một người lính, mỗi làng xã là một pháo đài, nếu địch tiến công trên bộ, đây chính là lúc thế trận chiến tranh nhân dân (dựa trên nền tảng quốc phòng toàn dân xây dựng vững chắc từ thời bình) sẽ phát huy hiệu quả cao nhất, buộc mọi kẻ thù xâm lược bị sa lầy, dẫn tới thất bại.
Với quan điểm chiến lược nhất quán, xuyên suốt, Đảng, Nhà nước ta đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, chủ động xây dựng nền quốc phòng toàn dân toàn diện, vững chắc, ngày càng hiện đại để bảo vệ Tổ quốc sẽ luôn là chủ trương hoàn toàn đúng đắn; phản ánh khả năng tự lực, khôn khéo trong chiến lược quốc phòng, biểu hiện ý chí và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Những luận điệu cho rằng xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện tác chiến hiện đại là sai lầm, thì thực sự những người nêu ra quan điểm này mới là những người mắc sai lầm. Bởi lẽ, con người luôn là nhân tố quyết định trong chiến tranh và việc xây dựng một nền quốc phòng toàn dân để tiến hành chiến tranh nhân dân chính là phát huy sức mạnh nhân tố con người trong bảo vệ Tổ quốc./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét