Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay
Cán bộ là “gốc” của mọi công việc, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Hiện nay, trước bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ các nhà trường Quân đội nói riêng phải tích cực đóng góp cho quá trình đó. Vì vậy, nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ này là nội dung quan trọng, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài.
Từ thực tiễn cho thấy, môi trường quốc tế luôn có sự đan xen giữa hợp tác và cạnh tranh, cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Để làm việc trong môi trường quốc tế, đòi hỏi đội ngũ cán bộ nói chung, trong các nhà trường Quân đội nói riêng không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, mà cần có đủ năng lực, tư duy, thậm chí phải có năng lực, tư duy vượt trội trên các mặt, nhất là năng lực chuyên môn, trình độ học vấn, lý luận chính trị, vốn văn hóa, sự trải nghiệm, v.v...
Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ động, tăng cường hợp tác và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, những năm qua, các nhà trường Quân đội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác này, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học,... đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ trong môi trường quốc tế được chú trọng với nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt kết quả toàn diện. Trên thực tế, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên về hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng và sự cần thiết phải nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế có nhiều chuyển biến tích cực; công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được quan tâm; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ và tiến trình hiện đại hóa Quân đội.
Trước xu thế hội nhập quốc tế nói chung, trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng diễn ra sâu rộng, Bộ Quốc phòng đã cử nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ các nhà trường Quân đội tham gia hoạt động hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng trên các lĩnh vực, như: giáo dục và đào tạo, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, giao lưu sĩ quan trẻ với quân đội các nước, giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới, tuần tra chung, trao đổi đoàn,… qua đó tăng cường giao lưu, học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm của quân đội các nước. Đáng chú ý là một số cán bộ các nhà trường Quân đội đã phát huy tính năng động, sáng tạo khi hoạt động ở môi trường quốc tế, nhất là trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học,... thực sự trở thành những “đại sứ” của đất nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế.
Tuy vậy, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, trình độ tin học, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp còn hạn chế. Cá biệt, có đồng chí được đào tạo cơ bản ở nước ngoài nhưng thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện, biểu hiện nhận thức chưa thật đầy đủ,... trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế, đối ngoại về quốc phòng đang đặt ra cấp thiết. Điều đó đòi hỏi các nhà trường Quân đội cần tập trung nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho đội ngũ cán bộ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Với tinh thần đó, chúng tôi đề xuất một số nội dung, giải pháp chủ yếu về vấn đề trên để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Một là, thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội khi làm việc trong môi trường quốc tế. Để thực hiện tốt nội dung này đòi hỏi cơ quan chủ quản và mỗi nhà trường cần đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trọng tâm là các nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, về công tác giáo dục và đào tạo, về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Qua đó, làm cho cấp ủy, chỉ huy các cấp và đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục,... hiểu rõ sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm trong học tập, nghiên cứu, hình thành đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Nội dung giáo dục phải toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào quan điểm, đường lối của Đảng, công tác đối ngoại quốc phòng, hợp tác về giáo dục và đào tạo; yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là yêu cầu cao khi làm việc trong môi trường quốc tế; những chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hiểu biết luật pháp quốc tế, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, tin học, v.v. Hình thức, biện pháp quán triệt, giáo dục cần phong phú, đa dạng, sát với từng đối tượng, thông qua sinh hoạt, tọa đàm, hội nghị, hội thảo khoa học, tập huấn, học tập chuyên đề, giao lưu sĩ quan trẻ, v.v.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, hướng dẫn của cơ quan chức năng. Trong môi trường quốc tế mọi hoạt động, tương tác thường gắn với một hoặc nhiều đối tượng đến từ các quốc gia khác nhau, có sự khác biệt với chúng ta về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, tri thức quân sự,… mọi biểu hiện non kém về phẩm chất, năng lực hoặc tri thức quân sự, kiến thức xã hội,… đều có thể dẫn tới những hệ lụy xấu. Vì vậy, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, hướng dẫn cơ quan chức năng đối với nội dung quan trọng này theo hướng tất cả các nội dung liên quan đến đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế đều phải do cấp ủy các cấp quyết định theo đúng thẩm quyền, mọi cá nhân và tổ chức trong đơn vị phải triệt để chấp hành. Để làm được điều đó, các nhà trường cần xác định khâu đột phá với nội dung, giải pháp toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; chỉ rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, bước đi phù hợp, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, chú trọng khắc phục dứt điểm khâu yếu, mặt yếu. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp cần phân công, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, nhất là những cán bộ được lựa chọn, đào tạo để tham gia các hoạt động đối ngoại quốc phòng, đi đào tạo ở nước ngoài, tham gia giảng dạy học viên quốc tế, v.v. Quá trình thực hiện, cơ quan chức năng phải phát huy vai trò hướng dẫn, xây dựng kế hoạch cụ thể, khoa học, triển khai kịp thời, đúng lộ trình đã xác định, đạt hiệu quả cao. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; ngăn ngừa, đấu tranh khắc phục biểu hiện buông lỏng sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, dẫn đến hiệu quả không cao.
Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ ở các nhà trường Quân đội. Làm việc trong môi trường quốc tế là vấn đề không mới nhưng sẽ gặp không ít khó khăn, phức tạp với yêu cầu và sự cẩn trọng rất cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải được chuẩn bị chu đáo cả về trình độ, năng lực và phương pháp. Vì vậy, các nhà trường cần kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cá nhân; từ đó, nghiên cứu, xác định nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm tính khả thi, cơ bản, hệ thống, toàn diện, thiết thực, tích hợp, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của Quân đội và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, kiến thức quân sự chuyên sâu, để hình thành đội ngũ cán bộ có tư duy, tầm nhìn chiến lược, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, tự tin trong giao tiếp; có kiến thức sâu rộng về pháp luật, thông lệ và đời sống chính trị quốc tế, nhất là về mối quan hệ giữa các quốc gia; am hiểu văn hóa, xã hội, lịch sử, phong tục,… của các nước; có kỹ năng giao tiếp, ứng xử tinh tế, cẩn trọng, đúng nghi thức ngoại giao; có năng lực ngoại ngữ, tin học vượt trội, có tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, v.v. Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, chuyên sâu; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo chính quy với bồi dưỡng tại chức, lấy đào tạo cơ bản, dài hạn theo chương trình hiện đại, tiên tiến làm chủ yếu; cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, người đi trước bồi dưỡng người đi sau, v.v.
Để biến quá trình “đào tạo” thành “tự đào tạo”, đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội phải xác định rõ trách nhiệm bản thân, tự giác học tập, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt yêu cầu khi làm việc trong môi trường quốc tế. Từng người ý thức rõ vị trí, yêu cầu, nắm chắc chức trách, nhiệm vụ; thấy rõ mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ với trình độ của bản thân để không ngừng nâng cao năng lực toàn diện, nhất là “kỹ năng mềm” khi làm việc trong môi trường quốc tế. Thường xuyên tích lũy và đúc kết kinh nghiệm trong công việc, nâng cao năng lực tư duy và khả năng nắm bắt, tiếp cận tri thức mới và kỹ năng làm việc, đặc biệt là khả năng xử lý, ứng phó với các tình huống “nhạy cảm” và những vấn đề ở tầm quốc tế, v.v.
Bốn là, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội tham gia hoạt động trong môi trường quốc tế. Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, các nhà trường Quân đội cần tăng cường hoạt động giao lưu, trao đổi, phối hợp, liên kết với các cơ sở giáo dục và đào tạo trong và ngoài nước, nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác đào tạo với các nước có nền khoa học, kỹ thuật, công nghệ quân sự tiên tiến, hiện đại. Tăng cường đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng trung tâm ngoại ngữ, tin học có đủ năng lực bồi dưỡng, đánh giá năng lực theo chuẩn quốc gia và quốc tế để tiến tới đầu tư xây dựng một số nhà trường theo mô hình trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ngang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ưu tiên giao các đề tài, nhiệm vụ khoa học, khuyến khích đội ngũ cán bộ có nhiều công bố khoa học quốc tế, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy đổi mới sáng tạo; tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét