Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

 SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI MỘT CÁCH ĐÚNG ĐẮN

Mạng xã hội có nhiều lợi ích không thể phủ nhận nhưng cũng gây ra nhiều tác hại và hệ lụy, đòi hỏi chúng ta phải là những người sử dụng thông thái, biết "gạn đục, khơi trong."

Trong thời đại hiện nay, mạng xã hội đang là xu thế và ngày càng được nhiều người sử dụng, nhất là lớp trẻ. Nhiều mạng xã hội đang hoạt động song đặc tính chung của chúng là người dùng tự cung cấp nội dung, ý tưởng và chia sẻ rộng rãi trên internet.

Mạng xã hội có nhiều lợi ích, trong đó có việc giúp chúng ta nhanh chóng cập nhật tin tức đời sống xã hội; kết nối một cách thuận tiện và không tốn kém các mối quan hệ khi chúng ta không thể gặp gỡ trực tiếp người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác…; nâng cao kỹ năng sống và sự hiểu biết về mọi lĩnh vực; cảnh báo mọi người để tránh được nhiều hiểm họa trong cuộc sống, nâng cao tinh thần cảnh giác.

Song mạng xã hội cũng gây ra nhiều tác hại và hệ lụy mà nguy hiểm nhất là làm trì trệ các hoạt động sống của con người (ăn, ngủ, nghỉ, làm việc); gây tâm trạng tiêu cực khi chúng ta tiếp nhận nhiều thông tin xấu; lấy mất quá nhiều thời gian khi chúng ta lướt web, chơi game, "chém gió" thiếu kiểm soát; tạo ra nguy cơ tiếp xúc với các nguồn tin lá cải không chính xác, không được kiểm chứng, nhằm mục đích câu "view" câu "like."

Ngoài ra, mạng xã hội là nơi hoàn hảo để những người "ngáo" quyền lực thể hiện bản thân. Việc thể hiện bản thân quá đà lại nhận được sự cổ vũ của "cư dân mạng" trong thời gian dài sẽ dẫn đến con người ta lẫn lộn giữa đời thực và thế giới ảo, hoang tưởng về quyền lực, vượt ra khỏi ranh giới đạo đức, có thể phải đối mặt với bản án hình sự.

Có những vấn đề phức tạp, khiến người dùng mạng xã hội thiếu tỉnh táo không biết đâu là được phép, đâu là điều cấm kỵ. Do đó, người sử dụng mạng xã hội phải thực sự chú ý và được trang bị những kiến thức cần thiết để bảo đảm rằng mình sử dụng không gian mạng có trách nhiệm, không vi phạm quy định của pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật An ninh mạng và vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Theo Nghị định 15, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân là 100 triệu đồng. Hành vi lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị phạt 50-70 triệu đồng.

Mức phạt 50-70 triệu đồng cũng được áp dụng đối với hành vi cung cấp thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Luật pháp, các quy định, quy tắc ứng xử về mạng xã hội chỉ phát huy tác dụng khi chúng ta là những người sử dụng thông thái, biết "gạn đục, khơi trong"./.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét