Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Xây dựng, phát huy vai trò của các khu kinh tế - quốc phòng ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo

Xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước. Những năm gần đây, các khu kinh tế này đã và đang phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh trên các địa bàn chiến lược của Tổ quốc. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với các cấp, các ngành, Quân đội, địa phương phải chung tay xây dựng, phát huy vai trò của các khu kinh tế - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thực hiện Quyết định số 277/2000/QĐ-TTg, ngày 31/3/2000, Quyết định số 43/2002/QĐ-TTg, ngày 21/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt bổ sung Đề án quy hoạch tổng thể các khu các khu kinh tế - quốc phòng; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; Quyết định số 49/QĐ-TTg, ngày 24/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch các khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2025 và các văn bản pháp quy khác có liên quan, đến nay, Quân đội mà trực tiếp là các đoàn kinh tế - quốc phòng đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, góp phần kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, tạo nên diện mạo, thế và lực mới cả về chính trị, kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo.

Các đoàn kinh tế - quốc phòng chủ động phối hợp với địa phương tiến hành khảo sát, quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; kết hợp tổ chức, bố trí lại dân cư trên địa bàn, từng bước hình thành các thôn, bản, điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, địa bàn xung yếu, tạo hành lang bảo vệ chủ quyền quốc gia. Trên hướng biển, đảo, những năm gần đây, Đảng ta chủ trương phát triển khu kinh tế - quốc phòng trên vùng biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền nơi đây; nhiều đoàn kinh tế - quốc phòng ra đời làm nhiệm vụ khai thác, chế biến hải sản và là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, nuôi trồng thủy, hải sản. Tại các khu, đoàn kinh tế - quốc phòng đã triển khai chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xóa đói, giảm nghèo giúp nhân dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, khắc phục tình trạng di cư tự do. Đến nay, các khu kinh tế - quốc phòng đã đỡ đầu, đón hơn 100.000 hộ dân vào sinh sống; hình thành hơn 500 thôn, bản, điểm dân cư tập trung mới với 32.000 hộ dân. Cùng với đó, các đoàn kinh tế - quốc phòng thực hiện tốt chương trình quân, dân y kết hợp, tổ chức khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân; phối hợp chặt chẽ với địa phương, Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở và thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc. Từ năm 1999 đến nay, Bộ đội Biên phòng tăng cường hàng nghìn cán bộ cho các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh biên giới, trở thành chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho chính quyền địa phương khu vực biên giới trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở cơ sở.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, quá trình xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng cũng còn những hạn chế nhất định nên chưa phát huy hết vai trò trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Tiến độ xây dựng một số dự án khu kinh tế - quốc phòng còn chậm so với quy hoạch đã được phê duyệt; cơ cấu phân bổ vốn đầu tư một số dự án chưa thật hợp lý, chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng. Một số mô hình sản xuất, chế biến mới được triển khai thực hiện, nên còn lúng túng, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh. Việc thực hiện mục tiêu giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở một số khu kinh tế - quốc phòng vùng biên giới hiệu quả chưa cao, v.v.

Để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, hạn chế, đẩy nhanh tốc độ xây dựng và phát huy vai trò của các khu kinh tế - quốc phòng ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo trong thời gian tới, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể, quan tâm hơn nữa phân bổ ngân sách, vốn đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng. Trên cơ sở xác định địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, chi tiết các khu kinh tế - quốc phòng, trên cơ sở khảo sát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và các nguồn lực phát triển dự án. Tiến hành đánh giá đúng hiệu quả của từng chương trình, dự án đã và đang thực hiện; kiên quyết chấn chỉnh, tạm dừng hoặc loại bỏ những dự án chưa đủ luận chứng kinh tế kỹ thuật, hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh không cao. Nguồn vốn cho đầu tư xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng ngoài nguồn cấp từ ngân sách Nhà nước còn có thể huy động từ nguồn xã hội hóa, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngân hàng chính sách trên địa bàn, tiết kiệm của nhân dân và vốn đầu tư các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phủ xanh đất trống, đồi trọc của Chính phủ. Việc phê duyệt và giải ngân cho các dự án phải được tiến hành trên cơ sở chế độ quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và khả năng nguồn vốn huy động. Cần tập trung nguồn vốn để giải quyết dứt điểm các dự án được Chính phủ và Bộ Quốc phòng phê duyệt, tránh tình trạng đầu tư nhỏ giọt, dàn trải; khắc phục vấn đề thiếu vốn, chờ vốn, kéo dài thời gian hoàn thành dự án. Trên các địa bàn dân cư, thành lập các hội, quỹ tín dụng nhân dân do đoàn kinh tế - quốc phòng hay chính quyền địa phương quản lý để huy động nguồn vốn nhàn rỗi đầu tư cho quá trình phát triển. Thông qua các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát tiến độ, hiệu quả các hạng mục công trình; uốn nắn và xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của khu kinh tế - quốc phòng.

Hai là, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi cho các đoàn kinh tế - quốc phòng làm các dự án vừa và nhỏ gắn với địa bàn sản xuất, hỗ trợ hoạt động sản xuất tại địa phương. Nhà nước và Bộ Quốc phòng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý, ban hành kịp thời các chính sách đối với nhiệm vụ xây dựng và phát huy các khu kinh tế - quốc phòng. Các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện chính sách quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của khu kinh tế - quốc phòng giúp cho các đoàn kinh tế - quốc phòng hoạt động theo đúng khuôn khổ của pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng và mang lại hiệu quả cao. Bởi vì, từ chức năng quản lý và công cụ quản lý vĩ mô thông qua hệ thống pháp luật Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho các đoàn kinh tế - quốc phòng triển khai thực hiện nhiệm vụ; khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh, tổ chức quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, quy hoạch dân cư theo yêu cầu của sản xuất và quốc phòng, an ninh cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, cần hoàn thiện thủ tục pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn kinh tế - quốc phòng hoạt động, nhất là chính sách về đất đai. Cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng kết nối với các cơ quan liên quan của Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các dự án, chương trình, mục tiêu quốc gia, khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư; xây dựng vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, đưa chương trình, dự án vào các đoàn kinh tế - quốc phòng sao cho thiết thực, hiệu quả. Kết hợp hoạt động kinh tế với hoạt động quốc phòng một cách sáng tạo, linh hoạt, sẵn sàng chuyển trạng thái khi cần thiết để bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Ba là, tiếp tục xây dựng, phát triển mô hình các đoàn kinh tế - quốc phòng phù hợp với đặc điểm từng địa bàn. Theo đó, có thể thực hiện theo hình thức đoàn kinh tế - quốc phòng không tổ chức sản xuất tập trung và đoàn kinh tế - quốc phòng sản xuất tập trung. Đối với hình thức không tổ chức sản xuất tập trung, cần thực hiện tốt hơn nữa mô hình làm dịch vụ hai đầu cho dân. Mỗi đoàn phải có ít nhất 1 xí nghiệp chế biến, cung cấp giống làm dịch vụ sản xuất, nhằm tăng cường hiệu quả hỗ trợ kinh tế hộ gia đình; gắn kết các đầu mối theo mô hình đoàn kinh tế - quốc phòng + nhà khoa học + doanh nghiệp + hộ dân. Hiện nay, đã có một số mô hình triển khai thực hiện tốt, như: mô hình cho dân vay bò sinh sản của Đoàn B27/Quân khu 3; mô hình doanh nghiệp dịch vụ hai đầu ở Đoàn kinh tế - quốc phòng Tân Hồng (Đồng Tháp); mô hình trồng cây ăn quả của Đoàn B38/Quân khu 1. Đối với hình thức sản xuất tập trung, từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, thông qua đẩy nhanh tiến độ khoán đất nông nghiệp, đất rừng, tổ chức tổ đánh bắt thủy sản, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác kinh tế, dần chuyển đổi thành đơn vị hỗ trợ sản xuất, quản lý vốn đầu tư và có kế hoạch hoàn trả cho ngân hàng.

Bốn là, tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương tại địa bàn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức hoạt động và quan tâm bố trí nguồn nhân lực trong các đoàn kinh tế - quốc phòng. Xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng là để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân địa phương gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Để hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu của từng dự án, các đoàn kinh tế - quốc phòng cần chủ động kết hợp chặt chẽ với địa phương nơi đứng chân  nhằm hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết, như: hộ khẩu, hộ tịch, quản lý, thành lập khu vực hành chính, tham gia xây dựng hệ thống điện - đường - trường - trạm - chợ, các vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng; vấn đề quy hoạch đất đai, giao đất, giao rừng, cơ chế huy động vốn, huy động lực lượng, sắp xếp bố trí lại dân cư. Mặt khác, sự phối hợp đó còn để tiến hành điều tra, khảo sát về đất đai, khí hậu, dân cư, huy động nguồn lực địa phương, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình phát triển. Cùng với đó, cần lựa chọn nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý, cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật vừa có kiến thức quân sự, vừa có kiến thức kinh tế, gắn bó với nhiệm vụ, với đơn vị; thường xuyên đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc; nghiên cứu, am hiểu phong tục, tập quán, tiếng dân tộc, thực hiện “trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm”. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ phù hợp để cán bộ, chiến sĩ, nhân viên các khu kinh tế - quốc phòng yên tâm, gắn bó lâu dài với vùng đất biên giới, biển, đảo. Nghiên cứu, áp dụng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các gia đình quân nhân, đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện nếu có nguyện vọng ở lại sinh sống tại địa bàn.

Tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của các khu kinh tế - quốc phòng là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo trong tình hình mới. Bởi vậy, cần có chủ trương, giải pháp phù hợp để phát huy vai trò các khu kinh tế này, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét