Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

Một số vấn đề về phong cách dân chủ, tập thể cho đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay

Dân chủ, tập thể là giá trị nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh và là một nguyên tắc lãnh đạo cơ bản của Đảng ta. Trong giai đoạn hiện nay, bồi dưỡng phong cách lãnh đạo dân chủ, tập thể cho đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở trong Quân đội là vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở của Quân đội là lực lượng giữ vai trò chủ trì về công tác đảng, công tác chính trị; trực tiếp tổ chức quán triệt, triển khai cho đơn vị thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp ủy, chỉ huy các cấp và các nhiệm vụ được giao. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân thường xuyên quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ sở có năng lực lãnh đạo, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là phong cách dân chủ, tập thể. Nhiều gương cán bộ chính trị tiêu biểu được biểu dương, khen thưởng là những điển hình tiên tiến ở cơ sở và toàn quân.

Tuy nhiên, trên từng cương vị đảm nhiệm, đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: nhiều trường hợp chưa thể hiện đúng và đầy đủ vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát; năng lực, hiệu quả tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, nhất là “công tác giáo dục, quản lý tư tưởng và các mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ ở một số cơ quan, đơn vị chưa tốt”. Một số ít cán bộ chính trị là chủ trì cấp ủy, đơn vị còn có biểu hiện vượt quyền, không tôn trọng ý kiến của tập thể, chưa phát huy được dân chủ, sức mạnh của tập thể trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, v.v. Vì vậy, việc bồi dưỡng phong cách dân chủ, tập thể cho đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở là vấn đề cấp thiết, giúp họ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Để làm điều đó, bài viết đề xuất một số giải pháp cơ bản làm cơ sở để cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, vận dụng.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và vai trò, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy trong bồi dưỡng phong cách dân chủ, tập thể cho đội ngũ cán bộ chính trị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp, trực tiếp là đảng ủy sư đoàn, trung đoàn trên cơ sở quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của trên về công tác cán bộ; tiêu chí, phẩm chất cán bộ chính trị, “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, cụ thể hóa trong nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy đảng, kế hoạch triển khai thực hiện của người chỉ huy; thống nhất nội dung, biện pháp bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả. Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về dân chủ, tập thể trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh và các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng cho cán bộ chính trị, gắn với chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Báo cáo Tổng kết công tác đảng, công tác chính trị năm 2020 của Tổng cục Chính trị đã xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và khát vọng sáng tạo, công hiến của tuổi trẻ Quân đội”. Theo đó, các cấp ủy đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nghiêm túc việc học tập, làm theo Bác và nêu gương của đội ngũ cán bộ chính trị theo những yêu cầu thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị; coi trọng giáo dục tinh thần “dĩ công vi thượng” của Bác để nâng cao bản lĩnh chính trị, lòng trung thành đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; đồng thời, giúp họ “đề kháng” trước những cám dỗ về vật chất trong cơ chế kinh tế thị trường và sự chống phá ngày càng quyết liệt của các thế lực thù địch. Thường xuyên xây dựng môi trường chính trị thuận lợi để đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở phát huy cao nhất tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng Quân đội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị cơ sở cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ chính trị nhằm chủ động phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đề cao cái tôi cá nhân, xem thường tập thể, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Hai là, thống nhất về nội dung, vận dụng linh hoạt hình thức, phương pháp bồi dưỡng phong cách lãnh đạo dân chủ, tập thể Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ chính trị. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc mở rộng thực hành dân chủ, coi đó là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn: "Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra". Đề cập đến vai trò của tập thể, Người chỉ rõ: “Một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề”. Do vậy, góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người thì vấn đề đó được thấy rõ mọi mặt, mới được giải quyết chu đáo và tránh khỏi sai lầm. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách phải luôn đi đôi với nhau.

Nội dung bồi dưỡng tập trung làm sâu sắc hơn các giá trị phong cách lãnh đạo dân chủ, tập thể của Hồ Chí Minh; dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, thành quả to lớn của sự nghiệp đấu tranh cách mạng; phát huy dân chủ sẽ mang lại sức mạnh nội lực to lớn trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị cơ sở cần quán triệt, giáo dục cho đội ngũ cán bộ chính trị nhận thức rõ vị trí, vai trò của tập thể, nhất là vai trò của cấp ủy đảng và các tổ chức trong đơn vị; từ đó, nâng cao ý thức tôn trọng tập thể, phục tùng sự quản lý, phân công của tổ chức và mệnh lệnh của cấp trên. Thường xuyên nghiên cứu, nắm vững tình hình mọi mặt, kịp thời đề xuất với cấp ủy cấp mình những chủ trương, biện pháp phù hợp, khơi dậy dân chủ, phát huy trí tuệ, sức mạnh của tập thể đơn vị; phối hợp với người chỉ huy lãnh đạo, triển khai đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Vận dụng linh hoạt hình thức, phương pháp; kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng tập trung với bồi dưỡng riêng, phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chính trị thông qua việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, các chuyên đề chính trị của sĩ quan, truyền đạt kinh nghiệm về phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể của lãnh đạo, chỉ huy cấp trên. Bên cạnh đó, cần chủ động phân công, giao nhiệm vụ gắn với trách nhiệm cương vị lãnh đạo, phụ trách để họ được thử thách nhiều trong thực tiễn, làm cơ sở bồi dưỡng, đánh giá, phân loại đội ngũ cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu đề ra.

Ba là, cấp ủy, chỉ huy ở đơn vị cơ sở vận dụng hiệu quả nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong các hoạt động thực tiễn. Quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng là vấn đề quyết định sự tồn tại và sức mạnh chiến đấu của tổ chức đảng, tạo chuyển biến vững chắc kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và là cơ sở để cán bộ hoàn thiện phong cách lãnh đạo trong thực tiễn. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp và phục tùng sự lãnh đạo, quản lý, giám sát của các đoàn thể và nhân dân. Theo Bác: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”.

Thấm nhuần lời dạy của Người, để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng phong cách lãnh đạo dân chủ, tập thể cho cán bộ chính trị, cấp ủy, chỉ huy đơn vị cơ sở cần nắm vững và duy trì nghiêm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, trọng tâm là nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong các hoạt động thực tiễn ở đơn vị. Trên cơ sở đó, xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, xác định rõ quyền hạn, quan hệ giữa cán bộ chính trị (bí thư) với người chỉ huy; thẩm quyền, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên trong cấp ủy và trong các nhiệm vụ của đơn vị. Xây dựng môi trường làm việc dân chủ để khuyến khích đội ngũ cán bộ chính trị dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy trình, nguyên tắc và phong cách lãnh đạo dân chủ, tập thể của đội ngũ cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở để phát huy thế mạnh, nâng cao hiệu quả công tác; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm nguyên tắc, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Bốn là, phát huy vai trò tích cực, chủ động của cán bộ chính trị trong tự học tập và làm theo phong cách lãnh đạo dân chủ, tập thể. Lĩnh hội đầy đủ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”6. Quán triệt sâu sắc những yêu cầu trong Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW (khóa XII) về học tập, làm theo Bác và đề cao trách nhiệm nêu gương, cán bộ chính trị ở đơn vị cơ sở cần tích cực, tự giác, quyết liệt trong thực hiện phương châm “cán bộ giữ cương vị càng cao thì càng phải gương mẫu” trong việc phát huy dân chủ, tôn trọng tập thể, chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.

Đặc biệt, cán bộ chính trị là bí thư cấp ủy phải xác định rõ vị trí là người chịu trách nhiệm cao nhất của cấp ủy, giữ vai trò quyết định những công việc cụ thể, trên cơ sở chủ trương, biện pháp đã thống nhất trong cấp ủy, với người chỉ huy và vì lợi ích chung của đơn vị. Để nâng cao hiệu quả tự học tập và làm theo phong cách lãnh đạo dân chủ, tập thể Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ chính trị phải phục tùng sự lãnh đạo của tập thể, tự giác, gương mẫu trong học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; coi trọng việc tu dưỡng, rèn luyện trong các hoạt động thực tiễn và tự điều chỉnh về phương pháp, tác phong công tác; nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong “tự soi”, “tự sửa” hằng ngày, thực sự gương mẫu về phẩm chất chính trị, phương pháp, tác phong lãnh đạo cho cấp dưới và quần chúng học tập, noi theo. Bên cạnh đó, cán bộ chính trị phải nêu cao tự phê bình và phê bình, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện sai trái, lạm quyền, chuyên quyền, hách dịch, xa rời quần chúng, hoặc thiếu tôn trọng tập thể, làm ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị và bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét