Văn hóa chính trị - nhân tố quan trọng góp phần hình thành phẩm chất, năng lực của đội ngũ sĩ quan tương lai. Do vậy, nghiên cứu, thực hiện các giải pháp bồi dưỡng nhân tố quan trọng này cho học viên sĩ quan ở các nhà trường Quân đội là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Văn hóa chính trị là hệ thống “những giá trị, lý tưởng cao đẹp mà con người hướng tới trong hoạt động chính trị, thể hiện ở sự hiểu biết về chính trị, ở trình độ tổ chức hệ thống quyền lực, ở hành động chính trị theo một chuẩn giá trị xã hội nhất định”. Vì vậy, văn hóa chính trị được xem là nhân tố có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, hoàn thiện phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, học viên sĩ quan ở các nhà trường Quân đội nói riêng theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các nhà trường Quân đội đã có nhiều chủ trương, biện pháp bồi dưỡng văn hóa chính trị cho học viên sĩ quan; trong đó, tập trung bồi dưỡng hệ thống những chuẩn mực đạo đức, nhãn quan chính trị. Về cơ bản, học viên có nhận thức đúng đắn về văn hóa chính trị; chủ động lĩnh hội tri thức chính trị; tích cực tu dưỡng, rèn luyện, hoàn thiện phẩm chất chính trị theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, không chỉ trong một sớm một chiều, mà cần phải được tiến hành tích cực và thường xuyên; trong thực tế, nhận thức chính trị, chuẩn mực đạo đức, lập trường, quan điểm của một số học viên có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, cá biệt còn biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đào tạo và chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.
Văn hóa chính trị của sĩ quan trẻ được hình thành, phát triển qua quá trình hoạt động tích cực, rèn luyện, định hình, hoàn thiện của chính bản thân sĩ quan trẻ. |
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở đã và đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác xây dựng “chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, quản lý” cho đội ngũ cán bộ Quân đội. Mặt khác, những mặt trái của cơ chế thị trường, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa tác động mạnh mẽ đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của học viên sĩ quan, đòi hỏi các nhà trường Quân đội phải nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp đổi mới công tác quan trọng này, góp phần xây dựng và phát triển nhân cách, hành vi ứng xử các quan hệ chính trị của học viên theo những chuẩn mực giá trị, làm cơ sở nâng cao trình độ văn hóa chính trị của đội ngũ sĩ quan tương lai.
Thực tiễn đã minh chứng, kết quả của quá trình bồi dưỡng văn hóa chính trị cho học viên được quyết định chủ yếu vào nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, khoa giảng viên, đơn vị quản lý học viên. Đây là yếu tố cơ bản, tiền đề, xuyên suốt, giúp quá trình bồi dưỡng bảo đảm đúng định hướng, khoa học, phù hợp với chuẩn đầu ra của quá trình giáo dục, đào tạo. Vì vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu của công tác quan trọng này thông qua quán triệt nghị quyết, sơ kết, tổng kết, các nhà trường Quân đội cần tập trung đột phá, tạo chuyển biến sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các khoa giảng viên, đơn vị quản lý học viên. Mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, nội dung của công tác này cần được đưa vào nghị quyết lãnh đạo chuyên đề về công tác giáo dục, đào tạo hằng năm và được hiện thực hóa trong thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tiến hành thực hiện. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, khoa giảng viên, đơn vị quản lý học viên trong đánh giá tình hình mọi mặt của học viên, làm cơ sở xác định nội dung tiến hành các hoạt động văn hóa, chính trị, tinh thần, tạo môi trường thuận lợi nhất cho học viên trau dồi văn hóa chính trị, giúp chuyển hóa nhận thức, tư tưởng thành hành động. Cùng với đó, động viên được tinh thần nêu gương về văn hóa chính trị của đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý học viên - yếu tố trực tiếp định hướng cho học viên học tập, rèn luyện để hoàn thiện phẩm chất đạo đức, nhân cách, năng lực công tác của người sĩ quan trong tương lai, góp phần thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.
Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho học viên sĩ quan là vấn đề mang tính chủ đạo, giúp học viên có nhận thức chính trị đúng đắn, hình thành phẩm chất chính trị, khả năng vận dụng giải quyết hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình công tác tại đơn vị sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, đội ngũ giảng viên cần tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội,... thông qua các hình thức bồi dưỡng, như: học tập chính trị, hội thi tìm hiểu, tọa đàm, sinh hoạt,… tạo cơ sở, nền tảng cốt lõi kết tinh thành văn hóa chính trị cho học viên sĩ quan. Trong đó, đặc biệt coi trọng các nội dung giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phương pháp công tác khoa học và lối sống của Người, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực công tác, đạo đức cách mạng, văn hóa chính trị và hoàn thiện phẩm chất, nhân cách cho học viên. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với nghiên cứu, đánh giá trình độ văn hóa chính trị của học viên để có biện pháp kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu bồi dưỡng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát những nhận thức, hành vi không đúng chuẩn mực của các cá nhân trong đơn vị. Ngoài ra, các nhà trường cần chú trọng trang bị kiến thức chuyên môn, kiến thức văn hóa, chính trị, làm cho học viên giác ngộ mục tiêu lý tưởng cách mạng, kiên định lập trường giai cấp công nhân, lợi ích dân tộc, củng cố thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị quản lý học viên tích cực nghiên cứu, nắm chắc đối tượng đào tạo để tập trung đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, vừa bảo đảm trang bị kiến thức cần thiết, vừa tạo điều kiện thuận lợi để người học rèn luyện, tự hoàn thiện văn hóa chính trị.
Trong quá trình giáo dục, đào tạo tại các nhà trường, học viên sĩ quan từng bước được tiếp nhận, xử lý, thẩm thấu các giá trị văn hóa, tri thức, tình cảm, niềm tin, ý chí và hành vi giải quyết các mối quan hệ chính trị thông qua môi trường sinh hoạt, học tập, công tác. Bởi vậy, các nhà trường cần quan tâm xây dựng môi trường văn hóa chính trị trong sạch, lành mạnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần giải quyết tốt các quan hệ văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa chính trị, tạo thành một chỉnh thể tác động trực tiếp đến văn hóa chính trị của học viên. Các cơ quan, đơn vị tích cực xây dựng môi trường văn hóa sư phạm quân sự trong sạch, lành mạnh, nhân văn, tạo điều kiện thuận lợi để học viên học tập, rèn luyện. Trong đó, coi trọng xây dựng các mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa người chỉ huy với lãnh đạo; giữa cấp trên với cấp dưới; giữa đội ngũ cán bộ, giảng viên với học viên trên tinh thần đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, góp phần giữ gìn phẩm chất nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”. Quá trình xây dựng các mối quan hệ chính trị chuẩn mực, cần phải “tiếp tục đổi mới phương pháp, tác phong, làm việc theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm các biểu hiện quan liêu, mất dân chủ, độc đoán, gia trưởng và bệnh thành tích”.
Bồi dưỡng văn hóa chính trị cho học viên sĩ quan ở các nhà trường Quân đội là việc làm thường xuyên và không tách rời nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Vì vậy, các nhà trường cần tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, đổi mới công tác giáo dục văn hóa chính trị, nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật. Để đạt hiệu quả cao, cần quán triệt sâu sắc quan điểm tập trung xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, đào tạo. Đề cao tính gương mẫu trong văn hóa ứng xử của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, khoa giảng viên, đơn vị quản lý học viên; đặc biệt, mỗi cán bộ, giảng viên phải thực sự là tấm gương lan tỏa những giá trị văn hóa chính trị tốt đẹp, giúp học viên hoàn thiện nhân cách, năng lực, phương pháp tác phong và văn hóa chính trị, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường. Quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” theo phương châm “… xây tốt thì chống mới tốt. Chống tốt thì xây mới tốt”; trong đó, lấy “xây” làm chính, xây dựng các tập thể học viên vững mạnh, thực sự là các điểm sáng về văn hóa chính trị, tạo nên sức mạnh tổng hợp và thống nhất cao trong phát triển nhân cách học viên.
Thực tiễn cho thấy, hoạt động bồi dưỡng văn hoá chính trị cho học viên chỉ trở thành hiện thực khi mỗi học viên không ngừng tự bồi dưỡng, rèn luyện. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định, đòi hỏi sự nỗ lực trong một quá trình lâu dài, phức tạp. Vì thế, các nhà trường cần có giải pháp phát huy tính tích cực, chủ động trong tự bồi dưỡng văn hóa chính trị của học viên. Để thực hiện tốt vấn đề này, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tự học tập, tu dưỡng, như bảo đảm cơ sở vật chất (trang thiết bị, sách, báo, tạp chí, tư liệu, tài liệu,...); tiến hành các biện pháp kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tự học tập, bồi dưỡng của học viên để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh. Các khoa giảng viên tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo của học viên. Các đơn vị quản lý học viên tổ chức tốt hoạt động ngoại khóa để học viên rèn luyện, hoàn thiện văn hóa chính trị. Mỗi học viên phải xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, phương pháp tự học, tự nghiên cứu về văn hóa chính trị, chủ động đánh giá nhận thức, thái độ hành vi của mình so với các chuẩn mực văn hóa chính trị; tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác theo tiêu chí chuẩn đầu ra của nhà trường.
Bồi dưỡng văn hóa chính trị cho học viên sĩ quan ở các nhà trường Quân đội là nhiệm vụ quan trọng, cơ bản và lâu dài. Bài viết đề xuất một số giải pháp cơ bản, các học viện, nhà trường có thể nghiên cứu, vận dụng, nâng cao văn hóa chính trị cho người học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét