Về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V.I. Lê-nin
cho rằng: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ”. Chủ tịch Hồ
Chí Minh cũng từng căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta
phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đây là triết lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát
triển đất nước theo tinh thần “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do
thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” chính là quy luật của cách mạng Việt
Nam. Nội dung của quy luật này gồm học thuyết giải phóng và học thuyết phát
triển, trong đó chứa đựng cả hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta giành được
chính quyền, trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh
chỉ rõ: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng,
tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Khi kẻ thù trở lại
xâm lược nước ta một lần nữa, Người kêu gọi: “Tất cả quốc dân Việt Nam phải
đứng dậy bảo vệ Tổ quốc”.
Hai tháng sau khi đồng bào miền Nam bước vào cuộc kháng chiến,
ngày 25-11-1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị “Kháng chiến, kiến
quốc”. Thực dân Pháp và các thế lực phản động đang âm mưu thôn tính nước ta,
“cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là một cuộc cách mạng dân tộc giải
phóng… Giai cấp vô sản vẫn phải hăng hái, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ thiêng
liêng ấy. Khẩu hiệu vẫn là “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”, “Kẻ thù
chính của ta lúc này là thực dân Pháp xâm lăng, phải tập trung ngọn lửa đấu
tranh vào chúng”.
Chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc” đã thể hiện rõ tư tưởng trong
khi đặt nhiệm vụ kháng chiến lên hàng đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời coi
trọng nhiệm vụ xây dựng đất nước về mọi mặt; xây dựng chế độ mới phải đi đôi
với bảo vệ chế độ mới; phải vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Kháng chiến để đánh
bại thế lực đế quốc xâm lược, kiến quốc để xóa bỏ tàn dư chế độ cũ, phát triển
đất nước, củng cố hậu phương vững chắc. Hai nhiệm vụ chiến lược này được kết
hợp chặt chẽ trong suốt quá trình chiến tranh cách mạng. Bên cạnh đó, Chỉ thị
đề ra những nhiệm vụ cụ thể về nội chính, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn
hóa, chỉ rõ những nội dung về xây dựng Đảng, cải tổ Chính phủ, về kháng chiến ở
miền Nam và đoàn kết với nhân dân các nước…
Để đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát
động phong trào tăng gia sản xuất, “thực túc, binh cường”. Người nhấn mạnh: “Vì
cứu quốc, các chiến sĩ đấu tranh ở ngoài mặt trận, vì kiến quốc, nhà nông phấn
đấu ngoài đồng ruộng. Chiến sĩ ra sức giữ gìn nước non. Nhà nông ra sức giúp đỡ
chiến sĩ. Hai bên công việc khác nhau, nhưng thật ra là hợp tác. Cho nên hai
bên đều có công với dân tộc, đều là anh hùng”.
Thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, quân và dân
ta đã giải quyết cả ba nhiệm vụ diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc
ngoại xâm; không ngừng củng cố và tăng cường hệ thống chính trị nhằm thúc
đẩy cả hai mặt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, vùng tự do được bảo vệ, vùng
giải phóng ngày càng được mở rộng; từng bước xây dựng và bảo vệ vững chắc chế
độ mới trong vùng ta kiểm soát, thực hiện được “thực túc, binh cường” và giải
quyết vấn đề vũ khí, trang bị, kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Bên cạnh việc
đánh và cướp vũ khí của địch, Chính phủ đã phát động nhân dân tự tạo, sắm sửa
vũ khí, đồng thời xây dựng các công binh xưởng sản xuất, sửa chữa, cải tạo vũ
khí. Đại hội II của Đảng (2-1951), với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả
để chiến thắng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương: Các mặt công tác
chính trị, kinh tế, văn hóa đều nhằm mục đích làm cho quân sự thắng lợi, đồng
thời đấu tranh quân sự phải kết hợp với đấu tranh chính trị, kinh tế.
Với tư tưởng vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dựng nước và giữ nước trong từng
thời điểm lịch sử cụ thể, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng
lợi.
Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc bước vào
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thì ở miền Nam, Mỹ - Diệm trắng trợn phá
hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp dã man những người cộng sản và đồng bào yêu
nước. Trong báo cáo “Tình hình mới, nhiệm vụ mới” tại Hội nghị Trung ương 6,
ngày 17-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù
chính của nhân dân thế giới, và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của
nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ” và
“chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu
nước”. Đồng thời, Người chỉ rõ vai trò của miền Bắc trong sự nghiệp đấu tranh
thống nhất nước nhà: “Nền có vững, nhà mới chắc; gốc có mạnh, cây mới tốt. Miền
Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của toàn dân ta, cho nên chúng
ta phải làm cho nó thật vững, thật mạnh”.
Khai mạc Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960), Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã khẳng định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: “Đại hội
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước
nhà”. Đại hội xác định những nhiệm vụ của cách mạng ở hai miền Nam - Bắc. Nhiệm
vụ của miền Bắc là xây dựng chủ nghĩa xã hội, thuộc chiến lược cách mạng xã hội
chủ nghĩa. Nhiệm vụ của miền Nam là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân
dân, thuộc chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Song cách mạng hai
miền đều có mục tiêu chung là hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân
trong cả nước, thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước. Hai nhiệm vụ chiến lược
nói trên có quan hệ mật thiết, thúc đẩy lẫn nhau. Nhiệm vụ cách mạng xã hội chủ
nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ
sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trong đó có sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất
nước. Cách mạng miền Nam có tác dụng quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp
giải phóng miền Nam và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước. Đến
đây, tư tưởng Hồ Chí Minh về tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng đã
phát triển lên một trình độ mới, trở thành đường lối cách mạng của Đảng. Chủ
tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã vận dụng và xử lý hài hòa quan hệ giữa
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện lịch sử cụ thể.
Thực hiện đường lối trên, miền Bắc thể hiện xuất sắc vai trò của
mình, đó “vừa là căn cứ địa cách mạng của cả nước, vừa là hậu phương lớn của
cuộc kháng chiến chống Mỹ, vừa là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu ác liệt với
máy bay và tàu chiến Mỹ”. Chỉ có lập trường kiên định chống xâm lược, có chế độ
chính trị ưu việt, có cách tổ chức sản xuất và tổ chức đời sống xã hội tốt,
miền Bắc mới có thể làm tròn nghĩa vụ với tiền tuyến lớn, làm tròn vai trò lịch
sử của mình.
Đặc biệt, trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng là
việc giải quyết nhuần nhuyễn, sáng tạo quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
trong những điều kiện lịch sử cụ thể. Đó là, trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp, nước ta vừa giành được độc lập, chính quyền cách mạng còn non trẻ và
kẻ thù đã đứng chân ngay trên đất nước ta. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, chúng ta có miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam vẫn trong sự thống
trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Như vậy, việc giải quyết mối quan hệ giữa kháng
chiến và kiến quốc, xây dựng và bảo vệ đất nước có khác nhau.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh, trong 30 năm kháng
chiến, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có mối quan hệ mật thiết, bền vững,
thúc đẩy lẫn nhau. Có xây dựng được vùng tự do, cụ thể là xây dựng được miền
Bắc vững mạnh mới có đủ sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Ngược lại, có đánh bại
được mọi âm mưu chiến lược của địch mới có thể bảo vệ vững chắc vùng tự do và
hậu phương chiến lược, tiến tới giải phóng hoàn toàn Tổ quốc. Đây cũng là bài
học quý báu trong thời bình. Chỉ có xây dựng đất nước giàu mạnh với chế độ tốt
đẹp, chế độ xã hội chủ nghĩa, mới tạo ra được nguồn lực dồi dào cho sự nghiệp
giữ nước. Và, chỉ có xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đủ sức
đánh bại mọi kẻ thù thì mới giữ được hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận
lợi cho xây dựng đất nước.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét