Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là tổng thể các công việc không tách
rời nhau, rất khó khăn, phức tạp, hết sức to lớn, nặng nề, nhưng cũng rất vẻ
vang. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại
những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Tư tưởng
khoa học, cách mạng và nhân văn này của Người đã được Đảng ta vận dụng, phát
triển sáng tạo trong tình hình mới.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ
chiến lược của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới. Mối quan hệ giữa hai nhiệm
vụ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
(Bổ sung, phát triển năm 2011) được xác định là mối quan hệ lớn cần giải quyết
tốt trong thời kỳ quá độ. Xây dựng “nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa
ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để,
đấu tranh phức tạp giữa cái mới và cái cũ nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên
tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa có nội dung toàn diện cả trên phương diện lịch sử và chính trị - xã hội
trong chỉnh thể thống nhất, “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội
chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa
bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội
trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng
xã hội chủ nghĩa”. Bảo đảm quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc
là nhiệm vụ “trọng yếu, thường
xuyên” của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân.
Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Về lĩnh vực chính trị, là xây dựng, bảo vệ
đường lối chính trị, hệ tư tưởng của Đảng ta, bảo vệ Cương lĩnh, xây dựng, bảo
vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa…
Về lĩnh vực kinh tế, là xây dựng và phát
triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo
vệ những cơ sở vật chất kỹ thuật kinh tế trọng yếu của đất nước, đấu tranh giữ
vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường
hiện nay; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã
hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh.
Về lĩnh vực văn hóa, là xây dựng, bảo vệ
nền văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng giá trị
chuẩn mực của văn hóa xã hội chủ nghĩa và đấu tranh chống lại tư tưởng, quan
điểm phản giá trị văn hóa, nhất là những tàn dư của văn hóa phong kiến lạc hậu,
sự thâm nhập của cái gọi là “giá trị văn hóa phương Tây”.
Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, là
xây dựng, bảo vệ tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây
dựng và bảo vệ các lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân và công an
nhân dân, xây dựng và bảo vệ nền ngoại giao Việt Nam...
Mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thể hiện ở tất cả
các cấp, các ngành, trên quy mô toàn quốc cũng như trên từng địa phương, cơ sở,
đơn vị, doanh nghiệp, trong nhận thức cũng như trong tổ chức hoạt động thực
tiễn. Đảng, Nhà nước, nhân dân và cả hệ thống chính trị là chủ thể nhận thức và
giải quyết mối quan hệ này trong thực tiễn, thể hiện ở việc đề xuất giải pháp,
biện pháp, phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối, chính sách kết
hợp giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng
cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thấm nhuần tư tưởng
Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn nhận thức rõ và giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc không chỉ là phòng ngừa mà trước hết
phải chăm lo xây dựng đất nước mạnh lên về mọi mặt, nhất là phải khắc phục được
nguy cơ tụt hậu về kinh tế; đi đôi với đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, nạn
tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ
phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn
“diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thành tựu to lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giải
quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là
chúng ta giữ vững và kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước, lợi ích quốc gia - dân tộc,
khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và kiên định xây dựng chế độ xã hội chủ
nghĩa; đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của
nhân dân; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; củng cố lòng tin
của nhân dân đối với Đảng và chế độ; tạo lập và củng cố môi trường quốc tế
thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập sâu rộng quốc tế; củng cố và
tăng cường nội lực, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Nhận thức về quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả hệ thống chính trị và toàn
xã hội có bước tiến mới; trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã
hội, luôn quan tâm và chú trọng đến nhiệm vụ quốc phòng; nâng cao khả năng huy
động các nguồn lực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ,
đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân
từng bước chính quy, hiện đại, nâng cao khả năng dự báo chiến lược, ngăn
chặn, loại trừ nguy cơ chiến tranh và chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng
các phương án bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh
thổ trong mọi tình huống; hình thành thế chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong điều
kiện mới, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được triển
khai rộng khắp, chặt chẽ và liên hoàn, củng cố được “thế trận lòng dân” ngày
càng vững chắc… Những thành tựu cơ bản đó đã chứng minh tính đúng đắn, sáng tạo
trong đường lối cách mạng của Đảng ta, đồng thời khẳng định tiềm năng và sức
mạnh to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Một bộ phận cán bộ, đảng
viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữa bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ chủ nghĩa xã
hội, giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có lúc, có nơi vẫn còn có biểu
hiện tách rời hai mặt hoặc tuyệt đối hóa chỉ một mặt của nhiệm vụ này hoặc coi
bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của riêng lực lượng vũ trang, của quân đội và
công an. Ý thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của một số cơ quan, đơn vị, địa
phương, của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa cao. Thực hiện các
chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh
tế có lúc, có nơi còn làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, nhất là đối với
yêu cầu xây dựng cơ sở xã hội và thế bố trí chiến lược quốc phòng, xây dựng thế
trận của nền quốc phòng toàn dân. Việc giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và
quốc phòng, trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế phát
triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, còn nhiều
bất cập và hạn chế. Sự phối hợp hoạt động giữa quốc phòng và an ninh trong thực
hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xử lý các tình huống cụ thể có lúc,
có nơi thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ; chưa gắn chặt giữa chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội với chiến lược quốc phòng, an ninh, chưa tạo nên sức mạnh tổng
hợp cao...
Quá trình nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cần phải
tổng kết, phát triển cả về lý luận và thực tiễn. Cần tăng cường quán triệt,
tuyên truyền, giáo dục nhận thức về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc. Đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết, phát triển lý luận, đúc kết và vận dụng
các bài học kinh nghiệm giải quyết nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Nhận thức và giải quyết kịp thời những
mâu thuẫn, bất cập, khó khăn cản trở việc tăng cường mối quan hệ giữa xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường giáo dục, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng
và chế độ xã hội chủ nghĩa; giáo dục lòng yêu nước với yêu chủ nghĩa xã hội.
Nhận thức và giải quyết mối quan hệ này không chỉ thể hiện trong
quan điểm, chủ trương, chính sách ở tầm vĩ mô, mà còn phải trở thành nhận thức
thường trực trong mỗi tổ chức, mỗi người dân, với niềm tin, trách nhiệm, ý chí
quyết tâm hành động, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét