Giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa đang diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp
tục có những biến động lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cạnh
tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột về lợi ích dẫn đến bất ổn về an
ninh đối với nhiều quốc gia. Ở trong nước, mặc dù “thế và lực, sức mạnh tổng
hợp của quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng
cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, song vẫn
còn nhiều “khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới
nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Các nguy
cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Trước tình hình đó,
càng cần kết hợp tốt mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ
nghĩa:
Giải quyết mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phải đặt
ra trong tổng thể và không thể tách rời các mối quan hệ lớn khác. Văn
kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Trong nhận thức và giải quyết các mối quan
hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt
lõi trong đường lối đổi mới của Đảng, cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt
các mối quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đây là vấn đề rất quan trọng, vừa là
kết quả kinh nghiệm của hơn 35 năm đổi mới, vừa là phương hướng cơ bản cần thực
hiện trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển bền vững trong xây
dựng chủ nghĩa xã hội với bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Để
giải quyết tốt mối quan hệ này, một trong những vấn đề đặt ra là xây dựng cơ
chế phù hợp để các ngành, các cấp, mọi tổ chức và lực lượng thực hiện có hiệu
quả việc kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc
phòng, an ninh và ngược lại để sự phát triển bền vững đáp ứng được nhu cầu hiện
tại và không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương
lai, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm
tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường… Tiếp tục quán triệt và tổ chức
thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược quân sự, chiến lược quốc
phòng, chiến lược an ninh và các chiến lược chuyên ngành khác nhằm bảo vệ
đất nước; chủ động nhận diện các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong
có thể gây đột biến; giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, bằng sức
mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Xác định rõ
một số tình huống quân sự, quốc phòng, dự kiến các tình huống có thể xảy ra,
phù hợp với thực tiễn, đủ cơ sở để xác định quyết tâm, chủ động phòng ngừa,
không để bị động, bất ngờ về chiến lược và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi
tình huống.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, tạo sức
mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh bằng vũ khí
công nghệ cao. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn
với thế trận an ninh nhân dân là đường lối đúng đắn và khoa học trong thời
bình, sẵn sàng chuyển hóa thành lực lượng, thế trận chiến tranh nhân dân, đánh
thắng mọi kẻ thù xâm lược, kể cả chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công
nghệ cao.
Giữ vững độc lập, chủ quyền về quốc phòng, an ninh trong quá
trình hội nhập quốc tế. Độc lập, tự chủ về quốc
phòng, an ninh là khả năng tự quyết định những vấn đề liên quan đến quốc phòng,
an ninh; là năng lực tự bảo vệ của đất nước trước các hành động xâm phạm độc
lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, các quyền, lợi ích quốc gia,
khả năng chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ của đất nước.
Quá trình hội nhập quốc tế là quá trình tham gia và mở rộng các mối liên kết
quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, có nhiều cơ hội và thách thức đối với độc
lập, tự chủ của đất nước trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Hội nhập quốc tế và
độc lập, tự chủ về quốc phòng, an ninh có mối quan hệ biện chứng; là tiền đề cơ
sở của nhau, tác động thúc đẩy nhau phát triển. Trong đó, hội nhập quốc tế tạo
điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, làm tiền đề vật chất cho tăng cường quốc
phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc. Độc lập, tự chủ về quốc phòng, an ninh sẽ
thúc đẩy hội nhập quốc tế đi đúng hướng, sâu rộng và đạt hiệu quả cao. Do đó,
cần tỉnh táo, kiên định với những vấn đề mang tính nguyên tắc, nhưng khôn khéo,
mềm dẻo, linh hoạt trong ứng xử, xử lý các mối quan hệ, xác định rõ và luôn
kiên định lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao nhất trong quá trình hội
nhập quốc tế, mọi vấn đề liên quan đến quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế
phải được soi chiếu từ lợi ích quốc gia - dân tộc. Bảo đảm cao nhất lợi ích
quốc gia - dân tộc là giá trị cốt lõi trong quan hệ quốc tế.
Chủ động phòng, chống một cách hiệu quả, làm thất bại mọi âm
mưu, hoạt động lợi dụng hội nhập quốc tế để chống phá ta của các thế lực
thù địch; nâng cao năng lực dự báo tình hình quốc tế, khu vực, giữ vững độc
lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế. Cần nhận thức và xử lý đúng đắn mối quan hệ
giữa đối tác và đối tượng, giữa hợp tác và đấu tranh trong từng
tình huống cụ thể để có những ứng phó phù hợp, góp phần triển khai hiệu quả
nhiệm vụ hội nhập quốc tế và đối ngoại quân sự, quốc phòng trong xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét