Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xác định “đối tác”, “đối tượng”

 

Ngày 19-1-1955, tại lễ khai giảng khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc các cán bộ nhà trường và sinh viên: “Phải vạch rõ ranh giới, chia rõ phải trái. Vạch rõ ranh giới là phải nhận rõ ai là bạn, ai là thù? Đối với người, ai làm gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất kỳ ai làm điều gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. Những tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù. Thế là chẳng những ở ngoài, mà chính ở trong mình ta cũng có bạn và thù. Vì vậy chúng ta cần phải ra sức tăng cường bạn ở trong và ở ngoài, kiên quyết chống lại kẻ thủ ở ngoài và ở trong mình ta”.

Với mục đích căn dặn cán bộ, sinh viên về phương pháp tư duy, cách hành xử đối với những người xung quanh và với chính mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập thực thể phân tích là “người” và “mình”; góc nhìn để phân biệt dựa trên hành vi: (ai) làm gì và những tư tưởng, hành động (của chính mình). “Bạn”, “thù” là cách nói hình tượng cho dễ hiểu và cũng phù hợp với bối cảnh khi đó.

Khi vận dụng vào công tác đối ngoại trong bối cảnh hiện nay, với chủ thể chính trong quan hệ quốc tế là các quốc gia, dân tộc, Nghị quyết đã cụ thể hóa “lợi ích cho dân, cho Tổ quốc ta” thành “tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam”. Cũng như vậy, những “điều (gì) có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta” được cụ thể hóa thành “âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nguyên tắc nhất quán khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và triển khai nguyên tắc xác định “đối tác”, “đối tượng” là lấy lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam làm tiêu chí.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét