Nguyên tắc xác định “đối tác”, “đối tượng” được nêu rõ: “Những ai
chủ trương tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị
và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất
kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đều là đối tượng đấu tranh.
Mặt khác, trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách
nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác;
trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của
ta”.
Theo nguyên tắc đó, Đảng ta xác định “đối tác”, “đối tượng” từ hai
góc nhìn
Thứ nhất, nhìn “đối tác”, “đối tượng” như một thực thể “trọn gói”. Góc
nhìn này có thế mạnh là dễ phân biệt. Thực thể nào có chính sách và hành động phù
hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam thì ta ứng xử với họ như “đối
tác” hợp tác. Thực thể nào làm tổn hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt
Nam thì là “đối tượng” đấu tranh. Tuy nhiên, cách nhìn này chỉ phù hợp với các
thực thể luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ với
nước ta hoặc ngược lại, luôn chống phá mục tiêu của ta. Do đó, để xác định đúng
“đối tác”, “đối tượng”, cần hết sức tránh việc quy nạp không hoàn toàn, nhất là
chỉ dựa trên một số chính sách, hành động để đánh giá tính chất của thực thể;
tránh các định kiến lịch sử hay ý thức hệ.
Thứ hai, nhìn “đối tác”, “đối tượng” qua hành vi của họ trong các vấn đề,
hoàn cảnh cụ thể khi quan hệ với ta. Nghị quyết nhấn mạnh, “trong tình hình
diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: Trong
mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có
thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh”. Đây là cách nhìn
phù hợp với tất cả các thực thể có chính sách và hành động khác nhau, tùy theo
vấn đề cụ thể, hoàn cảnh cụ thể trong quan hệ với nước ta. Tuy nhiên, nhìn “đối
tác”, “đối tượng” theo cách này luôn được xem là thách thức lớn khi đòi hỏi cần
có lập trường vững vàng, kiên định vì lợi ích quốc gia - dân tộc, không vì các
lợi ích cục bộ; có trí tuệ sáng suốt để nhận rõ các hành vi tôn trọng và hợp
tác có lợi cho nước ta và những âm mưu, ý đồ chống phá nước ta nhưng được che
đậy công phu, bài bản, tinh vi. Cách nhìn nhận này cũng rất cần phải có bản lĩnh
chính trị vững vàng vì thực tế cho thấy luôn xuất hiện những luồng quan điểm
khác nhau khi xem xét các hành vi cụ thể của từng thực thể và luôn tồn tại
những định kiến liên quan đến lịch sử, sự khác nhau về chế độ chính trị và hệ
giá trị.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét