Thực tiễn công tác đối ngoại gần hai thập niên qua cho thấy,
nguyên tắc xác định “đối tác”, “đối tượng” trong Nghị quyết là căn cứ hết sức
quan trọng để Việt Nam xử lý hài hòa, ổn thỏa mối quan hệ với các nước, nhất là
các nước lớn.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam xác định rõ những mặt có
thể hợp tác và các mặt cần đấu tranh, và đã kiên định xử lý thành công cả hai
mặt này. Trên cơ sở phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn
định lâu dài, hướng tới tương lai” được xác định vào năm 1999, hai bên đã bổ
sung tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” vào năm
2005. Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác
chiến lược toàn diện. Về vấn đề biên giới, lãnh thổ, hai bên
đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới, cắm mốc vào năm 2008 và ký kết ba văn
kiện về quản lý đường biên giới trên đất liền vào năm 2009. Về lĩnh vực
thương mại, từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại
lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam,
năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kim ngạch thương mại hai chiều
giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm 2020. Trong
khi đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch
thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 200
tỷ USD, đạt 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020 nếu tính theo đồng đô-la
Mỹ và 12% khi tính bằng đồng nhân dân tệ (NDT). Trung Quốc tiếp tục là thị
trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và
đối tác thương mại lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật
Bản, Hàn Quốc, Đức và Ô-xtrây-li-a. Về các vấn đề trên biển, hai
bên đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề
trên biển Việt Nam - Trung Quốc” vào năm 2011, duy trì hoạt động thường xuyên
các cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ, các cuộc gặp giữa Thứ
trưởng Ngoại giao hai nước và ba cơ chế đàm phán Nhóm công tác cấp chuyên viên
Việt Nam - Trung Quốc về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, Nhóm công tác về hợp
tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển, Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác
cùng phát triển trên biển... Đối với các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, liên
quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển
Đông... cũng được giải quyết ổn thỏa nhờ quán triệt chặt chẽ nguyên tắc “đối
tác”, “đối tượng”. Việt Nam kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ
quyền, quyền tài phán của Tổ quốc, giải quyết những bất đồng thông qua thương
lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong thời gian đó, quan hệ hợp
tác với Trung Quốc vẫn được duy trì, thúc đẩy. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam,
năm 2014, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim
ngạch ước tính đạt 43,7 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2013. Nhập siêu cả năm
2014 từ Trung Quốc ước tính đạt 28,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với năm 2013.
Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam đã tranh thủ thành công các mặt hợp
tác. Tháng 3-2006, Việt Nam kết thúc đàm phán song phương với Mỹ về việc Việt
Nam gia nhập WTO. Tháng 12-2006, Quốc hội Mỹ đã thông qua Quy chế quan hệ thương
mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam. Đây là những bước quyết định
trong tiến trình gia nhập WTO của nước ta. Ngày 25-7-2013, hai bên xác lập quan
hệ “đối tác toàn diện”. Về thương mại, sau khi Hiệp định
thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, doanh số thương mại giữa hai
bên tăng mạnh từ 450 triệu USD (năm 1995) lên hơn 111 tỷ USD (năm 2021). Mỹ
nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị
trường Việt Nam xuất siêu lớn nhất. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mặc
dù Mỹ không đứng đầu trong các nước đầu tư vào Việt Nam, nhưng Việt Nam đã tận
dụng được các khoản đầu tư của Mỹ vào những ngành, lĩnh vực đặc biệt cần để
thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đó là những ngành, lĩnh vực công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao và được đầu
tư từ các tập đoàn toàn cầu, có tầm nhìn dài hạn của Mỹ, như: Apple, Qualcomm,
Nike, Morgan Stanley, ACORN International, General Dynamics, Google... Về
quốc phòng, tháng 9-2011, hai bên đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về
hợp tác quốc phòng. Theo đó, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thông
tin, đào tạo nhân viên cho lực lượng thực thi luật pháp trên biển của Việt Nam,
cũng như hỗ trợ Việt Nam một số trang thiết bị cho lực lượng thực thi luật pháp
trên biển (tàu, xuồng tuần tra trên biển), hợp tác về lĩnh vực quân y... Tháng
6-2015, hai bên ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt
Nam - Hoa Kỳ. Trên cơ sở đó, quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước
phát triển nhanh chóng và ngày càng thực chất, các hoạt động hợp tác khắc phục
hậu quả chiến tranh cũng được đẩy mạnh hơn.
Mặt “đối tượng” trong quan hệ với Mỹ chủ yếu liên quan đến các vấn
đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo và hoạt động của các thế lực thù địch,
phản động chống phá Việt Nam trên đất Mỹ. Hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa ra
các báo cáo đánh giá không khách quan về tình hình dân chủ, nhân quyền và tự do
tôn giáo ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động chống phá Việt Nam quyết
liệt, như Việt Tân, cái gọi là “nhà nước Đề Ga độc lập”... đều có trụ sở trên
nước Mỹ. Trong nội bộ nước Mỹ luôn có những nhóm thúc đẩy việc gắn quan hệ kinh
tế - thương mại với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Một trong
những ví dụ điển hình là việc ngày 15-9-2004, Mỹ đưa Việt Nam vào Danh sách các
nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). Tuy nhiên, xác định rõ các
mặt “đối tác”, “đối tượng” trong từng hành vi, từng nhân vật trong nội bộ nước
Mỹ, Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh với những nhóm cực đoan, kiên trì đối
thoại với những người có hiểu biết và ủng hộ quan hệ hai nước; ổn định tình
hình ở Tây Nguyên; đồng thời, mời phóng viên và một số trợ lý nghị sĩ Mỹ vào
thực địa để nắm rõ bản chất, sự thật của vấn đề. Đến ngày 14-11-2006, Mỹ đã đưa
Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự kiện
này, khó có thể có sự kiện Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế PNTR với Việt Nam một
tháng sau đó.
Thực tiễn quan hệ của Việt Nam với các nước (cả trong và ngoài khu
vực) gần 20 năm qua cho thấy: Một là, Việt Nam xác định “đối tác”,
“đối tượng” khi xử lý quan hệ với các nước chủ yếu theo cách thứ hai, đó là
nhìn hành vi của họ trong các vấn đề cụ thể, hoàn cảnh cụ thể khi quan hệ với
Việt Nam; khi có sự song trùng về lợi ích thì tranh thủ hợp tác; khi lợi ích
không trùng hợp hoặc mâu thuẫn thì tùy theo mức độ, Việt Nam có hình thức đấu
tranh phù hợp. Hai là, có rất ít nước luôn tôn trọng các mục tiêu
của Việt Nam, có lợi ích luôn trùng hợp với lợi ích của ta và cũng có rất ít
nước luôn chống phá Việt Nam. Điều này đúng với cả những nước có vị trí địa lý
rất xa Việt Nam, hầu như không có quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam,
nhưng vẫn bị tác động bởi các nước lớn trong những vấn đề liên quan đến Việt
Nam về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... tại các diễn đàn đa phương
khu vực và quốc tế. Ba là, cách tiếp cận theo thực thể trong nhiều
trường hợp tạo khó khăn không nhỏ cho Việt Nam trong việc xây dựng đồng thuận
nội bộ khi vẫn có sự tồn tại các cách nhìn khác nhau khi thảo luận về
những vấn đề phức tạp trong quan hệ với các nước lớn, nhất là Trung Quốc và Mỹ.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét