Thế giới đang chuyển sang một cục diện mới - cục diện hậu dịch
bệnh COVID-19, cuộc xung đột Nga - U-crai-na diễn biến phức tạp... Mặc dù vẫn
còn sớm để nhận diện rõ ràng, nhưng các diễn biến đến nay cho thấy, trong vòng
5 - 10 năm tới, đặc điểm nổi trội trong quan hệ quốc tế được dự báo sẽ chuyển
động theo chiều hướng các nước lớn tuy vẫn hợp tác, nhưng vẫn tiếp tục cạnh
tranh, thậm chí đối đầu gay gắt, căng thẳng hơn nhiều so với giai đoạn 5 - 10
năm qua, nhất là trong những vấn đề liên quan đến địa - chính trị, địa - kinh
tế, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ... làm thay đổi nhanh chóng
tương quan sức mạnh kinh tế, quốc phòng và ảnh hưởng giữa các quốc gia, khuyến
khích nhiều hình thức tập hợp lực lượng, liên kết mới giữa các quốc gia.
Ngày 12-10-2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết
nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Hiến chương Liên hợp
quốc, phản đối Nga sáp nhập bốn tỉnh miền Đông và miền Nam U-crai-na với 143
phiếu thuận. Từ ngày 22-2-2022 đến 20-10-2022, Mỹ và các nước phương Tây đã áp
đặt 9.873 lệnh trừng phạt lên các tổ chức và cá nhân người dân Nga, bao gồm cả
Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin. Trong quan hệ với Trung Quốc, chính quyền
Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn thực thi chính sách “cạnh tranh khi cần thiết, hợp
tác khi có thể, đối đầu khi bắt buộc”. Việc coi Trung Quốc là đối thủ cạnh
tranh là nhận thức chung của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Điều này được dự
báo có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên. Tháng 6-2022, trong
“Tài liệu chiến lược mới” được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, diễn ra
ở Thủ đô Ma-đrít (Tây Ban Nha), lần đầu tiên NATO coi các chính sách “áp đặt”
của Trung Quốc là thách thức đối với “lợi ích, an ninh và giá trị” của NATO.
Đối với Trung Quốc, trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội XX của Đảng
Cộng sản Trung Quốc (từ ngày 16-10 đến 22-10-2022), Chủ tịch nước Trung Quốc
Tập Cận Bình khẳng định “lập trường dứt khoát” là chống chủ nghĩa bá quyền và
kiên cường đối mặt với “tình trạng bị bắt nạt”; Trung Quốc “sẵn sàng đương đầu
với sóng to, gió lớn và thậm chí là cả những cơn bão nguy hiểm”; sẽ chiến thắng
trong “chiến tranh khu vực”.
Kinh tế thế giới cũng được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với
giai đoạn trước. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng
3,2% trong năm 2022 và 2,7% trong năm 2023 - mức thấp nhất kể từ năm 2001 (trừ
giai đoạn xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009 và dịch bệnh
COVID-19); lạm phát đang gia tăng nhanh và kéo dài ít nhất đến hết năm 2024,
nhiều nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023. Thương mại, đầu tư
quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 nay lại chịu thêm tác
động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga - U-crai-na. Cũng như vậy, các chuỗi sản
xuất và phân phối toàn cầu vốn đứt gãy lại đứt gãy thêm nên càng khó phục hồi.
Tình hình này gây hậu quả nghiêm trọng đối với tất cả các nước, nhất là các
nước nghèo, các nước đang bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang.
Khi cạnh tranh, đối đầu, các nước lớn thường gia tăng lôi kéo, mua
chuộc, thậm chí “cưỡng ép” các nước nhỏ phải ủng hộ và đi theo. Do đó, khi các
nước vừa và nhỏ gặp khó khăn về kinh tế hoặc những vấn đề mâu thuẫn nội bộ
không thể giải quyết, khó có thể giữ vững “độc lập” trước tác động từ các nước
lớn. Kết quả bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về các vấn đề liên quan
đến các nước lớn cho thấy, từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, đa số các nước
vừa và nhỏ đều lựa chọn chính sách “phòng ngừa”, không đứng hẳn về bên nào,
quyết định bỏ phiếu tùy theo vấn đề và hoàn cảnh cụ thể. Đơn cử như, tại các
cuộc họp của Phong trào Không liên kết trong những năm gần đây, Bê-la-rút, U-gan-đa,
Dim-ba-bu-ê - những quốc gia không liên quan trực tiếp tới khu vực châu Á -
Thái Bình Dương, đã đi đầu phản đối các nước ASEAN cập nhật tình hình khu vực
(trong đó có tình hình Biển Đông).
Trong bối cảnh trên, có thể thấy, khó có quốc gia nào luôn ủng hộ
Việt Nam hoặc ngược lại, trong những vấn đề liên quan đến quan hệ giữa các
nước, nhất là các nước lớn. Nói cách khác, khó có nước nào luôn là “đối tác”
hoặc luôn là “đối tượng” với Việt Nam. Mục tiêu trở thành một nước phát triển,
thu nhập cao vào năm 2045 chỉ có thể đạt được nếu Việt Nam duy trì được một môi
trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển. Trong bối cảnh môi trường
bên ngoài ngày càng phức tạp, khó lường và để hiện thực hóa khát vọng phát
triển, việc xác định “đối tác”, “đối tượng” trong xử lý quan hệ với các nước,
bên cạnh mục tiêu hóa giải các thách thức, cần đặt trọng tâm vào việc tranh thủ
cơ hội, xây dựng lòng tin chiến lược với các đối tác, bởi không có lòng tin
chiến lược khó có thể yên ổn trong môi trường luôn bất ổn, khó có nước nào cam
kết hợp tác lâu dài với Việt Nam, nhất là việc bán hoặc chuyển giao công nghệ
lõi.
Thế giới thay đổi, môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam
thay đổi, mục tiêu chiến lược của Việt Nam cũng cao hơn giai đoạn trước, cách
xác định “đối tác”, “đối tượng” theo thực thể được cho là đã hoàn thành đúng sứ
mệnh. Trong bối cảnh mới, cần xác định “đối tác”, “đối tượng” theo hành vi.
Cách xác định này phù hợp với những thay đổi của tình hình mới, tạo thuận lợi
cho quá trình xây dựng đồng thuận trong hoạch định và triển khai chính sách đối
ngoại. Cách xác định này cũng không ảnh hưởng tới chính sách của Việt Nam khi
có thực thể nào đó luôn là “đối tác” hoặc “đối tượng” của đất nước ta. Cách xác
định này cùng với phương châm “thêm bạn, bớt thù” trong tư tưởng ngoại giao Hồ
Chí Minh tiếp tục có ý nghĩa quan trọng trong xử lý các vấn đề đối ngoại, tạo
thế và lực mới cho đất nước ta trên “bàn cờ” khu vực và toàn cầu.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét