Tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, xác định: “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát
triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương
trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất
kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”[1]. Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời, phát triển gắn
liền với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Ngoài những đặc điểm
chung của giai cấp công nhân thế giới, giai cấp công nhân Việt Nam còn có những
đặc điểm riêng: Giai cấp công nhân Việt Nam ra
đời muộn hơn giai cấp công nhân quốc tế.
Cùng với chính sách khai thác
thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã ra đời
từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nhưng do giai cấp công nhân Việt Nam được
sinh ra ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, dưới ách thống trị của thực dân
Pháp nên giai cấp công nhân phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng. Mặc
dù sinh trưởng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, từ một nền sản xuất nông
nghiệp lạc hậu, đa số là nông dân, nhưng lại được hình thành phát triển sau
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, được sự giúp đỡ của Quốc tế cộng sản, giai
cấp công nhân Việt Nam sớm có chính Đảng của mình, luôn giữ vững được truyền
thống, bản chất cách mạng, thống nhất về tư tưởng và tổ chức trong phạm vi cả
nước.
Giai cấp công nhân Việt Nam sinh ra trong lòng một dân
tộc có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm.
Ra đời, tồn tại và phát triển trong cuộc đấu tranh chống
tư bản thực dân đế quốc và phong kiến, trực tiếp đối kháng với tư bản thực dân
Pháp để giành độc lập, chủ quyền, xóa bỏ ách áp bức bóc lột và thống trị thực
dân, giai cấp công nhân Việt Nam đã từng bước thể hiện là lực lượng chính trị
tiên phong để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải quyết mâu thuẫn
cơ bản giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc thực dân và phong kiến, mở đường cho
sự phát triển của dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản. Phẩm chất chính trị
nổi bật của giai cấp công nhân Việt Nam không chỉ thể hiện ở ý thức giai cấp và
lập trường chính trị mà còn thể hiện tinh thần dân tộc, gắn bó mật thiết với
nhân dân, với dân tộc, có truyền thống yêu nước, đoàn kết và bất khuất chống
xâm lược.
Giai cấp công nhân Việt Nam
xuất thân chủ yếu từ nông dân.
Thành phần xuất thân của giai cấp công nhân chủ yếu từ
giai cấp nông dân, nên có mối quan hệ tự nhiên mật thiết với giai cấp nông dân
và các tầng lớp nhân dân lao động khác, cơ sở thuận lợi để xây dựng khối liên
minh công – nông - trí thức. Từ khi ra đời đến nay lợi ích của giai cấp công
nhân luôn gắn bó với lợi ích của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc, làm cho
sự nghiệp giải phóng của giai cấp công nhân gắn bó hữu cơ với sự nghiệp giải
phóng dân tộc.
Trong giai đoạn cách mạng hiện
nay, quá trình trí thức hóa giai cấp công nhân diễn ra mạnh mẽ, từng bước hình
thành giai cấp công nhân trí thức Việt Nam.
Qua hơn 35 năm đổi
mới, đẩy mạnh cộng nghiệp hóa, hiên đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Việt
Nam đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Công nhân trí thức, nắm vững khoa
học - công nghệ tiên tiến, công nhân trẻ được đào tạo nghệ theo chuẩn nghệ
nghiệp, học vấn, văn hóa, được rèn luyện trong thực tiến sản xuất và thực tiễn
xã hội. Trong môi trường kinh tế - xã hội đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng,
trong sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai cấp
công nhân Việt Nam đứng trước thời cơ phát triển và cả những nguy cơ, thách
thức trong phát triển.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/01/2008 Hội nghị lần thứ sáu
Ban chấp hành Trung ương khóa X về “tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt
Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Nxb Chính trị quốc
gia - Sự thật, Hà Nội - 2008, tr. 1.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét