“CHỐNG CHỆCH HƯỚNG”, TƯ TƯỞNG PHẢI THÔNG
1. Vin vào cớ chủ nghĩa tư bản đương đại đang đổi mới, thích nghi, phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn, một số người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta cho rằng, Việt Nam ngày càng tụt hậu và nguyên nhân chính là do “Đảng Cộng sản Việt Nam cứ khư khư bám giữ chủ nghĩa Mác - Lênin”, “mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Hơn thế, quan điểm này còn trắng trợn vu cáo rằng, “sự trì trệ, bảo thủ, chậm khắc phục những hạn chế, bất cập của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thời gian qua đang đẩy Việt Nam rơi xuống hố sâu, vực thẳm; đi vào “ngõ cụt”, “bế tắc”, “buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải đưa ra quyết định đưa kinh tế tư nhân làm động lực chủ yếu để cứu vớt nền kinh tế Việt Nam”; với quyết định này, “định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế Việt Nam đã kết thúc”...
Một số người khác lại có quan điểm hồ đồ sau khi đã “sám hối”, cho rằng, cả đời đã tin vào học thuyết Mác - Lênin nay mới ngộ ra là sai lầm nên giờ đây, nhận thức lại thấy cần phải “tẩy sạch, gột rửa nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là lý luận hình thái kinh tế - xã hội của Mác” để “thanh thản đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”, mong sớm phát tài, giàu sang!. Họ đã phát ngôn, viết bài, tung tin với dụng ý khích lệ Đảng ta “bóp chết thành phần kinh tế nhà nước càng sớm, càng tốt, vì nó vô dụng” để “đưa thành phần kinh tế tư nhân phát triển, chiếm thế thượng phong”. Theo họ, đó là cách quay lại đúng quỹ đạo của con đường phát triển tư bản chủ nghĩa…
Vì thế, trên một số hội thảo khoa học, “bàn tròn, bàn vuông”, sách báo, đài, phim ảnh, tài liệu quốc tế, các trang mạng xã hội, nhất là của VOA, RFA, RFI, YOUTUBE, BBC… người ta đã bàn nhiều về số phận của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là học thuyết hình thái kinh tế - xã hội - một nội dung quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta với dụng ý xấu khi cho rằng, Đảng ta đã “kết thúc định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bằng cách phát triển mạnh kinh tế tư nhân”.
Từ đó, họ khẳng định rằng, “chủ nghĩa Mác - Lênin và lý luận về chủ nghĩa xã hội đã là quá khứ”, “chỉ phù hợp với thế kỷ XX; không phù hợp với thời đại ngày nay”, đặc biệt “không cần thiết cho Việt Nam”, bởi “học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung “đã cáo chung”, đã được “đưa vào bảo tàng lịch sử” cùng với sự đổ của vỡ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu”. Theo họ, chừng nào còn tồn tại học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác thì chừng ấy còn có sự thống trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, còn có các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, cũng như cuộc đấu tranh không khoan nhượng của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản.
Nhận diện sâu sắc và cảnh giác cao độ với các luận điệu sai trái nêu trên. Trong bối cảnh hiện nay, nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ cần kíp để vững vàng niềm tin; tiếp tục kiên định mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đưa sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đi đến thành công. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải đập tan các quan điểm sai trái, thù địch, phản động; tiếp tục làm sáng tỏ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trước mắt là giữ vững niềm tin trong xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc, đặc biệt có ý nghĩa hệ trọng đối với dân tộc ta khi bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng, sự an nguy đối với vận mệnh và lợi ích quốc gia - dân tộc, sự phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc của dân tộc. Nhận thức sai lầm và đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa thì đương nhiên, phải trả giá đắt, chúng ta không thể chấp nhận điều đó. Bài học về sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu luôn nhắc nhở chúng ta không được phép sai lầm về đường lối chính trị, mất cảnh giác về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
2. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng tới đây, trong học tập, nghiên cứu, bảo vệ và vận dụng sáng tạo học thuyết “hình thái kinh tế - xã hội” của C. Mác vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay, cần khẳng định rõ quan điểm, lập trường có tính nguyên tắc của những người mácxít về giá trị và ý nghĩa khoa học, cách mạng của học thuyết này. Kiên quyết bác bỏ mọi luận điệu vu khống, xuyên tạc, phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng học của thuyết hình thái kinh tế - xã hội, giá trị và ý nghĩa của nó đối với đường lối đổi mới ở Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện thời, hãy nhìn lại thật kỹ cuộc xung đột quân sự giữa Nga - Ucraina, hệ quả của nó và bối cảnh tình hình thế giới, khu vực để tự tin khẳng định dứt khoát rằng, trước đây cũng như hiện nay, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác vẫn là lý luận duy nhất khoa học và cách mạng để chúng ta nhận thức và giải quyết các vấn đề lịch sử, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bản chất khoa học, cách mạng của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác thể hiện ở tính tất yếu khách quan của sự ra đời học thuyết, ở việc khẳng định sản xuất vật chất là cơ sở tồn tại và phát triển của lịch sử xã hội loài người, ở quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, ở mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, ở việc khẳng định sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là quá trình lịch sử - tự nhiên...
Điểm nhấn mạnh và cần nhận thức đúng bản chất khoa học, cách mạng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là ở chỗ, C. Mác làm nổi bật vai trò quyết định - xét đến cùng - của nhân tố kinh tế trong mối quan hệ với các yếu tố khác. Tuy nhiên, C. Mác, Ph. Ăngghen không bao giờ coi kinh tế là nhân tố duy nhất quyết định sự vận động, biến đổi của lịch sử. Đây cũng là cái điều vô cùng sâu sắc mà Đảng ta đã khẳng định: Việt Nam muốn đạt được các mục tiêu hai lần kỷ niệm 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng vào năm 2030 và thành lập nước vào năm 2045, nhất thiết từ năm 2025 tăng trưởng kinh tế phải đạt từ 8% năm và sau đó, từ năm 2026, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt trên hai con số, tức là trên 10%; đồng thời, phải phát triển toàn diện các mặt của đời sống văn hóa - xã hội.
Đây là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học để chúng ta tiếp tục vận dụng sáng tạo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và chính nó, là vũ khí sắc bén để chúng ta đứng vững trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc sự thật, bảo vệ chân lý khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin trước sự tấn công từ nhiều phía của kẻ thù; kiên quyết giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được trong 40 năm đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định rằng, đường lối chiến lược của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nhất quán, xuyên suốt; không bao giờ thay đổi. Thế nhưng, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, một số sách lược của Đảng ta có sự thay đổi cho phù hợp với đặc điểm tình hình mới với sự uyển chuyển, linh hoạt. Điều đó hoàn toàn đúng với lời dạy của Bác Hồ: “Lấy bất biến ứng vạn biến”. Nếu ai đó chỉ vì ý muốn chủ quan, chỉ “nhìn thấy cây mà không thấy rừng”, “chỉ biết một mà không biết hai” mà phạm thêm sai lầm trong nhận thức và hành động là đi ngược lại quy luật khách quan của lịch sử…
Trung thành, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là lý luận về hình thái kinh tế - xã hội trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng là sự bảo đảm chắc chắn nhất để phòng, chống sự chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua đã chứng minh tính chân lý ấy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét