Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

Chặn tham nhũng, tiêu cực - vững lòng dân, thế nước

 

Những năm qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đặc biệt là hoạt động của ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Qua đó, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch và giữ vững nguyên tắc, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước, củng cố “thế trận lòng dân”...

Những kỳ họp thực chất

Điều rất dễ nhận thấy trong những năm gần đây là các kỳ họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và UBKT Trung ương được cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm, bởi thông tin từ các kỳ họp luôn “nóng bỏng”, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta trong việc quyết liệt, kiên trì đấu tranh với những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, nhằm giữ vững sự thanh sạch của Đảng.

Nếu như các kỳ họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xác định quyết tâm và đưa ra những định hướng lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, thì các kỳ họp của UBKT Trung ương kết luận rõ tính chất, mức độ, hình thức xử lý kỷ luật hoặc đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan chức năng xử lý cụ thể đối với từng tổ chức đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên có vi phạm. Kết quả kiểm tra, giám sát, xử lý các vụ việc được công bố rõ ràng, bảo đảm đúng phương châm của công tác kiểm tra là "công minh, chính xác, kịp thời".

Với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; tiến hành một cách bài bản, từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết xử lý kỷ luật theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không có hạ cánh an toàn”, mọi đảng viên đều bình đẳng khi xử lý kỷ luật và làm nghiêm từ trên xuống..., từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến hết năm 2021, cấp ủy và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên (trong đó, có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...).

Đặc biệt, quán triệt quan điểm “Kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật”, UBKT Trung ương đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án, vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận. Riêng năm 2021, UBKT Trung ương đã xử lý và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý nghiêm 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Theo thông tin tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được tổ chức ngày 27-4: Từ đầu năm 2022 đến nay, UBKT Trung ương đã khẩn trương kiểm tra, phát hiện, xử lý, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý.

Vừa qua, việc kiểm tra, làm rõ các sai phạm, xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân sai phạm liên quan đến những vụ việc nổi cộm (như: Vi phạm trong việc quyết định giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam; những sai phạm trong mua sắm vật tư phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, điển hình là vụ việc liên quan đến Công ty Việt Á; vi phạm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...) được dư luận rất hoan nghênh, bởi thấy rằng công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ngày càng hiệu quả. Nhất là, UBKT Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý được những vi phạm trong các lĩnh vực mới, khó và nhạy cảm, thể hiện rõ bản lĩnh, quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong những lực lượng, cơ quan có chức năng phòng, chống vi phạm, tội phạm. Vì thế, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân đã chú tâm theo dõi, đặt niềm tin vào những kỳ họp của UBKT Trung ương.Hiệu quả không chỉ là “bắt sâu”

Trên cơ sở rút kinh nghiệm những hạn chế, thiếu sót trước đây và quán triệt phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, hơn một năm qua, nhất là sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28-7-2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của toàn Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã có sự chuyển biến rõ nét; các quy định, quy chế, quy trình nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện...

Chuyển biến rõ nhất là toàn Đảng đã từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tiêu cực, nơi người dân có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm; chủ động dự báo những hành vi vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên trong tình hình mới để kiểm tra trước và đề ra các chủ trương, biện pháp phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm từ xa, từ sớm, từ lúc còn manh nha... Thực tế thời gian qua, việc xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bảo đảm thực sự không có “vùng cấm” đã góp phần giải tỏa được những bức xúc, bất bình của nhân dân và dư luận xã hội, đồng thời có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ, giúp phòng ngừa vi phạm.

Lan tỏa tinh thần chủ động kiểm tra, tăng cường giám sát (không chỉ trong Đảng mà toàn hệ thống chính trị và trong nhân dân) để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý vi phạm là điều mà cán bộ, đảng viên cùng người dân cảm nhận rất rõ. Nhiều người đã dùng câu ví “lò luôn nóng” để nói về điều này.

Tại Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2022 được tổ chức ngày 25-4 vừa qua, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT Trung ương, cho biết: Trong 3 tháng đầu năm 2022, UBKT thuộc cấp ủy các địa phương, đơn vị đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 297 tổ chức đảng và 921 đảng viên. Hiện UBKT Trung ương đang có 20 đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021), đồng thời chỉ đạo cấp ủy và UBKT 63 tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng, đảng viên. Qua kiểm tra, đã xử lý và đề nghị xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Trong đó: Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 32 tổ chức đảng và 1.953 đảng viên; Ban Bí thư thi hành kỷ luật 3 tổ chức đảng và 9 đảng viên; UBKT các cấp thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng, 1.017 đảng viên; UBKT Trung ương thi hành kỷ luật 5 tổ chức đảng và 21 đảng viên.

Thực tế đã cho thấy, hầu hết các tổ chức đảng và đảng viên sau khi được kiểm tra, giám sát đã nghiêm túc khắc phục, sửa chữa vi phạm, khuyết điểm và hậu quả gây ra; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng đã góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa...

Trước việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 34-KL/TW ngày 18-4-2022 về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, chúng tôi đã trao đổi với một số đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh, nhà khoa học... Các ý kiến đều cho rằng: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người luôn nêu cao quyết tâm làm thanh sạch Đảng, kiên quyết loại bỏ những “con sâu mọt” làm hại Đảng, hại nhân dân, đất nước. Vì thế, việc Bộ Chính trị ban hành Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, tích cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là rất cần thiết; tiếp tục thực hiện quyết tâm “tuyên chiến” với những “con sâu làm rầu nồi canh” theo tinh thần “không có vùng cấm, không ai ngoại lệ” mà Trung ương, nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định.

Việc thời gian qua Đảng, Nhà nước ta xử lý nghiêm tất cả những cán bộ, đảng viên có vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao, dù đang đương chức hay nghỉ hưu, càng củng cố niềm tin của nhân dân-giữ vững “thế trận lòng dân”. Đây là cái được lớn nhất mà công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã góp phần quan trọng. Mong rằng thời gian tới, với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, Đảng tiếp tục “diệt sâu” kiên quyết và hiệu quả hơn nữa để Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững, vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

VIỆT NAM KHÔNG NGỪNG NỖ LỰC ĐỂ BẢO ĐẢM NHÂN QUYỀN

 

Để vạch trần những hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền chống Việt Nam của các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước. Thời gian qua, chúng không ngừng đẩy mạnh với quy mô ngày càng mở rộng, tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt, tinh vi và xảo quyệt.

Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu”; “Phát triển con người toàn diện và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; “…con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước”.

Quyền con người được khẳng định trong bản Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1992 và 2013. Hiến pháp năm 2013 có 11 chương, 120 Điều. Trong đó, chương về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có điều luật nhiều nhất, gồm 36 điều (từ Điều 14 đến Điều 49).

Để có cơ sở pháp lý thúc đẩy và bảo vệ, bảo đảm quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Tính từ năm 2014 đến nay, Quốc hội nước ta đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân phù hợp với Hiến pháp 2013. Trong số đó có những luật cơ bản, quan trọng như: Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Luật Trưng cầu dân ý 2015, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, Luật Trẻ em 2016, Luật Báo chí 2016, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật An ninh mạng 2018, Luật Đặc xá 2018… Việc hoàn thiện khung pháp luật về quyền con người, quyền công dân nói trên đã phản ánh đúng bản chất của chế độ ta, đó là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tăng cường cơ chế dân chủ, công khai để mọi cá nhân trong xã hội đều có thể tham gia xây dựng, quản lý xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước, cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý để các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Việt Nam đã phê chuẩn hoặc tham gia nhiều điều ước quốc tế về nhân quyền. Việt Nam luôn khẳng định trên thực tế là thành viên nỗ lực tham gia các công ước quốc tế với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, được nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao.

Mặc dù nước ta đang gặp không ít những trở ngại, thách thức do thiên tai, dịch bệnh và từ sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị nhưng vấn đề nhân quyền của Việt Nam luôn được thực thi trên thực tế. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và vững chắc về nhân quyền. Điều đó không chỉ thể hiện ở những nỗ lực của chúng ta trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà còn được thể hiện ở việc bảo đảm quyền còn người, quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Điển hình như, Việt Nam là một trong sáu quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ trước thời hạn năm 2015 và được xem là tấm gương điển hình của cộng đồng quốc tế trong thực hiện mục tiêu phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau của Liên hợp quốc. Theo Báo cáo “Phát triển con người năm 2019” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 9/12/2019, với chỉ số HDI là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước… Với những thành tựu trong việc tôn trọng, bảo đảm về quyền của con người, Việt Nam được tín nhiệm là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016). Tại khóa họp lần thứ 73, tại trụ sở Liên hợp quốc vào ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu). Gần đây, Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với nhiều dấu ấn, đóng góp sáng tạo, thiết thực, trong đó có vấn đề bảo đảm quyền con người trước những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và làm cho vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế.

Thành tựu đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội, đặc biệt là những thành tựu của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm quyền sống là quyền cao nhất trong đại dịch COVID-19 là những minh chứng rõ nét nhất trong bảo đảm quyền của con người trước những biến cố, đại dịch mà người dân trên toàn thế giới phải trải qua.

Đánh giá về nhân quyền cần phải đảm bảo cách nhìn khách quan, toàn diện, không thể phán theo kiểu “thầy bói xem voi”, không thể lấy một số vụ việc tiêu cực, những hiện tượng sai lệch mà quy chụp thành bản chất. Những thông tin để làm căn cứ đánh giá, báo cáo, xếp loại nhân quyền Việt Nam của một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí đều khai thác từ số đối tượng thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị, số này luôn có những hành động hủy hoại mọi nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong vấn đề nhân quyền. Khi không có bất kỳ các hoạt động khảo sát, trải nghiệm vấn đề nhân quyền của một quốc gia thì mọi đánh giá về nhân quyền của quốc gia đó đều mang tính chủ quan, thiếu tính thực tiễn, sai lệch. Mặt khác, không thể mượn danh nhân quyền để tung hô cho lối sống tự do “vô pháp” để biện minh việc làm sai trái, quay lưng lại Tổ quốc, dân tộc.

Chu Xuân Đại Thắng - Báo Công an nhân dân online


Tăng cường kiểm tra, giám sát để Đảng thêm vững mạnh

 

LTS: Kiểm tra, giám sát (KTGS) vừa là chức năng lãnh đạo, vừa là phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ.

Trong tình hình mới, phần việc này cần được đặc biệt coi trọng, thực hiện triệt để, thực chất trong toàn Đảng và hệ thống chính trị, góp phần xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, đủ sức gánh vác, lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng vẻ vang.

Bài 1: Không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo

Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nói chung, các nhiệm vụ chính trị cụ thể nói riêng đạt được đến đâu, hiệu lực, hiệu quả ra sao, đều chịu sự ảnh hưởng, tác động sâu sắc của công tác KTGS. Từ các nhà kinh điển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Đảng, Nhà nước ta và cả trong hệ thống các văn kiện của Đảng đều thể hiện rất rõ tinh thần nhất quán: Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo.

Khi bàn về xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, V.I.Lênin khẳng định kiểm tra như là nội dung, phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng; vì có chủ trương đúng, có tổ chức thực hiện nhưng thiếu kiểm tra cũng rất khó đạt kết quả tốt được. Lênin còn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, kiểm soát và coi đây là công cụ chắc chắn nhất để bảo vệ những mầm mống của xã hội mới. Người yêu cầu Đảng, Nhà nước phải nắm chắc công tác kiểm tra và gợi ý: Theo ý tôi, điều chủ yếu là chuyển trọng tâm từ việc soạn thảo các sắc lệnh và mệnh lệnh sang lựa chọn người và kiểm tra việc thực hiện. Đó là vấn đề then chốt nhất... nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh càng đặc biệt quan tâm đến công tác KTGS, bởi theo Người "Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ được năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời". Hồ Chí Minh chỉ rõ, "Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra". Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra của Đảng (ngày 29-7-1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”.

Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, sự phát triển của tổ chức đảng, công tác KTGS luôn được Đảng chú trọng. Ngày 16-10-1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Quyết nghị số 29-QN/TW về việc thành lập Ban Kiểm tra Trung ương-cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. Quyết nghị có đoạn ghi: "... Trung ương quyết định thành lập Ban kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát đúng không, đồng thời, xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng". Sau đó, các ban kiểm tra của khu ủy, liên khu ủy lần lượt được thành lập.Là chính đảng tiền phong cách mạng, ngay từ khi mới thành lập, cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là khi đã trở thành đảng cầm quyền, Đảng ta đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra và giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, đồng thời xác định: Công tác kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng; muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Điều lệ Đảng tháng 10-1930 đã ghi rõ: "Trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách rất nghiêm khắc".

Từ khi ra đời đến nay, cơ quan kiểm tra chuyên trách của Đảng đã nhiều lần được bổ sung, điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, phát triển về tổ chức và đội ngũ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), Điều lệ Đảng quy định đảng ủy cơ sở được cử ủy ban kiểm tra (UBKT). Từ đó, UBKT được thành lập thành một hệ thống hoàn chỉnh và thống nhất từ Trung ương đến đảng ủy cơ sở. Cùng với sự phát triển của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác KTGS được tiến hành thường xuyên, hiệu quả góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, như: Thực hiện 3 chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu) ở ngành mậu dịch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; thực hiện Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa III về chống và bài trừ tệ lấy cắp tài sản XHCN, tệ làm ăn phi pháp; thực hiện Chỉ thị số 192-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, khóa III về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; kiểm tra thực hiện “chế độ lãnh đạo có kiểm tra” theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư khóa V; thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị, khóa VII về ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII...; thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII), Kết luận của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cùng hàng loạt các chủ trương, nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng khác về công tác KTGS của Đảng.

Thực tiễn cách mạng cho thấy, bất kỳ lúc nào, bất kỳ đâu mà công tác KTGS bị buông lỏng hoặc xem nhẹ, thì việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng sẽ bị lệch lạc, chỉ đạo tổ chức thực hiện dễ dẫn đến sai lầm. Đồng thời, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ không đạt hiệu quả cao, mọi dấu hiệu, biểu hiện vi phạm kỷ luật không được phát hiện từ sớm để ngăn chặn kịp thời. Hệ quả tất yếu là dẫn đến tình trạng đảng viên thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng, vi phạm tư cách, đạo đức cách mạng. Những điển hình như vụ Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu (năm 1950) hay Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trương Việt Hùng (năm 1964) bị tử hình vì những vi phạm pháp luật là minh chứng cho việc cán bộ, đảng viên sai phạm trong thời gian dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời để phải xử lý. Thời gian gần đây, ở một số bộ, ban, ngành, địa phương không thực hiện tốt công tác KTGS, dẫn đến tình trạng thực hiện sai chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, vi phạm pháp luật, “lợi ích nhóm”, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ chủ trì các cấp. Điều đó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, mà còn làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ ta.

Tăng cường công tác KTGS để phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là quyết tâm chính trị lớn của Đảng. Đặc biệt, những năm gần đây, kết quả công tác KTGS đã thực sự góp phần đưa kỷ cương, kỷ luật Đảng được tăng cường thêm một bước; nhiều cơ chế mới phòng ngừa vi phạm được bổ sung, nhận thức về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được nâng lên; góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi kỳ họp của UBKT Trung ương đều mang lại những kết quả cụ thể, rõ rệt trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; được đông đảo nhân dân quan tâm, đồng tình ủng hộ. Xử lý đúng người, đúng vụ việc không phải là cuộc đấu đá, thanh trừng nội bộ, mà là “chặt những cành sâu để cây xanh tốt”, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chính điều đó đã tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tổ chức cơ sở đảng, đưa công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở thành hành động cách mạng quyết liệt, hiệu quả cao ở mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội.

Khẳng định những kết quả nổi bật của công tác KTGS, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Công tác KTGS, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động KTGS của cấp ủy, UBKT các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là cấp Trung ương. Qua công tác KTGS, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên”. Trên cơ sở đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác KTGS, kỷ luật Đảng. Triển khai quyết liệt, thường xuyên, toàn diện, đồng bộ công tác KTGS, kỷ luật đảng, phục vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trong bối cảnh tình hình mới, cùng với những tác động đa chiều của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường; sự chống phá quyết liệt, nguy hiểm của các thế lực thù địch; cuộc chiến chống “giặc nội xâm” trở nên phức tạp, cấp bách... Để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, đòi hỏi công tác KTGS phải được đổi mới, tăng cường, hiệu quả thiết thực hơn nữa. Tinh thần đó thể hiện sâu sắc trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác KTGS nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (ngày 27-11-2020): KTGS là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Đảng ta khẳng định, kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng; lãnh đạo mà không kiểm tra coi như không lãnh đạo. Mọi tổ chức đảng và đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và đều phải chịu sự KTGS, thi hành kỷ luật của Đảng. KTGS là “thanh bảo kiếm để chữa lành các vết thương”.

Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, ngày 18-4-2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 34-KL/TW về Chiến lược công tác KTGS của Đảng đến năm 2030. Đây là chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của công tác KTGS trong tình hình mới. Kết luận được ban hành tạo ra định hướng lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác KTGS, kỷ luật đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị. Kết luận thể hiện rõ nét những bước thay đổi và phát triển tư duy, thích ứng kịp thời của Đảng nhằm đưa công tác KTGS đi vào nền nếp, thực hiện có chiều sâu, đạt hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nhấn mạnh vị trí, vai trò đặc biệt của công tác KTGS, chúng ta cần tiếp tục nêu bật, phân tích và làm sâu sắc hơn những kết quả, dấu ấn to lớn trong công tác KTGS của Đảng ở những nhiệm kỳ gần đây; đồng thời không được thỏa mãn dừng lại trước những gì đã đạt được, mà cần sớm nhận diện tồn tại, vướng mắc, khó khăn để sớm có giải pháp tháo gỡ đồng bộ, triệt để. Tất cả những vấn đề này sẽ được đề cập ở những bài viết tiếp theo.

NHẬN DIỆN CHIÊU TRÒ CHỐNG PHÁ NHÂN QUYỀN TRÊN MỘT SỐ LĨNH VỰC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

Thời gian qua, hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền chống Việt Nam đang được các thế lực thù địch cả trong và ngoài nước không ngừng đẩy mạnh với quy mô ngày càng mở rộng, tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt, theo kiểu “mềm, ngầm, sâu, hiểm”, vô cùng tinh vi, xảo quyệt.

Trong lĩnh vực pháp lý: Các thế lực thù địch không những đưa ra các luận điệu vô lý để phê phán một số điều luật hay văn bản pháp lý cụ thể của Việt Nam, nhất là họ tập trung đả phá Hiến pháp năm 2013 rồi cho đó là lạc hậu, trái với quy định và luật pháp, thông lệ quốc tế, từ đó lên giọng chỉ trích toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam, cho là thiếu hụt, khập khiễng, chưa phù hợp. Đồng thời, họ vin vào việc một số cán bộ, nhân viên Nhà nước vi phạm pháp luật để rêu rao cán bộ, nhân viên Nhà nước đứng ngoài pháp luật, kích động, kêu gọi mọi người không tuân thủ và không thi hành pháp luật. Họ lấy cớ số cá nhân lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Nhà nước và chế độ bị cơ quan chức năng bắt giữ, khởi tố, xử lý theo pháp luật để vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền trong khi giải quyết các vấn đề cụ thể liên quan đến tự do cá nhân. 

Trong lĩnh vực văn hóa: Họ cố tình cắt xén, diễn giải một chiều theo ý đồ xấu, dựng chuyện Việt Nam không thực hiện đúng tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền như đã cam kết, đặc biệt là Điều 19 về quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến; vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta rẻ rúng, nghi kỵ trí thức, đàn áp văn nghệ sỹ, bóp nghẹt tự do báo chí, tự do văn học nghệ thuật… Thổi phồng, đề cao, cổ súy cho số phần tử lợi dụng văn học nghệ thuật để bôi đen bức tranh hiện thực đất nước, hà hơi, tiếp sức cho những phần tử mà họ gọi là “dũng cảm lột xác” dám nhìn nhận lại bản chất đích thực của cuộc chiến tranh giải phóng của Việt Nam, xóa nhòa ranh giới giữa kẻ xâm lược và bọn tay sai với quân đội và quần chúng cách mạng, biến cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ thành cuộc “nội chiến” do “tham vọng của cộng sản” gây ra; ca ngợi chính quyền Sài Gòn theo kiểu hoài niệm, nhớ lại; cố tình gây chia rẽ, tạo ra tâm lý phân biệt vùng miền, làm giảm sự quyết tâm, đồng lòng của nhân dân cả nước trước những thách thức của thiên tai, dịch bệnh.

Thậm chí, họ còn phô trương bản chất “đạo đức giả” khi dựng lên các chương trình mang tính nhân văn, nhân đạo kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ nhau nhưng kỳ thực là trò lừa bịp. Các thế lực thù địch còn tuyên truyền, vận động dựng lên những “nhân vật tiêu biểu”, những màn kịch “trao giải thưởng quốc tế” cho những người “tiên phong trong cuộc đấu tranh vì tự do, vì dân chủ”, thực ra đó là những đối tượng chống đối, bất mãn; lợi dụng tình hình dịch COVID -19 đăng bài phỏng vấn liên tục các cá nhân “bất đồng chính kiến”, người lao động nghèo, yếu thế để chống phá.

Trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo: Lợi dụng sự việc các cơ quan chức năng bắt, điều tra, xử lý những đối tượng lợi dụng dân tộc và tôn giáo có hành vi chống đối, vi phạm pháp luật… để xuyên tạc và vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Một số cá nhân mượn danh nghĩa chức sắc, tín đồ tôn giáo được sự tiếp tay của các thế lực thù địch đã lợi dụng nhân quyền trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo để chống phá chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta. Các thế lực thù địch vừa tích cực rêu rao, vừa vu cáo Việt Nam không có tự do tín ngưỡng, không cho tự do hành đạo và đàn áp tôn giáo, chia rẽ các tôn giáo, đồng bào lương, giáo để chống lại chính sách đoàn kết, ổn định phát triển kinh tế…

Trong lĩnh vực thực hiện chính sách với tù nhân: Tù nhân là những cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam, phải chấp hành các chế tài theo luật định. Trong số các tù nhân này có người lợi dụng nhân quyền để chống phá lại chế độ, nhà nước ta. Thời gian qua, đây là một trong những điểm nóng, một mối quan tâm thường xuyên và cũng là một “mảnh đất” của các thế lực thù địch nhằm vào để can thiệp, vu cáo Nhà nước Việt Nam. Thông qua cơ chế của Liên hiệp quốc, qua nghị viện một số nước hoặc tổ chức phi chính phủ hoạt động về lĩnh vực này, số tổ chức, cá nhân phản động lưu vong cung cấp những thông tin sai lệch, xuyên tạc, mang tính quy chụp, dựng chuyện gửi các “kiến nghị”, “thư ngỏ” lên các tổ chức quốc tế thiếu thiện chí với Việt Nam để chống phá; đồng thời, cố tình đánh tráo bản chất, gieo rắc tâm lý bất an, gây hiểu nhầm, hiểu sai trong dư luận.

Chu Xuân Đại Thắng - Báo Công an nhân dân online


MỘT SỐ ĐỐI TƯỢNG TIẾP TỤC SỬ DỤNG CHIÊU TRÒ TIẾP NHẬN VỐN TỪ NƯỚC NGOÀI ĐỂ LỪA ĐẢO CÁ NHÂN, DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC

 

Lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; khó khăn về vốn đầu tư, sản xuất kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp trong nước…, một số đối tượng tiếp tục sử dụng chiêu trò tiếp nhận vốn từ nước ngoài để lừa đảo cá nhân, doanh nghiệp trong nước.

Các nhóm cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động nghi vấn

Một trong số đó, phải kể đến trường hợp của Nguyễn Quốc Long, Lê Nguyên Thành, sáng lập viên, đại diện pháp luật Công ty cổ phần (CP) Di sản quốc tế Hồ Tràm; tổ chức tự xưng “Hội đoàn xử lý di sản tài chính quốc tế”... Thời gian trước đây, Nguyễn Quốc Long, Lê Nguyên Thành thành lập và liên tục sử dụng pháp nhân Công ty CP quốc tế Hồ Tràm lập nhiều bộ “hồ sơ”, “tờ trình” đề nghị được tiếp nhận nguồn vốn của “Hội đoàn xử lý di sản tài chính quốc tế”.

Sau khi bị các Cơ quan chức năng đề nghị giải thể pháp nhân Công ty CP Quốc tế Hồ Tràm do không đáp ứng đúng các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, các cá nhân này tiếp tục thành lập Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm và có các hoạt động tương tự. Vừa qua, khi các cơ quan chức năng yêu cầu giải thể Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm theo quy định của pháp luật, đã xuất hiện đơn của một doanh nghiệp đề nghị không cho giải thể do bị các đối tượng này lừa đảo. Đáng chú ý, Lê Nguyên Thành còn sử dụng trang Facebook Đặc khu kinh tế - biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa đăng tải các thông tin không có thật là các “tờ trình”, “đơn đề nghị” liên quan đến “Hội đoàn xử lý di sản tài chính quốc tế” có thể gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Trường hợp thứ hai là Đỗ Phú Phong và các doanh nghiệp liên quan. Đỗ Phú Phong (SN 1974, HKTT tại số 80/3 Lê Văn Thọ, phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) tham gia thành lập, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư tài chính Asian Tradebank và Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Hồng Ngọc đều có trụ sở tại phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Đỗ Phú Phong còn có tên trong danh sách sáng lập viên, giữ chức vụ Phó Giám đốc một doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre và một số doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp này cũng có “đơn”, “tờ trình” đề nghị tiếp nhận vốn từ nước ngoài…

Đáng chú ý, có tài liệu cho thấy Đỗ Phú Phong, với tư cách đại diện pháp luật Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ Hồng Ngọc đã ký kết hợp đồng chuyển giao nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho Nguyễn Quốc Long, nhóm Công ty CP Quốc tế Hồ Tràm, Công ty CP Di sản quốc tế Hồ Tràm. Đỗ Phú Phong đã bị Cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố với vai trò đồng phạm giúp sức trong vụ án Nguyễn Minh Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư tài chính Rolex, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư tài chính HCT; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu TFF, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 2 doanh nghiệp qua hình thức tiếp nhận vốn nước ngoài và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát đề nghị truy tố tháng 9/2021.

Quá trình điều tra cho thấy, mặc dù không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng Nguyễn Minh Hiệp vẫn thành lập nhiều công ty, với mục đích sử dụng pháp nhân để tạo vỏ bọc khi tiếp xúc, đàm phán hợp tác với đối tác. Biết ông T.S.H. và ông P.H.N. đang cần nguồn vốn lớn để kinh doanh, Hiệp tự nhận được sở hữu tài sản, di sản thừa kế “khủng” tại các tổ chức tài chính quốc tế.

Để che đậy lời nói dối, Hiệp đưa ra các giấy tờ giả gồm: hối phiếu (Bankdraft), giấy chứng nhận sở hữu tài sản, di sản thừa kế có giá trị từ hàng triệu đến hàng tỷ USD, các hình ảnh số lượng lớn tiền USD; đồng thời thông tin gian dối rằng có mối quan hệ với các cán bộ cấp cao trong cơ quan Nhà nước. Tin tưởng Hiệp có khả năng tài chính lớn, có thể đầu tư vào dự án mà doanh nghiệp của mình đang thực hiện, ông H., ông N. ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư, thỏa thuận kinh doanh với Hiệp, chuyển giao khoản chi phí mở cổng thanh toán quốc tế để chuyển tiền từ nước ngoài vào Việt Nam tổng cộng hơn 10,8 tỷ đồng.

Quá thời hạn nhưng Hiệp không chuyển tiền để hợp tác kinh doanh, không mở chứng thư bảo lãnh tại ngân hàng như đã cam kết, ông H và ông N biết bị Hiệp lừa đảo nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an. Lúc này, Hiệp mới trả lại 1,5 tỷ đồng cho ông H. và gần 3,4 tỷ đồng cho ông N. Hiện, Hiệp vẫn còn chiếm đoạt gần 5,9 tỷ đồng của ông H. Theo nhận định của cơ quan điều tra, hành vi phạm tội của Hiệp đã hoàn thành, việc Hiệp khắc phục hậu quả, trả tiền cho người bị hại chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP. Hồ Chí Minh đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh truy tố Nguyễn Minh Hiệp về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị can Võ Văn Cận Em, Đỗ Phú Phong tham gia trong vụ án với vai trò đồng phạm giúp sức.

Theo chỉ đạo của Hiệp, Võ Văn Cận Em nhiều lần sử dụng tài khoản cá nhân của mình nhận từ ông H. tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng, rồi chuyển cho Hiệp sử dụng vào mục đích cá nhân chứ không để giải quyết công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết. Đỗ Phú Phong cung cấp cho Nguyễn Minh Hiệp bộ hồ sơ “chứng nhận sở hữu di sản” giả mạo, nội dung ghi nhận Hiệp sở hữu 5.000 tấn vàng, trị giá 10 tỷ USD, tại một ngân hàng ở Mỹ. Phong cũng giúp Hiệp làm giả bản hối phiếu của một ngân hàng, ghi nhận doanh nghiệp phía ông H. đã được cấp vốn với số tiền 100 triệu USD.

Một trường hợp khác có nhiều hoạt động nghi vấn phải kể đến là Nguyễn Văn Tân (SN 12/5/1971, HKTT tại số 10/2 đường Lý Quốc Bảo, phường Nhị Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Nguyễn Văn Tân đã có tiền án, tiền sự và không có nơi cư trú ổn định. Nguyễn Văn Tân tham gia thành lập, đại diện pháp luật của Công ty CP Tài chính quốc tế nhân đạo An Sinh toàn cầu An Phát - HT, Công ty CP Thương mại quốc tế An Sinh toàn cầu An Phát - TP, Công ty CP Tài chính quốc tế nhân đạo An Sinh toàn cầu địa mẫu Hồ Chí Minh (Hải Dương) và Công ty TNHH Thương mại tài chính quốc tế Hoàng Gia vạn quốc bảo thông Bank toàn cầu (Hà Nội).

Qua xác minh, từ năm 2018 đến nay, Nguyễn Văn Tân đã nhiều lần sử dụng các pháp nhân nêu trên để gửi đơn, “tờ trình” đề nghị được tiếp nhận vốn nước ngoài, di sản tài chính… đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành để đề nghị được tiếp nhận các nguồn vốn từ nước ngoài. Tuy nhiên, qua phối hợp với các cơ quan chức năng, Cục An ninh Kinh tế đã làm rõ một số nội dung: các hồ sơ đề nghị tiếp nhận vốn từ nước ngoài đều không đúng quy định của pháp luật, các dự án không có thật, không có giấy tờ pháp lý của đối tác nước ngoài cũng như nguồn vốn từ nước ngoài, tài khoản của các doanh nghiệp không có tiền từ nước ngoài chuyển về như thông tin trên các chứng từ ngân hàng do Tân gửi kèm theo hồ sơ…

Thậm chí, tên, số tài khoản của đối tác nước ngoài cũng không tồn tại trên hệ thống của một ngân hàng ở Đức và được ghi nhận xuất hiện nhiều lần trên các bộ chứng từ được thông báo là giả mạo…

Nhận diện các thủ đoạn lừa đảo

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an cho biết: Các đối tượng đã lợi dụng sự khó khăn về nguồn vốn, thiếu hiểu biết và lòng tham của một bộ phận cá nhân, doanh nghiệp; sơ hở trong việc phát hành các văn bản tiếp nhận, trả lời của các cơ quan chức năng để lấy mẫu, chữ ký, sửa chữa nội dung để hoạt động lừa đảo. Các đối tượng đứng tên thành lập, đại diện các doanh nghiệp, hoặc bằng nhiều cách để có tên trong danh sách sáng lập viên các doanh nghiệp khác, được bổ nhiệm giữ các chức vụ phụ trách về tài chính, được ủy quyền để tiếp nhận nguồn vốn từ nước ngoài…

Cùng với đó, là câu kết, móc nối với các cá nhân mạo danh là đại diện các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài không có thật vào Việt Nam hoặc mời/đề nghị các cá nhân, tổ chức trong nước cùng ra nước ngoài để tiếp xúc, gặp gỡ nhằm tạo niềm tin. Đặc biệt, các đối tượng tạo được niềm tin rất lớn với các cá nhân, tổ chức trong nước về nguồn tiền nên các cơ quan chức năng rất khó giải thích để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lừa đảo.

Thông qua các mối quan hệ xã hội để giới thiệu, chào mời các cá nhân, doanh nghiệp trong nước về các nguồn vốn vay lớn, lãi suất thấp, tài trợ cho các dự án về an sinh xã hội, môi trường. Đặc biệt, bằng nhiều cách thức, các đối tượng tìm cách tiếp xúc, quan hệ với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành (đương chức, nghỉ hưu) có uy tín, chức vụ để nhờ cậy, tác động, tạo sức ép với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương.

Để tạo sự quan tâm, chú ý của các cơ quan chức năng, cá nhân, doanh nghiệp trong nước, hồ sơ tiếp nhận vốn nước ngoài có dấu hiệu nghi vấn thường nêu chung chung mục đích đầu tư cho các dự án kinh tế, dự án an sinh xã hội; trong đó, có các dự án mới được đồng ý về mặt chủ trương, chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép hoặc lên mạng Internet lấy thông tin, hình ảnh của các dự án để đưa vào hồ sơ, gồm cả những dự án lớn của Chính phủ như: dự án cao tốc Bắc - Nam, các dự án xây dựng bệnhviện, trường học…

Đáng chú ý, các đối tượng còn lợi dụng tình hình thiên tai, dịch bệnh để đưa đưa vào các “tờ trình”, “đơn đề nghị” tiếp nhận vốn từ nước ngoài. Cụ thể như, lợi dụng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố, nhóm công ty liên quan đến Đỗ Phú Phong đã gửi rất nhiều hồ sơ và lồng ghép nội dung “hỗ trợ quỹ vaccine”, “hỗ trợ dịch bệnh COVID-19” nhằm tạo sự chú ý, quan tâm của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, tổ chức…

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là việc các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng trong đăng ký thành lập doanh nghiệp để tham gia thành lập, đại diện pháp luật của nhiều doanh nghiệp với số vốn điều lệ rất lớn lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, “chủ doanh nghiệp” thì không xác định được nơi cư trú và cũng không liên hệ được...

Đối với hình thức khai thác “kho báu”, “di sản”, “ngoại tệ trôi nổi”, các đối tượng thường lồng ghép các vấn đề tâm linh nhằm tạo niềm tin, mê hoặc các cá nhân, tổ chức nhằm thực hiện mục đích lừa đảo, lôi kéo tham gia. Thậm chí, có những cá nhân cho biết số ngoại tệ trôi nổi lên tới hàng trăm ngàn tỷ USD, được vận chuyển bằng rất nhiều container về Việt Nam qua đường biển mà các cơ quan chức năng Việt Nam cũng như nước ngoài không biết, được cất giữ trong nhiều kho trên khắp đất nước, mà chỉ những người được giao “mật mã” mới vào được, ai cố tình tìm cách xâm nhập vào kho, hoặc nghe các đối tượng nói mà thiếu lòng tin sẽ phải trả giá rất đắt, kể cả tính mạng.

Tương tự, là các “tờ trình”, “đơn đề nghị” được tiếp nhận nguồn vốn ủy thác của các quỹ nhân đạo, quỹ đầu tư, quỹ tài chính quốc tế… có trụ sở tại nước ngoài. Tuy nhiên, qua xác minh, tìm hiểu, các quỹ này không có thật hoặc có rất ít thông tin liên quan đến hoạt động, đại diện các quỹ thậm chí đang bị cơ quan chức năng nước sở tại truy thu thuế, thu hồi giấy phép…

Sau khi đã tiếp cận, tạo được lòng tin, các đối tượng thường yêu cầu cá nhân, tổ chức có nhu cầu tiếp nhận/vay vốn chi trả các khoản chi phí (đi lại, giao dịch, làm thủ tục, mời chuyên gia nước ngoài thẩm định dự án...), tiền đặt cọc, tiền góp vốn, nếu có nhu cầu xem các giấy tờ có liên quan đến nguồn tiền thì phải “chi phí” để kết nối với cấp lãnh đạo, cơ quan nhà nước đang nắm giữ với lý do tài liệu “mật”... và tìm cách chiếm đoạt.

Đây là các thỏa thuận miệng, hợp đồng hợp tác có tính chất dân sự, khi có đơn thư tố cáo, các đối tượng sẽ thỏa thuận đền bù theo hình thức dân sự để tránh bị xử lý theo pháp luật về hình sự, nhưng sau đó sẽ tiếp tục tìm cách trì hoãn trả lại tiền hoặc trả thành nhiều lần. Một số cá nhân khi bị triệu tập làm việc đã khai báo không có bản gốc hoặc được các đối tượng khác (mà bản thân họ cũng không xác định được nhân thân, lai lịch) cung cấp nên cơ quan Công an rất khó khăn trong truy nguyên và xử lý; hoặc sử dụng các văn bản trả lời, tiếp nhận của cơ quan chức năng để sửa chữa nội dung, tạo niềm tin đối với các cá nhân/doanh nghiệp để hoạt động lừa đảo...

Với nhiệm vụ được phân công, Cục An ninh Kinh tế đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thẩm tra các chứng từ giả mạo của ngân hàng; tổ chức tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ban, ngành về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để phòng ngừa, ngăn chặn không để các đối tượng lợi dụng hoạt động lừa đảo. Phối hợp Công an các địa phương xác minh, làm rõ hoạt động của các đối tượng liên quan và có biện pháp răn đe, cảnh cáo; đấu tranh, làm rõ hoạt động lừa đảo của các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước cần cảnh giác với thủ đoạn hoạt động nghi vấn liên quan đến lừa đảo qua hình thức tiếp nhận vốn nước ngoài của các đối tượng, không để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, hoặc chính bản thân sẽ bị vướng vào vòng lao lý. Trong trường hợp bị các đối tượng lừa đảo, cần thông báo đến cơ quan Công an để được hướng dẫn.

Theo Xuân Mai - Báo Công an nhân dân online

Nhận thức đúng giá trị của Chiến thắng 30-4-1975: Cơ sở của đạo đức, nhân cách và trí tuệ của người Việt Nam

 

Đất nước ta đang trong dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2022). Gần đến dịp kỷ niệm, thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị, những kẻ suy thoái tư tưởng chính trị đã tung ra những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc phủ nhận giá trị, bản chất của Chiến thắng 30-4-1975 trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Họ cho rằng, ngày 30-4-1975 là “ngày kết thúc của một cuộc nội chiến tương tàn”, “ngày ghi dấu ấn trong lịch sử khi dân tộc Việt Nam chia làm hai nửa “bên thắng cuộc” và “bên thua cuộc”... Vậy sự thật, bản chất của Chiến thắng 30-4-1975 là như thế nào?

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không phải là nội chiến

Đầu tiên cần khẳng định ngày 30-4-1975 là ngày vui thống nhất, ngày vui giải phóng của cả dân tộc Việt Nam! 

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo nội dung Hiệp định Geneva được ký kết năm 1954, vĩ tuyến 17 được coi là ranh giới tạm thời chia đôi đất nước ta. Ranh giới ấy lẽ ra đã được xóa bỏ, hai miền Nam-Bắc ruột thịt có thể đã được thống nhất chỉ sau hai năm bằng một cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu (Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva ghi rõ, cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956). Nhưng chính âm mưu của đế quốc Mỹ muốn thế chân thực dân Pháp ở miền Nam đã phá hỏng cơ hội thống nhất hai miền Việt Nam. Chính quyền Ngô Đình Diệm-tay sai của đế quốc Mỹ biết không thể có cơ hội chiến thắng một cách đàng hoàng, hợp pháp qua cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước trước Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất được lòng dân. Nên, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, Ngô Đình Diệm đã phớt lờ Tổng tuyển cử, giành quyền thống trị miền Nam bằng vũ lực, súng đạn, máy chém, sát hại dã man hàng vạn đồng bào, đảng viên Đảng Cộng sản và những người bị nghi ngờ ủng hộ Đảng Cộng sản, tạo ra những cuộc bắt bớ, giết hại tín đồ Phật giáo, gây mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo. Với việc dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, Mỹ đã thi hành ở Việt Nam chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Khi nhận thấy Ngô Đình Diệm không còn phù hợp với chính sách của mình, Mỹ lập tức dàn xếp một cuộc đảo chính, tiêu diệt cả hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, dựng lên tại miền Nam Việt Nam một chính thể khác phục vụ trung thành hơn cho lợi ích của Mỹ tại Việt Nam.

Như thế cần khẳng định rằng, chính quyền Việt Nam cộng hòa hoàn toàn là tay sai của Mỹ, thực hiện mưu đồ của Mỹ là biến Việt Nam trở thành thuộc địa kiểu mới. Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, cùng với quân Mỹ, quân đội ngụy quyền Sài Gòn đã thực hiện nhiều chiến dịch thảm sát đồng bào miền Nam. Kể cả khi Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến, hay sau khi quân Mỹ phải rút phần lớn lực lượng khỏi miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris vào năm 1973 thì bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn không thay đổi. Tại Việt Nam từ năm 1954 đến 1975, thực chất chỉ có một nhà nước chính danh của dân tộc Việt Nam tồn tại, đó là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được khai sinh ngày 2-9-1945 từ sau cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể thế giới. Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nhân dân cả nước tín nhiệm bầu nên sau cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 6-1-1946 (một số tỉnh tại miền Nam bầu vào ngày 23-12-1945 do không nhận được lệnh hoãn). Còn chính quyền Việt Nam cộng hòa tại miền Nam do Mỹ dựng lên, không do nhân dân Việt Nam bầu nên, chà đạp lên quyền lợi của dân tộc Việt Nam, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam. Vì thế, đây không phải là một chính quyền hợp pháp, hợp đạo lý, hợp lòng dân. Thực tế là trong suốt thời gian chính quyền tay sai của Mỹ tồn tại thì nhân dân miền Nam luôn đứng dậy để đấu tranh nhằm lật đổ chính quyền phi nghĩa này. Để phủ nhận chính quyền tay sai của Mỹ, để lật đổ nó, quân dân miền Nam đã lập ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để lãnh đạo nhân dân toàn miền. Đến năm 1973, sau khi thua trên chiến trường, chịu sức ép của dư luận trong nước và quốc tế bởi đang thực hiện một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi nước ta. Nhưng Mỹ vẫn để lại một đội ngũ cố vấn hùng hậu, vẫn viện trợ quân sự để tiếp tục biến chính quyền Sài Gòn thành con rối trong tay Mỹ.

Như thế, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không phải là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc của Việt Nam như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Mà đây là cuộc kháng chiến của toàn thể dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam trước sự xâm lược của đế quốc Mỹ và đánh đổ bè lũ tay sai của Mỹ, kết thúc thắng lợi bằng Chiến thắng 30-4-1975. 

Bên nào thắng cuộc?

Như vậy, bên nào đã thắng cuộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước? Dĩ nhiên, đó là dân tộc Việt Nam đã thắng trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, nhân dân Việt Nam đã thắng trong thực hiện khát vọng thống nhất đất nước, giành độc lập, hòa bình cho Tổ quốc. Để giành được thắng lợi vĩ đại đó, cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu anh dũng, bền bỉ trong suốt 30 năm.

Những ý nghĩ cho rằng, Việt Nam "có thể thực hiện thống nhất đất nước bằng giải pháp hòa bình" là hết sức thiển cận, hồ đồ, thiếu hiểu biết về thực tế lịch sử. Đảng ta, Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo kế nhiệm đã nhất quán, thể hiện từ rất sớm mong muốn giành độc lập, thống nhất nước nhà bằng biện pháp hòa bình, đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp ngoại giao, tránh chiến tranh. Thế nhưng đáp lại thiện ý đó, thực dân Pháp, sau đó là đế quốc Mỹ và tay sai luôn khước từ, tìm cách phá hoại, vì muốn thống trị nước ta bằng sức mạnh quân sự, đã chà đạp lên mong ước hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam.

Trong hai năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 bức thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman. Nội dung của các bức thư, bức điện này thể hiện rõ mong muốn được độc lập, hòa bình của Việt Nam và thiện chí của Việt Nam muốn được “hợp tác đầy đủ” với Mỹ vì hòa bình, tiến bộ và phát triển. Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng!

Hội nghị Fontainebleau diễn ra suốt hơn hai tháng (từ ngày 6-7 đến 10-9-1946). Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam còn sang Pháp trước đó hàng tháng trời để tìm mọi cơ hội đàm phán với Chính phủ Pháp, thuyết phục chính giới Pháp nhằm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam bằng hòa bình. Nhưng mọi nỗ lực và thiện chí của Chính phủ Việt Nam, của phái đoàn Việt Nam đều bị xem nhẹ vì nước Pháp vẫn mang tư tưởng thực dân, vẫn muốn chiếm đoạt nước ta. Giải pháp tổ chức một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu ở Nam Bộ để thống nhất Việt Nam đã bị phía Pháp phớt lờ. 

Trong Hiệp định Paris năm 1973 có điều khoản về bầu cử, hiệp thương để thống nhất Việt Nam. Tuy nhiên, phía Mỹ-ngụy lại tiếp tục trắng trợn phá hoại hiệp định, xua quân nống lấn ra vùng tự do, đàn áp nhân dân ta chỉ hai giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. 

 Có thể thấy, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, muốn giành độc lập, thống nhất đất nước bằng biện pháp hòa bình, tránh đổ máu, muốn tổ chức hiệp thương, Tổng tuyển cử để bầu ra chính phủ thống nhất hai miền, nhưng chính đế quốc Mỹ và tay sai đã hai lần phá hoại hiệp thương, Tổng tuyển cử, phá hoại cả hai hiệp định hòa bình là Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris. Do đó, hòa bình, độc lập, thống nhất, hạnh phúc như ngày hôm nay là thành quả vĩ đại của cả dân tộc ta. Bất cứ ai xúc phạm thành quả ấy, muốn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc đều là những kẻ thiếu tử tế, mất nhân cách.  

Hòa hợp dân tộc không phải là trộn lẫn, đánh đồng chính nghĩa và phi nghĩa        

Hiện nay, thực hiện chủ trương lớn hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, đồng bào Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài ra sức đoàn kết, đóng góp để xây dựng đất nước. Nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài cả về vật chất, trí tuệ, công sức đều hết sức quý giá, luôn được trân trọng. Trong số những người Việt Nam ở nước ngoài, đại bộ phận đều hướng về quê hương với tình yêu và sự nhiệt thành muốn đóng góp cho quê hương. Ngay cả những lãnh đạo của chính quyền Việt Nam cộng hòa năm xưa như ông Nguyễn Cao Kỳ cũng đã nhận ra sai lầm, thể hiện tấm lòng hướng về quê cha đất tổ, muốn đóng góp công sức để xây dựng đất nước Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, đoàn kết của người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, đất nước Việt Nam đã có những thành tựu đột phá về phát triển trong thời kỳ đổi mới, kinh tế đất nước, đời sống của nhân dân và vị thế quốc gia ngày càng đi lên.

Thế nhưng cũng có một bộ phận thiểu số, hầu hết đều là những người đã từng làm tay sai cho đế quốc Mỹ, thì chỉ luôn tìm cách hòng phá hoại đất nước Việt Nam. Họ coi ngày 30-4 là ngày “quốc hận”, là ngày giỗ của một chính thể phi pháp, phi nghĩa. Họ luôn đưa ra điều kiện hết sức phi lý là để “hòa hợp dân tộc” thì phải bỏ việc kỷ niệm ngày Chiến thắng 30-4-1975.

Những người ấy đã nhầm! Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn có khát vọng thống nhất, hòa hợp, đã chiến đấu kiên cường vì khát vọng ấy. Và thực tế, đất nước Việt Nam đã thống nhất, hòa hợp dân tộc từ ngay sau Chiến thắng 30-4-1975, Nam-Bắc một nhà ra sức xây dựng đất nước. Đối với những người Việt Nam ở nước ngoài, Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay yêu thương, luôn coi họ là một phần ruột thịt của Tổ quốc.    

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” là bài học quý báu được đúc rút từ lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm căn dặn mỗi người chúng ta. Hòa hợp dân tộc luôn là điều mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nỗ lực thực hiện. Thế nhưng, hòa hợp dân tộc dứt khoát không phải là sự chối bỏ lịch sử! Hòa hợp dân tộc không phải là sự đổi trắng thay đen, không phải là sự trộn lẫn giữa chính nghĩa và phi nghĩa, dứt khoát không phải là sự đánh đồng giữa những người có công với những kẻ có tội với dân tộc Việt Nam! "Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy" lại là đạo lý của người Việt Nam. Vì thế những ai thực sự thành tâm hối cải, muốn quay về thì Tổ quốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam luôn dành cho họ cơ hội. Còn những kẻ luôn rắp tâm phá hoại đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nếu không sớm tỉnh ngộ “quay đầu là bờ” thì nhân dân Việt Nam cũng khó dung tha. 

Dịp kỷ niệm ngày Chiến thắng 30-4-1975, chúng ta lại càng thấm thía hơn ý nghĩa của việc dạy và học lịch sử đối với người Việt Nam. Đối với các quốc gia trên thế giới, việc giáo dục lịch sử luôn là yêu cầu bắt buộc đối với mọi công dân. Đối với một quốc gia, dân tộc có một quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước nhiều khúc quanh co, phức tạp như dân tộc Việt Nam thì dạy và học lịch sử có ý nghĩa sống còn, sinh tồn của dân tộc. Bởi vì những người Việt Nam thế hệ sau phải hiểu rõ, hiểu sâu về lịch sử dân tộc, hiểu về cha ông mình, hiểu về mảnh đất nơi mình sinh ra, từ đó sẽ hiểu về chính bản thân mình, rút ra cho mình những bài học quý báu. Hiểu về lịch sử, nắm vững kiến thức lịch sử là một yếu tố đánh giá nhân cách, đạo đức và trí tuệ của một con người Việt Nam. Có hiểu về lịch sử, mới hiểu về hiện tại và hình dung ra con đường đúng đắn tới tương lai; có trân trọng, biết ơn cha ông mới trân quý, nâng niu những gì mình đang có, để nỗ lực đóng góp công sức không chỉ cho thế hệ hiện tại mà cho các thế hệ tương lai trên đất nước Việt Nam.

HOẠT ĐỘNG CHỐNG CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN CỦA MỘT SỐ TÀ ĐẠO

 

Theo Phan Dương - Báo Công an nhân dân online “Thời gian qua, hoạt động của các tà đạo đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa và tình hình an ninh, trật tự ở một số địa phương. Một số tà đạo bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động hoạt động chống chính quyền nhân dân; thuyết giảng “kinh sách” có nội dung phê phán, đi ngược lại với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Tính đến tháng 11/2021, Việt Nam có hơn 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước; có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của người dân là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Nhà nước ta còn quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo;... thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc...”. Hiến pháp 2013 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật” (Điều 24). Đồng thời, “nghiêm cấm xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, một số người đã đứng ra thành lập và tuyên truyền một số hình thức của tà đạo như “Long Hoa Di Lặc”, “Chân không”, “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Hà Mòn”, “Dương Văn Mình”, “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ”…

Thời gian qua, hoạt động của các tà đạo đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trong đó, đáng chú ý hoạt động của tà đạo “Thanh Hải Vô thượng sư”, “Pháp môn diệu âm”, “Dương Văn Mình”, “tà đạo Hà Mòn”, tà đạo “Hoàng Thiên Long”… trái với phong tục tập quán, truyền thống của dân tộc; tuyên truyền mê tín dị đoan; xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; khống chế, lừa gạt người dân để trục lợi; gây mất đoàn kết trong cộng đồng dân tộc, giữa các tôn giáo, gia đình ly tán (khi bị gia đình, người thân can ngăn, đối tượng đã bỏ người thân theo tà đạo).

Các tà đạo này ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội (kích động trốn vào rừng, trốn đi nước ngoài); một số tà đạo bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng kích động hoạt động chống chính quyền nhân dân (“tà đạo Hà Mòn”)…

Phần lớn các tà đạo ở nước ta có những cách hành đạo trái với văn hóa truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhằm mục đích gây thanh thế cá nhân, thu lợi bất chính về kinh tế. Mặt khác, gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của đất nước.

Chẳng hạn, để lôi kéo người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, nhằm trục lợi và thanh thế cá nhân, Dương Văn Mình, quê quán huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang (đã mất 12/2021), tự xưng là “chúa giáng thế”, tuyên bố rằng: “theo y cầu nguyện, không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ, người già sẽ lột xác, ốm đau sẽ tự khỏi”, nơi hành lễ là “nhà đòn”, dựng ở đâu tùy thích, thờ phụng con ve sầu, chim én, cóc gỗ thay vì thờ cúng tổ tiên như trước đây”.

Còn Y Gyin (sinh năm 1942, ở Sa Thầy - tỉnh Kon Tum), hành nghề cúng bái thì dựng chuyện “Đức mẹ hiển linh” trao cho sứ mệnh truyền giáo, lập ra cái gọi là “đạo Hà Mòn” lôi kéo, lừa bịp nhiều người dân thiếu hiểu biết:“Ai theo Đức mẹ thì mọi nợ nần về vật chất và tinh thần đều được xóa, kể cả nợ ngân hàng; ốm đau không cần chữa cũng khỏi bệnh; người đã theo thì không được bỏ, nếu bỏ đạo gia đình sẽ ly tán”, “Hà Mòn” mới là “tôn giáo riêng” của người DTTS ở Tây Nguyên”.

Hay như các đối tượng cầm đầu tà đạo “Giê Sùa” (Hờ Chá Sùng), tà đạo “Bà Cô Dợ” (Vừ Thị Dợ) đã tuyên truyền cho một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh Tây Bắc rằng: “theo đạo “Giê sùa”, đạo “Bà Cô Dợ” khi có chiến tranh, thiên tai thì sẽ được đưa đến đất nước của Chúa sinh sống; kêu gọi người Mông phải đoàn kết để chung tay xây dựng đất nước riêng của người Mông...”. Thực chất, “Hà Mòn”, “Dương Văn Mình”, “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” đều mang màu sắc của tà đạo, trái hoàn toàn với đạo lý truyền thống văn hóa dân tộc, đã bị các thế lực thù địch lợi dụng gây xáo trộn cuộc sống của người dân, gây mất an ninh, trật tự ở một số địa phương.

Từ thực tiễn hoạt động của các tà đạo trong thời gian vừa qua, có thể nhận diện các tà đạo dựa vào một số đặc điểm chủ yếu sau:

- Về người đứng đầu: Luôn tự đề cao, đánh bóng bản thân mình cho rằng bản thân họ là “phật”, “thánh”, “thần”…, nhiều người trước khi tạo dựng tà đạo hay “đạo lạ” còn mắc bệnh tâm thần hoặc từ nước ngoài tuyên truyền phát triển vào trong nước trước để tạo thanh thế. Các tà đạo thường sùng bái và thần thánh hóa người cầm đầu, khác với tôn giáo truyền thống: đối tượng sùng bái là những bậc thánh hiền, thần thánh hóa lãnh tụ, siêu trần, thoát thế…, tôn giáo truyền thống phát huy được tác dụng hướng thiện, nâng đỡ cuộc sống con người; “tà đạo” thường có tư tưởng cực đoan, chống lại hiện thực xã hội, thực hành lối sống phi pháp, quyên góp, bóp nặn tiền của người dân.

- Về lý thuyết, “giáo lý”, “giáo luật”: Chủ yếu được chắp vá, pha tạp, cải biên, xuyên tạc từ một số điều trong lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo truyền thống, đã hình thành từ lâu, nên có những lời khuyên, điều răn dạy hướng thiện, giúp xoa dịu, an ủi con người về mặt tinh thần trước những bất hạnh, khó khăn gặp phải trong cuộc sống (đây là yếu tố làm cho tà đạo có thể tồn tại). Tuy nhiên, có một số tà đạo có nội dung giáo lý trái thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học như khuyên người ốm không dùng thuốc, chỉ cần cúng, dâng hoa, cầu nguyện, dùng “nước thánh”, “thuốc phật”…, trái với quy luật tự nhiên; lợi dụng các tà thuyết về “ngày tận thế” hoặc gắn với các nhu cầu về sức khỏe để lôi kéo, mê hoặc, khống chế quần chúng.

Điển hình như đối với tà đạo “Giê Sùa” đã và đang tác động vào vùng dân tộc Mông nước ta từ năm 2015 và tuyên truyền, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông tham gia với những nội dung khác với giáo lý, giáo luật của đạo Tin Lành. Tà đạo “Giê Sùa” gọi tên Chúa là “Giê Sùa” chứ không phải là Giêsu; coi “đạo Giê Sùa” là tôn giáo chính thống, không thừa nhận các tôn giáo khác; thay nhân vật Adam và Eva trong Kinh thánh bằng “chàng Ong” và “cô Ía”; không tổ chức lễ Giáng sinh, Phục sinh; kiêng ăn thịt lợn và loài cá không vảy. Trong các tài liệu tuyên truyền về tà đạo “Giê Sùa” ngoài nội dung bóp méo Kinh Thánh của đạo Tin Lành, những đối tượng cầm đầu, cốt cán còn tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”.

- Về mục đích hoạt động: Hầu hết các tà đạo đều có chung mục đích là phục vụ lợi ích của người cầm đầu “giáo chủ” (người sáng lập) và một số đối tượng cốt cán, tay chân của họ nhằm thu về kinh tế thông qua thu lệ phí “quy y”, bán “sắc phong”, “bùa”, bán sách, bài giảng, “thuốc chữa bệnh”... Đáng chú ý, các thế lực thù địch, phản động tạo dựng hoặc lợi dụng “tà đạo” như là công cụ để tuyên truyền, tập hợp, thu hút người vào các hoạt động chống chính quyền.

- Về nghi lễ hành đạo: Mang nặng yếu tố mê muội, mê tín dị đoan, lừa bịp, phản khoa học trái với những nghi lễ truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc hay thần thánh hóa lãnh tụ, các bậc thánh hiền, danh nhân, anh hùng dân tộc như: ép quan hệ tình dục tập thể hoặc với giáo chủ để “đắc đạo” (“tà đạo Chân không” của Lưu Văn Ty ở Hà Tĩnh khuyên tín đồ quan hệ tình dục với “người trời” là Lưu Văn Ty); hủy hoại tài sản, của cải, hủy hoại một phần cơ thể hoặc cả thân xác con người để sớm “siêu thoát” (“tà đạo Chân không” khuyên đốt bỏ một phần tài sản, đầy đọa thân xác mới “đắc đạo”; tà đạo “chặt ngón tay” do Phạm Thị Hải ở TP Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1993 quy định người tu theo muốn thành “chính quả” phải chặt một ngón tay để bỏ đi một phần thể xác giúp siêu thoát phần hồn...); kích động tự sát để sớm về “nước trời” (như vụ hơn 50 người ở bản Pahé, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La theo tà đạo “Phạ tốc” đã tuân lệnh “giáo chủ” Cà Văn Liêng tiến hành tự sát tập thể).

- Về cách hoạt động: Thường thiên về hoạt động thực tiễn, nhưng lén lút, thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng; lợi dụng sơ hở của pháp luật, trong công tác quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền phát triển “đạo”; tán phát tài liệu tuyên truyền ở trên mạng Internet hay ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư; tập luyện “dưỡng sinh” ở công viên, quảng trường, vườn hoa; lợi dụng những vùng đồng bào trình độ nhận thức còn thấp, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để dụ dỗ, lừa bịp, khống chế, lôi kéo theo “đạo”. Điển hình như đối với tà đạo “Bà Cô Dợ” thường sử dụng các đoạn video clip quay các buổi sinh hoạt của điểm nhóm ở Mỹ và phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook, kênh Youtube để giới thiệu, hướng dẫn mọi người sử dụng điện thoại, máy tính bảng... kết nối Internet vào xem trực tuyến và làm theo hướng dẫn.

- Về đối tượng tin theo: Phần lớn người tin theo các tà đạo là những người gặp rủi ro, bế tắc trong cuộc sống, do ốm đau, bệnh tật, nghèo khó; những người có trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng có những tà đạo do biết khai thác, lợi dụng, tạo vỏ bọc xuyên tạc các sự kiện thực tế (dịch bệnh, thiên tai, hiểm họa môi trường...) để “khoác áo” cho các “tín điều” nên đã thu hút được những người trẻ tuổi ưa cái mới, kể cả những người có trình độ nhận thức và chuyên môn kỹ thuật cao, hoặc cán bộ các cơ quan chính quyền và nhất là số cán bộ nguyên là lãnh đạo các ngành, giáo sư, tiến sỹ nghỉ hưu tiếp tay cho tà đạo hoạt động.

Cũng như hoạt động bình thường khác của xã hội, mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều phải trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; nghiêm cấm bất kỳ ai lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật. Dù ở quốc gia nào, hoạt động tôn giáo đều cần phải có sự quản lý để bảo đảm hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và tuân thủ luật pháp. Không tôn giáo nào được phép đứng ngoài hoặc đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc./.

Phan Dương - Báo Công an nhân dân online