Thứ Năm, 1 tháng 6, 2023

Kết quả hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ


Hội nghị TW 7 diễn ra từ ngày 15/5 đến ngày 17/5/2023 tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp hội nghị giữa nhiệm kỳ để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữa nhiệm kỳ và một số nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII; một số vấn đề quan trọng khác. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có các bài phát biểu quan trọng khai mạc, bế mạc hội nghị.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định hội nghị giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là dịp để đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách lớn cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém; phân tích nguyên nhân và rút ra 5 bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu chỉ đạo tập trung, ưu tiên triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XIII gồm: Phát triển kinh tế; phát triển văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, tổ chức các hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Hội nghị cũng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Đồng thời, cho ý kiến về nhân sự một số cơ quan Trung ương để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV bầu, phê chuẩn theo quy định tại kỳ họp thứ năm.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII. Kết quả Hội nghị cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kết quả trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân bằng hình thức phù hợp./. 

 

Cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư bất động sản


Ngoài ra, qua nghiên cứu pháp luật về kinh doanh bất động sản của một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư; chính sách ưu đãi về thuế, tài chính tiền tệ; xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao; tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước.

Cụ thể, về cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động đầu tư, môi trường pháp lý có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Thể chế chính trị ổn định, hệ thống pháp luật đồng bộ, thủ tục đầu tư đơn giản và nhiều chính sách khuyến khích, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư là những bí quyết của các nước trên, cụ thể là: đơn giản hóa thủ tục tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư; phân cấp, phân quyền, nâng cao quyền hạn nhiều hơn cho các tỉnh, thành phố, khu tự trị trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI; công khai rộng rãi các kế hoạch phát triển kinh tế, tập trung hướng dẫn đầu tư nước ngoài vào các ngành được khuyến khích phát triển; hệ thống pháp luật đồng bộ, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và thường xuyên bổ sung, sửa đổi Luật đầu tư đảm bảo tính thực thi và quyền lợi của các quốc gia và nhà đầu tư.

Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về thuế, tài chính tiền tệ... nhằm thu hút nhiều nhất nguồn vốn FDI vào các nước này, trong đó cắt giảm thuế hấp dẫn đối với các dự án đầu tư nước ngoài ở các dự án đầu tư vào đặc khu kinh tế, khu công nghệ cao, các dự án đầu tư vào các vùng kinh tế khó khăn như miền Tây, miền Trung; cho phép nhà đầu tư hoạt động trên thị trường tài chính, được cấp giấy chứng nhận quản lý ngoại hối, mở tài khoản ngoại tệ, vay vốn từ các ngân hàng. Ngoài ra, nước này còn cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước như các ngân hàng./.

 

 

 

 

Cần chuyên nghiệp hóa hoạt động môi giới bất động sản


Đối với kinh nghiệm về môi giới bất động sản, có thể thấy, hầu hết các nước phát triển trong khu vực và thế giới đều rất chú trọng đến việc đảm bảo một thị trường kinh doanh dịch vụ bất động sản minh bạch và hiệu quả. Chứng chỉ môi giới được quy định cụ thể, học viên bắt buộc phải thi đạt trong kỳ thi sát hạch môi giới mới được cấp thẻ hành nghề. Việc này đảm bảo tính chuyên nghiệp giúp cho khách hàng tránh được tình trạng nhà môi giới làm ăn không đứng đắn gây thiệt hại lợi ích của khách hàng. Các đại lý môi giới chuyên nghiệp như Savills, CBRE, Knightfrank, Cushman&Wakefield, v.v. là những nhà môi giới uy tín và đảm bảo được thừa nhận trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, các nhà môi giới này cũng hoạt động tương đối rộng, tuy nhiên họ chưa thực sự có tầm ảnh hưởng nhất định trong thị trường Việt Nam, đặc biệt là đối với người dân mua bán đầu cơ bất động sản.

Lý do của việc này, thứ nhất, là do Nhà nước đã không thắt chặt vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, dẫn đến chứng chỉ môi giới chỉ mang tính chất ‘minh họa’, rất nhiều người môi giới không đủ kinh nghiệm và chuyên môn tràn ngập trên thị trường, và vì thế việc người dân tiếp cận đến các đại lý môi giới chuyên nghiệp không nhiều. Thứ hai, các văn phòng môi giới chuyên nghiệp này đòi mức phí môi giới tương đối cao, vì thế đối với tâm lý người dân mua nhà (đặc biệt mua căn hộ để ở chứ không theo diện đầu tư) thì đó cũng là một vấn đề cần phải quan tâm. Thứ ba, các văn phòng môi giới này thường chỉ tập trung vào các dự án cao cấp trong địa bàn thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, những dự án nhỏ lẻ giá mua thấp phù hợp với đại đa số người dân Việt Nam có nhu cầu thì họ lại không có nhiều. 

Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ trong việc cấp chứng chỉ môi giới, hạn chế những cá nhân không đủ năng lực và kinh nghiệm dẫn đến hoạt động thiếu minh bạch và hiệu qủa gây thiệt hại cho khách hàng. Chính phủ nên có yêu cầu bắt buộc việc thành lập văn phòng môi giới, không để những cá nhân không chuyên nghiệp thực hiện môi giới riêng lẻ khiến khách hàng không được tư vấn và lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra giống như Hàn Quốc, Chính phủ có thể quy định mức phí tối đa cho việc mua bán, trao đổi nhà và công trình xây dựng. Như thế người dân có thể nắm rõ được mức phí mà họ phải trả cho việc thuê nhà môi giới, tránh tình trạng nhà môi giới này nâng phí hoặc hạ phí để cạnh tranh trên thị trường. Đối với các nhà môi giới thì sự cạnh tranh nằm ở mạng lưới bất động sản họ nắm giữ, sự chuyên nghiệp của đội ngũ môi giới và tư vấn, các dịch vụ như nghiên cứu thị trường, thẩm định giá, M&A.

Về mô hình bảo lãnh bán,  cho thuê, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, mô hình bảo lãnh nhà ở của Hàn Quốc có tính ứng dụng cao cho thị trường bất động sản ở Việt Nam nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai và an toàn cho cả người mua và người bán bất động sản. Về mặt tổ chức, Tổng công ty bảo lãnh nhà ở Hàn Quốc là doanh nghiệp trực thuộc Bộ đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc, hiện Tổng công ty có 18 chi nhánh trong cả nước.

Lãnh đạo Tổng công ty do Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc bổ nhiệm, miễn nhiệm. Với mô hình tổ chức này, Việt Nam có thể dễ dàng thành lập ra một công ty bảo lãnh tương tự, tuy nhiên việc thành lập và áp dụng mô hình bảo lãnh nhà ở này cũng cần phải xét đến rất nhiều yếu tố quan trọng như giá thành của bất động sản, tổ chức trung gian giám sát công ty bảo lãnh, và tính hiệu quả của việc bảo lãnh nhà ở đối với thị trường bất động sản ở Việt Nam.