1.
An ninh phi truyền thống (ANPTT) là
một khái niệm mới xuất hiện trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI và
đã trở thành vấn đề toàn cầu của mọi quốc gia, dân tộc. Nghị quyết Đại hội XIII
của Đảng đã chỉ rõ: “Những vấn đề ANPTT ngày càng đa dạng, phức tạp, tác động
mạnh mẽ” và đề ra nhiệm vụ “sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức ANPTT và
an ninh truyền thống”.
ANPTT dùng để chỉ các mối đe dọa, thách thức phi truyền thống
đối với an ninh quốc gia, dân tộc, cộng đồng và sự ổn định của mỗi con người,
có nguồn gốc phi quân sự từ các tác nhân, chủ thể phi nhà nước. ANPTT có thể
khiến một quốc gia, thể chế, chế độ lung lay, bất ổn, sụp đổ, tiêu vong mà
không cần bất kỳ một hoạt động chiến tranh quân sự nào. Các mối đe dọa ANPTT có
đặc điểm là bột phát, đột ngột, không rõ ràng, phi chính thức nhưng lại dễ bùng
phát và lan tỏa.
Quán triệt sâu sắc nhận thức và tư duy mới về an ninh quốc gia
nói chung, ANPTT nói riêng của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác
định, ứng phó hiệu quả với các thách thức ANPTT là nhiệm vụ “chiến đấu trong
thời bình” nhằm bảo vệ chế độ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở khu vực biên
giới (KVBG) nói riêng và toàn quốc nói chung. Từ đó, cùng với nhiệm vụ huấn
luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, toàn quân đã chủ động đấu tranh quyết
liệt với các thế lực thù địch và các đối tượng cơ hội chính trị, giảm thiểu tác
động, đe dọa của vấn đề ANPTT trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở KVBG.
Đặc biệt là BĐBP, với vai trò chuyên trách của mình trong nhiệm vụ bảo vệ chủ
quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đã thực hiện nhiệm vụ này một cách
đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến chuyển phức tạp
và khó lường như hiện nay, mặc dù vùng DTTS nói chung và KVBG nói riêng đã được
Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, đầu tư phát triển toàn diện, nhưng
khu vực này vẫn tồn tại những bất cập cần tháo gỡ như: Chênh lệch giàu nghèo
còn khá lớn giữa vùng DTTS, biên giới với các vùng kinh tế phát triển của cả
nước; hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở còn yếu kém; hệ thống chính sách an sinh
xã hội, giáo dục, y tế hoạt động hiệu quả chưa cao; hệ thống chính trị cấp cơ
sở và nguồn nhân lực tại chỗ chưa tương xứng với yêu cầu công việc và nhiệm vụ
được giao; vấn đề biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan cũng sẽ tác động lên mọi
mặt đời sống, xã hội trong vùng đồng bào DTTS ở KVBG.
Mặt khác, địa bàn vùng DTTS nơi biên giới là nơi xa xôi cách
trở, đường biên giới kéo dài nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho các loại tội
phạm về ma túy, mua bán người hoạt động; đối tượng phạm tội nguy hiểm lẩn trốn;
các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy và phong tục tập quán lạc hậu chưa được
xóa bỏ... làm gia tăng nguy cơ mất an ninh, an toàn cho đồng bào sinh sống ở
KVBG. Tất cả những yếu tố trên có ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng vận động và
tác động của các yếu tố ANPTT trong vùng DTTS ở KVBG, đáng lưu ý là những xu
hướng sau:
Một là, xu hướng vận động của yếu tố an ninh chính trị, thể hiện chính
ở yếu tố dân tộc - tôn giáo, tiềm ẩn những nguy cơ làm rạn nứt khối đại đoàn
kết toàn dân tộc, gây bất ổn về an ninh chính trị, xã hội ở KVBG và có xu hướng
gia tăng cả về tính chất và mức độ của các nguy cơ. Ở vùng DTTS, tính chất đa
tộc người và cư trú phân tán, đan xen giữa các dân tộc dễ tạo ra những điều
kiện, nguyên nhân có thể dẫn tới những xung đột, mâu thuẫn giữa các dân tộc do
chưa hiểu biết về phong tục, tập quán hoặc va chạm nhau về quyền lợi kinh tế,
đặc biệt giữa các DTTS với dân tộc Kinh.
Cùng với đó, các thế lực thù địch thường xuyên và gia tăng lợi
dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, đời sống khó khăn, trình độ kinh tế và dân
trí thấp của đồng bào các DTTS, để chống phá, gây mất ổn định chính trị-xã hội,
tiến tới thực hiện âm mưu chiến lược là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta,
đưa Việt Nam đi theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản.
Sự phát triển của các tôn giáo lớn và sự xuất hiện của các hiện
tượng tôn giáo mới trong đồng bào DTTS những năm gần đây làm rạn nứt khối đại
đoàn kết giữa các dân tộc, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn an ninh chính trị;
tình trạng truyền đạo trái pháp luật, đơn thư khiếu nại vượt cấp, nêu ra các
yêu sách không chính đáng, gây mâu thuẫn với chính quyền, gây chia rẽ giữa
người theo đạo và người không theo đạo.
Hai là, xu hướng vận động của yếu tố an ninh, trật tự, an toàn xã hội
thể hiện ở hiện tượng kích động, đòi ly khai dân tộc trong vùng DTTS ở KVBG đã
và đang nổi lên như là một thách thức lớn đối với an ninh quốc gia nói chung và
an ninh biên giới quốc gia nói riêng. Xu hướng này được chuyển hóa thành nhiều
cách tiếp cận để đạt được mục đích như chuyển khẩu hiệu từ thành lập, phục hồi
“vương quốc”, “xứ tự trị” sang “nhà nước” (quốc gia - dân tộc) cho đồng bào
DTTS theo tiêu chí mà Liên hợp quốc công nhận để tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ
của các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới, trên các diễn đàn quốc tế để
gây áp lực với Nhà nước ta.
Các tổ chức phản động sẽ tiếp tục tuyên truyền, kích động tư
tưởng ly khai dân tộc, lôi kéo, tập hợp quần chúng gây ra các vụ phá rối an
ninh, bạo loạn; tiến hành các hoạt động phục hồi, thành lập cái gọi là “nhà
nước”, như: “Nhà nước Đề Ga độc lập” ở Tây Nguyên, “Nhà nước Khmer Krom” ở Tây
Nam Bộ, “Nhà nước Mông” ở Tây Bắc với yêu sách có quyền sở hữu, kiểm soát đất
đai, lãnh thổ và tài nguyên trên lãnh thổ, bao gồm một số nơi ở KVBG.
Hoạt động của các tổ chức phản động này núp dưới chiêu bài “dân
chủ”, “nhân quyền”, kêu gọi “quyền tự quyết” của các DTTS, tuyên truyền rằng,
các DTTS ở Việt Nam có quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị của mình, có quyền
thành lập nhà nước riêng. Các tổ chức này có xu hướng liên kết với nhau và liên
kết các tổ chức phản động người Việt lưu vong nhằm tạo ra một lực lượng thống
nhất để quốc tế hóa vấn đề dân tộc nói chung và hoạt động ly khai trong DTTS ở
Việt Nam nói riêng.
Ba là, xu hướng liên quan đến tập quán du canh, du cư, di cư tự do sẽ
có chiều hướng gia tăng, phức tạp cả về số lượng người di cư, hướng di cư...
trong thời gian tới, cũng gây áp lực và tạo nguy cơ tác động lớn đến ANPTT
trong vùng DTTS ở KVBG, gây khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu,
nảy sinh mâu thuẫn giữa các cộng đồng DTTS tại chỗ với dân di cư tự do, ảnh
hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng
DTTS.
Các đối tượng xấu tiếp tục lợi dụng hoạt động di dân tự do tại
KVBG Việt - Lào và các vùng khác dọc biên giới để truyền đạo trái pháp luật;
mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; tàng trữ chất nổ, vũ khí quân dụng;
mua bán người; xuất, nhập cảnh trái phép; phá rừng... làm cho tình hình tội
phạm phức tạp, gây tâm lý bất an, lo lắng trong đồng bào vùng DTTS ở KVBG.
Xác định được rõ những xu hướng này, trong thời gian tới, Quân
đội nói chung và BĐBP nói riêng cần chủ động, tích cực hơn nữa trong ngăn ngừa,
ứng phó với các thách thức ANPTT, đặc biệt chú trọng đến những vấn đề nổi cộm ở
vùng DTTS và KVBG. Theo đó, cần tập trung làm tốt những nội dung sau:
Trước hết, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường
lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở đó, chủ động và
phối hợp để chuẩn bị tốt các phương án ứng phó với các mối đe dọa ANPTT ở KVBG.
Qua việc nắm vững quy luật, tính tất yếu của sự vận động chính trị, kinh tế
toàn cầu, những vấn đề ANPTT; phát huy đầy đủ năng lực nội sinh; từ đó, xác
định từng nhóm giải pháp đúng đắn, phù hợp nhằm ứng phó với các mối đe dọa ANPTT
trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội trong vùng đồng bào DTTS ở KVBG.
Mặt khác, cần tích cực phối hợp với các cấp, các ban, ngành, lực
lượng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện tốt
công tác tư tưởng, giáo dục, tuyên truyền nhằm tạo nên sự thống nhất rộng rãi
trong nhận thức xã hội về những nội dung, những biểu hiện mới của các yếu tố
ANPPT. Trên cơ sở đó, chỉ rõ những tác động chung, cũng như những tác động mang
tính đặc thù đối với từng lĩnh vực của vùng DTTS ở KVBG.
Từ đó, làm rõ những thuận lợi cơ bản, những khó khăn chủ yếu và
các giải pháp trước mắt, cũng như lâu dài để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh
thổ, an ninh biên giới quốc gia và sự ổn định, phát triển của từng địa phương
trước các mối đe dọa ANPTT trong thời kỳ mới hiện nay. Tập trung bồi dưỡng,
nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS thường xuyên, liên tục; tăng cường trang
bị phương tiện hiện đại, đáp ứng yêu cầu ứng phó với những thách thức ANPTT
trong thời gian tới.
Đồng thời, chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án
mang tính chiến lược để ngăn chặn, đối phó với các thách thức từ ANPTT; trọng
tâm là xây dựng và cụ thể hóa các chiến lược, như: Chiến lược ứng phó với biến
đổi khí hậu; Chiến lược bảo đảm an ninh mạng; Chiến lược phòng, chống tội phạm
xuyên quốc gia; Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Chiến lược bảo vệ môi
trường; Chiến lược phòng, chống và kiểm soát ma túy, mua bán người... Việc
chuẩn bị tốt các phương án ứng phó được biểu hiện cụ thể trong hành động thực
tiễn, cũng như trong việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng và trong
các đề án, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc chủ động ứng phó trước các mối đe dọa ANPTT
phản ánh qua sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và
nhân dân; cùng sự tích cực hợp tác quốc tế và phối hợp hành động tại các diễn
đàn quốc tế, khu vực và với láng giềng... nhằm tiếp thu kinh nghiệm từ các quốc
gia đi trước; hợp tác xây dựng các đề án, phương án ứng phó với những thách
thức ANPTT vùng DTTS ở KVBG...