Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2022
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG: ĐẤU TRANH CÀNG MẠNH MẼ, BẢO VỆ CÀNG HIỆU QUẢ
Quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về quan hệ giữa tư duy và tồn tại trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức
Vấn đề cơ bản của mọi triết học là mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại hay giữa ý thức và vật chất. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra những quan điểm mang tính cách mạng về chất, về tư duy, tồn tại, mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, tạo nên một thế giới quan triết học hoàn toàn mới so với các triết học trước đó. Bài viết khảo cứu những luận điểm cơ bản của hai ông về mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức.
C.Mác (1818-1883) và Ph.Ăngghen (1820-1895)
Vấn đề bản chất của tư duy, của tồn tại và quan hệ giữa tư duy và tồn tại, là những vấn đề lý luận được các nhà triết học và các trường phái triết học quan tâm đặc biệt. Việc giải quyết vấn đề này như thế nào quyết định khuynh hướng phát triển của một trường phái triết học. Khi phân tích hệ tư tưởng Đức qua các đại diện tiêu biểu của nó, C.Mác và Ph.Ăngghen thấy có một sự đối lập, một sự khác biệt lớn giữa những quan điểm duy vật và quan điểm duy tâm. Sự đối lập này được C.Mác và Ph.Ăngghen nghiên cứu bắt đầu từ L.Phoiơbắc. Những quan điểm của L.Phoiơbắc được hai ông phân tích trong bối cảnh quá trình tan rã của hệ thống triết học Hêghen.
Hai ông mở đầu tác phẩm Hệ tư tưởng Đức bằng đoạn sau: “Cứ tin lời các nhà tư tưởng Đức thì nước Đức, trong những năm gần đây, đã trải qua một cuộc đảo lộn chưa từng có. Quá trình tan rã của hệ thống Hê-ghen bắt đầu từ Stơ-rau-xơ đã biến thành một cuộc sôi động âm ỉ toàn thế giới, lôi cuốn tất cả “những lực lượng của quá khứ”. Trong sự hỗn độn khắp nơi đó, những cường quốc hùng mạnh đã xuất hiện để rồi lại chìm nghỉm đi liền ngay đó, những anh hùng đã xuất hiện trong khoảnh khắc để rồi lại bị những đối thủ táo bạo hơn và mạnh hơn quẳng vào bóng tối. Đó là cuộc cách mạng mà so với nó, Cách mạng Pháp chỉ là một trò trẻ con; đó là một cuộc chiến đấu thế giới mà so với nó, cuộc chiến đấu của các Đi-a-đốc chẳng có nghĩa lý gì. Những nguyên lý thay thế lẫn nhau, những anh hùng tư tưởng đẩy nhau ngã với một tốc độ nhanh chưa từng thấy, và chỉ trong ba năm từ 1842 đến 1845 ở nước Đức, người ta đã dọn sạch được nhiều hơn trong ba thế kỷ trước kia”(1).
Cuộc cách mạng trong lĩnh vực triết học mà hai ông đề cập tới ở đây là cuộc cách mạng trong lĩnh vực tư duy, là sự thay đổi quan niệm về vấn đề bản chất của tư duy và quan hệ giữa tư duy và tồn tại cùng tất cả những vấn đề liên quan đến nó. Các anh hùng tư tưởng được nói đến ở đây là những nhà triết học Đức - những người đã làm nên sự sâu sắc kỳ diệu của nền triết học Đức. Đã diễn ra “quá trình tan rã của tinh thần tuyệt đối”, những luận điểm của Hêghen đã bị đảo lộn và sự giải thích thế giới xuất phát từ hệ thống Hêghen đã không còn mang giá trị tuyệt đối đúng nữa. Các nhà triết học mới xuất hiện, họ phê phán Hêghen, họ tuyên bố đã vượt qua Hêghen, nhưng sự thật của sự vượt qua đó là như thế nào?
C.Mác và Ph.Ăngghen đánh giá: “Toàn bộ sự phê phán triết học ở Đức, từ Stơ-rau-xơ đến Stiếc-nơ, đều bó tròn trong việc phê phán những quan niệm tôn giáo. Người ta xuất phát từ tôn giáo chính thống và từ tinh thần hóa chính cống. Cái mà trước kia người ta coi là ý thức tôn giáo, là quan niệm tôn giáo thì sau này lại được quy định theo nhiều cách khác nhau. Toàn bộ bước tiến là ở chỗ những quan niệm siêu hình, quan niệm chính trị, quan niệm pháp luật, quan niệm đạo đức và những quan niệm khác mà người ta cho là những quan niệm thống trị, đều được liệt vào lĩnh vực những quan niệm tôn giáo hay thần học; cũng như ở chỗ người ta tuyên bố rằng ý thức chính trị, ý thức pháp luật, ý thức đạo đức là ý thức tôn giáo hay ý thức thần học, rằng con người chính trị, con người pháp luật và con người đạo đức - xét cho cùng “con người nói chung” - là con người tôn giáo. Người ta lấy sự thống trị của tôn giáo làm tiền đề. Và dần dà, người ta tuyên bố mọi quan hệ thống trị là một quan hệ tôn giáo và người ta biến quan hệ đó thành sự sùng bái: sùng bái pháp luật, sùng bái nhà nước, v.v.. Ở tứ phía, vẫn chỉ là những giáo điều và lòng tin vào giáo điều. Thế giới được thần thánh hóa theo một quy mô ngày càng rộng, cho đến khi thánh Ma-xơ đáng kính có thể thần thánh hóa thế giới en bloc và do đó thanh toán vĩnh viễn hẳn thế giới”(2).
Như vậy, toàn bộ sự phê phán triết học ở Đức vẫn xuất phát từ chính bản thân hệ thống Hêghen và trên thực tế chưa thoát khỏi hệ thống này. Kết quả của sự phê phán đó cuối cùng vẫn chỉ là sự thần thánh hóa thế giới và do đó là sự thủ tiêu nhận thức, là sự thanh toán vĩnh viễn hẳn thế giới. Vấn đề mấu chốt mà các nhà triết học vẫn chưa bàn đến trong sự tự đối lập với hệ thống Hêghen là vấn đề quan hệ giữa tư duy, ý thức với tồn tại; những sản phẩm tinh thần của tư duy ý thức có thật sự có một sự tồn tại độc lập không? Thế giới của chúng ta phải chăng chỉ là sự hiện thực hóa của một dạng tinh thần tuyệt đối nào đó như Hêghen quan niệm? Chừng nào tất cả những câu hỏi đó chưa được trả lời một cách thỏa đáng thì sự phê phán triết học chỉ là cuộc đấu tranh với những ảo tưởng của ý thức, sự giải thích thế giới chỉ là sự thừa nhận một cách khác đi những điều đã thừa nhận về thế giới. Đối với C.Mác và Ph.Ăngghen, đó chỉ là một sự phê phán chống lại cái vỏ của thế giới và tuyệt nhiên chẳng có ích gì cho việc nhận biết thế giới hiện thực, hiện tồn ấy cả.
C.Mác và Ph.Ăngghen có cách xuất phát khác trong sự phê phán đối với hệ thống triết học tinh thần đồ sộ của Hêghen. Điểm xuất phát của hai ông là hiện thực, cái hiện thực trong đó những con người gắn liền với thực tiễn - chủ thể của mọi quá trình nhận thức tồn tại. Theo hai ông, điểm thiếu hụt của toàn bộ triết học Đức trước đó chính là thiếu sự xác lập một cách đúng đắn mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Hệ thống Hêghen đã xác lập một hiện thực lộn ngược đầu xuống đất; trong cái hiện thực, tư duy có trước tồn tại, tinh thần tuyệt đối quyết định thế giới vật chất. Cái hiện thực lộn ngược ấy giờ đây không còn tìm thấy tính hợp lý của nó nữa.
C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, chính con người sản sinh ra những quan niệm, ý niệm chứ không phải ngược lại. Con người qua những hoạt động thực tiễn tiếp xúc với hiện thực, nhận biết hiện thực, phản ánh hiện thực và thông qua đó hình thành nên ý thức của mình về thế giới hiện thực.
Như vậy, tiền đề để có ý thức về hiện thực là phải có một thế giới, một con người hiện thực và vì thế thế giới hiện thực, con người hiện thực phải có trước ý thức chứ không phải ngược lại. Cá nhân con người sống, sự tồn tại của con người là những tiền đề đầu tiên cho lịch sử nhân loại, cho triết học và cho sự nhận thức thế giới. Không có con người thì vấn đề nhận thức thế giới không còn ý nghĩa nữa. Con người là một thực thể chủ thể mang lại cho thế giới ý nghĩa nhận thức. Sự tồn tại của con người là tiền đề đầu tiên cho mọi quá trình nhận thức. Con người là thực thể có ý thức và cái ý thức đó gắn liền với tồn tại, phản ánh tồn tại. Ý thức - đến lượt mình - lại là một dạng đặc biệt của tồn tại: tồn tại ý thức. Cái lôgic chặt chẽ đó được C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định trong mệnh đề nổi tiếng: “Ý thức... không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là sự tồn tại được ý thức”(3).
Giữa cái tồn tại ý thức (chính ý thức) với cái tồn tại được ý thức (tồn tại được phản ánh thông qua ý thức) có sự tương đồng, một sự tương đồng chứa đựng những nội dung sâu sắc của triết học. Tồn tại được ý thức trước hết là cái không đồng nhất với tồn tại hiện thực. Tồn tại được ý thức là tồn tại được phản ánh trong ý thức, là hình ảnh, là bản sao của tồn tại. Trong một ý nghĩa nào đó, nó trùng khít với tồn tại; trong một chừng mực nào đó, nó phù hợp gần như tuyệt đối với tồn tại, nhưng bản thân nó lại không phải là tồn tại mà chỉ là tồn tại được phản ánh, là cái tồn tại được phản ánh vào trong ý thức, vì thế sự “tồn tại được ý thức này” lại không bao giờ có thể tồn tại ở đâu khác hơn là ở trong ý thức, dưới những hình thức biểu hiện khác nhau của ý thức.
Trong toàn bộ hệ tư tưởng Đức đến giữa thế kỷ XIX, mọi quan hệ giữa tồn tại hiện thực và tồn tại ý thức bị đảo ngược. Tồn tại được ý thức trở thành tồn tại thực, còn tồn tại hiện thực lại trở thành tồn tại ảo, tồn tại phụ thuộc vào ý thức, trong chừng mực ý thức nhận thức được trạng thái đó của tồn tại.
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, triết học Đức cho đến bấy giờ là triết học đi từ trên trời xuống đất chính bởi vì nó đã xác lập không đúng mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại, giữa ý thức với tồn tại. Hai ông không xuất phát từ tư duy ý thức của con người mà xuất phát từ thế giới hiện thực, thế giới trong đó con người tồn tại và nhận thức. Ý thức luôn được hình thành trong quá trình con người giao tiếp vật chất với thế giới, vì thế gắn liền và phụ thuộc vào những tiền đề vật chất của đời sống. Không có ý thức tách rời khỏi thế giới vật chất. Ý thức là sản phẩm của những điều kiện vật chất, là những sản phẩm thăng hoa tất yếu của những quá trình đời sống vật chất. Không phải ý thức quyết định đời sống mà chính là đời sống quyết định ý thức. Hai ông viết: “Ngay cả những ảo tưởng hình thành trong đầu óc con người cũng là những vật thăng hoa tất yếu của quá trình đời sống vật chất của họ, một quá trình có thể xác định được bằng kinh nghiệm và gắn liền với những tiền đề vật chất. Như vậy thì đạo đức, tôn giáo, siêu hình học và những dạng khác của hệ tư tưởng cùng với những hình thái ý thức tương ứng với chúng, liền mất ngay mọi vẻ độc lập bề ngoài. Tất cả những cái đó không có lịch sử, không có sự phát triển; chính con người, khi phát triển sự sản xuất vật chất và sự giao tiếp vật chất của mình, đã làm biến đổi, cùng với hiện thực đó của mình, cả tư duy lẫn sản phẩm tư duy của mình. Không phải ý thức quyết định đời sống mà chính đời sống quyết định ý thức. Theo cách xem xét thứ nhất, người ta xuất phát từ ý thức, coi đó là cá nhân sống; theo cách thứ hai, là cách phù hợp với đời sống hiện thực, người ta xuất phát từ chính ngay những cá nhân sống, hiện thực và coi ý thức chỉ là ý thức của họ mà thôi”(4).
Mặt khác, con người chỉ nhận biết về thế giới xung quanh thông qua hoạt động ý thức của họ. Trong một chừng mực nào đó, đối với chủ thể thì thế giới như thế nào là do hình ảnh thế giới ở trong ý thức của con người quy định như thế; con người không thể biết về một thế giới không được phản ánh, kết tinh, suy tư và thăng hoa trong ý thức. Mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, ý thức và đời sống luôn là mối quan hệ mang tính biện chứng trong những tác động qua lại và tương hỗ lẫn nhau. Ý thức - trong một chừng mực nào đó - độc lập tương đối so với tồn tại nhưng bản thân nó - suy cho cùng - chỉ là một dạng đặc biệt của tồn tại, là tồn tại được ý thức, được phản ánh thông qua hoạt động nhận thức của chủ thể.
Mặt khác, theo C.Mác và Ph.Ăngghen, mặc dù quan niệm tinh thần tuyệt đối đang tan rã, thế giới quan của Hêghen đã không còn đúng nữa, những tín điều của hệ thống Hêghen đang bị quăng vào bóng tối, nhưng không phải toàn bộ di sản của hệ thống triết học tinh thần đồ sộ đó đã bị hủy diệt: “Chính nơi mà tư biện dừng lại, - chính trong đời sống hiện thực - là nơi bắt đầu khoa học thực sự, thực chứng, sự miêu tả hoạt động thực tiễn và quá trình thực tiễn của sự phát triển của con người. Những luận điệu trống rỗng về ý thức chấm dứt; thay cho những luận điệu đó phải là tri thức thực sự”(5). Những hạt nhân hợp lý của triết học Hêghen với tính cách là triết học biện chứng về ý thức không mất đi, những hạt nhân biện chứng này tồn tại trong thế giới quan cách mạng mới, dưới những nội dung mới của triết học Mác chiếu sáng, xua tan đi bóng tối trên con đường nhận thức thế giới của nhân loại.
__________________
(1), (2), (3), (4), (5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.23, 26-27, 37, 38, 38-39.
VIỆT NAM - NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ASEAN
“CHÁY NHÀ…” RÕ THÊM MẶT VIỆT TÂN
Không thể phủ nhận nỗ lực phòng, chống mua bán người tại Việt Nam
Vẫn như hằng năm, Hoa Kỳ tự xem mình là “chuẩn mực về nhân quyền” tự cho mình quyền đưa ra các phán xét về chính trị, kinh tế-xã hội các quốc gia, đặc biệt là chủ đề nhân quyền.
Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (viết tắt là Báo cáo) đã xuất hiện những thông tin, những nhận định không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. Đó là các thông tin, nhận định liên quan tới tình hình lao động cưỡng bức đối với trẻ em, các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em, việc người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...
Trước hết xin được khẳng định rằng: Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi ngược đãi, mua bán người, bắt người làm nô lệ. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ: Từ Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 đến 2013 đều có các quy định về quyền công dân và quyền con người được Nhà nước bảo hộ. Hiến pháp năm 2013 đã giành cả Chương II để quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong đó có quy định rõ việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền công dân như: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm (Điều 20). Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu (Điều 35). Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (Điều 37).
Tuyên truyền phòng, chống tội phạm buôn bán người ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng. |
Để có căn cứ pháp lý cụ thể nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi mua bán người, Việt Nam đã có Luật Phòng, chống mua bán người. Điều 3 Luật phòng, chống mua bán người quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm” bao gồm: Mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; môi giới để người khác thực hiện mua bán người; cản trở việc tố giác, khai báo và xử lý hành vi mua bán người; kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân...
Điều 4 về nguyên tắc phòng, chống mua bán người của Luật Phòng, chống mua bán người quy định rõ: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người. Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân. Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi mua bán người...
Nhà nước ta đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách phòng, chống mua bán người. Công tác phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế-xã hội. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Nhà nước khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.
Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; tham gia Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng, chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới về phòng, chống mua bán người; tiếp tục nỗ lực triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.
Triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được ban hành. Ngày 18-7 vừa qua, các bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng và Ngoại giao cũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Lực lượng chức năng của Việt Nam và các nước, nhất là các nước láng giềng thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện, điều tra, khám phá 33 vụ, với 75 đối tượng phạm tội mua bán người và các tội phạm có liên quan đến mua bán người; đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 17 vụ; 66 nạn nhân từ các vụ mua bán đã được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ...
Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ về phòng, chống mua bán người, Việt Nam chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hàng trăm cán bộ của Việt Nam đã được bố trí tham gia các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn chuyên đề, chuyên sâu về pháp luật và nghiệp vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán...
Trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có những thông tin, đánh giá không chính xác về việc xuất khẩu lao động của Việt Nam. Có thể thấy rằng, pháp luật, chính sách của Nhà nước ta đã quan tâm, hỗ trợ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã xóa bỏ các khoản phí môi giới và mở rộng phạm vi bảo vệ đối với người lao động. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi lại; hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khỏe... Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề (Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015). Đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số nếu có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thì được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Còn người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm với mức vay tối đa là 100%.
Không phủ nhận rằng, Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu việc làm. Xuất phát từ nhu cầu nôn nóng muốn đi tìm việc ở nước ngoài mà có những người dân đã mắc lừa các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp. Thời gian qua, Nhà nước ta đã xử lý rất nghiêm các hành vi vi phạm luật liên quan đến việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, ngay trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã viết: “Trong năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thanh tra 84 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, xử phạt 32 doanh nghiệp do vi phạm hành chính, rút giấy phép kinh doanh do vi phạm luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể thấy rằng không ai có thể phủ nhận nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam và những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống mua bán người tại Việt Nam. Trong những năm qua, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc, trở thành quan hệ đối tác toàn diện, mang lại những hiệu quả thực chất. Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên chấm dứt đưa ra những báo cáo về vấn đề nhân quyền không đúng sự thật, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, trong đó có Việt Nam mà nên làm những việc có ích để tiếp tục phát triển quan hệ với các quốc gia, đóng góp tích cực vào hòa bình và phát triển của nhân loại.