Vấn đề cơ bản của mọi triết học là mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại hay giữa ý thức và vật chất. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đưa ra những quan điểm mang tính cách mạng về chất, về tư duy, tồn tại, mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, tạo nên một thế giới quan triết học hoàn toàn mới so với các triết học trước đó. Bài viết khảo cứu những luận điểm cơ bản của hai ông về mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức.
C.Mác (1818-1883) và Ph.Ăngghen (1820-1895)
Vấn đề bản chất của tư duy, của tồn tại và quan hệ giữa tư duy và tồn tại, là những vấn đề lý luận được các nhà triết học và các trường phái triết học quan tâm đặc biệt. Việc giải quyết vấn đề này như thế nào quyết định khuynh hướng phát triển của một trường phái triết học. Khi phân tích hệ tư tưởng Đức qua các đại diện tiêu biểu của nó, C.Mác và Ph.Ăngghen thấy có một sự đối lập, một sự khác biệt lớn giữa những quan điểm duy vật và quan điểm duy tâm. Sự đối lập này được C.Mác và Ph.Ăngghen nghiên cứu bắt đầu từ L.Phoiơbắc. Những quan điểm của L.Phoiơbắc được hai ông phân tích trong bối cảnh quá trình tan rã của hệ thống triết học Hêghen.
Hai ông mở đầu tác phẩm Hệ tư tưởng Đức bằng đoạn sau: “Cứ tin lời các nhà tư tưởng Đức thì nước Đức, trong những năm gần đây, đã trải qua một cuộc đảo lộn chưa từng có. Quá trình tan rã của hệ thống Hê-ghen bắt đầu từ Stơ-rau-xơ đã biến thành một cuộc sôi động âm ỉ toàn thế giới, lôi cuốn tất cả “những lực lượng của quá khứ”. Trong sự hỗn độn khắp nơi đó, những cường quốc hùng mạnh đã xuất hiện để rồi lại chìm nghỉm đi liền ngay đó, những anh hùng đã xuất hiện trong khoảnh khắc để rồi lại bị những đối thủ táo bạo hơn và mạnh hơn quẳng vào bóng tối. Đó là cuộc cách mạng mà so với nó, Cách mạng Pháp chỉ là một trò trẻ con; đó là một cuộc chiến đấu thế giới mà so với nó, cuộc chiến đấu của các Đi-a-đốc chẳng có nghĩa lý gì. Những nguyên lý thay thế lẫn nhau, những anh hùng tư tưởng đẩy nhau ngã với một tốc độ nhanh chưa từng thấy, và chỉ trong ba năm từ 1842 đến 1845 ở nước Đức, người ta đã dọn sạch được nhiều hơn trong ba thế kỷ trước kia”(1).
Cuộc cách mạng trong lĩnh vực triết học mà hai ông đề cập tới ở đây là cuộc cách mạng trong lĩnh vực tư duy, là sự thay đổi quan niệm về vấn đề bản chất của tư duy và quan hệ giữa tư duy và tồn tại cùng tất cả những vấn đề liên quan đến nó. Các anh hùng tư tưởng được nói đến ở đây là những nhà triết học Đức - những người đã làm nên sự sâu sắc kỳ diệu của nền triết học Đức. Đã diễn ra “quá trình tan rã của tinh thần tuyệt đối”, những luận điểm của Hêghen đã bị đảo lộn và sự giải thích thế giới xuất phát từ hệ thống Hêghen đã không còn mang giá trị tuyệt đối đúng nữa. Các nhà triết học mới xuất hiện, họ phê phán Hêghen, họ tuyên bố đã vượt qua Hêghen, nhưng sự thật của sự vượt qua đó là như thế nào?
C.Mác và Ph.Ăngghen đánh giá: “Toàn bộ sự phê phán triết học ở Đức, từ Stơ-rau-xơ đến Stiếc-nơ, đều bó tròn trong việc phê phán những quan niệm tôn giáo. Người ta xuất phát từ tôn giáo chính thống và từ tinh thần hóa chính cống. Cái mà trước kia người ta coi là ý thức tôn giáo, là quan niệm tôn giáo thì sau này lại được quy định theo nhiều cách khác nhau. Toàn bộ bước tiến là ở chỗ những quan niệm siêu hình, quan niệm chính trị, quan niệm pháp luật, quan niệm đạo đức và những quan niệm khác mà người ta cho là những quan niệm thống trị, đều được liệt vào lĩnh vực những quan niệm tôn giáo hay thần học; cũng như ở chỗ người ta tuyên bố rằng ý thức chính trị, ý thức pháp luật, ý thức đạo đức là ý thức tôn giáo hay ý thức thần học, rằng con người chính trị, con người pháp luật và con người đạo đức - xét cho cùng “con người nói chung” - là con người tôn giáo. Người ta lấy sự thống trị của tôn giáo làm tiền đề. Và dần dà, người ta tuyên bố mọi quan hệ thống trị là một quan hệ tôn giáo và người ta biến quan hệ đó thành sự sùng bái: sùng bái pháp luật, sùng bái nhà nước, v.v.. Ở tứ phía, vẫn chỉ là những giáo điều và lòng tin vào giáo điều. Thế giới được thần thánh hóa theo một quy mô ngày càng rộng, cho đến khi thánh Ma-xơ đáng kính có thể thần thánh hóa thế giới en bloc và do đó thanh toán vĩnh viễn hẳn thế giới”(2).
Như vậy, toàn bộ sự phê phán triết học ở Đức vẫn xuất phát từ chính bản thân hệ thống Hêghen và trên thực tế chưa thoát khỏi hệ thống này. Kết quả của sự phê phán đó cuối cùng vẫn chỉ là sự thần thánh hóa thế giới và do đó là sự thủ tiêu nhận thức, là sự thanh toán vĩnh viễn hẳn thế giới. Vấn đề mấu chốt mà các nhà triết học vẫn chưa bàn đến trong sự tự đối lập với hệ thống Hêghen là vấn đề quan hệ giữa tư duy, ý thức với tồn tại; những sản phẩm tinh thần của tư duy ý thức có thật sự có một sự tồn tại độc lập không? Thế giới của chúng ta phải chăng chỉ là sự hiện thực hóa của một dạng tinh thần tuyệt đối nào đó như Hêghen quan niệm? Chừng nào tất cả những câu hỏi đó chưa được trả lời một cách thỏa đáng thì sự phê phán triết học chỉ là cuộc đấu tranh với những ảo tưởng của ý thức, sự giải thích thế giới chỉ là sự thừa nhận một cách khác đi những điều đã thừa nhận về thế giới. Đối với C.Mác và Ph.Ăngghen, đó chỉ là một sự phê phán chống lại cái vỏ của thế giới và tuyệt nhiên chẳng có ích gì cho việc nhận biết thế giới hiện thực, hiện tồn ấy cả.
C.Mác và Ph.Ăngghen có cách xuất phát khác trong sự phê phán đối với hệ thống triết học tinh thần đồ sộ của Hêghen. Điểm xuất phát của hai ông là hiện thực, cái hiện thực trong đó những con người gắn liền với thực tiễn - chủ thể của mọi quá trình nhận thức tồn tại. Theo hai ông, điểm thiếu hụt của toàn bộ triết học Đức trước đó chính là thiếu sự xác lập một cách đúng đắn mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Hệ thống Hêghen đã xác lập một hiện thực lộn ngược đầu xuống đất; trong cái hiện thực, tư duy có trước tồn tại, tinh thần tuyệt đối quyết định thế giới vật chất. Cái hiện thực lộn ngược ấy giờ đây không còn tìm thấy tính hợp lý của nó nữa.
C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, chính con người sản sinh ra những quan niệm, ý niệm chứ không phải ngược lại. Con người qua những hoạt động thực tiễn tiếp xúc với hiện thực, nhận biết hiện thực, phản ánh hiện thực và thông qua đó hình thành nên ý thức của mình về thế giới hiện thực.
Như vậy, tiền đề để có ý thức về hiện thực là phải có một thế giới, một con người hiện thực và vì thế thế giới hiện thực, con người hiện thực phải có trước ý thức chứ không phải ngược lại. Cá nhân con người sống, sự tồn tại của con người là những tiền đề đầu tiên cho lịch sử nhân loại, cho triết học và cho sự nhận thức thế giới. Không có con người thì vấn đề nhận thức thế giới không còn ý nghĩa nữa. Con người là một thực thể chủ thể mang lại cho thế giới ý nghĩa nhận thức. Sự tồn tại của con người là tiền đề đầu tiên cho mọi quá trình nhận thức. Con người là thực thể có ý thức và cái ý thức đó gắn liền với tồn tại, phản ánh tồn tại. Ý thức - đến lượt mình - lại là một dạng đặc biệt của tồn tại: tồn tại ý thức. Cái lôgic chặt chẽ đó được C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định trong mệnh đề nổi tiếng: “Ý thức... không bao giờ có thể là cái gì khác hơn là sự tồn tại được ý thức”(3).
Giữa cái tồn tại ý thức (chính ý thức) với cái tồn tại được ý thức (tồn tại được phản ánh thông qua ý thức) có sự tương đồng, một sự tương đồng chứa đựng những nội dung sâu sắc của triết học. Tồn tại được ý thức trước hết là cái không đồng nhất với tồn tại hiện thực. Tồn tại được ý thức là tồn tại được phản ánh trong ý thức, là hình ảnh, là bản sao của tồn tại. Trong một ý nghĩa nào đó, nó trùng khít với tồn tại; trong một chừng mực nào đó, nó phù hợp gần như tuyệt đối với tồn tại, nhưng bản thân nó lại không phải là tồn tại mà chỉ là tồn tại được phản ánh, là cái tồn tại được phản ánh vào trong ý thức, vì thế sự “tồn tại được ý thức này” lại không bao giờ có thể tồn tại ở đâu khác hơn là ở trong ý thức, dưới những hình thức biểu hiện khác nhau của ý thức.
Trong toàn bộ hệ tư tưởng Đức đến giữa thế kỷ XIX, mọi quan hệ giữa tồn tại hiện thực và tồn tại ý thức bị đảo ngược. Tồn tại được ý thức trở thành tồn tại thực, còn tồn tại hiện thực lại trở thành tồn tại ảo, tồn tại phụ thuộc vào ý thức, trong chừng mực ý thức nhận thức được trạng thái đó của tồn tại.
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, triết học Đức cho đến bấy giờ là triết học đi từ trên trời xuống đất chính bởi vì nó đã xác lập không đúng mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại, giữa ý thức với tồn tại. Hai ông không xuất phát từ tư duy ý thức của con người mà xuất phát từ thế giới hiện thực, thế giới trong đó con người tồn tại và nhận thức. Ý thức luôn được hình thành trong quá trình con người giao tiếp vật chất với thế giới, vì thế gắn liền và phụ thuộc vào những tiền đề vật chất của đời sống. Không có ý thức tách rời khỏi thế giới vật chất. Ý thức là sản phẩm của những điều kiện vật chất, là những sản phẩm thăng hoa tất yếu của những quá trình đời sống vật chất. Không phải ý thức quyết định đời sống mà chính là đời sống quyết định ý thức. Hai ông viết: “Ngay cả những ảo tưởng hình thành trong đầu óc con người cũng là những vật thăng hoa tất yếu của quá trình đời sống vật chất của họ, một quá trình có thể xác định được bằng kinh nghiệm và gắn liền với những tiền đề vật chất. Như vậy thì đạo đức, tôn giáo, siêu hình học và những dạng khác của hệ tư tưởng cùng với những hình thái ý thức tương ứng với chúng, liền mất ngay mọi vẻ độc lập bề ngoài. Tất cả những cái đó không có lịch sử, không có sự phát triển; chính con người, khi phát triển sự sản xuất vật chất và sự giao tiếp vật chất của mình, đã làm biến đổi, cùng với hiện thực đó của mình, cả tư duy lẫn sản phẩm tư duy của mình. Không phải ý thức quyết định đời sống mà chính đời sống quyết định ý thức. Theo cách xem xét thứ nhất, người ta xuất phát từ ý thức, coi đó là cá nhân sống; theo cách thứ hai, là cách phù hợp với đời sống hiện thực, người ta xuất phát từ chính ngay những cá nhân sống, hiện thực và coi ý thức chỉ là ý thức của họ mà thôi”(4).
Mặt khác, con người chỉ nhận biết về thế giới xung quanh thông qua hoạt động ý thức của họ. Trong một chừng mực nào đó, đối với chủ thể thì thế giới như thế nào là do hình ảnh thế giới ở trong ý thức của con người quy định như thế; con người không thể biết về một thế giới không được phản ánh, kết tinh, suy tư và thăng hoa trong ý thức. Mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại, ý thức và đời sống luôn là mối quan hệ mang tính biện chứng trong những tác động qua lại và tương hỗ lẫn nhau. Ý thức - trong một chừng mực nào đó - độc lập tương đối so với tồn tại nhưng bản thân nó - suy cho cùng - chỉ là một dạng đặc biệt của tồn tại, là tồn tại được ý thức, được phản ánh thông qua hoạt động nhận thức của chủ thể.
Mặt khác, theo C.Mác và Ph.Ăngghen, mặc dù quan niệm tinh thần tuyệt đối đang tan rã, thế giới quan của Hêghen đã không còn đúng nữa, những tín điều của hệ thống Hêghen đang bị quăng vào bóng tối, nhưng không phải toàn bộ di sản của hệ thống triết học tinh thần đồ sộ đó đã bị hủy diệt: “Chính nơi mà tư biện dừng lại, - chính trong đời sống hiện thực - là nơi bắt đầu khoa học thực sự, thực chứng, sự miêu tả hoạt động thực tiễn và quá trình thực tiễn của sự phát triển của con người. Những luận điệu trống rỗng về ý thức chấm dứt; thay cho những luận điệu đó phải là tri thức thực sự”(5). Những hạt nhân hợp lý của triết học Hêghen với tính cách là triết học biện chứng về ý thức không mất đi, những hạt nhân biện chứng này tồn tại trong thế giới quan cách mạng mới, dưới những nội dung mới của triết học Mác chiếu sáng, xua tan đi bóng tối trên con đường nhận thức thế giới của nhân loại.
__________________
(1), (2), (3), (4), (5) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.23, 26-27, 37, 38, 38-39.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét