Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, đất nước

 

Tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, đất nước

Nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2022), sáng 30-8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố; chức sắc, chức việc, lãnh đạo 43 tổ chức tôn giáo trong nước.

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, hiện nay, cả nước có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo. Dù mỗi tôn giáo đều có đường hướng và phương châm hành đạo riêng nhưng đều chung một định hướng là sống “Tốt đời, đẹp đạo”, luôn gắn bó, đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, như: Công giáo với “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Phật giáo với “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; các tổ chức Tin Lành với “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; các hệ phái Cao Đài với “Nước vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo với “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với “Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân”; Hồi giáo với “Lẽ sống tốt đạo, đẹp đời”; Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với “Hành Tứ Ân - Sống Hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập một số nội dung có tính chất nền tảng. Theo Thủ tướng, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, độc lực của sự phát triển, trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc có đồng bào các tôn giáo.

Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nỗ lực đóng góp để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, vì sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới khi Người đề cập tới những nền tảng giá trị đoàn kết, nhân văn, nhân ái chung của các tôn giáo, đặc biệt là các học thuyết cách mạng và tôn giáo: “Chúa Jesus dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”; “Lương - giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi”.

“Lời dạy đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị về sự thống nhất, đoàn kết trong đa dạng, tôn trọng sự khác biệt của các tôn giáo, tạo nên truyền thống, bản sắc, văn hóa, sức mạnh, nguồn lực Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, đồng bào có đạo là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những nét văn hóa riêng nhưng đều hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.

Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân. Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, nhiều vị chức sắc các tôn giáo đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm cố vấn cho Chính phủ. Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa I đến nay, gần 60 vị chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tôn giáo đã được bầu vào Quốc hội và hàng nghìn chức sắc tôn giáo tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần thiết thực vào việc xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân.

“Tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước trong khó khăn, thách thức, cũng như trong thời cơ thuận lợi. Đất nước ta có phong trào gì, các tôn giáo hưởng ứng và đóng góp tích cực vào phong trào đó. Đất nước có khó khăn thách thức gì, các tôn giáo đồng hành cùng đất nước vượt qua khó khăn, thách thức đó. Đất nước có cơ hội, thời cơ gì, các tôn giáo tham gia thúc đẩy mạnh mẽ để góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng chỉ rõ.

 

Gần đây nhất, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; đất nước ta đã trải qua những thời điểm khó khăn, thách thức chưa có trong tiền lệ. Chính trong những lúc khó khăn đó, các tổ chức tôn giáo lại càng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống tốt đẹp gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái, tích cực đóng góp các nguồn lực, chung tay cùng các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả.

“Chúng ta chiến thắng dịch bệnh bởi niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của các tổ chức và mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo”, Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc, của việc phát huy sức mạnh nội sinh trong việc hướng tới các mục tiêu chiến lược đó. Trong đó, tôn giáo được khẳng định là một trong những nguồn lực góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Trên cơ sở và tinh thần đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong đời sống xã hội. Các tổ chức tôn giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động y tế, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; phát huy nguồn lực, thế mạnh của các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước; tích cực tham gia các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương về tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật thành các quan điểm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên nguyên tắc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; đồng thời, tham mưu với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; huy động, phát huy mọi nguồn lực của tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, có chính sách cụ thể nhằm động viên về vật chất và tinh thần người tiêu biểu có thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước; chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào tôn giáo vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét