Người thiết kế Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 là Kiến trúc sư (KTS) Ngô Huy Quỳnh. Ông là một trong những học trò cuối cùng của Trường Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời là một trong những cây đại thụ của nền Kiến trúc Việt Nam.
Ngày
1/9/1945, KTS Ngô Huy Quỳnh được cấp trên giao trọng trách thiết kế và tham gia
dựng Lễ đài ở vườn hoa Ba Đình, có thể giản dị nhưng phải trang nghiêm. Sau những
phút giây tính toán, KTS Ngô Huy Quỳnh đã chọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ
theo cách đóng đinh (vì thời gian gấp) và bọc lụa xung quanh trên vàng dưới đỏ
để tạo dáng mỹ thuật, vừa nhanh vừa dễ làm. Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn ở giữa
vườn hoa Ba Đình. Công trình được thiết kế có màu vàng nhạt, vòng hai tay ôm lấy
phía sau lễ đài màu đỏ.
Cùng tài
năng và sự nỗ lực, ông và các cộng sự hoàn thành công trình nổi tiếng này chỉ
trong một ngày đêm (công trình hoàn thành trước rạng sáng ngày 2/9). Màu đỏ,
vàng của lễ đài với hai bình hương hai bên, cùng màu của cờ đỏ sao vàng trên cột
cờ lễ đài, tất cả cùng nổi lên rực rỡ và sống động.
KTS Ngô Huy
Quỳnh sinh ra và lớn lên ở làng Ngọc Lập (xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Văn, tỉnh
Hưng Yên). Ông học Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (ngày ấy ở Đông Dương chỉ
có duy nhất một trường cao đẳng Mỹ thuật). Trong hơn 3 năm học ở trường, ông
luôn là học sinh xuất sắc, các bài thi của ông được giảng viên đánh giá rất cao
về chất lượng. Sau hơn 3 năm học tập và phấn đấu ông đã tốt nghiệp loại ưu. Tốt
nghiệp xong, ông được nhiều kiến trúc sư nước ngoài mời sang làm việc với mức
lương rất hậu hĩnh và điều kiện làm việc rất thuận lợi với bản thân ông. Tính
ra một tháng lương họ trả bằng cả năm lao động ở trong nước. Nhưng với nhiệt
huyết của tuổi trẻ và lòng yêu Tổ quốc, ông quyết định ở lại mang kiến thức đã
học để phục vụ đất nước, phục vụ quê hương nơi đã sinh thành và nuôi dưỡng. Ông
về công tác tại Văn phòng Kiến trúc sư của ông Võ Đức Diện ở Hà Nội.
Sau này, Kiến
trúc sư Ngô Huy Quỳnh tham gia vào công tác quy hoạch, cải tạo đô thị đặc biệt
là thủ đô Hà Nội. Năm 1951, ông được Nhà nước gửi sang Liên Xô tiếp tục học tập.
Về nước, ông trực tiếp tham gia xây dựng nhiều đồ án quy hoạch đô thị lớn và đảm
nhiệm những chức vụ quan trọng như Ủy viên Ủy ban Kiến thiết Nhà nước, Vụ trưởng
Vụ Quy hoạch đô thị - nông thôn, Cố vấn chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước.
Ông còn là Ủy viên thường vụ, Bí thư Đảng Đoàn Hội Kiến trúc Việt Nam, Tổng
biên tập Tạp chí Kiến trúc.
Năm 1984,
ông được Nhà nước phong Giáo sư, là tác giả của cuốn: "Lịch sử kiến trúc
Việt Nam" Nhà xuất bản Thông tin (1.320 trang). Cuối tháng 5/2003, vì tuổi
cao sức yếu, Giáo sư - Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đã đi về nơi vĩnh hằng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét