Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Luận điệu phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đòi Việt Nam từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội

 Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay, vấn đề con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Đảng ta xác định trong Cương lĩnh, đường lối luôn là một trong những chủ đề nóng bỏng nhất mà các thế lực thù địch tập trung công kích với những luận điệu ngang trái, giả dối và hằn học. Chúng cho rằng, chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, nên Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sai lầm, là “đi theo vết xe đổ của Liên Xô”. Chúng lập luận thế giới đương đại là thế giới toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, hầu hết các nước trên thế giới đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, nên Việt Nam không thể giữ mãi định hướng xã hội chủ nghĩa; Việt Nam lựa chọn đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản là ngược, là trái với quy luật tự nhiên; không nên đi lên chủ nghĩa xã hội... Chúng tỏ ra “nuối tiếc”: giá như Việt Nam không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì đất nước không phải lâm vào mấy chục năm chiến tranh tàn khốc “nồi da xáo thịt” và kinh tế sẽ phát triển hơn. Do đó, chúng “khuyên” Việt Nam hãy từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa cũng chưa muộn. Các thế lực thù địch thẳng thừng đòi “Đảng Cộng sản Việt Nam tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hoà”[2].

 

Phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và khuyên Việt Nam từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, họ lập luận rằng những nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng tốc độ phát triển kinh tế nhanh, những vấn đề xã hội, môi trường thường được giải quyết tốt hơn các nước đi theo chủ nghĩa xã hội. Còn các nước đi theo chủ nghĩa xã hội thường xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, độc đoán và chính tình trạng này đã cản trở xã hội phát triển lành mạnh. Chúng thường đồng nhất những yếu kém, hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện thực, hay những sai lầm, hạn chế của một số đảng cộng sản để minh chứng Việt Nam phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét