Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

 

PHÁT HUY SỨC MẠNH CỦA TOÀN DÂN VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ 
TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VĂN HOÁ

Văn kiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ rằng, để phát triển văn hoá phải huy động mọi nguồn lực của xã hội, xã hội hoá các hoạt động văn hoá, phát huy tính năng động, chủ động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mặt trận tổ chức, các đoàn thể nhân dân, các hội sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, các hộ gia đình, cá nhân, các trí thức trên tất cả các lĩnh vực hoạt động văn hoá. Theo đó, Đảng, Nhà nước phải phát huy cao độ vai trò của hệ thống chính trị và của toàn dân trong quá trình quản lý văn hoá và coi đây là một động lực cơ bản, quan trọng, quyết định sự thành bại của quản lý nhà nước về văn hoá trong tình hình mới.

Để phát huy vai trò quan trọng của hệ thống chính trị và của toàn dân trong quản lý Nhà nước về văn hoá, trước hết phải xây dựng được cơ chế, chính sách, chế tài ổn định trong việc thực hiện xã hội hoá hoạt động quản lý văn hoá.

 Cơ chế, chính sách, chế tài phải làm rõ được vị trí, vai trò quyền hạn, trách nhiệm từng tổ chức của hệ thống chính trị, trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi gia đình, công dân trong việc chấp hành, điều hành, thực thi đường lối, chính sách, chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước trong quản lý văn hoá. Đảng, Nhà nước chú trọng việc định hướng, hướng dẫn, tổ chức, quản lý kiểm tra, giám sát, hỗ trợ và cùng nhân dân thực hiện việc quản lý văn hoá. Các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt việc tự chủ trong thực hiện quản lý các hoạt động văn hoá tại cơ sở, biến quá trình quản lý của Nhà nước thành quá trình tự quản lý trong mỗi người, mỗi gia đình, đơn vị, cơ sở . tăng cưòng việc ban hành, thực thi cơ chế, chính sách, luật pháp  nhằm  phát huy vai trò của các tổ chức chính trị- xã hội và các tầng lớp nhân dân trong giám sát hoạt động quản lý  văn hoá và của các cơ quan Nhà nước.

Quan điểm của một số nhà nghiên cứu và quản lý văn hoá cho rằng, một trong những biện pháp quan trọng để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia quản lý nhà nước về văn hoá là thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của các tầng lớp nhân dân. Vì, chính từ nhu cầu hưởng thụ này làm cho quần chúng phải tự tiến hành các biện pháp quản lý để tạo ra một thị trường, môi trường văn hoá lành mạnh phục vụ hiệu quả cho chính mình. Theo đó, Nhà nước và các tổ chức khác trong xã hội phải xây dựng hành lang pháp lý, chính trị, xã hội cụ thể để tạo thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực, tự giác vào quản lý văn hoá; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện gây cản trở nhân dân tham gia quản lý văn hoá và các hành vi lợi dụng xã hội hoá quản lý văn hoá để thực hiện các mưu đồ gây rối, phá hoại công cuộc xây dựng, quản lý, phát triển văn hoá.

Quản lý văn hoá có quan hệ mật thiết với quản lý nhà nước trên các phương diện khác của xã hội. Vì vậy việc tổ chức, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia quản lý văn hoá phải gắn chặt, kết hợp hài hoà với xã hội hoá quản lý kinh tế, giáo dục, xã hội, y tế v.v… để tạo ra sự tác động, thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Tuy nhiên do tính đặc thù của mỗi lĩnh vực nên Đảng, Nhà nước cần phải có các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phù hợp với thực tiễn, yêu cầu quản lý văn hoá.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét