Cùng với nhiều văn kiện khác của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc... Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”[1]. Nhằm xuyên tạc, phủ nhận điều được khẳng định trên trong Cương lĩnh, các thế lực thù địch tập trung tung ra nhiều luận điệu đòi thực hiện đa đảng đối lập. Chúng phê phán Đảng Cộng sản Việt Nam không chịu đổi mới về chính trị, “không chịu thực hiện đa nguyên chính trị, giữ độc quyền lãnh đạo”; rằng ở Việt Nam “không có đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”. Các thế lực thù địch cho rằng, chế độ và thể chế chính trị một đảng duy nhất cầm quyền là mảnh đất tốt cho sự nảy sinh, dung dưỡng và phát triển tư tưởng, hành vi chuyên quyền, độc đoán, từ đó dẫn đến sự lộng hành quyền lực của bản thân đảng cầm quyền, gây mất dân chủ, làm rối loạn chính trị, bế tắc kinh tế, cản trở quá trình phát triển xã hội. Chúng quy kết “Độc tài, Đảng trị là cái gốc sai chính của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại” và “khuyên” “Đảng chỉ nên giữ vai trò lãnh đạo chính trị, không nên và không thể lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối”. Các thế lực thù địch đòi Việt Nam phải sửa đổi Hiến pháp, xoá bỏ Điều 4, hiến định về Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo toàn xã hội.
Không chỉ dừng lại với những luận điệu trên, họ còn thống kê, thổi phồng những hạn chế, thiếu sót cả về đường lối và chỉ đạo thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, quản lý xã hội để minh chứng cho sự cần thiết “chấm dứt vai trò lịch sử của Đảng”. Chúng ra sức khai thác, lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tham nhũng, tha hoá, kích động nhằm tạo sự phân hoá sâu sắc trong Đảng, làm suy yếu sức mạnh đoàn kết trong Đảng và giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Chúng hô hào, khuyên khích đổi mới “triệt để”, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Trắng trợn hơn, chúng đã ra sức xây dựng, nhen nhóm các tổ chức đảng đối lập phản động như cái gọi là “Đảng Việt Tân”, “Đảng Dân chủ”, “Đảng Dân chủ xã hội”...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét