Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Một buổi sinh hoạt chi bộ mẫu tại Chi bộ Kiểm tra nội bộ (Đảng bộ Cục Thuế tỉnh Lai Châu).
Sinh hoạt chi bộ là hoạt động thường xuyên của chi bộ đảng. Bác Hồ viết: “Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu”(1). Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quan trong quyết định kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sinh hoạt chi bộ là phương cách để phòng bệnh từ sớm, từ xa; chữa trị bệnh khi căn bệnh đó “còn trong trứng nước”. Sinh hoạt chi bộ là trường học để rèn luyện cấp ủy, rèn luyện bí thư cấp ủy và cũng là trường học để rèn luyện đảng viên. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của mỗi cấp ủy viên, đảng viên đều được biểu hiện và được rèn luyện, chỉnh sửa uốn nắn trong chi bộ. Chi bộ là tổ chức cơ sở, là hạt nhân hệ thống chính trị cơ sở, đồng thời cũng là nơi đảng viên sịnh hoạt nhiều nhất. Thông qua sinh hoạt chi bộ để thực hiện nhiệm vụ chính trị, đồng thời bộc lộ tính cách, sở trường, thế mạnh cũng như thiếu sót, khuyết điểm của đảng viên. Từ chi bộ, đảng viên có điều kiện để rèn luyện, phấn đấu, từng bước giữ gìn, nâng cao phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, lập trường cách mạng.
Còn nhiều băn khoăn
Sinh hoạt chi bộ là công việc định kỳ hằng tháng. Vì cứ mỗi tháng diễn ra một lần và khi so sánh nội dung sinh hoạt giữa các tháng, dường như gần giống nhau nên xuất hiện tình trạng coi nhẹ sinh hoạt chi bộ. Đánh giá chưa đúng mức tầm quan trọng, cũng như tác dụng của sinh hoạt chi bộ không chỉ xuất hiện ở một số đảng viên bình thường mà còn có thể có ở một số cấp ủy viên và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị, từ đó dẫn đến một số tình trạng: Coi trong công tác chuyên môn hơn sinh hoạt chi bộ, từ đó xếp lịch làm việc “ưu tiên” họp chuyên môn trước, họp chi bộ sau, hoặc “tiện thể” lồng ghép công tác đảng sau khi họp chính quyền. Chi ủy chuẩn bị nội dung không chu đáo, cẩn thận, đến khi họp chi bộ điều hành lúng túng, không rõ trọng tâm, chủ đề buổi sinh hoạt. Đảng viên không được thông tin trước về nội dung cụ thể nên không chuẩn bị ý kiến phát biểu, tham luận. Trong hội nghị chi bộ hoặc là không tham gia ý kiến, hoặc là phát biểu qua loa, chiếu lệ, thậm chí lan man không đúng chủ đề.
Tình trạng họp chi bộ không phát biểu ý kiến, “mũ ni che tai” đang xảy ra ở mức độ rất đáng lo ngại ở một bộ phận đảng viên, nhất là đảng viên mắc bệnh “cơ hội”, đảng viên trẻ tuổi đời, ít tuổi đảng. Tình trạng không được nói (thời gian họp chi bộ không đủ, lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, hách dịch, thiếu dân chủ), không dám nói (người nói sợ mất lòng cấp trên) thì sinh hoạt chi bộ chỉ là hình thức mà không thực chất. Các “sản phẩm” của cuộc họp đầy đủ nhưng không có chất lượng. Nghị quyết thông qua trong phiên họp thiếu dân chủ, không ai dám nói lên ý kiến quan điểm cá nhân của minh, nhất là ý kiến khác với bí thư chi bộ thì văn kiện đó chỉ là sự “hợp thức hóa” ý chí của thiểu số. Đảng viên không dám nói cũng có nghĩa là không dám đấu tranh phê bình và tự phê bình. Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Có tự phê bình và phê bình mới tìm ra những căn bệnh đang phá hoại cơ thể của Đảng, bắt đúng bệnh sẽ tìm được đúng thuốc để chữa trị.
Những giải pháp căn bản
Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xin đề xuất các cấp ủy quan tâm làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kết luận là cần phải ra sức củng cố các chi bộ, để tất cả các chi bộ trở nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi”(2). Ý thức tốt trong sinh hoạt chi bộ bắt nguồn từ nhận thức về vị trí của chi bộ trong bộ máy tổ chức và cơ chế vận hành của Đảng. Chi bộ là hạt nhân, hạt nhân tốt thì Đảng khỏe mạnh và hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước. Do đó, cần tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ đảng viên toàn Đảng thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong sinh hoạt chi bộ. Thấy rõ tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ để sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị nội dung phát biểu, góp ý thật xác đáng vào các quyết định của chi bộ. Nêu cao tinh thần tự giác và chủ động của cấp uỷ viên cũng như từng đảng viên. Việc nhớ lịch họp, chuẩn bị nội dung phát biểu, cân nhắc để biểu quyết tại hội nghị… là những việc bắt buộc phải nhớ, phải làm trước khi bước vào cuộc họp chi bộ.
Hai là, chuẩn bị tốt nội dung cuộc họp. Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy cần họp để chuẩn bị nội dung cho cuộc họp chi bộ, thông qua dự thảo nghị quyết của chi bộ. Phiên họp chi ủy thường chỉ có 3 hoặc 5 chi ủy viên, tất cả có thể “đặt lên bàn”, nói thẳng, nói thật; giải quyết những vướng mắc, những chỗ chưa thống nhất giữa các chi ủy viên. Khi chi ủy đã thống nhất, phát ngôn của chi ủy viên phải tuyệt đối chấp hành ý kiến tập thể chi ủy đã kết luận, không được nói, viết ý kiến cá nhân trái với ý kiến tập thể.
Chủ động thông báo lịch họp và chương trình nghị sự phiên họp. Đối với chi bộ lãnh đạo nhiệm vụ chính trị ở những địa bàn ổn định, đảng viên tập trung, đặc biệt là chi bộ “hưu trí” có thể định kỳ một ngày cố định trong tháng để họp chi bộ. Cố định ngày họp chi bộ để đảng viên chủ động công việc chuyên môn và sinh hoạt gia đình để tham gia đầy đủ, đúng giờ và chuẩn bị nội dung phát biểu chu đáo. Đối với những chi bộ mà đối tượng lãnh đạo là những đơn vị công tác hợp thành bởi nhiều chuyên môn khác nhau, địa bàn trải dài nhiều địa phương, thậm chí ở ngoài nước… thì cần lựa chọn ngày “tối ưu” để đảng số cao nhất, nội dung thảo luận kỹ nhất và quyết nghị chuẩn xác nhất.
Ba là, chú trọng công tác điều hành của người đứng đầu chi bộ, bởi điều hành linh hoạt, giải quyết các phần việc gọn gàng, đúng quy định, khơi gợi được nhiều ý kiến cá nhân, thảo luận kỹ lưỡng, kết luận chuẩn xác và biểu quyết thông qua nghị quyết là những nhân tố quyết định thành công tốt đẹp của một cuộc sinh hoạt chi bộ. Quá trình điều hành sinh hoạt chi bộ cần bảo đảm đúng quy định và hướng dẫn của cấp trên, đúng chương trình nghị sự đã thông báo; đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; các quyết nghị của chi bộ phải đúng trình tự, thủ tục. Người chủ trì cần nắm chắc, vững nguyên tắc, có kiến thức về xây dựng Đảng. Đối với những bí thư chi bộ mới được bầu giữ chức vụ thường chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức về Đảng nên dễ lúng túng, bị động trong điều hành cuộc họp. Theo đó, cần tích cực học tập, nghiên cứu và rèn luyện trong thực tiễn.
Bốn là, phát huy dân chủ, tôn trọng và bảo lưu ý kiến đảng viên và ý kiến thuộc về thiểu số. Nguyên tắc quan trọng nhất trong tổ chức, sinh hoạt đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong những nội dung chính yếu của nguyên tắc này có nội dung: “trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình, đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên”(3) . Việc phát biểu ý kiến tại cuộc họp chi bộ vừa quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của đảng viên, nghị quyết của phiên họp, cũng như các quyết định của chi bộ sẽ đúng đắn nhất khi chúng ta phát huy được quyền dân chủ của đảng viên. Chất lượng sinh hoạt chi bộ tốt, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, cộng với tình thương yêu đồng chí lẫn nhau là liều “vắc-xin” hiệu quả để phòng và chống nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng ta hiện nay.
Nguồn: Phạm Anh
Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét