Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

TẦM CAO TƯ TƯỞNG, NIỀM TIN SON SẮT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

 


Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực về tổng kết lý luận-thực tiễn mang tầm tư tưởng chiến lược của bậc vĩ nhân. Là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước, 24 năm liên tục là nguyên thủ quốc gia, Hồ Chí Minh đã thể hiện trong Di chúc - một đại tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Người, với những chặng đường trong cuộc hành trình lịch sử của dân tộc và của Đảng, vì lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì độc lập - tự do - hạnh phúc của nhân dân.

Thực hiện Di chúc của Người, chúng ta đã vượt qua bao thử thách cam go, chiến đấu gian lao và anh dũng “đánh thắng hai đế quốc to”; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một ý chí, một niềm tin son sắt, hành động với sức mạnh đoàn kết muôn triệu người để giành thắng lợi, hướng tới tương lai.

Trong Di chúc, trên bình diện tư tưởng, Người đã đề cập toàn diện các vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, về Đảng và xây dựng Đảng cầm quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, về Nhà nước và thực hành dân chủ, thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Di chúc trù tính việc trước mắt và việc lâu dài, về dân tộc và quốc tế; về công việc tương lai, tái thiết đất nước sau chiến tranh, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, làm tất cả mọi việc vì hạnh phúc của nhân dân.
Niềm tin tưởng mãnh liệt của Người vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong hoàn cảnh chiến tranh đang diễn ra hết sức ác liệt, đồng bào, chiến sĩ cả nước đang chịu đựng nhiều gian khổ, hy sinh, vượt qua muôn vàn thử thách khó khăn và tình hình quốc tế cũng đang diễn biến phức tạp… cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của Người. Đó là niềm tin khoa học, nhìn thấu xu thế phát triển của tình hình, tính tất yếu thắng lợi của chính nghĩa cách mạng và sự thất bại không thể nào tránh khỏi của chiến tranh xâm lược phi nghĩa, trái đạo lý và phản nhân văn mà đế quốc, thực dân gây ra. Người tin tưởng, khẳng định và nhấn mạnh: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.

Với Hồ Chí Minh, niềm tin thúc đẩy hành động. Người hình dung “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn". Và hành động lại góp phần củng cố niềm tin: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".

Từng lời, từng chữ của Người trong Di chúc đều toát lên sự kiên định, nhất quán của tư tưởng, sự vĩ đại của niềm tin không gì lay chuyển được.Động lực sâu xa thúc đẩy Người tin tưởng mãnh liệt như thế và thức tỉnh đồng bào, chiến sĩ hành động dũng cảm, quyết liệt như thế, không có gì khác đó là tình yêu và tình cảm của Người với Tổ quốc và nhân dân mà cả cuộc đời mình, Người đã tự nguyện dấn thân và dâng hiến cho dân, cho nước. Nó lắng đọng, bền bỉ, thường trực trong suy tư và cảm xúc, trong trái tim và trí óc của Người.
Cũng trong bối cảnh của Di chúc, Người đã từng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ ta “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”, phải “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”, để cho “Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”… Người đã thực sự truyền cảm hứng tới toàn dân tộc. Trong giờ phút thử thách ác liệt, cam go của cuộc chiến đấu, cũng như trong suốt cuộc hành trình lịch sử không ngừng không nghỉ của dân tộc để bảo vệ quyền sống, quyền tự do, giữ gìn và nâng cao phẩm giá con người, Hồ Chí Minh luôn là ngọn cờ dẫn dắt toàn dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân mình, cuộc đời Người ở trong sự sống và số phận của nhân dân, dân tộc mình.

Nhớ lại những sự kiện tiêu biểu in dấu ấn của Người trong mỗi bước ngoặt của cách mạng. Bên thềm của Cách mạng Tháng Tám giải phóng dân tộc, Người từng căn dặn chúng ta với quyết tâm sắt đá “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Giữa khói lửa của cuộc chiến tranh xâm lược trở lại của thực dân Pháp, ngày 19-12-1946, Người ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đó là lời thề thiêng liêng đối với Tổ quốc mà nguyên thủ quốc gia Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể quốc dân đồng bào nói lên ý chí của toàn dân tộc.

Hai mươi năm sau, vào lúc 76 tuổi, khi đã khởi thảo xong lần đầu bản Di chúc, ngày 17-7-1966, Người ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong lời kêu gọi ấy, nổi bật một tư tưởng lớn, một sự lựa chọn giá trị được khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó là chân lý của muôn đời, rọi sáng nhận thức, giúp chúng ta hiểu rõ vì sao niềm tin vào thắng lợi và ý chí chiến đấu vì thắng lợi hoàn toàn của Người mãnh liệt đến như vậy.
Trong Di chúc, Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đây là nhân tố làm nên sức sống, sức chiến đấu của một Đảng cách mạng mà lẽ sống, sự tồn tại của Đảng chỉ vì nhân dân. Đoàn kết trong Đảng, muôn người như một còn là sức mạnh của trí tuệ khoa học và đạo đức cách mạng của toàn Đảng, của từng tổ chức Đảng đến mỗi một đảng viên.

Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng còn là động lực và sự nêu gương, thúc đẩy đoàn kết toàn dân tộc, gắn liền với đoàn kết quốc tế. Với Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng và của dân tộc, đoàn kết là nỗ lực phấn đấu, là mẫu mực thực hành trong suốt cuộc đời của Người. Trước tình trạng xảy ra mất đoàn kết, sự bất hòa giữa các đảng anh em, Người dằn vặt, lo âu đến mức đau đớn.

Là người chiến sĩ cách mạng, luôn tin tưởng, lạc quan vào sự nghiệp cách mạng, luôn tự hào về sự lớn mạnh của phong trào cộng sản thế giới mà Người phải nói đến “sự đau lòng” về tình trạng bất hòa giữa các đảng anh em thì nỗi đau ấy của Người thấm thía biết chừng nào. Với nghị lực phi thường, với tấm lòng cao cả, Người thường nén chặt nỗi đau nhân thế ở trong lòng. Ngay trong ngôn từ, hiếm khi Người nói tới sự đau buồn, vậy mà trong Di chúc, Người phải nói đến “tự hào bao nhiêu” thì cũng “đau lòng bấy nhiêu” trước những sóng gió âm ỉ trong phong trào cộng sản quốc tế mà Người cảm nhận sâu sắc hơn ai hết, thì nỗi đau của Người là tất cả tinh thần trách nhiệm không chỉ đối với Đảng, với dân tộc mà còn đối với quốc tế và nhân loại. Thêm một lần nữa, ta nhận ra sự cao thượng vĩ đại của Người.

Người căn dặn Đảng ta “ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Đây cũng chính là một trong những phương diện xây dựng Đảng của Đảng ta, là trách nhiệm cao cả của Đảng ta đối với phong trào cộng sản quốc tế và cách mạng thế giới theo Di chúc của Người.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét