Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

 


Quốc phòng, quân sự là lĩnh vực ứng dụng nhanh nhất các thành tựu khoa học và công nghệ (KHCN) tiên tiến, hiện đại. Các cuộc chiến tranh nếu xảy ra trong tương lai, đều là chiến tranh sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) công nghệ cao, quy mô lớn, cường độ cao. Chính vì vậy, xây dựng QĐND Việt Nam, trong thời đại CMCN 4.0, cần tìm tòi đề xuất những giải pháp thiết thực, mang tính khả thi, đáp ứng với quá trình từng bước hiện đại hóa.

Thứ nhất, xây dựng QĐND Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, chủ động ứng phó với sự tác động đa chiều của quá trình hội nhập quốc tế, trong điều kiện CMCN 4.0. QĐND là một bộ phận cấu thành của xã hội, do đó, trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay, những mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống đồi trụy, xấu độc của các nền văn hóa ngoại lai đều có thể thâm nhập vào quân đội, thông qua giao tiếp, hệ thống internet, điện thoại thông minh... Đây là vấn đề phức tạp, nếu các cấp lãnh đạo, chỉ huy xem nhẹ, quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Vì vậy, quá trình xây dựng QĐND về chính trị tinh thần, cần triển khai nhiều nội dung và phương pháp mới phù hợp hơn.

Các biện pháp cụ thể, một là, chú trọng hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, kinh tế, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học cho đội ngũ cán bộ các cấp. Đặc biệt là đội ngũ sĩ quan cao cấp, nhằm nâng cao trình độ lãnh đạo, chỉ huy và khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ, các phương tiện công nghệ cao, khi tham gia đóng góp cho các chương trình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trong Quốc hội, HĐND, cấp ủy đảng địa phương theo cơ cấu các cấp huyện, tỉnh, thành phố. Hai là, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chính trị, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, cần bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, trình độ hiểu biết về chính trị-xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước cho cán bộ, chiến sĩ. Ba là, tích cực chủ động tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ không ngừng nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tham gia phòng, chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta.

Thứ hai, tích cực, chủ động đầu tư mua sắm VKTBKT hiện đại, ứng dụng nhanh những thành tựu KHCN vào quá trình huấn luyện, SSCĐ và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nếu xảy ra trong tương lai, sẽ là chiến tranh sử dụng VKTBKT công nghệ cao, muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này, phải chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ thời bình. Nền công nghiệp quốc phòng nước ta chưa sản xuất được nhiều các loại VKTBKT công nghệ cao, việc đầu tư ngân sách để mua sắm là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, việc mua sắm phải gắn với quá trình cải tiến, nâng cấp VKTBKT và đào tạo, huấn luyện SSCĐ bằng phương pháp, mô phỏng VKTBKT hiện đại, huấn luyện theo cách đánh của ta. Có thực hiện tốt điều này mới bảo đảm được tính bí mật, bất ngờ của VKTBKT khi tác chiến xảy ra.

Các biện pháp cụ thể, một là, chủ động mở rộng đối tác để mua sắm VKTBKT hiện đại của thế giới, nhưng có giá cả hợp lý so với điều kiện kinh tế của đất nước. Hai là, tăng cường đầu tư vốn và công nghệ cho hoạt động nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, công nghệ, nâng cao tính năng kỹ thuật, chiến thuật tạo ra yếu tố bí mật bất ngờ trong tác chiến bằng VKTBKT công nghệ cao bảo vệ Tổ quốc. Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp và phương tiện huấn luyện SSCĐ theo hướng hiện đại nhằm nâng cao trình độ tác chiến, làm chủ VKTBKT công nghệ cao cho các quân chủng, binh chủng đã được hiện đại hóa. Bốn là, tích cực ứng dụng KHCN hiện đại vào cải tiến tất cả các khâu, các bước nhằm thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng và phù hợp hóa VKTBKT hiện đại với khí hậu nước ta, tránh hư hỏng, xuống cấp, hoặc để xảy ra các tai nạn đáng tiếc, nhất là lĩnh vực hàng không quân sự.

Thứ ba, đẩy mạnh hội nhập vào nền quốc phòng thế giới và khu vực, nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm ứng phó hiệu quả với các vấn đề an ninh phi truyền thống và truyền thống có thể xảy ra. Cùng với tiến trình hội nhập về kinh tế, chính trị, nền quốc phòng nước ta đang từng bước hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, trong thời đại CMCN 4.0. Đến nay, nước ta đã có quan hệ quốc phòng với hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và các nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Hội nhập về quốc phòng cùng một lúc đạt được nhiều kết quả thiết thực, một mặt, nền quốc phòng nước ta có điều kiện mở rộng giao lưu, học hỏi tận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ của những nền quốc phòng tiên tiến hàng đầu khu vực và thế giới; mặt khác, tạo điều kiện cho nền quốc phòng nước ta tham gia tích cực, có trách nhiệm với khu vực, thế giới trong các hoạt động phòng, chống an ninh truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi trình độ công nghệ cao, quy mô lớn, tốc độ nhanh.

Thực hiện nội dung này, trước hết, Bộ Quốc phòng cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước về chiến lược, quy trình, kế hoạch từng bước hội nhập quốc phòng thế giới và khu vực. Hai là, tích cực, chủ động tham gia các cơ chế hợp tác về quốc phòng khu vực ASEAN (ADMM) và ADMM+, trên cơ sở đó mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước trên thế giới. Ba là, chủ động chuẩn bị về con người, VKTBKT nhằm thực hiện tốt các hoạt động diễn tập, tiến hành phòng, chống an ninh phi truyền thống trong khu vực, thế giới, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và các hoạt động vì hòa bình, hạnh phúc và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho xây dựng QĐND Việt Nam, cần được quan tâm thực hiện. Các vấn đề nêu trên có mối quan hệ nhân quả, nếu được thực hiện đồng bộ, nhất quán, nhất định sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng QĐND ngày càng vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét