Vùng ven biển miền Trung bao gồm vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung(1) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Phát huy tốt vị thế, tiềm năng của vùng sẽ góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn, nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
1- Xuyên suốt chặng đường hơn 35 năm đổi mới đất nước, đường lối, quan điểm của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc không ngừng được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội và nhiều hội nghị Trung ương. Đặc biệt, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013, của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI, “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” thể hiện đường lối, tư duy mới, bước đột phá về sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xác định rõ mục tiêu, quan điểm “Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong các dự án lớn, quy hoạch phát triển các vùng, các ngành kinh tế, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn chiến lược, các ngành quan trọng”. Đây là quan điểm cơ bản, chủ trương chiến lược, nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là sự chỉ đạo quan trọng, định hướng phát triển cho từng vùng, trong đó có các tỉnh, thành phố vùng ven biển miền Trung.
Vùng ven biển miền Trung có dân số khoảng 21,2 triệu người (tính đến năm 2021), chiếm 21,6% dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước. Với lợi thế sở hữu mặt tiền hướng ra Biển Đông, có chiều dài đường bờ biển 1.900km, các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam, cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất và thuận lợi với các địa phương thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây; có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao lưu kinh tế với các tỉnh Tây Nguyên và các nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng; có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển và du lịch, dịch vụ logistics; có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng, nhân dân có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Với những đặc điểm và vị trí quan trọng như vậy, vùng ven biển miền Trung luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh(2). Chính phủ dành nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các địa phương trong vùng. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố trong vùng không ngừng phát huy các tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Tổng sản phẩm nội địa toàn vùng năm 2021 tăng bình quân 104,1%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đi sâu phân tích những hạn chế, khó khăn của vùng, Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt”(3). Một số địa phương, ngành chưa thực sự gắn kết phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Ngược lại, có một số lĩnh vực quốc phòng, an ninh chưa gắn kết với phát triển kinh tế, làm cho kinh tế biển vốn còn nhiều hạn chế về khoa học - công nghệ, kỹ thuật và năng lực lại thêm phần bất cập trong công tác bảo vệ, làm hạn chế quá trình phát triển kinh tế biển. Có địa phương trong quá trình xây dựng quy hoạch các khu công nghiệp, kinh tế tập trung, các dự án ven biển, trên đảo, chưa chú trọng các phương án xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh, chủ yếu chạy theo lợi ích kinh tế; một số quy hoạch, kế hoạch, nhất là việc xây dựng bến cảng, cơ sở công nghiệp biển, các khu dịch vụ trên đảo vẫn còn tràn lan, không tuân thủ các nguyên tắc chung,... làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển, đảo.
2- Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là cuộc xung đột quân sự Nga - U-crai-na, tác động trực tiếp đến nước ta. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, song cũng tồn tại nhiều nhân tố bất ổn, như tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và ở Biển Đông có thể ngày càng gia tăng và gay gắt hơn. Thêm vào đó, đối với nước ta, các thế lực thù địch, phản động vẫn ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, “dân chủ hóa”, “cách mạng màu”, triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam nhằm mục đích tác động, chuyển hóa nội bộ, hỗ trợ, kích động một số đối tượng cơ hội chính trị, phần tử chống đối liên kết, phát triển lực lượng.
Trong bối cảnh đó, để vùng ven biển miền Trung trở thành địa bàn vững mạnh về kinh tế, quốc phòng, an ninh trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với vùng ven biển miền Trung; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh.
Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, nhân tố bên trong quyết định bảo đảm ổn định quốc phòng, an ninh trên vùng chiến lược này. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; trong đó, cần tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng ở các địa phương, đơn vị (đặc biệt quan tâm đến các đơn vị trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo) có năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu cao, thật sự là hạt nhân lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị.
Những năm qua, nền kinh tế của các địa phương vùng ven biển miền Trung phát triển ổn định, tăng trưởng khá, nhưng so với tiềm năng, thế mạnh của khu vực thì hiệu quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguyên nhân là do thiếu cơ chế pháp lý liên kết giữa các địa phương trong khu vực; công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, dịch vụ công chưa phát huy hiệu quả, lợi thế cạnh tranh; sự kết nối phát triển kinh tế biển với vùng ven biển và nội địa còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả; các ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh khá trùng lặp, thiếu các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ; hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong khu vực chưa kết nối đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, có nơi suy giảm nghiêm trọng do tác động của hoạt động kinh tế, xây dựng. Bên cạnh đó, tuy chủ quyền, an ninh quốc gia được giữ vững nhưng công tác quốc phòng, an ninh ở một số địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ. Do vậy, trong thời gian tới, cần xây dựng cơ chế pháp lý để “gắn kết” giữa các địa phương trong khu vực, quy hoạch phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng ven biển và nội địa; có biện pháp chủ động để đối phó với trình trạng nước biển dâng cao ảnh hưởng đến vùng ven biển; khẩn trương trồng và bảo vệ rừng, nghiên cứu áp dụng và nhân rộng các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp phù hợp, tích cực phòng, chống xói lở, ngập lụt trong mùa mưa; quy hoạch thủy điện cho phù hợp, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh bền vững; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương; cần sớm thống nhất ban hành và triển khai các chủ trương, thể chế chính sách kinh tế vùng, liên kết vùng, thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực, thiết lập hạ tầng dùng chung, liên kết phụ trợ giữa các doanh nghiệp trong vùng,... Giải quyết, xử lý nghiêm các hoạt động kinh tế có nguy cơ gây nguy hại đến quốc phòng, an ninh ở các địa phương; hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật và thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia; chú trọng kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản lý các đảo, quần đảo, các vùng ven biển và cơ quan, đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi pháp luật trên các tuyến biên giới đất liền, trên biển,...
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng.
Là địa bàn có vùng biển rộng lớn, do đó, cần phải xác định “Phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo”(4) là định hướng xuyên suốt, thống nhất cần triển khai tại khu vực. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đảng xác định: “Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển”(5). Muốn vậy, trước hết, cần phát huy lợi thế các bãi biển đẹp của vùng để xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh nhưng phải theo quy hoạch và kế hoạch thống nhất, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng và Nhà nước nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh trên biển, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững; đồng thời, tránh tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy, không tuân thủ các nguyên tắc chung làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ quốc phòng, an ninh; giữ gìn và phát huy các lễ hội truyền thống văn hóa biển, đảo; thực hiện mô hình hợp tác xã thủy sản để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và hiệu quả; tổ chức lại đội hình đánh bắt hải sản và tăng hiệu suất khai thác hải sản gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ ngư dân và triển khai hoạt động các nghiệp đoàn đánh cá để gắn kết ngư dân, khắc phục khó khăn, duy trì khả năng bám biển vươn khơi, phát triển kinh tế biển, tham gia cùng lực lượng vũ trang đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.
Trong quy hoạch các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế trọng điểm,... ở ven biển của khu vực, cần kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong bố trí các cơ sở vật chất, kỹ thuật, cũng như trong xây dựng kết cấu hạ tầng (đường sá, bến cảng, sân bay,...) bảo đảm vận hành, khai thác hành lang kinh tế Đông - Tây và có tính lưỡng dụng, sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhiệm vụ quốc phòng khi cần thiết; gắn kết chặt chẽ quy hoạch thế trận với xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ. Ở trên biển, cần xác định các vùng biển trọng điểm về quốc phòng, an ninh kết hợp với các vùng kinh tế ở ven biển, như: vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa với vùng đất liền các tỉnh ven biển miền Trung.
Xây dựng các huyện đảo, xã đảo phát triển về kinh tế, mạnh về chính trị, quốc phòng, an ninh. Đầu tư thích hợp cho xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo, phục vụ kinh tế và quốc phòng, an ninh. Thực hiện tốt việc đưa dân ra các huyện đảo, xã đảo, đảo để phát triển kinh tế, xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ. Trên các đảo và quần đảo xa bờ, xây dựng một số cơ sở dịch vụ khai thác biển để tăng thêm thành phần dân sự, thành phần kinh tế, tăng tính pháp lý của quyền sở hữu.
Ba là, nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực vững chắc, trước tiên là tiềm lực về chính trị, xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc hơn, tăng cường sự đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội từ cơ sở. Thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở các địa phương. Nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang trong khu vực, chú trọng xây dựng lực lượng hải quân mạnh và lực lượng dân quân biển rộng khắp gắn với triển khai hoạt động hiệu quả của hải đội dân quân thường trực để bảo vệ chủ quyền biển, đảo; xây dựng các công trình và bố trí các đơn vị quân đội phù hợp, nhất là ở tuyến ven biển và hải đảo trọng yếu để đáp ứng yêu cầu phòng thủ các quân khu 4 và 5, phòng thủ quốc gia, gắn với thực hiện có hiệu quả xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc, xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh.
Chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng các tình huống xảy ra, đặc biệt vùng biển, đảo thuộc khu vực. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các âm mưu, hành động xâm phạm an ninh, chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm giành thắng lợi khi tình huống xấu xảy ra, thực hiện bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Có phương án phòng, chống bạo loạn, gây rối, khủng bố; đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các tổ chức, phần tử cơ hội chính trị, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; giải quyết tốt các vụ việc phức tạp liên quan khiếu kiện đất đai, ô nhiễm môi trường, các dự án ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh,... không để trở thành điểm nóng về an ninh, trật tự.
Bốn là, làm tốt công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Vùng ven biển miền Trung có giao thông thuận lợi về đường thủy, đường bộ và hàng không, là vùng nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; có 1.494,4km đường biên giới giáp Lào - điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các địa phương khu vực Tây Nguyên và hoạt động đối ngoại với các nước ASEAN; trong đó chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, du lịch và dịch vụ du lịch, khoa học - công nghệ giữa các nước Lào, Thái Lan, My-an-ma với các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Nam. Tích cực tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng, với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để biến hành lang kinh tế Đông - Tây từ một hành lang “giao thông” trở thành hành lang “kinh tế” thực thụ thông qua việc gắn kết với thúc đẩy đầu tư để tạo nguồn hàng hóa trao đổi thương mại, dịch vụ... Bên cạnh đó, cần chủ động đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, trong thăm dò, khai thác sa khoáng, dầu khí, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực, góp phần xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định để giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia.
Vùng ven biển miền Trung có vị trí địa - chiến lược trọng yếu của quốc gia, được ví như là “xương sống” của đất nước. Với tầm quan trọng đó, để xây dựng địa bàn ngày càng vững mạnh về kinh tế, quốc phòng, an ninh, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với việc phát triển kinh tế của khu vực. Quá trình phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội và gắn chặt với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới./.
-----------------
(1) Bao gồm các tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận
(2) Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 16-8-2004, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến 2010”; Kết luận số 25-KL/TW, ngày 2-8-2012, của Bộ Chính trị, Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW,...
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 88
(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 257 - 258, 254
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét