Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam

 Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Sự phát triển của một số công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mạng 5G, công nghệ sinh học... đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh, từ an ninh - chính trị đến kinh tế, xã hội.

Ở cấp độ toàn cầu

Tác động tới an ninh - chính trị

Các công nghệ đột phá do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại đã tạo điều kiện để các quốc gia ứng phó và xử lý hiệu quả hơn với nhiều thách thức, rủi ro an ninh, như dịch bệnh, khủng bố quốc tế, thảm họa tự nhiên,... Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua, nhờ sự phát triển của lĩnh vực công nghệ sinh học mà thế giới đã nhanh chóng nghiên cứu, phát triển được các loại vắc-xin ngăn ngừa sự lây lan nhanh chóng của vi-rút cũng như các biến thể của vi-rút, hạn chế tối đa những bất ổn ảnh hưởng đối với an ninh - chính trị toàn cầu. Bên cạnh đó, những công nghệ đột phá trong lĩnh vực AI cùng với sự hỗ trợ của mạng 5G cũng góp phần tạo ra những công cụ hiệu quả để nhận diện và ứng phó với các rủi ro an ninh mạng toàn cầu, các thảm họa tự nhiên, như sóng thần, bão lũ, hạn hán,... cùng với các vấn đề xuyên quốc gia khác như nguy cơ khủng bố...

Úng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực y tế

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một cuộc tranh đua về công nghệ hết sức khốc liệt giữa các quốc gia, gây hệ lụy bất ổn đối với an ninh - chính trị toàn cầu và thúc đẩy cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Để có thể giành được vị trí dẫn đầu trong cuộc chiến công nghệ này, các quốc gia không chỉ cố gắng đưa ra các chiến lược, chính sách thúc đẩy khoa học - công nghệ, tăng cường đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước,... mà còn dùng mọi biện pháp để kiềm chế, kìm hãm sự vươn lên của các đối thủ trong cuộc tranh đua này. Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là một minh chứng. Trong gần một thập niên vừa qua, Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ và thu hẹp khoảng cách về lĩnh vực khoa học - công nghệ so với Mỹ. Thậm chí, ở một số lĩnh vực, Trung Quốc được cho là đã bắt kịp và sẽ sớm vượt qua Mỹ như công nghệ AI(1), nắm ưu thế dẫn đầu trong một số công nghệ như mạng 5G, công nghệ nhận diện khuôn mặt,... với sự phát triển mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như ZTE, Huawei, Alibaba, Tencent, Baidu,...(2). Điều này khiến Trung Quốc trở thành thách thức chiến lược lớn nhất đối với Mỹ(3). Ngoài ra, cuộc cạnh tranh này cũng tạo nên sức ép cho các quốc gia nhỏ hơn trong việc “chọn bên”. Rõ ràng, các hành động leo thang trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc về công nghệ đã tạo ra những rủi ro và bất ổn đối với an ninh - chính trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự gia tăng kết nối thông qua internet cũng đặt ra hàng loạt vấn đề về bảo đảm an ninh, an toàn mạng và bảo mật thông tin đối với các quốc gia và khu vực. Trong thời gian qua, vấn đề an ninh mạng trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng khi mà các cuộc tấn công mạng ngày càng đa dạng về hình thức cũng như mức độ ảnh hưởng(4). Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC), số lượng các cuộc tấn công mạng ở châu Âu tăng 75% (năm 2020), với 756 sự cố an ninh mạng đã được ghi nhận, chủ yếu nhằm vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, tài chính, năng lượng và các kết cấu hạ tầng khác. Hay căng thẳng diễn ra giữa Mỹ và Tập đoàn Huawei khi Mỹ cho rằng, công nghệ mạng 5G của Trung Quốc có thể tạo ra nền tảng trợ giúp các hoạt động gián điệp. Vì thế, Mỹ đã cấm sử dụng thiết bị của Tập đoàn Huawei trong các mạng nội địa, đồng thời gây sức ép với các quốc gia đồng minh áp dụng các biện pháp tương tự để bảo đảm an ninh quốc gia... Có thể thấy, vấn đề an ninh mạng trong thời đại công nghệ 4.0 cũng là nguyên nhân khiến các mối quan hệ quốc tế trở nên căng thẳng.

Một thách thức khác đối với an ninh - chính trị thế giới đó là khả năng xảy ra cuộc chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ mới và vũ khí sinh học. Trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, như chế tạo rô-bốt, tên lửa hành trình, tàu ngầm, máy bay không người lái,... Bên cạnh đó, sự phát triển của lĩnh vực công nghệ sinh học thời gian gần đây cũng tạo ra nhiều lợi thế cho những quốc gia đã ứng dụng thành công công nghệ này. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, các loại công nghệ này có nguy cơ trở thành thảm họa đối với nhân loại.

Tác động tới kinh tế

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi nền tảng, thúc đẩy các nền kinh tế truyền thống chuyển đổi sang kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo. Thực tiễn cho thấy, các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ trước đều góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo nghiên cứu của Công ty kiểm toán hàng đầu thế giới Pricewaterhouse Coopers (PwC), công nghệ AI có thể làm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới tăng 14% (tương đương 15,7 nghìn tỷ USD) vào năm 2030(5). Bên cạnh đó, đổi mới công nghệ cũng làm gia tăng các yếu tố sản xuất - kinh doanh, kéo theo tăng thu nhập và dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng dân cư, tăng đầu tư cho cả nền kinh tế và tăng năng suất lao động. Cùng với đó, nhờ ứng dụng công nghệ, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại được giảm bớt. Tất cả những yếu tố trên góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và định hình lại bản đồ kinh tế thế giới. Trong đó, các nền kinh tế phát triển dựa trên nền tảng công nghệ sẽ chiếm ưu thế, trong khi các nền kinh tế “thâm dụng” tài nguyên khoáng sản hay “thâm dụng” lao động thì dần trở nên mất lợi thế(6). Nói cách khác, các quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu khi mất đi những lợi thế cạnh tranh cũng như cơ hội mang lại từ cuộc chiến công nghệ này. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển vốn đã có lợi thế tài chính và nhân lực chất lượng cao, lại biết tận dụng tốt cơ hội sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ và ổn định hơn. Điều này khiến cục diện kinh tế thế giới ngày càng trở nên mất cân bằng và nhiều rủi ro hơn.

Tác động tới xã hội

Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay đã tạo ra những xáo trộn và thay đổi về mặt xã hội trên quy mô toàn cầu, nhưng kết quả đều làm gia tăng năng suất lao động, của cải vật chất, cải thiện sức khỏe và đời sống tinh thần của mọi người dân,... hay nói cách khác, các cuộc cách mạng công nghiệp đều góp phần phát triển phúc lợi xã hội cho nhân loại. Trong lịch sử, các cuộc cách mạng công nghiệp đều tạo ra hàng loạt cải cách, điều chỉnh lớn về chính trị cũng như thể chế xã hội, như cách mạng dân chủ, quyền lợi công đoàn hay những thay đổi về luật thuế, an sinh xã hội... Đặc biệt, với những tiến bộ đột phá gần đây, thế giới đã có thể ứng phó tốt hơn với các thách thức toàn cầu, như trong lĩnh vực môi trường, công nghệ sinh học được ứng dụng vào xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường... Trong lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học cũng được ứng dụng để nghiên cứu, phát triển sản xuất các vắc-xin thiết yếu, vắc-xin thế hệ mới, chế phẩm chẩn đoán và thuốc chữa bệnh... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc sản xuất nhanh chóng các loại vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho thấy rõ vai trò hết sức quan trọng của ngành công nghệ sinh học. Ngoài ra, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, tạo ra những thay đổi về việc làm, cả về cơ cấu lẫn bản chất công việc với sự xuất hiện ngày càng đông đảo các tầng lớp sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, thiết kế, văn hóa, nghệ thuật, giải trí, truyền thông, giáo dục, y tế...

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là vấn đề bất bình đẳng và chênh lệch phát triển,... Theo nhà kinh tế học En-gớt Đi-tơn (Angus Deaton), mọi cuộc cách mạng công nghiệp đều dẫn đến một giai đoạn phân kỳ, gia tăng khoảng cách phát triển rất lớn giữa các quốc gia(7). Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang thúc đẩy phân công lao động theo hướng các ngành, nghề đòi hỏi khả năng đổi mới sáng tạo cùng với đó, giảm thiểu các công việc chân tay có thu nhập thấp và các công việc có tính chất lặp đi, lặp lại. Nhiều lĩnh vực có khả năng tự động hóa cao, như chế tạo, điện thoại viên, người khai thuế, giám định bảo hiểm và một số ngành, nghề khác đã được thay thế một phần hoặc hoàn toàn. Trong một số công đoạn của ngành bảo hiểm có thể không cần sự can thiệp của con người, hầu hết truy vấn khách hàng đều được trả lời tự động... Đã có một số rô-bốt tư vấn xuất hiện trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng... Hệ quả là, một bộ phận người lao động đang làm các công việc này sẽ phải nghỉ việc hoặc tìm một công việc khác thay thế, có thể thất nghiệp trong một thời gian dài.

Úng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo

Ở cấp độ khu vực

Tác động về an ninh - chính trị  

Trong thời gian gần đây, việc ứng dụng các công nghệ đột phá do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại đã góp phần bảo đảm an ninh - chính trị của các quốc gia trong khu vực. Trong số các quốc gia này, Xin-ga-po được xem là quốc gia đi đầu trong phát triển khoa học - công nghệ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. Hiện nay, Cơ quan Khoa học và kỹ thuật công nghệ Bộ Nội vụ của Xin-ga-po (HTX) đang nghiên cứu phát triển ứng dụng AI trong sinh trắc học (thử nghiệm dấu vân tay nhằm xác định các yếu tố khác ngoài danh tính), phát triển công nghệ chó rô-bốt cứu nạn, phát triển phương tiện di động đối phó với thiết bị bay không người lái (drone),... Theo kế hoạch đến năm 2025, Xin-ga-po sẽ kiểm soát an ninh tại tất cả các trạm kiểm soát nhập cảnh thông qua tự động hóa hoàn toàn với công nghệ quét nhận dạng vân tay, nhận diện khuôn mặt và nhận diện mống mắt.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thời gian qua cũng dẫn tới sự gia tăng các hình thức và mức độ phức tạp của loại hình tội phạm công nghệ cao,... tác động không nhỏ tới an ninh khu vực Đông Nam Á, bởi đây là một trong những khu vực phát triển năng động và có tỷ lệ người sử dụng internet cao trên thế giới. Có thể kể tới một số phương thức lừa đảo qua internet, như lừa đảo qua thư điện tử doanh nghiệp, tấn công giả mạo, mã độc tống tiền, đánh cắp dữ liệu thương mại điện tử, mua bán các công cụ độc hại và lừa đảo trực tuyến,... Trong đó, hình thức mã độc tống tiền đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo thống kê của nhà sản xuất phần mềm bảo mật Kaspersky (Nga), có khoảng 2,7 triệu mã độc tống tiền xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á trong ba quý đầu năm 2020, trong đó In-đô-nê-xi-a là quốc gia bị tấn công nhiều nhất với 1,3 triệu lượt(8). Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các đối tượng có xu hướng tăng cường tấn công các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe và các cơ quan hành chính. Bên cạnh đó, xu hướng đánh cắp tiền ảo cũng đang gia tăng tại Đông Nam Á khi các loại tiền ảo phát triển bùng nổ và thiếu sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Điều đáng nói là, do năng lực và trình độ phát triển công nghệ ở khu vực có sự chênh lệch lớn, các nước có trình độ khoa học chậm phát triển hơn dường như không thể có khả năng ứng phó với thách thức an ninh mạng một cách hiệu quả. Trong khi đó, chỉ cần một mắt xích yếu kém, vấn đề an ninh bảo mật của khu vực có thể sẽ bị rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Tác động về kinh tế

Đông Nam Á là khu vực với đặc điểm dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây. Với sự nhanh nhạy và năng động trong việc áp dụng công nghệ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xem là cơ hội lớn để các nền kinh tế Đông Nam Á có thể bứt phá vươn lên nhờ chuyển đổi sang nền kinh tế số. In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan và Việt Nam là các quốc gia được đánh giá có sự phát triển kinh tế số mạnh mẽ thời gian qua. Năm 2019, nền kinh tế số của Đông Nam Á lần đầu tiên chạm ngưỡng 100 tỷ USD, tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2016 - 2019. Đáng chú ý, Việt Nam và In-đô-nê-xi-a được đánh giá là hai quốc gia có tiềm năng lớn nhất để phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia khác trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế số hơn 40%/năm. Tiếp đó là Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan, với mức tăng trưởng kinh tế số đạt trung bình 20% - 30%/năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kinh tế số của Đông Nam Á có tiềm năng trở thành một trong năm nền kinh tế số hàng đầu thế giới với mức 300 tỷ USD vào năm 2025.

Trong rất nhiều lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thương mại điện tử hiện là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất. Giá trị của ngành thương mại điện tử ở Đông Nam Á đạt 62 tỷ USD năm 2020, tăng 63% so với năm 2019. Dự báo, quy mô ngành thương mại điện tử sẽ chạm mốc 172 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho những lĩnh vực mới như tài chính, y tế và giáo dục...

Tuy nhiên, chuyển đổi sang kinh tế số trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tác động không nhỏ tới các nền kinh tế trong khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME). Quá trình chuyển đổi số đòi hỏi các doanh nghiệp áp dụng các mô hình, hệ thống, công nghệ mới cùng với hàng loạt điều chỉnh khác, trong khi đó, MSME thường rất khó để có thể đầu tư thay đổi công nghệ hiện đại. Phần lớn các doanh nghiệp ở Đông Nam Á đều là MSME nên gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi, thường khó bắt nhịp với những cơ hội đó. Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh khốc liệt đối với các doanh nghiệp lớn trong khu vực hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số cũng đòi hỏi những điều chỉnh về thể chế, chính sách, quy định pháp lý mới, vấn đề cấp phép, thuế,... Điều này cũng tác động tới các cơ quan hành chính công và cả các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh tế số trong một giai đoạn nhất định.

Tác động tới xã hội

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang tiềm ẩn không ít thách thức cho nền kinh tế khu vực. Các quốc gia trong khu vực như Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Thái Lan và Việt Nam sẽ phải chuyển đổi khoảng 54% - 56% công việc hiện tại sang tự động hó#a. Đặc biệt, một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp lớn và có tính lặp đi, lặp lại như lĩnh vực dệt may và da giày sẽ chịu nhiều tác động nhất. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại khu vực Đông Nam Á đang bị đe dọa, trong đó 88% lao động của Cam-pu-chia và 64% lao động In-đô-nê-xi-a trong ngành này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa(9).

Đối với Việt Nam

Tác động tới an ninh - chính trị

Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có khả năng thích ứng tương đối tốt với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhờ sự chủ động tạo dựng môi trường phát triển công nghệ với nguồn nhân lực chất lượng cao về ngành công nghệ. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Trong thời gian qua, tỷ lệ ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng gia tăng, nhiều sản phẩm được đưa vào trang bị trong các ngành, nghề. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang tạo ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm an ninh - chính trị của Việt Nam. Sự tăng trưởng năng động của Việt Nam cùng với sự bùng nổ của các công nghệ hiện đại khiến tỷ lệ tham gia internet của các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và người dân ngày càng nhiều và trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Thời gian gần đây, số lượng các cuộc tấn công các trang mạng của các cơ quan chính phủ, hệ thống tài chính, ngân hàng, hạ tầng thông tin trọng yếu, doanh nghiệp tại Việt Nam... nhằm đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước, đánh cắp thành tựu khoa học - công nghệ, sở hữu trí tuệ... ngày càng gia tăng. Theo thống kê của nhà sản xuất phần mềm bảo mật Kaspersky, Việt Nam có số lượng máy tính điều khiển hệ thống công nghiệp bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, với tỷ lệ gần 70%(10). Trong khi đó, nền tảng kết cấu hạ tầng mạng của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng bảo mật, chưa được kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Thực trạng này không chỉ đặt ra thách thức đối với an toàn của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mà còn tiềm ẩn các hoạt động lợi dụng không gian mạng để kích động biểu tình, phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật nhằm tiến hành các hoạt động khủng bố, tuyên truyền chống phá chế độ. Điều này tác động trực tiếp tới vấn đề ổn định chính trị - an ninh của Việt Nam.

Trải nghiệm các thiết bị sử dụng 5G của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Tác động tới kinh tế

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhờ tiềm năng to lớn của chuyển đổi số và sự cải thiện đáng kể của các trụ cột chính để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và thể chế thời gian qua chính là điều kiện để Việt Nam có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Nhiều lĩnh vực sẽ được hưởng lợi từ cuộc cách mạng này nếu có chiến lược phát triển đúng hướng, như thương mại điện tử, du lịch, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, chính phủ điện tử... Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, quy mô lớn và chất lượng cao, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA),... sẽ tạo điều kiện tiếp cận thành tựu công nghệ sản xuất mới để tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu, tạo cơ sở để Việt Nam có thể đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo dự báo, tới năm 2030, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam từ 28,5 tỷ USD - 62,1 tỷ USD, tương đương 7% - 16% GDP(11).

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tạo ra sức ép lớn đối với một số ngành, nhóm ngành, như năng lượng, công nghiệp chế tạo, dệt may, điện tử... trong trung hạn. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, trong khi thế giới đang tiến vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tương ứng với trình độ cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ hai với công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động và chủ yếu tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở một số khâu đơn giản, giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp... Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam là các MSME phải đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi số. Trong báo cáo của Tập đoàn Cisco năm 2018 về chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, các rào cản của MSME Việt Nam bao gồm thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%)...(12).

Tác động tới xã hội

Đối với Việt Nam, 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép ở Việt Nam có nguy cơ cao mất việc làm dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Con số này sẽ còn lớn hơn vì dệt may và giày dép lại là các ngành đang tạo việc làm cho nhiều lao động nhất (ngành dệt may khoảng gần 2,3 triệu người, trong đó 78% là lao động nữ; ngành giày dép khoảng gần 0,98 triệu người, trong đó có khoảng 74% là lao động nữ). Trong số đó, có nhiều lao động ít kỹ năng (với 17% và 26% lao động trong ngành dệt may và giày dép chỉ có trình độ tiểu học) và một tỷ lệ đáng kể không còn trẻ, từ 36 tuổi trở lên: 35,84% đối với ngành dệt may và 25,37% đối với ngành giày dép(13).

Có thể thấy rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước, nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Việt Nam nhờ vào chuyển đổi kinh tế số để có thể rút ngắn khoảng cách phát triển. Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Vì vậy, việc khéo léo lựa chọn con đường phát triển phù hợp là bước đi phù hợp để có thể vừa tránh được những rủi ro, vừa tận dụng tối đa các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại./.

---------------

(1) Xem: Báo điện tử Chính phủ: “Mỹ dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”, http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/My-dan-dau-the-gioi-trong-linh-vuc-tri-tue-nhan-tao/420696.vgp, ngày 25-1-2021
(2) Lê Đình Tĩnh: “Quan hệ Mỹ - Trung thập niên 2011 - 2020, dự báo đến 2030: Tác động đến cục diện thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Thế giới trong thập niên 2011 - 2020, dự báo đến năm 2030: Tác động đến Việt Nam và đề xuất chính sách”, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức năm 2019
(3) Đặng Xuân Thanh: “Các vấn đề toàn cầu và tác động đến Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Thế giới trong thập niên 2011 - 2020, dự báo đến năm 2030: Tác động đến Việt Nam và đề xuất chính sách”Tlđd
(4) Các cuộc tấn công mạng được chia thành ba loại chính: 1- Tấn công mạng nhắm vào bộ máy chính phủ hoặc liên quan tới hoạt động tình báo, gián điệp chính trị; 2- Tấn công nhằm đánh cắp thông tin doanh nghiệp và các hồ sơ cá nhân; 3- Tấn công vào hệ thống tài chính, ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
(5) Xem: “What’s the real value of AI for your business and how can you capitalise?”,  https://www.pwc.com/gx/en/issues/analytics/assets/pwc-ai-analysis-sizing-the-prize-report.pdf2020
(6) Nguyễn Thắng: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động đến Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: “Thế giới trong thập niên 2011 - 2020, dự báo đến năm 2030: Tác động đến Việt Nam và đề xuất chính sách”Tlđd
(7) Angus Deaton: Cuộc đào thoát vĩ đại, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016, tr. 156
(8) Xem: Huỳnh Nguyễn Tường Vy: “Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”, https://tanbinh.hochiminhcity.gov.vn/web/neoportal/-/tinh-hinh-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao-tai-hiep-hoi-cac-qnoc-gia-ong-nam-a-viet-tat-asean-?inheritRedirect=true, ngày 1-6-2021
(9) ILO: “ASEAN in transformation: How Technology is Changing Jobs and Enterprises”, https://www.ilo.org/actemp/publications/WCMS_579553/lang--en/index.htm
(10) Huyền Chi: “An ninh mạng - bài toán khó của ASEAN trong thời đại 4.0”, Báo Công an nhân dân điện tử, https://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/ASEAN-muc-tieu-hang-dau-cua-hacker-i491408/, ngày 15-9-2018
(11) Thạch Huê: “Đo lường tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến kinh tế Việt Nam”, Trang thông tin điện tử kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam, https://bnews.vn/do-luong-tac-dong-cua-cach-mang-cong-nghiep-4-0-den-kinh-te-viet-nam/144534.html, ngày 8-1-2020
(12)  Phan Thế Quyết và Ngô Mai Hương: “Chuyển đổi số với doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu chiến lược - chính sách công thương, http://vioit.org.vn/vn/chien-luoc-chinh-sach/chuyen-doi-so-voi-doanh-nghiep-viet-nam-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-3112.4050.html
(13) Nguyễn Thắng: “Tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghệ”, Trang thông tin điện tử Ban Kinh tế Trung ương, https://kinhtetrunguong.vn/, ngày 28-11-2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét