Cách mạng Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho đến nay đã có nhiều thành công được toàn thế giới ghi nhận. Nguyên nhân quan trọng nhất của những kết quả đó là Đảng cộng sản Việt Nam luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.
Giá trị lịch sử, thời đại và sức sống bền vững của Chủ nghĩa Mác-Lênin
Những mơ ước về một xã hội công bằng, bình đẳng và hạnh phúc là mong muốn, là mục tiêu phấn đấu của tất cả những người lao động, yêu chuộng tự do, bình đẳng, hòa bình trên toàn thế giới, không phải của riêng ai, quốc gia nào. Trong lịch sử,những mơ ước, mong muốn đó đã được định danh bằng những thuật ngữ như “Utopia” của Thomas More hay chủ nghĩa xã hội không tưởng…, và với hệ thống lý luận do C.Mác, Ph.Ăng ghen, V.I.Lênin xây dựng (chủ nghĩa Mác-Lênin) thì đó là chủ nghĩa xã hội khoa học.
Vào thập niên cuối thế kỷ XX, sự tan rã, sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là sự kiện làm rung chuyển thế giới. Các thế lực thù địch, với các luận điệu chống phá, các quan điểm sai trái cả ở trong và ngoài nước đã tận dụng cơ hội này để nói rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là không đúng, không tưởng hay ít ra là không phù hợp, hoặc đã lỗi thời. Hầu hết các nghiên cứu và phân tích sòng phẳng, khách quan sau đó đều chỉ ra rằng sự tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu mặc dù là tổn thất lớn của phong trào cách mạng thế giới, nhưng không làm thay đổi tính chất của thời đại. Loài người “nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội” theo quy luật tiến hóa của lịch sử”. Lý luận tiên phong dẫn đường cho sự “tiến lên” đó vẫn không thể là gì khác ngoài chủ nghĩa Mác-Lênin bởi vì đây là học thuyết, là hệ thống lý luận khoa học mở, được bổ sung, phát triển liên tục và do đó không lỗi thời và càng không thể bị coi là lỗi thời.
Chủ nghĩa Mác-Lênin chứa đựng những giá trị bền vững đã được chứng minh bởi thời gian, bởi thực tế lịch sử không thể phủ nhận. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã đưa chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học; với Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng (lý luận) trở thành hệ thống xã hội hiện thực. Chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở lý luận, phương pháp luận khoa học của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực, và cũng qua thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực mà lý luận về xã hội xã hội chủ nghĩa được kiểm nghiệm, bổ sung, phát triển. Vì vậy,có thể nói vận mệnh của học thuyết Mác-Lênin gắn liền với vận mệnh của chủ nghĩa xã hội hiện thực và sự phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực không tách rời sự phát triển của lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin[1].
Thực tế lịch sử cho thấy chủ nghĩa xã hội hiện thực còn nhiều khiếm khuyết (do hạn chế lịch sử và sai lầm chủ quan) nhưng đã và vẫn thể hiện tính ưu việt của nó. Sự khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa cuối thế kỷ XX chỉ chứng tỏ chủ nghĩa xã hội “không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo”, mà là “một phong trào hiện thực”; sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên xô, Đông Âu là cái giá phải trả cho những sai lầm chủ quan, nhưng nó cũng để lại những bài học quý để chủ nghĩa xã hội hiện thực phải đổi mới, tồn tại và tiếp tục phát triển; cải tổ thất bại, cải cách, đổi mới thành công tuỳ thuộc vào vai trò của nhân tố chủ quan, trong đó việc nắm đúng thực chất và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin là điều kiện tiên quyết [2].
Thành công của cách mạng Việt Nam gắn liền với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Trong khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu khủng hoảng, tan rã thì ở Việt Nam, Trung Quốc, công cuộc xây dựng xã hội mới thông qua đổi mới (Việt Nam) và cải cách, mở cửa (Trung Quốc) lại có được những thành tựu rất đáng tự hào. Thực tế này đặt ra một câu hỏi: Tại sao Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, cũng như Việt Nam, Trung Quốc đều là những quốc gia xây dựng đất nước, thể chế chính trị, kinh tế, xã hội theo lý luận nền tảng, ngọn cờ tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin mà Liên Xô và Đông Âu thì thất bại, còn Việt Nam, Trung Quốc lại thành công? Câu trả lời là, Đảng cộng sản Việt Nam trong suốt tiến trình cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới từ năm 1986 đã luôn lựa chọn, xác định và kiên định nền tảng tư tưởng, ngọn cờ lý luận với tư cách hệ tư tưởng, chủ thuyết bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước là chủ nghĩa Mác-Lênin, và sự vận dụng tài tình, phù hợp hệ thống lý luận ấy vào điều kiện đặc thù Việt Nam - được biểu hiện ở tư tưởng Hồ Chí Minh. Nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một hệ thống thống nhất, trong đó tư tưởng Hồ Chí Minh là lý luận toàn diện, sâu sắc, khoa học về cách mạng Việt Nam; là lăng kính mà qua đó, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được tiếp biến, bổ sung và phát triển sáng tạo phù hợp điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam và được hiện thực hóa thành công. Vì thế tư tưởng Hồ Chí Minh không thể bị cắt rời khỏi tiền đề có tính thế giới quan, phương pháp luận chung nhất đó là chủ nghĩa Mác-Lênin.
Hiện nay có quan điểm lệch lạc, sai trái cho rằng nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ cần tư tưởng Hồ Chí Minh mà không cần chủ nghĩa Mác-Lênin (?!). Đây là quan điểm siêu hình, cơ học và thực chất chỉ nhằm phá hoại cơ sở và tính thống nhất, hệ thống của nền tảng lý luận căn cốt mà Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn - việc này cũng giống như việc muốn có kết quả của việc trồng cây mà lại không cần bàn đến vấn đề chăm bón ở gốc[3].
Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một công việc hoàn toàn mới, không có sẵn công thức hay tiền lệ; mô hình đã có thì đã bị thực tế chứng minh là có nhiều sai lầm, khuyết tật. Việc Việt Nam, Trung Quốc - những quốc gia xã hội chủ nghĩa có công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa thành công do nhận thức và vận dụng đúng, phù hợp những nguyên lý, quy luật và lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng, phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội là những minh chứng không thể chối cãi. Đã có nhiều sai lầm, khuyết điểm, khuyết tật của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới, mà không phải Việt Nam không mắc phải, nhưng đó là những vấn đề khách quan, khó tránh của việc tìm tòi, phát triển, xây dựng cái mới. Nhất là Việt Nam lại xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa từ điểm xuất phát thấp với vô số khó khăn, rào cản cả chủ quan và khách quan, thêm vào đó là sự thù địch, chống phá quyết liệt từ nhiều phía. Vì vậy, không thể đổ lỗi cho học thuyết Mác-Lênin về những khó khăn, hạn chế và sai lầm mà chủ yếu là chủ quan của chúng ta.
Tất cả những phân tích, luận cứ trên đây cho thấy: Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã và vẫn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là vũ khí lý luận, kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam./.
[1][2]Nguyễn Ngọc Long (c.b), Chủ nghĩa Mác - Lênin với vận mệnh và tương lai của chủ nghĩa xã hội hiện thực, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2009, tr.523, tr.524.
[3]Vũ Văn Hiền (c.b), Một số luận cứ phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đại hội XIII của Đảng, tập1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020,tr.65.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét