Nhà sử học, nhà báo nổi tiếng người Nga Evgeny Kobelev đã viết: “Cách mạng Tháng Tám có quyền đi vào lịch sử của phong trào cách mạng thế giới như một trong những mẫu mực tuyệt vời về nghệ thuật cách mạng và sáng tạo cách mạng của quần chúng nhân dân”. Một trong những bài học đó là bài học về công tác đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cái nhìn chính xác về việc thực dân Pháp độ hộ nước ta. Người chỉ rõ Việt Nam chỉ có làm cách mạng mới có được độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Ngày 6/6/1941, Người đã có kính cáo đồng bào: “Dân ta một cổ hai tròng. Đã làm trâu ngựa cho Tây, lại làm nô lệ cho phát xít Nhật. Trước tình cảnh đau đớn, xót xa ấy, ta có chịu khoanh tay chờ chết không? Không, quyết không! Hơn 20 triệu con Lạc, cháu Hồng quyết không làm vong quốc nô lệ mãi!”.
Kiên định mục tiêu
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng sớm chỉ ra: Cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi thì phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo với đường lối đúng đắn, phù hợp, huy động được sức mạnh to lớn của cả dân tộc, sự đồng tình ủng hộ của cách mạng thế giới. Và chính Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Người cũng trực tiếp sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng trưởng thành và phát triển, đủ uy tín, năng lực lãnh đạo thắng lợi Cách mạng Việt Nam hơn 92 năm qua.
Suốt chín năm kháng chiến, trong bối cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm… Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã có chính sách đối ngoại rất đúng đắn, sáng suốt và phù hợp, đem lại hiệu quả cho cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng phân biệt rõ kẻ thù và bạn bè, đồng minh. Qua đó, khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù, thu được sự ủng hộ của lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, trong đó có nhân dân Pháp.
Ngày 25/9/1945, Hội đồng Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có Bản phản kháng gửi cho nước Anh và đồng minh tuyên bố với quốc dân và quốc tế rằng: Nếu người Pháp trở lại xâm lược thì Việt Nam sẽ quyết chiến chống xâm lược. Cùng ngày, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, lãnh tụ Hồ Chí Minh viết: “Tôi chỉ muốn dặn đồng bào Nam Bộ một lời: Đối với những người Pháp bị bắt trong lúc chiến tranh, ta phải canh phòng cẩn thận, nhưng phải đối đãi với họ khoan hồng” và yêu cầu “phải làm cho thế giới, trước hết là làm cho dân Pháp biết rằng: chúng ta là quang minh chính đại. Chúng ta chỉ đòi quyền độc lập tự do, chứ chúng ta không vì tư thù tư oán, làm cho thế giới biết rằng chúng ta sẽ là một dân tộc văn minh, văn minh hơn bọn đi giết người, cướp của”.
Hồ Chủ tịch và Đảng ta cũng rất sáng suốt, tỉnh táo nhận rõ bộ mặt thật xâm lược của kẻ thù, vì vậy, Người kiên định: “Chiến lược của ta trước sau như một: Trường kỳ kháng chiến, đánh mạnh, đánh mãi, đánh cho đến ngày bắt thực dân Pháp ra khỏi nước ta”. Trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc, Hồ Chủ tịch khẳng định: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng, nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”.
Nắm chắc thời cơ
Hồ Chủ tịch và Đảng đã biết nắm chắc tình hình quốc tế, tranh thủ thời cơ quốc tế thuận lợi để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng thắng lợi. Ngày 1/1/1942, trong bài viết “Năm mới, công việc mới” đăng trên báo Việt Nam Độc lập, Người đã viết: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh, Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do”. Và khi mâu thuẫn Nhật-Pháp căng thẳng dẫn đến chúng nổ súng bắn nhau, thì tháng 3/1945, Đảng ta kịp thời có chỉ thị, nhanh chóng phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Biết tranh thủ, tận dụng thời cơ quốc tế, nhưng lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng vẫn xác định rất rõ quan điểm tự lực cánh sinh. Theo Hồ Chí Minh: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Người chỉ rõ: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự 'ban ơn' của chính quyền tư sản”. Người cũng đưa ra quan điểm chung cho các dân tộc bị áp bức là: muốn được giải phóng thì các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, vào lực lượng bản thân mình.
Điều đáng khâm phục, trân trọng là trong khi phát huy tinh thần tự lực, tự cường, độc lập tự chủ, thì Hồ Chủ tịch và Đảng rất linh hoạt trong xác định đối tượng, đối tác, có sách lược mềm dẻo, phù hợp để có lợi cho cách mạng. Tháng 7/1949, trả lời một nhà báo Mỹ, Hồ Chủ tịch nói rõ: “Bất kỳ nước nào (gồm cả nước Pháp) thật thà muốn đưa tư bản đến kinh doanh ở Việt Nam, với mục đích làm lợi cho cả hai bên, thì Việt Nam sẽ rất hoan nghênh. Bất kỳ nước nào (gồm cả nước Pháp) mong đưa tư bản đến để buộc áp chế Việt Nam, thì Việt Nam sẽ kiên quyết cự tuyệt”.
Tăng cường vị thế
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cũng luôn chú ý đến việc phát huy ý nghĩa to lớn của cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, qua đó tăng cường vị thế, mối quan hệ của Việt Nam với quốc tế. Trong Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch không chỉ công bố với quốc dân đồng bào mà còn “Tuyên bố với thế giới” về độc lập tự do, về ý chí cách mạng kiên cường của nhân dân Việt Nam. Người cũng thẳng thắn đánh giá: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Và trong đó “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một thắng lợi của chủ nghĩa Marx-Lenin ở một nước trước đây là thuộc địa. Những kinh nghiệm thành công của cách mạng Việt Nam cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin”.
Tư tưởng, đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, sáng tạo, phù hợp của Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản đã góp phần to lớn vào thành công trong giành, giữ và xây dựng, phát triển chính quyền cách mạng ở Việt Nam.
Truyền thống, bài học, kinh nghiệm trên đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vận dụng đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với thực tế cách mạng Việt Nam 77 năm qua, góp phần để: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định.
Trong tình hình mới, Đại hội cũng đã chỉ rõ cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đối ngoại của các cấp, các ngành, các địa phương. Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục xác định: “Kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; nâng cao khả năng thích ứng năng động và linh hoạt xử lý hài hòa lợi ích quốc gia với quan tâm chung, tùy theo đối tượng, vấn đề, thời điểm, phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử tại khu vực, trên tinh thần lợi ích quốc gia-dân tộc là trên hết”.
Tất cả nhằm mục tiêu “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, qua đó, để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh.
------
PT-TG.st
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét