Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: TOÀN QUÂN TIẾP TỤC QUÁN TRIỆT SÂU SẮC KẾT LUẬN 01 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ!

     Theo Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng bộ Quân đội và toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc Kết luận 01 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương gắn với việc học tập, nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết và chương trình hành động toàn khóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng!

Ngày 13/6, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Kết luận 01) và 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/TW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (Nghị quyết 847).

Dưới sự chủ trì của Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, hội nghị có sự tham dự của Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Tân Cương - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; lãnh đạo, đại biểu các cơ quan, ban ngành trong và ngoài Quân đội.

Làm ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Trong 3 năm qua, toàn quân đã tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Kết luận 01, Nghị quyết 847 trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giữa phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” với kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Quân đội và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp luôn tiên phong, gương mẫu về mọi mặt, đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực hiện Kết luận 01, Nghị quyết 847. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nói chung, các học viện, nhà trường Quân đội nói riêng đã chủ động nghiên cứu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, Quân ủy Trung ương, cấp ủy các cấp luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá, biểu dương, khen thưởng trong thực hiện Kết luận 01 và Nghị quyết 847.

Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã tích cực giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Trong 3 năm qua, toàn quân đã giúp đỡ nhân dân hơn 7 triệu ngày công lao động; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 2,5 triệu người; hỗ trợ xây dựng hơn 6.600 “Nhà Đại đoàn kết” cùng nhiều việc làm ý nghĩa khác, góp phần thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân.

Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, xung kích, đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ, để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Trong 3 năm, toàn quân đã huy động hơn 238 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ; hơn 13 nghìn lượt phương tiện; tham gia tìm kiếm cứu nạn 4.312 vụ, cứu được 4.078 người, di dời hơn 40 nghìn hộ dân tới nơi an toàn.

Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy để giúp đỡ nhân dân ứng phó với thiên tai, dịch bệnh đã làm ngời sáng thêm bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh
Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang biểu dương và đánh giá cao tinh thần nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ toàn quân, trong đó có 215 tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong 3 năm thực hiện Kết luận 01 và 2 năm thực hiện Nghị quyết 847.

Đại tướng Phan Văn Giang cũng biểu dương các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị đã có những tham mưu, đề xuất kịp thời, hiệu quả; biểu dương bộ phận giúp việc Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tích cực, chủ động, có nhiều đổi mới trong tham mưu hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai thực hiện, bảo đảm cho các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, Quân ủy Trung ương ngày càng đi vào đời sống bộ đội thiết thực, hiệu quả, sâu sắc và toàn diện.

Thời gian tới, Bộ trưởng Phan Văn Giang đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân tiếp tục quán triệt sâu sắc Kết luận 01 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương gắn với việc học tập, nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết và chương trình hành động toàn khóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng lưu ý, cần tích cực học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân và xây dựng Quân đội, góp phần thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng.

Chú trọng nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện tư duy lý luận về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội trong điều kiện mới; thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chiến lược, đề án đã ban hành. Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

“Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy; đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm và tính tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp theo phương châm trên trước, dưới sau; đảng viên gương mẫu trước quần chúng”, Đại tướng Phan Văn Giang lưu ý./.




Môi trường ST.

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUỐC PHÒNG AN NINH CHO ĐỐI TƯỢNG 1 NĂM 2025!

     Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 26-6-2024 phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 1 năm 2025!
Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; Là cơ sở để tổ chức thực hiện tốt việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 1 theo quy định của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và Nghị định số 13/2014/NĐ-CP của Chính phủ; Nghị định số 139/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Quyết định nêu rõ, các cơ quan, tổ chức, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cử cán bộ đúng đối tượng, đủ số lượng theo chỉ tiêu phân bổ từng khóa của Ban Tổ chức Trung ương; Những đồng chí vắng mặt phải tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh các khóa tiếp theo.

Nội dung bồi dưỡng thực hiện theo Thông tư số 172/2020/TT-BQP ngày 30-12-2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành chương trình, nội dung; chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.

Đối tượng gồm: Đối tượng 1 chưa được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh;

Thời gian: Năm 2025.

Chỉ tiêu: Mở 3 khóa, mỗi khóa từ 50 đến 70 đồng chí; Địa điểm: Tại Học viện Quốc phòng.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng lập danh sách đối tượng 1 của cơ quan, đơn vị, địa phương mình chưa được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh tham gia từng khóa báo cáo Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Quốc phòng trước ngày 30-12-2024 và báo cáo kịp thời khi có thay đổi nhân sự.

Học viện Quốc phòng xây dựng kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh từng khóa, trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và tổ chức thực hiện;

Cục Dân quân tự vệ - Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương giúp Ban Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương phối hợp với Cục Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Quốc phòng tổ chức thực hiện kế hoạch; trực tiếp theo dõi, quản lý nội dung, chương trình, chất lượng, kết quả các khóa bồi dưỡng; kịp thời đề xuất biện pháp giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức; tổng hợp kết quả, báo cáo Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Bí thư Trung ương Đảng theo quy định./.


Một số hình ảnh về bồi dưỡng kiến thức QP AN tại Học viện Quốc phòng.
Yêu nước ST.

KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG VIỆT NAM!

     Đến nay, Việt Nam đã bốn lần công bố Sách trắng Quốc phòng, trong đó thể hiện rõ mục tiêu: tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận một cách vô căn cứ. Vì vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá chính sách quốc phòng Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Những năm qua, cùng với quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Việt Nam đã công bố Sách trắng Quốc phòng, trong đó nêu rõ chủ trương “Bốn không”, thể hiện rõ sự công khai, minh bạch tính chất của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ; phương châm nhất quán là kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung; tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin của các quốc gia khác với Việt Nam.

Tuy nhiên, bất chấp sự thật, các thế lực thù địch đã không từ thủ đoạn nào để công kích, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam. Họ cho rằng, chính sách quốc phòng nói chung, chủ trương “bốn không” của Đảng, Nhà nước ta nói riêng đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; “không liên minh quân sự”, “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ bạo lực cách mạng trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “tự cô lập mình”, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực Biển Đông, các thế lực thù địch cho rằng, với chính sách quốc phòng hiện nay thì Việt Nam không thể giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc, v.v.

Cần khẳng định rõ, những luận điệu trên hoàn toàn vô căn cứ, xuyên tạc trắng trợn chính sách quốc phòng của Việt Nam. Bởi, quan điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là: “Bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”. Điều 4, Luật Quốc phòng năm 2018 xác định: “Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nêu rõ: “Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”./.

Yêu nước ST.

TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN QUÂN SỰ VIỆT NAM - ĐEM ĐẠI NGHĨA LẤY TRÍ NHÂN THẮNG HUNG TÀN, CƯỜNG BẠO!

VĂN HÓA ĐÁNH GIẶC ĐỘC ĐÁO VIỆT NAM
     Thắng bằng phương pháp là nét độc đáo trong văn hóa quân sự Việt Nam. Con người và vũ khí là hai yếu tố cơ bản của chiến tranh, luôn được chúng ta giải quyết một cách hợp lý. Theo đó, trong tác chiến không coi nhẹ vai trò của vũ khí nhưng khẳng định vai trò quyết định của nhân tố con người, với ý chí quyết tâm và nghệ thuật quân sự độc đáo chiến tranh nhân dân, cốt lõi là phương pháp tác chiến có vai trò quyết định nhất. Đánh tiêu diệt nhưng không đánh có tính chất hủy diệt, không đánh vào các mục tiêu dân sự, khi kẻ địch bị bắt hoặc đầu hàng thì mở đường hiếu sinh, đó là văn hóa đánh giặc độc đáo Việt Nam!

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng.

Trung tướng Trần Thái Bình cho rằng, đây là một trong những nội dung cơ bản của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam, mà bản chất của nó chính là đề cao vai trò của nhân dân theo quan điểm toàn dân đánh giặc. Cơ sở văn hóa của nghệ thuật quân sự toàn dân đánh giặc bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, sự cố kết cộng đồng, “chúng chí thành thành”, “cử quốc nghênh địch” - bản sắc riêng và bền vững, một giá trị văn hóa quân sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Thời Lý - Trần đề cao tư tưởng “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức", “phụ tử chi binh”. Nhà Lê coi trọng tinh thần đoàn kết dân tộc, “huynh đệ chi binh”. Nguyễn Trãi cho rằng: “Chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân”, đồng thời chỉ ra trong chiến tranh phải đoàn kết một lòng “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” để tập hợp “Bốn phương manh lệ”. Tất cả đều nhằm phát huy cao nhất sức mạnh nơi dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh giặc, sức mạnh của toàn dân đánh giặc, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và phát triển quan điểm toàn dân đánh giặc lên một tầm cao mới, như Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ Tịch: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước ". Quan điểm đó được thể hiện thành những phương thức hành xử văn hóa quân sự đặc sắc với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, vũ trang toàn dân, đánh giặc bằng sức mạnh của toàn dân tộc, sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.

Trung tướng Trần Thái Bình phân tích: Quan điểm tác chiến của nhiều quốc gia trên thế giới là hết sức coi trọng sức mạnh của các phương tiện chiến tranh, đánh phá có tính hủy diệt các mục tiêu, gây thương vong lớn cho binh sĩ và dân thường của đối phương, tàn phá nặng nề địa bàn tác chiến. Thử nêu vài ví dụ, việc Quân đội Mỹ đem bom, đạn rải thảm ở chiến trường miền Nam, rải chất độc hóa học làm trơ trụi hàng vạn héc-ta rừng ở Tây Nguyên để lại hậu quả nặng nề; dùng máy bay B52 ném bom rải thảm hòng hủy diệt Hà Nội. Hay sự tàn sát dã man từ các hoạt động quân sự của quân đội Thành Cát Tư Hãn (Mông Cổ); sự đánh phá có tính chất hủy diệt cả con người và các công trình văn hóa của quân đội Đức Quốc xã trong chiến tranh thế giới lần thứ 2…. Liệu những hành động đó có thể được coi là hoạt quân sự có văn hóa?

Ở Việt Nam, trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược, tổ tiên ta đã hết sức coi trọng dùng mưu kế lừa dụ, điều động địch, nổi tiếng như “kế thanh dã” cùng với thế trận “làng nước”, thế lợi của địa hình, thời tiết, thủy văn đẩy địch vào tình thế khốn quẫn, bị sát thương, tiêu hao, sa lầy, suy yếu, tạo thời cơ có lợi để phản công, tiến công giành thắng lợi quyết định. Như vậy, đánh địch bằng mưu kế, thế, thời đã được hình thành và phát triển trong quá trình chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trở thành một trong những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam và là văn hóa quân sự Việt Nam.

Kế thừa và phát triển truyền thống đánh giặc của dân tộc, trong quá trình chỉ đạo tiến hành chiến tranh cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng dùng mưu để nghi binh, lừa địch, dùng kế để điều động địch theo ý định của ta, như Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo đã khái quát: Mưu cao nhất là mưu lừa địch, kế hay nhất là kế điều địch, thế tốt nhất là thế chia cắt địch, thời đẹp nhất là lúc địch ít phòng bị. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo: “Bám thắt lưng địch mà đánh” nhằm hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch để đánh địch. Đặc biệt đã phát triển khá hoàn chỉnh thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam, đó là sự kết hợp chặt chẽ các thế trận chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao. Riêng thế trận quân sự đã phát triển hết sức đa dạng, phong phú, thế đánh rộng khắp, thế cài xen kẽ, thế đánh hiểm cùng với thế trận chiến dịch, chiến lược tiến công, tạo ra thế trận có lợi và đánh địch trên thế trận có lợi ấy ở những thời cơ quyết định, liên tục đẩy địch vào thế bị động, bị sát thương, tiêu hao, suy yếu, sa lầy và thất bại. Đó là sự kết hợp chặt chẽ các yếu tố lực, thế, thời, mưu để đánh giặc trong văn hóa quân sự Việt Nam.

Nghệ thuật kết hợp đánh tiêu hao trên diện rộng với đánh tiêu diệt có trọng điểm. Trong các thiết chế văn hóa của dân tộc Việt Nam, thiết chế văn hóa làng xã có vai trò là nền gốc cho sự hình thành các mối quan hệ cơ bản của xã hội và tổ chức hoạt động quân sự của dân tộc. Con người Việt Nam, dù ở đâu cũng gắn bó với làng xã, thôn, bản nhất định với những bản sắc riêng. Ở đó mọi người đoàn kết, gắn bó với nhau, cùng nhau xây dựng và đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước, viết nên truyền thống kiên cường, bất khuất “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “ra ngõ gặp anh hùng”. Đó chính là giá trị văn hóa của các hoạt động chiến đấu của các lực lượng tại chỗ, tại địa phương.

Đánh du kích, đánh sâu, đánh hiểm, đánh rộng khắp, đánh thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức và cách đánh thích hợp, tiêu diệt bộ phận, sát thương, tiêu hao rộng rãi làm cho kẻ địch suy yếu, sa lầy tạo điều kiện thuận lợi cho đánh tiêu diệt lớn ở các trọng điểm, thực hiện nghệ thuật quân sự "lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy đoản binh thắng trường trận”, đó là văn hóa quân sự ở các địa phương. Đánh tiêu diệt, nhất là đánh tiêu diệt về chiến dịch, chiến lược là quy luật giành thắng lợi trong chiến tranh, chỉ có đánh tiêu diệt về chiến dịch, chiến lược mới tạo ra đột biến về chiến dịch, chiến lược dẫn đến kết thúc chiến tranh. Với Việt Nam, luôn quán triệt quy luật đánh tiêu diệt, nhưng khẳng định đánh tiêu diệt chứ không đánh hủy diệt, đánh tiêu diệt có trọng điểm, có lựa chọn, đó cũng là văn hóa quân sự Việt Nam.

Trong lịch sử chiến tranh và nghệ thuật quân sự của dân tộc, hầu hết các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, chúng ta đều coi trọng tiến hành các trận đánh, chiến dịch tiêu diệt lớn quân xâm lược ở các trọng điểm để kết thúc chiến tranh. Chúng ta đánh tiêu diệt bằng sức mạnh tổng hợp với thế trận và thời cơ có lợi, do vậy, có những nơi không cần đánh thì không đánh, kẻ địch tự tan rã, nơi nào mà dùng biện pháp khác giành được thắng lợi thì triệt để áp dụng nhằm hạn chế đổ máu. Coi trọng đánh vào ý chí của quân xâm lược, giữ gìn tính mạng và tài sản của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phá các công trình kiến trúc, công trình văn hóa, cơ sở hạ tầng. Kiên quyết tiêu diệt những kẻ cầm đầu, ngoan cố, nhưng khi kẻ địch đã thất thế thì không đánh.

Theo Trung tướng Trần Thái Bình, giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn, vì vậy, ngay trong các hoạt động quân sự, chúng ta vẫn coi trọng kết hợp với các hình thức đấu tranh khác để hạn chế đổ máu.

Khi phải đương đầu với các thế lực hiếu chiến xâm lược, cùng với các hoạt động tác chiến, ông cha ta luôn coi trọng các hoạt động đấu tranh, nêu cao chính nghĩa, đánh vào lòng người; lợi dụng địa hình thiên hiểm để đánh địch, làm kế thanh dã, vườn không nhà trống kết hợp đánh chặn quân lương đẩy địch vào thế khốn quẫn, suy yếu, sa lầy. Đặc biệt rất coi trọng đấu tranh ngoại giao, mở đường hòa hiếu để đi đến thắng lợi lâu dài.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng nói chung và chỉ đạo chiến tranh nói riêng, Đảng ta luôn coi trọng kết hợp chặt chẽ các đòn đánh về quân sự với các hoạt động đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa và ngoại giao. Nhất là đấu tranh chính trị, đặc biệt là tuyên truyền tính chính nghĩa, công tác binh địch vận làm tan rã hàng ngũ địch, kết hợp tiến công với nổi dậy của đông đảo quần chúng nhân dân. Đấu tranh trên mặt trận ngoại giao vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do các thế lực hiếu chiến gây ra, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới.

“Trong đó, “vừa đánh, vừa đàm”, tạo điều kiện cho quân địch kết thúc cuộc chiến trong danh dự, đã là một trong những nét đặc sắc về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Đảng ta. Hạn chế thấp nhất khả năng tổn thất về người và của, tiết kiệm binh lực mà vẫn đạt được thắng lợi, đó là tính nhân văn sâu sắc, vượt lên trên giá trị văn hóa thông thường trong nghệ thuật quân sự Việt Nam”, Trung tướng Trần Thái Bình nhấn mạnh./.
(còn nữa).


Yêu nước ST.

TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN QUÂN SỰ VIỆT NAM - ĐEM ĐẠI NGHĨA LẤY TRÍ NHÂN THẮNG HUNG TÀN, CƯỜNG BẠO

KHÉP LẠI QUÁ KHỨ, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI!
(Tiếp theo và hết)
     Lịch sử thăng trầm khiến nhiều người con đất Việt phải bôn ba nơi xứ người. Tuy nhiên, ngoại trừ thiểu số vẫn giữ định kiến, nhận thức và hành động chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, còn phần đa với mẫu số chung là tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, họ vẫn luôn hướng về cội nguồn, về với quê hương Tổ quốc!

Hiểu rõ điều đó, chủ trương đoàn kết, hòa hợp dân tộc đã được Đảng và Nhà nước ta xác định ngay từ rất sớm; xác định tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, không để những định kiến, hận thù và bất đồng cản trở con đường phát triển của dân tộc, cũng như nguyện vọng của đông đảo người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Năm 2004, “tướng râu kẽm” của ngụy quân Sài Gòn - Nguyễn Cao Kỳ, người từng lưu bút vào quả bom trước khi máy bay Mỹ giội xuống miền Bắc Việt Nam - nơi có thị xã Sơn Tây là quê hương ông; một Phó tổng thống khét tiếng “chống cộng”, một “biểu tượng” của những người chống đối Nhà nước Việt Nam sau năm 1975… bỗng nhiên trở về cố hương!

Ngoài ra còn có nhiều người khác như cựu Thiếu tướng, Cục trưởng An ninh Quân đội Sài Gòn cũ Đỗ Mậu về thăm quê khi tuổi đã về già, hay như nhạc sĩ Phạm Duy về định cư ở Việt Nam.

"Tướng râu kẽm" Nguyễn Cao Kỳ trở về trong sự tôn trọng, đối xử bình đẳng như một người con xa quê lâu ngày trở lại.

Với nhận thức dân tộc là trường tồn, đất mẹ là thiêng liêng, họ trở về trong sự tôn trọng, đối xử bình đẳng như một người con xa quê lâu ngày trở lại.

Một việc làm tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn khác, đó là vào năm 2005, chính quyền đã chuyển Nghĩa trang Bình Dương, trước đây của quân đội Việt Nam Cộng hòa, thành Nghĩa trang nhân dân Bình An, hoạt động theo quy chế nghĩa trang dân sự, nghĩa là thân nhân có thể đến bất cứ lúc nào để thăm viếng, tu sửa mộ phần....

Câu chuyện về những nhân vật “chóp bu” của chính quyền ngụy Sài Gòn xóa bỏ định kiến để trở về Tổ quốc hay những việc làm nghĩa cử nêu trên như một minh chứng sinh động về chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.

Trên thực tế, vấn đề đó được đặt ra trước ngày 30-4-1975. Trước đó, năm 1972, khi về thăm huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, trong bữa cơm với đồng bào, đồng chí, đồng chí Lê Duẩn đã đặt câu hỏi sau khi thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất? Mỗi người trong bữa cơm trả lời một ý nhưng đồng chí Lê Duẩn nói rằng: “Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm là hòa hợp dân tộc”. Như vậy, có thể thấy, hòa hợp dân tộc đã được người lãnh đạo cao nhất của Đảng lúc ấy nhận thức, trăn trở từ khi chiến tranh còn đang nóng bỏng, chưa hẹn ngày toàn thắng.

Tư duy đó cũng phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng sau này. Trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên năm 2015, nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh, nguyên Đại sứ, thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán Hiệp định Paris cho biết: Thời kỳ đầu, ta chưa có chủ trương hòa hợp dân tộc mà đấu tranh ở cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Năm 1972, tình hình nhiệm vụ đòi hỏi phải liên kết các lực lượng miền Nam thì vấn đề hòa hợp dân tộc được đặt ra, đưa vào dự thảo Hiệp định Paris, sau đó thậm chí ta đã chấp nhận phương án "một chính quyền hòa hợp dân tộc" để khi Mỹ rút, sẽ thực hiện hòa hợp, hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử.

Hiệp định Paris năm 1973 có 3 điều nói về hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Tinh thần hòa hợp dân tộc còn thể hiện ngay trong văn bản Hiệp định Paris năm 1973 khi Hiệp định này gồm 23 điều thì có tới 3 điều (11,12,13) nói về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Theo đó, ngay sau khi ngừng bắn hai bên, miền Nam Việt Nam sẽ: "Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia; hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng Quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc…"

Sau này, trong các chiến dịch giải phóng miền Nam, chúng ta đều thực hiện nghiêm túc chính sách nhân đạo đối với tù, hàng binh. Ngay sau ngày toàn thắng 30-4, tối 2-5-1975, ta đã trả tự do cho ông Dương Văn Minh và nội các chế độ Sài Gòn tại Dinh Độc Lập. Theo ông Nguyễn Khắc Huỳnh, những nhân vật cao cấp thuộc chính quyền cũ đầu hàng ở Dinh Độc Lập ta đều tôn trọng, không bắt bớ gì mà để họ được tự do.

Cha ông ta có câu "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này luôn đề cao tinh thần hòa hợp dân tộc, song với Người, không phải hòa hợp theo kiểu cào bằng, dân túy. Trong bài báo "Khoan hồng mà không nhu nhược", Người viết: “Đối với quan lại cũ, trừ những bọn đại gian, đại ác, Chính phủ Cộng hòa ta cũng tỏ ra một độ lượng không để tâm moi ra những tội cũ đem làm án mới làm gì”.

Năm 1946, khi thành lập Chính phủ lâm thời, Bác đã mời những quan chức trong chế độ cũ tham gia điều hành công việc quốc gia, trong đó có cả cựu hoàng Bảo Đại. Người đã chấp nhận 70 đại biểu của các tổ chức đối lập trong Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thông qua bầu cử.

Ngày 31-5-1946, trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ trước khi lên đường sang thăm nước Pháp và dự Hội nghị Fontainebleau, Người viết: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”.

Với mục tiêu “thêm bạn bớt thù”, từ Đại hội Đảng VII (năm 1991), Đảng ta đề ra chủ trương: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Bước đột phá tư duy này của Đảng đã hóa giải được những khác biệt về ý thức hệ, giúp Việt Nam không ngừng mở rộng, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi với hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước trước đây từng là cựu thù. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Trong đó, chúng ta có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 30 nước trên thế giới bao gồm tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an và nhiều nước lớn khác trong khu vực.

Quan điểm gác lại quá khứ, hướng tới tương lai trở nên thiết thực và rộng mở với các nước từng gây ra cuộc chiến tranh tại Việt Nam, với hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và hơn 220 thị trường nước ngoài có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Không chỉ hóa giải những khác biệt, bất đồng với các nước từng là cựu thù, Đảng, Nhà nước ta còn có nhiều chính sách giúp hàng triệu người Việt Nam ở hải ngoại vượt qua mặc cảm quá khứ, xóa bỏ hận thù, dang rộng cánh tay thân thiện với nhau.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) chỉ rõ: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung đề cao tinh thần dân tộc, để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”.

Đảng ta khẳng định “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài - điều này có ý nghĩa chiến lược hết sức to lớn, tạo ra con đường rộng mở cho thực hiện tốt hơn chủ trương lớn hòa hợp dân tộc. Nghị quyết khẳng định: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Tiếp đó, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: “Ðại đoàn kết toàn dân tộc lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Đại hội lần thứ XII của Đảng một lần nữa khẳng định quan điểm về đoàn kết, hòa hợp dân tộc: “Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”.

Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm”.

Chủ trương của Đảng về hòa giải, hòa hợp dân tộc ngày càng được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách thiết thực như: Xuất nhập cảnh, cư trú, hồi hương, quốc tịch, hộ tịch, về đầu tư kinh doanh; về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài; Luật Quốc tịch sửa đổi, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở...

Chủ trương của Đảng về hòa giải, hòa hợp dân tộc ngày càng được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách thiết thực.
Nhiều chương trình, cách làm thiết thực giúp nối vòng tay lớn với kiều bào như: Xuân quê hương, người Việt ở nước ngoài với chủ quyền biển đảo; dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, tổ chức đại lễ cầu siêu… Các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước làm ăn đã tạo ra những doanh nghiệp bản địa mạnh, hàng đầu của đất nước như Vingroup, Sun Group, Techcombank, VPbank, Eurowindow, Masan... Hằng năm, có khoảng 400-500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học, công nghệ trong nước.

Trả lời báo chí về công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc vào năm 2023, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu (khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) đã khẳng định quan điểm đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó và hướng về quê hương, đất nước.

Đặc biệt là kiên trì vận động những kiều bào còn định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong đó, cần tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại trên tinh thần đối thoại, lắng nghe, cởi mở, chân thành, khoan dung, sẵn sàng chấp nhận khác biệt...

Rõ ràng, quan điểm hòa giải, hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta là nhất quán, xuyên suốt. Đất nước ta đang bước vào thời cơ, vận hội mới. Vận hội ấy đòi hỏi sự chung tay của đồng bào ta ở cả trong và ngoài nước, vì một Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và hùng cường. Để thực hiện mục tiêu đó, trước hết cần có tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, không phân biệt quá khứ, vượt lên trên những khác biệt, cùng nhau vun đắp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.

Đất nước ta đang bước vào thời cơ, vận hội mới. Vận hội ấy đòi hỏi sự chung tay của đồng bào ta ở cả trong và ngoài nước, vì một Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất và hùng cường./.







Yêu nước ST.

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: HÀNH TRÌNH THEO CHÂN BÁC HỒ!

     “Một Lênin của Đông Dương”.
Cách đây 102 năm, ngày 24/6/1922, tờ “L’ Humanité” (Nhân Đạo) đăng bài “Lời than vãn của Bà Trưng Trắc” của Nguyễn Ái Quốc. Đây là một truyện ngắn hư cấu giấc mơ của Vua Khải Định (lúc này đang “xa giá” đến Pháp) và mượn lời của vị nữ anh hùng dân tộc chống ngoại xâm, tác giả lên án nặng nề chế độ phong kiến Nam triều và chính vua Khải Định đã để mất nước, ươn hèn cam tâm làm tay sai cho ngoại bang.

Liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Pháp trong thư đề ngày 24/6/1931 gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã đánh giá: “Thực ra từ hơn 10 năm nay, Nguyễn Ái Quốc là một chiến sĩ vô địch vì sự nghiệp độc lập của Đông Duơng. Lúc đầu là một người dân tộc chủ nghĩa, ông ta sớm đi theo chủ nghĩa cộng sản, và từ nhiều năm nay những người cách mạng bản xứ xem ông ta như một Lênin của Đông Dương…”.

Ngày 24/6/1942, leo lên vùng núi Lũng Dẻ thuộc khu núi đá Lam Sơn (Cao Bằng), Bác tức cảnh làm bài thơ “Thướng sơn” (Leo núi): “Lục nguyệt nhị thập tứ/ Thướng đáo thử sơn lai/ Cử đầu hồng nhật cận/ Đối ngạn nhất chi mai” (Tố Hữu dịch: Hai mươi tư tháng Sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu: mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai).

Ngày 24/6/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp hơn 100 anh em đại biểu Nam bộ đến chào và bày tỏ tinh thần thống nhất quốc gia. Cùng ngày, Bác tiếp Bộ trưởng Hải ngoại M.Moutet và Đô đốc D’ Argenlieu cùng Ban Trị sự Hội Pháp-Việt hữu nghị mới thành lập... Trong số những Việt kiều đến chào Bác, có triết gia Trần Đức Thảo.

Ngày 24/6/1959, Bác đón tiếp Tổng thống Indonesia sang thăm Việt Nam. Trong diễn văn chào đón tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội), Bác chân tình nói: “Được đón tiếp Tổng thống Sukarno, nhân dân Việt Nam có cảm tưởng vui sướng như được ôm ấp vào lòng mình 88 triệu anh em Indonesia anh dũng. Có mối tình thương yêu ấy, vì hai dân tộc ta cùng có một hoàn cảnh giống nhau, cùng có một lịch sử vẻ vang kháng chiến oanh liệt chống bọn thực dân cướp nước, giành độc lập tự do. Hai dân tộc chúng ta đều phải tiếp tục đấu tranh để giải phóng hoàn toàn đất nước và trong cuộc đấu tranh đó, hai dân tộc ta thông cảm lẫn nhau, ủng hộ lẫn nhau”.

Trong tháng 6/1960, nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ các cơ quan dân - chính - đảng Trung ương, Bác phân tích: “Công việc cách mạng cũng như các bộ phận trong một chiếc thuyền, bộ phận nào cũng quan trọng cả. Nếu các bộ phận ấy suy bì với nhau thì không được. Ví như chèo thì luôn luôn vùng vẫy. Lái thì ngâm mình dưới nước... Buồm thì thảnh thơi... Ta đang làm cách mạng, có bộ phận này làm việc này, có bộ phận khác làm việc khác, các công việc đều cần thiết, đều vẻ vang./.
Yêu nước ST.

 

Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR trong suốt 18 năm qua

Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Liên hợp quốc về quyền con người (UPR) là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Vì vậy, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR trong suốt 18 năm qua (2006-2024), kể từ khi cơ chế UPR được thành lập và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận.

Ngày 31/5, tại Phú Yên, Cục Đối ngoại, Bộ Công an phối hợp Công an tỉnh Phú Yên tổ chức tọa đàm về Cơ chế UPR với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các đơn vị, địa phương trong Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quyền con người.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu cùng tham gia nghiên cứu, thảo luận, làm rõ một số chủ đề trọng tâm như: giới thiệu khái quát về cơ chế UPR; tác động, ảnh hưởng của cơ chế đối với Việt Nam; quá trình xây dựng và trình bày báo cáo tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; cập nhật tình hình, kết quả Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 7/5/2024 vừa qua…

Cơ chế UPR là một trong những cơ chế quan trọng nhất của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, với nhiệm vụ rà soát tình hình nhân quyền tại tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, qua đó thúc đẩy các nước thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, cam kết về quyền con người với nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch.

Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn nghiêm túc tham gia vào các chu kỳ UPR trong suốt 18 năm qua (2006-2024) kể từ khi cơ chế được thành lập và thực hiện đầy đủ các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận.

Ý thức được ý nghĩa của cơ chế UPR, Bộ Công an cũng luôn coi trọng quá trình thực hiện các khuyến nghị, coi đây không chỉ là việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của Bộ Công an trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực an ninh quốc gia và TTATXH; tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền mà còn là cơ hội để các cơ quan, đơn vị trong Bộ Công an, Công an các địa phương xem xét một cách toàn diện về chính sách, pháp luật cũng như quá trình thực tiễn bảo đảm các quyền con người trong công tác Công an.

Từ đó, tọa đàm góp phần nâng cao hiệu quả tham gia vào Cơ chế UPR của Bộ Công an nói riêng, Việt Nam nói chung trong các chu kỳ UPR tới; đồng thời, tọa đàm là diễn đàn hỗ trợ các đơn vị trong Bộ Công an khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện.

Thông qua các tham luận, ý kiến trong tọa đàm, Ban tổ chức sẽ đúc rút những kinh nghiệm, phát hiện những điều chưa hợp lý trong hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước, những bất cập trong thực tiễn có thể ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người của công dân; trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người.

 

Từ lịch sử ngàn năm dựng nước đến triết lý “ngoại giao cây tre”

Từ bao đời nay, cây tre luôn gắn bó với cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang trong mình cốt cách riêng của nền văn hóa, con người Việt Nam: kiên cường mà mềm dẻo, bản lĩnh mà linh hoạt, dung dị mà sáng tạo... Từ hình tượng và sự gần gũi của cây tre đã hình thành triết lý “Ngoại giao cây tre Việt Nam”. Đó là nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, thủy chung, chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại.

Trong lịch sử và văn hóa Việt Nam, cây tre là biểu trưng của bản lĩnh quật cường, ý chí bất khuất của con người Việt Nam. Từ thuở hồng hoang, những ý niệm về quốc gia - dân tộc của Việt Nam được hình thành từ sự cố kết cộng đồng trải qua hàng nghìn năm trường kỳ phòng, chống thiên tai và địch họa. Cây tre tạo nên những lũy, thành, giúp cha ông ta bảo vệ làng quê trước thử thách của thiên nhiên và bảo vệ đất nước khỏi giặc ngoại xâm. Thấm đượm bản sắc và văn hóa Việt Nam, hình tượng cây tre và ngoại giao Việt Nam rất gần gũi nhau. Ngoại giao là sự giao thoa của chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội và văn hóa, là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, lịch sử và tương lai, đất nước với thế giới. Ngoại giao lấy cái gốc là văn hóa dân tộc và mang trong mình nội hàm văn hóa dân tộc. Điều đó đã được minh chứng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc đã minh chứng ngoại giao là một trong số những thế mạnh vượt trội của Việt Nam, góp phần quan trọng giúp chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, thực hiện phương châm sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra ngay từ những ngày đầu giành độc lập, Việt Nam đã và đang thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đó là khởi điểm của quá trình hình thành, phát triển của nền ngoại giao Việt Nam từ khi Đảng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, lập nước, hình thành nên trường phái ngoại giao của Việt Nam. Tới nay, “gốc tre” của ngoại giao Việt Nam nói riêng và đất nước nói chung đã bén rễ, vươn cành vững chắc hơn với những thành quả thật đáng tự hào, bất chấp giông tố của thời cuộc. Luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc, tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột, đưa đất nước tới hòa bình, phát triển.

Với sự đóng góp của ngành Ngoại giao, chúng ta đã cho nhân dân thế giới thấy một Việt Nam với khát vọng hòa bình, kiên cường, bất khuất đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước phát triển.

Trước năm 1986, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa; gia nhập Liên hợp quốc và một số tổ chức kinh tế, xã hội khác. Tuy nhiên, giai đoạn này an ninh, chính trị thế giới xảy ra nhiều biến động, các nước xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội. Trong nước, thiên tai liên tục xảy ra, hai đầu biên giới xảy ra chiến tranh, lại bị các nước thù địch bao vây, cấm vận. Trước tình hình này, tại Đại hội VI (tháng 12-1986), Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới. Trong đó, Đảng đã đánh giá lại cục diện thế giới để xác định đường lối, chính sách đối ngoại trong hoàn cảnh mới. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia, đó là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023), Nhật Bản (2023) và Australia (2024). 12 nước Đối tác chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện. Việt Nam là tâm điểm của nhiều mạng lưới liên kết kinh tế năng động với hơn 230 đối tác thương mại, 60 hiệp định thương mại tự do sâu rộng với nhiều phương diện hợp tác. Qua đó sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Vậy nên, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc là trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao đã diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng trong thời gian qua, “ngoại giao cây tre Việt Nam” kiên định về nguyên tắc và mục tiêu song đã uyển chuyển, chủ động và linh hoạt về phương pháp thực hiện. Mục tiêu của chúng ta là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, thực hiện đúng như lời dạy của Bác Hồ, đó là “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”. Nguyên tắc của chúng ta là “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết bất đồng trên tinh thần hữu nghị, tuân thủ triệt để Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Chúng ta cũng phản đối mọi hình vi bắt nạt, chính trị cường quyền, bao vây, cấm vận đơn phương; phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam tiếp tục được khẳng định tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 28 (Hội nghị COP-28), Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường… Bên cạnh đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, thực hiện tốt chức trách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Ủy ban Luật pháp quốc tế; đồng thời, được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế; tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn, như Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Hội nghị IPU về an ninh nguồn nước... Chúng ta không chỉ gia nhập WTO mà đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA song phương và đa phương, với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu; đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương. Cũng chính nhờ thực thi hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, nhập khẩu tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với mức thặng dư cao so với thời trước khi gia nhập WTO.

Trong quá trình thực hiện, “ngoại giao cây tre Việt Nam” linh hoạt, chủ động và uyển chuyển. Chúng ta kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông nhưng chúng ta không cực đoan để xảy ra xung đột. Mục tiêu cao nhất là của chúng ta là bảo vệ và giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng tránh đối đầu và xung đột vũ trang nếu đó không phải là giải pháp cuối cùng buộc phải làm, đảm bảo môi trường hòa bình và ổn định để phát triển. Trong quan hệ quốc tế luôn có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đó là điều không thể tránh khỏi và cũng là quy luật sinh tồn. Có thể nói không quá rằng vị trí địa chiến lược của Việt Nam đã tự nó tạo cho Việt Nam luôn là một phần trong câu chuyện về quan hệ quốc tế, hẹp thì ở phạm vi khu vực Đông Nam Á, rộng hơn thì là châu Á-Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh sự cạnh tranh và xung đột và lợi ích của các nước lớn trên thế giới sự linh hoạt trong “Ngoại giao cây tre Việt Nam” thời gian qua đã thực hiện diễn biến phức tạp bằng sự uyển chuyển, khéo léo và mềm dẻo trong quan hệ với từng nước, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và tiếng nói của tập thể để tạo thành sức mạnh chung. Hơn nữa, chúng ta còn tạo ra được mạng lưới lợi ích đan xen, lồng ghép giữa lợi ích quốc gia với lợi ích tổ chức khu vực và quốc tế, nhờ đó giúp chúng ta bảo vệ được lợi ích quốc gia.

Trên tinh thần bình đẳng, hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn và tương trợ lẫn nhau, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hợp tác, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới, như phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ... Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay. Tựu chung lại, “ngoại giao cây tre Việt Nam đã làm tốt được nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc là vì chúng ta đã thực hiện nhất quán “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” trên tinh thần chủ động và tích cực.

Nhìn vào lịch sử dân tộc, trong suốt thời kỳ chiến tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong thời kỳ hoà bình, hoạt động đối ngoại luôn là một mặt trận có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên những thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; tạo lối, mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ với nhiều đối tác, mở ra cục diện mới cho công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện. Để hoàn thành các mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đòi hỏi chúng ta phải kiên định về nguyên tắc và linh hoạt về sách lược trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm chủ quyền quốc gia; làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc, chống phá của các thế lực phản động, thù địch đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường và thịnh vượng.

 

 Tôn trọng niềm tin cá nhân

Bắt đầu từ năm 2017 đến 2024, ông Lê Anh Tú (trên mạng xã hội gọi là thầy, là sư Thích Minh Tuệ) tự tu, thực hành hạnh khất thực bằng hình thức đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông diễn ra thuận lợi.

Tuy nhiên, trong hành trình lần này một số người dùng mạng xã hội đã sử dụng hình ảnh đi bộ của ông Thích Minh Tuệ để tạo sự hiếu kỳ, thu hút nhiều người dân đi theo. Ông Thích Minh Tuệ đã khuyên mọi người về làm công việc của mình, không cần ai đi theo nữa, bởi vì, đi theo vừa mất trật tự giao thông và cũng không cần phải như thế.

Việc tụ tập đông người đã mang tới sự phức tạp về an ninh trật tự và an toàn giao thông. Đặc biệt, vào ngày 30/5/2024 xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn bộ hành theo ông Minh Tuệ đã bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong. Tiếp theo đó là ngày 2/6/2024 có 2 người phụ nữ khi đi theo ông cũng bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị.

Tín ngưỡng, tôn giáo là thành tố quan trọng của một nền văn hóa; Đảng và Nhà nước tôn trọng các giá trị văn hóa tâm linh, tôn trọng tự do tín ngưỡng, chính sách tôn giáo ngày càng được đổi mới, mở rộng, thông thoáng, phù hợp với xu thế thời đại. Mỗi người có cách tu khác nhau, không ai giống ai, ai cũng có quyền để tu theo cách riêng của mình là tu theo kiểu đi bộ hành hay tu tại chùa nào đó... quyền tự do này được pháp luật Việt Nam tôn trọng và bảo vệ.

Hiếu kỳ cũng là một đặc tính con người. Hình ảnh một người tự tu đầu trần, chân đất đi bộ dọc chiều dài đất nước với đa số người dân đều cảm thấy xa lạ và hình ảnh đó đã kích hoạt sự hiếu kỳ từ một người lan sang người bên cạnh và thông qua các TikToker, Youtuber, Facebooker… lan truyền thành hội chứng đám đông. Hiếu kỳ có mặt tích cực, nếu biết khai thác tốt sẽ trở thành sự ham hiểu biết, tạo động lực cho cộng đồng, cho chúng ta thêm niềm cảm hứng mới. Đó là cảm hứng về tự do, cảm hứng về vượt qua cám dỗ vật chất, cảm hứng về tâm hồn vô tư trong sáng, cảm hứng về nghị lực...

Nhưng đặc tính này cũng dễ bị lợi dụng, có thể biến thái thành các hoạt động câu view, câu like, để trở nên nổi tiếng, để kiếm tiền, nguy hiểm hơn khi xuất hiện nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của Tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gieo rắc, thổi phồng mâu thuẫn và chia rẽ các tôn giáo; đánh tráo khái niệm, bịa đặt rằng Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương "phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo".

Ông Thích Minh Tuệ đã độc hành nhiều năm qua, không thuyết pháp, không thu đồ đệ, không nhận tiền và cũng không nhận mình là thầy. Tu sĩ này nhiều lần khẳng định, ông chỉ là một công dân Việt Nam đang "tập học" theo lời Phật dạy. Việc những đoàn người chờ đợi, đón tiếp ông bằng tấm lòng ngưỡng mộ, cử chỉ thành kính là một thực tế xuất phát từ cái tâm hướng thiện tiềm tàng trong lòng mỗi người, nhưng giờ đây mỗi ngày đều phải đi giữa dòng người đông nghịt, không còn một chỗ nghỉ ngơi, mọi hoạt động của ông đều bị quay lại, phát tán trên mạng và đã xảy ra những sự việc đáng tiếc khi có người bị đột quỵ, tử vong thì chắc chắn không phải là điều ông Thích Minh Tuệ mong muốn. Nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, ông đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực để ẩn tu.

Về bản chất, vì con người là một thực thể tồn tại trong xã hội, nên quá trình tu thân không chỉ bó hẹp trong sự phát triển luân lý đơn thuần của cá nhân, mà còn được hiểu như một quá trình xã hội hóa bản thân con người nhằm mục đích đạt đến sự toàn thiện của bản tính con người. Thông qua tiến trình tu thân không ngừng, cá nhân con người học được cách tạo dựng gia đình yên ấm, quốc gia ổn định và thiên hạ thái bình. Việc bày tỏ thái độ tôn kính với một người không có gì sai trái, nhưng cách bày tỏ như thế nào cũng là điều cần nhiều cân nhắc chứ đừng làm tổn thương đến người khác, ai cũng có lòng tự trọng, ai cũng có phương pháp tu tập theo cách của riêng mình, tốt hay không thì trời Phật đều biết, Phật trong tâm mỗi chúng ta.

Mỗi con người có đức tin riêng của mình, một xã hội lại càng cần có đức tin. Niềm tin, đức tin đưa con người đến những mục tiêu cao cả, đến thành công. Bởi vậy, mỗi người chúng ta hãy cùng nhau lựa chọn cho mình hướng đi tốt và đặt niềm tin đúng chỗ, biết gạn đục, khơi trong để góp phần gìn giữ và phát huy những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc. Đó là một trong những động lực tạo nên sức mạnh mềm cho sự phát triển bền vững của đất nước.


 

"Tôi không lạc đề"!

Họp Đảng ủy xã đánh giá về công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng chí Lê là Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ thôn Đoài phát biểu thẳng thắn:

- Tôi đề nghị các đồng chí cán bộ chủ chốt của xã phải nêu gương trước Đảng bộ và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong việc hiếu, việc hỷ. Vừa qua có một số đồng chí lãnh đạo xã tổ chức đám cưới cho con linh đình, làm vài trăm mâm cỗ, rồi đám giỗ cũng mời khách rầm rộ khiến nhân dân xì xào, chê trách... Việc thứ hai là lãnh đạo xã cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những công chức, viên chức thiếu tinh thần phục vụ nhân dân, giải quyết công việc chậm, thậm chí còn "gây khó để có phong bì"...

Bí thư Chi bộ thôn Đoài còn chưa phát biểu hết thì Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã đã ngắt lời:

 - Tôi thấy đồng chí Lê phát biểu không đúng chủ đề cuộc họp rồi. Việc gia đình cán bộ xã làm cỗ nhiều và giải quyết công việc chậm thì không liên quan tới công tác đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Mặt khác, theo tôi, tổ chức hiếu, hỷ, cúng giỗ là việc riêng của gia đình...

 - Báo cáo đồng chí chủ tọa, tôi xin phát biểu tiếp và tôi khẳng định không phát biểu lạc đề. Chúng ta đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không có nghĩa là chúng ta chỉ phê phán, bác bỏ các quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, mà quan trọng hơn là chúng ta phải chủ động phòng ngừa, phải tự mình tốt lên, không để xảy ra những sai lầm, khuyết điểm cho các thế lực thù địch lợi dụng để suy diễn, quy chụp, thổi phồng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Hai việc tôi vừa đề nghị rút kinh nghiệm, nếu chúng ta không khắc phục được thì sẽ là cái cớ để các đối tượng phản động, bất mãn lợi dụng chống phá ta, rồi ngay người dân trong xã cũng sẽ bất bình, bức xúc, không phục cán bộ xã. Thực tế đã có ý kiến xì xào rằng “các ông lãnh đạo xã nói một đằng, làm một nẻo”...

 Thấy các ý kiến phát biểu khá “căng”, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy là đại biểu cấp trên về dự hội nghị, nhẹ nhàng nói:

 - Chúng ta cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến tâm huyết của đồng chí Lê để được nhân dân tin tưởng, yêu mến. Xây dựng và giữ vững “thế trận lòng dân” phải từ những việc nhỏ; làm cho nhân dân tâm phục, khẩu phục thì chẳng có thế lực thù địch nào chống phá được, phải không các đồng chí?

 Cả hội nghị lặng lẽ gật đầu, càng suy ngẫm thì càng thấy đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Đoài và Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy nói đúng.

 

Thực tiễn sinh động bác bỏ luận điệu sai trái về tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do internet nói chung và mạng xã hội nói riêng bởi đây là một trong những quyền cơ bản của con người.

Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động đã cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật về việc thực hiện các quyền dân sự, chính trị nói chung và quyền tự do báo chí, tiếp cận thông tin nói riêng ở Việt Nam.

Những luận điệu xuyên tạc, vu khống

Việc các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Việt Nam vốn là điệp khúc cũ mòn. Song những mưu mô, thủ đoạn và cách thức tổ chức hoạt động luôn thay đổi, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển đa dạng của không gian mạng.

Chưa bao giờ người ta thấy có nhiều cá nhân, hội nhóm, tổ chức tự xưng với danh nghĩa phóng viên, báo chí nhân danh dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận như những năm gần đây, nào là "Nhóm báo sạch", "Câu lạc bộ nhà báo tự do", "Mạng lưới blogger Việt Nam", "Hội ái hữu tù nhân chính trị và tôn giáo", "Hội nhà báo độc lập"… Đi liền với việc thành lập các hội nhóm, tổ chức trên là số đối tượng chống đối được các thế lực thù địch khoác cho danh  xưng "nhà báo tự do", "nhà báo độc lập", "nhà báo công dân", “nhà báo chống tham nhũng”…

Dù mang danh báo chí nhưng các hội nhóm hoạt động không tuân theo các quy tắc nào về báo chí mà chỉ viết bài, đăng tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm bôi nhọ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phỉ báng chế độ, kích động chống phá.

Về thời điểm, nhân các ngày lễ lớn của đất nước, sự kiện chính trị đối ngoại, đối nội quan trọng của Đảng, Nhà nước ta thì hoạt động chống phá, kích động, chống đối của các thế lực thù địch, nhất là những tổ chức, đối tượng nhân danh báo chí càng quyết liệt. Đặc biệt, họ đã triệt để lợi dụng hoạt động phản biện xã hội dưới danh nghĩa “góp ý, thư ngỏ, thư kiến nghị”… để phê phán đường lối của Đảng, Nhà nước và bôi nhọ lãnh đạo cấp cao với những thông tin không đúng sự thật, thông tin thật giả lẫn lộn, thông tin bị thổi phồng, qua đó hướng lái dư luận theo chiều tiêu cực.

Ở những mức độ khác nhau, các tổ chức và đối tượng trên đã tuyên truyền, bóp méo nhằm kích động, tạo phản ứng không đồng thuận trong nhân dân đối với cấp uỷ đảng, chính quyền. Mục đích của các hoạt động trên nhằm bôi xấu, hạ uy tín Đảng, Nhà nước, hình ảnh đất nước Việt Nam với bè bạn quốc tế. Các đối tượng cũng lấy cớ đả kích các cơ quan báo chí chính thống tại Việt Nam, cho rằng báo chí Nhà nước bị “bịt miệng”, từ đó kích động thành lập báo chí tư nhân, báo chí của các “hội nhóm độc lập”.

Những hoạt động chống phá có sự tiếp tay chặt chẽ của các thế lực thù địch, phản động bên ngoài với những đối tượng chống đối, thành phần cơ hội, bất mãn ở trong nước. Họ cổ xuý, tung hô những đối tượng đội lốt “nhà báo tự do”, “nhà báo độc lập” như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Lê Trọng Hùng, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình… Ngay khi cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì các thế lực thù địch bên ngoài đã gia tăng các bài viết làm sai lệch thông tin, bản chất vụ án. Khi các đối tượng bị tuyên án, đang trong thời gian chấp hành án phạt tù thì các tổ chức chống phá vẫn tiếp tục lợi dụng với chiêu bài vinh danh, trao giải thưởng như tổ chức tự xưng “Văn bút Hoa Kỳ - PEN America” trao giải thưởng về tự do viết lách năm 2024 cho Phạm Đoan Trang ngày 11/4/2024. Mục đích của các hoạt động trên không đơn thuần là sự “vinh danh” mà lấy cớ kêu gọi quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Cần khẳng định rằng, dù được gắn mác, danh xưng giải thưởng gì chăng nữa thì những đối tượng trên thực tế đều có hành vi phạm pháp và bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Về nguyên tắc, pháp luật Việt Nam không cho phép bất cứ ai làm phương hại đến lợi ích của nhân dân, đất nước. Là công dân Việt Nam phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Những kẻ vì mưu lợi cá nhân, câu kết các thế lực thù địch, xâm phạm lợi ích của đất nước, nhân dân, đội lốt dưới vỏ bọc “hoạt động báo chí” là thủ đoạn cần phải lật tẩy, đấu tranh. Một số đối tượng còn để cho các tổ chức ở nước ngoài khoác lên những danh xưng mỹ miều “nhà báo độc lập”, “nhà báo công dân”, “nhà báo chống tham nhũng”… nhằm phục vụ âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước. Những danh xưng đó không thể che đậy bản chất. Đó không phải là những nhà báo đúng nghĩa, lại càng không thể là “nhà hoạt động nhân quyền”, “nhà hoạt động vì tự do ngôn luận”.

Xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam

Cách đây 99 năm, ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam ngay từ những bước đi đầu tiên đã được định danh là “báo chí cách mạng”, với sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Hiếm có nền báo chí nào trên thế giới mà sự ra đời, phát triển gắn chặt với tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc như Việt Nam. Hiếm có một nền báo chí nào mà sự ra đời, phát triển được vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới trực tiếp sáng lập, chăm chút, chỉ đường như thế. Đó thực sự là niềm tự hào của nền báo chí cách mạng nước ta.

Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành cùng đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, không ngừng trưởng thành, vững mạnh về mọi mặt, là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cùng với đó, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là hiện thực sinh động để báo chí Việt Nam phát triển lớn mạnh cả về quy mô, tổ chức, lực lượng, phương tiện, công nghệ làm báo và sức ảnh hưởng, lan tỏa trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể, vừa là diễn đàn của nhân dân”; “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông”. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 hiến định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Theo tinh thần ấy, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bảo đảm quyền được thông tin của người dân. Những thành tựu ấy trước hết được thể hiện ở việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản luật nhằm bảo đảm tốt hơn quyền được thông tin của người dân, trong đó có những luật, nghị định như: Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng... Những văn bản luật đó đều tuân thủ nguyên tắc pháp quyền XHCN, vừa bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ bí mật Nhà nước, chống việc lộ, lọt bí mật thông tin. Vì vậy, quyền con người, quyền công dân của mọi cá nhân được Nhà nước Việt Nam đảm bảo bằng Hiến pháp, pháp luật và thể hiện rõ trong thực tiễn, hoàn toàn phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện nói trên. Ngoài ra có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Trong 72 đài phát thanh - truyền hình, có 3 đơn vị là VTV, Vnews và HTV được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài.

Đến nay, hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam đã có trên nền tảng mạng internet. Một số cơ quan báo chí đã tiên phong và khá thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như: Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data... Trước làn sóng “di dân” từ báo in sang báo điện tử, hàng trăm cơ quan báo chí cũng xây dựng các kênh truyền thông của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… Nhân sự làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp Thẻ Nhà báo.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí được tăng cường. Hiện nay, nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trải qua 99 năm xây dựng và trưởng thành, báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh của cách mạng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần khẳng định và tôn vinh vị thế, sức mạnh và uy tín Việt Nam. Đội ngũ những người làm báo càng nhận thức sâu sắc sứ mệnh, trọng trách của mình trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, trung thành tuyệt đối với mục tiêu và lý tưởng của Đảng, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Những minh chứng trên một lần nữa khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tế đó bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

 

Thói đạo đức giả - kẻ thù của nhân dân lao động

“Đạo đức giả”-dân gian hay gọi là thói đạo đức giả, là những hành vi dùng vỏ bọc đạo đức bề ngoài; nói và làm những điều tưởng như chuẩn mực, giống y như những người có đạo đức, để che đậy bản chất cơ hội bên trong, đánh lừa cá nhân, tập thể, nhằm mưu lợi riêng, trục lợi cá nhân, gây hại cho xã hội.

Những năm gần đây, thói đạo đức giả trong xã hội, đặc biệt ở một số cán bộ, đảng viên có xu hướng tăng nhanh. Biểu hiện của thói đạo đức giả, cá nhân, vị kỷ trong không ít cán bộ, đảng viên vô cùng phức tạp, tinh vi. Vậy nhưng, điều này chưa được các cơ quan chức năng đánh giá đúng mức những nguy hại, hệ lụy mà nó gây ra để phòng tránh.

Cháy nhà... mới ra mặt chuột

Qua những câu chuyện từ nhiều chuyến đi thực tế, chúng tôi nhận thấy, khi số ít cán bộ thoái hóa biến chất còn chưa bị các cơ quan chức năng xử lý, họ là những người thực sự có quyền lực ở các cơ quan, địa phương, thậm chí ở bộ, ngành, Trung ương; là những người “nói có người nghe, đe có kẻ sợ”. Khi chưa bị phát hiện "nhúng chàm", họ đã dùng bộ mặt đạo đức giả “qua mặt” được nhiều cơ quan chức năng, tổ chức đảng các cấp; được tin tưởng giao giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Đến thời điểm có quyền lực, được trao quyền, họ củng cố quyền lực bằng những phát biểu rao giảng đạo đức cách mạng, sự gương mẫu cho cấp dưới, cho nhân dân. Thật buồn, chỉ đến khi “cháy nhà mới ra mặt chuột”, bộ mặt đạo đức giả bị bóc trần.

Thói đạo đức giả với người dân đã nguy hại, với những người có chức vụ, chủ doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn càng nguy hại hơn. Địa vị càng lớn, thói giả dối càng được che đậy tinh vi; gây ra những hành động phi đạo đức với hậu quả càng lớn cho nhân dân. Dùng thói đạo đức giả không chỉ che đậy những âm mưu và hành động bất chính, đục khoét của công, tham nhũng của Nhà nước, nhân dân; tư lợi cho bản thân, họ hàng, mà nó còn làm bại hoại đạo đức ở đơn vị, địa phương, tổ chức. Những kẻ đạo đức giả ấy, xét đến cùng là điển hình của chủ nghĩa cá nhân.

Hậu quả mà những cán bộ đeo mặt nạ đạo đức giả gây ra là vô cùng to lớn về kinh tế, về tinh thần, làm rối loạn tổ chức, gây mất niềm tin của nhân dân vào cán bộ. Theo thống kê của cơ quan chức năng, con số hàng chục nghìn đảng viên, trong đó có những cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tham ô, nhận hối lộ mỗi năm cho thấy tình trạng này đã đến mức báo động.

Vì thế, thói đạo đức giả cần được chỉ mặt rõ ràng để dùng mọi biện pháp giáo dục nghiêm khắc bằng những hình thức nghiêm minh của pháp luật; bằng những quy định chặt chẽ của Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội; bằng sự đồng lòng thông qua những hương ước của cộng đồng, xã hội. Xử lý nghiêm những cán bộ này là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những cán bộ đang giấu giếm bộ mặt đạo đức giả, giấu giếm ý định thu lợi cá nhân, chủ nghĩa cá nhân mà chưa bị phát hiện.

Những kẻ đạo đức giả là ai? Biểu hiện thường thấy là gì?

Xin lấy một ví dụ điển hình nhất về thói đạo đức giả của một số cán bộ, các chủ doanh nghiệp trong thời gian qua là sự kiện hàng chục cán bộ các cấp, doanh nghiệp liên quan tới chuyến bay giải cứu, thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, đưa người dân ở nước ngoài về nước, đã phải ra hầu tòa và chịu các mức án thích đáng.

Từ một chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước chia sẻ khó khăn với nhân dân, đưa nhân dân ra khỏi những vùng nguy hiểm của dịch bệnh, thế mà nhiều cán bộ cấp cao, doanh nghiệp đã lợi dụng vị trí công tác để tìm mọi cách ăn chặn tiền của người dân.

Trong khi đó, họ vẫn lớn tiếng, mạnh miệng, trắng trợn lừa dối các cơ quan báo chí, truyền thông về đạo đức, về trách nhiệm, về tinh thần phục vụ, sự vất vả của họ cùng những cán bộ thuộc quyền và doanh nghiệp. Nhiều người dân ban đầu không biết, đã nhẹ dạ tin theo, nộp tiền để họ trục lợi... Chỉ đến khi thông tin bị phanh phui, người dân mới hiểu ra bộ mặt đạo đức giả của nhóm cán bộ, doanh nghiệp này.

Thật xót xa, tiếc nuối khi gần đây, các cơ quan chức năng liên tục công bố hàng loạt quyết định kỷ luật đối với không ít cán bộ cấp bộ, cục; bí thư, chủ tịch các tỉnh, huyện, xã... và thậm chí còn cả cán bộ cấp cao hơn. Không ít người cảm thán, mới hôm qua còn ngồi ghế lãnh đạo, ra sức rao giảng đạo đức cho bao người, vậy mà, khi cơ quan chức năng vào cuộc, cơ quan công an điều tra, họ lại hiện nguyên hình chính là những con mọt chúa đục ruỗng mọi ngóc ngách, vươn cái vòi tham lam vơ vét. Những kẻ đạo đức giả đã cấu kết với nhau để làm sai, ký sai, tham ô, tham nhũng, biển thủ... những khoản tiền, những dự án nhiều tỷ đồng, là mồ hôi xương máu, là tiền thuế của nhân dân, doanh nghiệp.

Bóc từng lớp phủ những khuôn mặt đạo đức giả

Tại sao họ lại làm vậy, phải chăng vì khó khăn trong cuộc sống? Không hề! Tất cả cán bộ bị xem xét kỷ luật và bị cơ quan chức năng điều tra thời gian gần đây không hề nghèo, yếu, thiếu trình độ. Họ ban đầu thậm chí còn là những “hạt giống”, người có trình độ, có quá trình phấn đấu rất tốt, có gia đình trong sáng, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, thăng tiến trong sự nghiệp.

Buồn thay, chỉ sau một thời gian làm cán bộ, họ giàu, rất giàu! Điều này tỷ lệ thuận với sự biến chất của cán bộ. Càng biến chất, bộ mặt đạo đức giả lại càng phải dày lên để che đậy những mưu đồ bất chính ngày càng lớn hơn.

Cũng vì thế, phi vụ sau lại lớn hơn phi vụ trước. Số lượng tiền bạc, nhà đất, xe cộ cũng vì thế mà càng nhiều lên. Nhưng tiền, xe, đất, quyền lực... với họ mãi chẳng bao giờ đủ. Dục vọng cá nhân luôn như chiếc thùng không đáy thì càng khiến bộ mặt đạo đức giả ngày càng dày lên với biết bao lớp phủ, khiến bản thân họ cũng khó nhận ra mình của lúc ban đầu, những câu từ sáo rỗng được họ phát ra trái ngược với hành động, khiến nhân dân nghi ngờ, giảm sút niềm tin vào các cơ quan lãnh đạo. Chỉ khi bị kỷ luật, bị điều tra, nhân dân mới nhận ra bộ mặt thật của họ.

Vẫn biết, khi tiến hành đổi mới, kinh tế thị trường phát triển, cùng với cơ hội, những cơn gió lành, thì những làn gió độc, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng khiến nhiều người dân, doanh nghiệp và một bộ phận cán bộ không giữ được mình. Trong cuộc chiến giữa lối sống chân thành và giả dối luôn vô cùng giằng co, phức tạp. Người cán bộ, đảng viên luôn bị giằng xé giữa lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động chân chính, có tự trọng bản thân, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể, của Nhà nước thì nghèo, vất vả với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền thì sẽ giàu có, hưởng lạc. Nhiều cán bộ đã không vượt qua được cái xấu, cái ích kỷ cá nhân, vì thế, họ chọn bộ mặt đạo đức giả che đi tham vọng của mình, từ đó hành động một cách bất chấp để vinh thân phì gia.

Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn đang hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn; tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn diễn biến phức tạp. Biểu hiện cụ thể chính là suy thoái về đạo đức, lối sống như cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, thu lợi cá nhân, thói háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, vô cảm, tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi... được ví như những mọt chúa, mối chúa đẻ ra hàng vạn, hàng triệu mối con, mọt con, từng ngày gặm nhấm, đục ruỗng không ít cơ quan; thậm tệ hơn, chúng đục ruỗng tinh thần, ý chí của một bộ phận cán bộ, đảng viên kém ý chí, kém rèn luyện. 

 

Thận trọng khi tìm hiểu lịch sử

Khoảng chục năm trở lại đây, khi mạng xã hội đã và đang cho phép người dùng tạo ra cộng đồng chung mối quan tâm thông qua những nhóm (group), trang (page), lịch sử là một đề tài thu hút rất nhiều người mà trong số đó, người trẻ chiếm số đông.

Đã có nhiều nhóm chia sẻ kiến thức lịch sử thu hút rất đông đảo lượng người đọc và qua các nhóm ấy, cũng bắt đầu có một số cá nhân tạo được uy tín nhờ vào hiểu biết và đóng góp của mình cho dù họ không phải là chuyên gia lịch sử. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Đáng mừng hơn nữa, từ những bài viết của các nhóm kể trên, đã có những xuất bản phẩm bán chạy, những dự án phim tư liệu về lịch sử Việt Nam góp phần mở mang kiến thức cho cộng đồng.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng thành công. Đã xuất hiện tình trạng có một số dự án được đón nhận bởi công chúng nhưng bị phát hiện có những lỗi rất lớn và tạo ra những hiểu biết sai lệch về lịch sử nước nhà.

Điển hình như cuốn "Việt sử kiêu hùng" do nhóm cùng tên biên soạn mới được Nhà sách Tinh Hoa cho xuất bản gần đây chẳng hạn. Ngay trong phần bản đồ lược sử, nhóm này đã tự ý đánh giá thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong 3 nhân vật lịch sử tiêu biểu nhất của Việt Nam ở thế kỷ 20 bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đánh giá này bị cho là nặng cảm tính, thiếu cứ liệu lịch sử, thiếu thuyết phục. Dù cho có yêu mến thiền sư Thích Nhất Hạnh đến mấy đi nữa thì nhiều độc giả cũng phải thừa nhận nhân vật lịch sử đại diện tiêu biểu cho Việt Nam trong thế kỷ 20 không thể là Thích Nhất Hạnh. Trước làn sóng phản ứng dữ dội của một lượng độc giả, lược đồ này đã được thay thế nhưng uy tín của dự án cũng giảm hẳn khi bị cộng đồng gán cho cái tên là "Diệt sử tiêu tùng".

Nhưng, không chỉ có các nhóm tự phát kiểu như "Việt sử kiêu hùng" mới mắc các lỗi chủ quan, lỗi thông tin, lỗi nhận định như trên mà ngay cả các NXB cũng từng dính các sai lầm trầm trọng. Cụ thể như sai lầm của trang bìa cuốn "Thăng Long kinh kỳ kẻ chợ" của Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng được xuất bản bởi NXB Kim Đồng. Nội dung biên khảo về lịch sử Thăng Long nhưng bìa sách lại dùng bức tranh từ cuốn "An Nam lai uy đồ sách" từ thế kỷ thứ 16 của Trung Quốc. Đáng nói hơn cả, bức tranh được lấy làm bìa đó lại mô tả cảnh Mạc Đăng Dung phủ phục trước quan lại nhà Minh và chính điều đó đã tạo ra sự phẫn nộ từ một số học giả lịch sử. NXB đã phải thay đổi bìa sách mới cho phù hợp hơn, song đáng tiếc là các bản in cũ không được thu hồi và vẫn trôi nổi trên thị trường sách.

Từ các hiện tượng như trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng đang có một khoảng trống lịch sử lớn trong giới biên tập ấn bản phẩm. Đây là công việc đòi hỏi chuyên môn sâu nhưng thực tế, các đơn vị xuất bản không cẩn trọng, thiếu đầu tư nên không mời các chuyên gia, học giả lịch sử kiểm soát lại nội dung. Trong khi đó, giới viết sử tự phát từ cộng đồng thì lại luôn chủ quan, dựa vào nguồn sử liệu chưa đủ đầy và quá tự tin vào số ít ỏi sử liệu mình tham khảo. Không có so sánh, đối chiếu để chắt lọc từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau, từ đó các lỗi sai phát sinh càng nhiều. Rồi được thêm thắt bởi các bình luận cảm tính của đội ngũ soạn thảo, những ấn bản đó vô tình trở thành thứ "tham khảo sai lệch" đối với những người đọc trẻ và khiến họ tin vào các dữ liệu lịch sử không chính xác.

Với mọi thứ, thận trọng là đòi hỏi hàng đầu nhưng với lịch sử, thận trọng còn bị đòi hỏi khắt khe hơn nữa. Rất cần các chuyên gia, học giả lịch sử tham gia rà soát các dự án sách, tư liệu, phim ảnh... về lịch sử để từ đó mang lại cho cộng đồng những sản phẩm tốt, chân xác về dữ kiện cũng như chuẩn mực về đánh giá những sự kiện mà chúng ta không trải qua nhưng gắn liền với một phần hình thành và phát triển quốc gia, dân tộc.