Từ lịch sử ngàn năm dựng
nước đến triết lý “ngoại giao cây tre”
Từ bao đời nay, cây tre luôn gắn
bó với cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang trong mình cốt cách riêng của nền văn
hóa, con người Việt Nam: kiên cường mà mềm dẻo, bản lĩnh mà linh hoạt, dung dị mà
sáng tạo... Từ hình tượng và sự gần gũi của cây tre đã hình thành triết lý “Ngoại
giao cây tre Việt Nam”. Đó là nền ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa
dạng hóa và hội nhập quốc tế, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược,
thủy chung, chính nghĩa, vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ của nhân loại.
Trong lịch sử và văn hóa Việt
Nam, cây tre là biểu trưng của bản lĩnh quật cường, ý chí bất khuất của con người
Việt Nam. Từ thuở hồng hoang, những ý niệm về quốc gia - dân tộc của Việt Nam
được hình thành từ sự cố kết cộng đồng trải qua hàng nghìn năm trường kỳ phòng,
chống thiên tai và địch họa. Cây tre tạo nên những lũy, thành, giúp cha ông ta
bảo vệ làng quê trước thử thách của thiên nhiên và bảo vệ đất nước khỏi giặc
ngoại xâm. Thấm đượm bản sắc và văn hóa Việt Nam, hình tượng cây tre và ngoại
giao Việt Nam rất gần gũi nhau. Ngoại giao là sự giao thoa của chính trị - an
ninh, kinh tế - xã hội và văn hóa, là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại, lịch
sử và tương lai, đất nước với thế giới. Ngoại giao lấy cái gốc là văn hóa dân tộc
và mang trong mình nội hàm văn hóa dân tộc. Điều đó đã được minh chứng trong lịch
sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc đã minh chứng ngoại giao là
một trong số những thế mạnh vượt trội của Việt Nam, góp phần quan trọng giúp
chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Kế thừa truyền thống văn hóa của
dân tộc, thực hiện phương châm sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ” của
Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra ngay từ những ngày đầu giành độc lập, Việt Nam đã
và đang thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành
viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đó là khởi điểm của quá
trình hình thành, phát triển của nền ngoại giao Việt Nam từ khi Đảng lãnh đạo
cách mạng giải phóng dân tộc, lập nước, hình thành nên trường phái ngoại giao của
Việt Nam. Tới nay, “gốc tre” của ngoại giao Việt Nam nói riêng và đất nước nói
chung đã bén rễ, vươn cành vững chắc hơn với những thành quả thật đáng tự hào,
bất chấp giông tố của thời cuộc. Luôn luôn đề cao mục tiêu độc lập dân tộc,
tinh thần hòa hiếu, hữu nghị, dùng ngoại giao để đẩy lùi xung đột, đưa đất nước
tới hòa bình, phát triển.
Với sự đóng góp của ngành Ngoại
giao, chúng ta đã cho nhân dân thế giới thấy một Việt Nam với khát vọng hòa
bình, kiên cường, bất khuất đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước,
phá thế bao vây cấm vận, đưa đất nước phát triển.
Trước năm 1986, Việt Nam đã thiết
lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa; gia nhập
Liên hợp quốc và một số tổ chức kinh tế, xã hội khác. Tuy nhiên, giai đoạn này
an ninh, chính trị thế giới xảy ra nhiều biến động, các nước xã hội chủ nghĩa
rơi vào khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội. Trong nước, thiên tai liên tục
xảy ra, hai đầu biên giới xảy ra chiến tranh, lại bị các nước thù địch bao vây,
cấm vận. Trước tình hình này, tại Đại hội VI (tháng 12-1986), Đảng ta đã khởi
xướng và lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới. Trong đó, Đảng đã đánh
giá lại cục diện thế giới để xác định đường lối, chính sách đối ngoại trong
hoàn cảnh mới. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ
ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược
toàn diện với 7 quốc gia, đó là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn
Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (2023), Nhật Bản (2023) và Australia (2024). 12
nước Đối tác chiến lược và 12 nước Đối tác toàn diện. Việt Nam là tâm điểm của
nhiều mạng lưới liên kết kinh tế năng động với hơn 230 đối tác thương mại, 60
hiệp định thương mại tự do sâu rộng với nhiều phương diện hợp tác. Qua đó sức mạnh
về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị
thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Vậy nên, khi Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối
ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc là trường phái
ngoại giao “cây tre Việt Nam” đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam với
đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển,
đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là
thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Bám sát đường lối đối ngoại Đại hội
XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại của Trung ương Đảng,
Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao đã diễn ra sôi động, rộng khắp
các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng trong thời gian
qua, “ngoại giao cây tre Việt Nam” kiên định về nguyên tắc và mục tiêu song đã
uyển chuyển, chủ động và linh hoạt về phương pháp thực hiện. Mục tiêu của chúng
ta là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, thực hiện đúng như lời dạy của
Bác Hồ, đó là “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”. Nguyên tắc
của chúng ta là “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, mọi quốc gia, dù lớn
hay nhỏ đều bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của
nhau, giải quyết bất đồng trên tinh thần hữu nghị, tuân thủ triệt để Hiến
chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Chúng ta
cũng phản đối mọi hình vi bắt nạt, chính trị cường quyền, bao vây, cấm vận đơn
phương; phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Vị thế, uy tín và tiếng nói của
Việt Nam tiếp tục được khẳng định tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng
như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á -
Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện
thế giới (IPU), Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc
về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 28 (Hội nghị COP-28), Diễn đàn cấp cao
Vành đai và Con đường… Bên cạnh đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ
Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, thực hiện tốt chức trách thành
viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Ủy ban Luật pháp
quốc tế; đồng thời, được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí quan
trọng tại các tổ chức quốc tế; tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn, như
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, Hội nghị IPU về an ninh nguồn nước...
Chúng ta không chỉ gia nhập WTO mà đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song
phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực
thi 19 FTA song phương và đa phương, với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế
giới; trong đó, 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các
châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu; đưa Việt Nam trở thành một
trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song
phương và đa phương. Cũng chính nhờ thực thi hiệu quả các FTA thời gian qua đã
giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều
kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, nhập khẩu tăng
trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ
thâm hụt sang thặng dư. Năm 2023 là năm thứ 8 liên tiếp Việt Nam xuất siêu với
mức thặng dư cao so với thời trước khi gia nhập WTO.
Trong quá trình thực hiện, “ngoại
giao cây tre Việt Nam” linh hoạt, chủ động và uyển chuyển. Chúng ta kiên trì và
kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông nhưng chúng ta không cực đoan để xảy
ra xung đột. Mục tiêu cao nhất là của chúng ta là bảo vệ và giữ vững chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng tránh đối đầu và xung đột vũ trang nếu đó không phải
là giải pháp cuối cùng buộc phải làm, đảm bảo môi trường hòa bình và ổn định để
phát triển. Trong quan hệ quốc tế luôn có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước,
đó là điều không thể tránh khỏi và cũng là quy luật sinh tồn. Có thể nói không
quá rằng vị trí địa chiến lược của Việt Nam đã tự nó tạo cho Việt Nam luôn là một
phần trong câu chuyện về quan hệ quốc tế, hẹp thì ở phạm vi khu vực Đông Nam Á,
rộng hơn thì là châu Á-Thái Bình Dương hay Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh sự cạnh tranh và
xung đột và lợi ích của các nước lớn trên thế giới sự linh hoạt trong “Ngoại
giao cây tre Việt Nam” thời gian qua đã thực hiện diễn biến phức tạp bằng sự uyển
chuyển, khéo léo và mềm dẻo trong quan hệ với từng nước, đồng thời tranh thủ sự
ủng hộ và tiếng nói của tập thể để tạo thành sức mạnh chung. Hơn nữa, chúng ta
còn tạo ra được mạng lưới lợi ích đan xen, lồng ghép giữa lợi ích quốc gia với
lợi ích tổ chức khu vực và quốc tế, nhờ đó giúp chúng ta bảo vệ được lợi ích quốc
gia.
Trên tinh thần bình đẳng, hài hòa
lợi ích, chia sẻ khó khăn và tương trợ lẫn nhau, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng
kiến, giải pháp thúc đẩy hợp tác, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung
của thế giới, như phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh
lương thực, an ninh nguồn nước, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng hỗ trợ
khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ... Có thể nói, chưa bao giờ vị thế,
uy tín và hình ảnh đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là
bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có
trách nhiệm của cộng đồng quốc tế lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay.
Tựu chung lại, “ngoại giao cây tre Việt Nam đã làm tốt được nhiệm vụ bảo vệ lợi
ích quốc gia dân tộc là vì chúng ta đã thực hiện nhất quán “đường lối đối ngoại
độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng
hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách
nhiệm trong cộng đồng quốc tế” trên tinh thần chủ động và tích cực.
Nhìn vào lịch sử dân tộc, trong
suốt thời kỳ chiến tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong thời kỳ hoà
bình, hoạt động đối ngoại luôn là một mặt trận có vai trò vô cùng quan trọng,
góp phần tạo nên những thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; tạo
lối, mở đường, từng bước phá thế bao vây, cấm vận, khơi thông quan hệ với nhiều
đối tác, mở ra cục diện mới cho công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng
sâu rộng và toàn diện. Để hoàn thành các mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đại hội
XIII của Đảng đã đề ra, đòi hỏi chúng ta phải kiên định về nguyên tắc và linh
hoạt về sách lược trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, bảo đảm
cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm chủ quyền quốc gia; làm thất bại
những âm mưu, thủ đoạn, xuyên tạc, chống phá của các thế lực phản động, thù địch
đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; quyết tâm xây dựng và phát triển
một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, mang đậm bản sắc dân tộc, góp
phần xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường và thịnh vượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét