Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

 

Thận trọng khi tìm hiểu lịch sử

Khoảng chục năm trở lại đây, khi mạng xã hội đã và đang cho phép người dùng tạo ra cộng đồng chung mối quan tâm thông qua những nhóm (group), trang (page), lịch sử là một đề tài thu hút rất nhiều người mà trong số đó, người trẻ chiếm số đông.

Đã có nhiều nhóm chia sẻ kiến thức lịch sử thu hút rất đông đảo lượng người đọc và qua các nhóm ấy, cũng bắt đầu có một số cá nhân tạo được uy tín nhờ vào hiểu biết và đóng góp của mình cho dù họ không phải là chuyên gia lịch sử. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Đáng mừng hơn nữa, từ những bài viết của các nhóm kể trên, đã có những xuất bản phẩm bán chạy, những dự án phim tư liệu về lịch sử Việt Nam góp phần mở mang kiến thức cho cộng đồng.

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng thành công. Đã xuất hiện tình trạng có một số dự án được đón nhận bởi công chúng nhưng bị phát hiện có những lỗi rất lớn và tạo ra những hiểu biết sai lệch về lịch sử nước nhà.

Điển hình như cuốn "Việt sử kiêu hùng" do nhóm cùng tên biên soạn mới được Nhà sách Tinh Hoa cho xuất bản gần đây chẳng hạn. Ngay trong phần bản đồ lược sử, nhóm này đã tự ý đánh giá thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong 3 nhân vật lịch sử tiêu biểu nhất của Việt Nam ở thế kỷ 20 bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đánh giá này bị cho là nặng cảm tính, thiếu cứ liệu lịch sử, thiếu thuyết phục. Dù cho có yêu mến thiền sư Thích Nhất Hạnh đến mấy đi nữa thì nhiều độc giả cũng phải thừa nhận nhân vật lịch sử đại diện tiêu biểu cho Việt Nam trong thế kỷ 20 không thể là Thích Nhất Hạnh. Trước làn sóng phản ứng dữ dội của một lượng độc giả, lược đồ này đã được thay thế nhưng uy tín của dự án cũng giảm hẳn khi bị cộng đồng gán cho cái tên là "Diệt sử tiêu tùng".

Nhưng, không chỉ có các nhóm tự phát kiểu như "Việt sử kiêu hùng" mới mắc các lỗi chủ quan, lỗi thông tin, lỗi nhận định như trên mà ngay cả các NXB cũng từng dính các sai lầm trầm trọng. Cụ thể như sai lầm của trang bìa cuốn "Thăng Long kinh kỳ kẻ chợ" của Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng được xuất bản bởi NXB Kim Đồng. Nội dung biên khảo về lịch sử Thăng Long nhưng bìa sách lại dùng bức tranh từ cuốn "An Nam lai uy đồ sách" từ thế kỷ thứ 16 của Trung Quốc. Đáng nói hơn cả, bức tranh được lấy làm bìa đó lại mô tả cảnh Mạc Đăng Dung phủ phục trước quan lại nhà Minh và chính điều đó đã tạo ra sự phẫn nộ từ một số học giả lịch sử. NXB đã phải thay đổi bìa sách mới cho phù hợp hơn, song đáng tiếc là các bản in cũ không được thu hồi và vẫn trôi nổi trên thị trường sách.

Từ các hiện tượng như trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng đang có một khoảng trống lịch sử lớn trong giới biên tập ấn bản phẩm. Đây là công việc đòi hỏi chuyên môn sâu nhưng thực tế, các đơn vị xuất bản không cẩn trọng, thiếu đầu tư nên không mời các chuyên gia, học giả lịch sử kiểm soát lại nội dung. Trong khi đó, giới viết sử tự phát từ cộng đồng thì lại luôn chủ quan, dựa vào nguồn sử liệu chưa đủ đầy và quá tự tin vào số ít ỏi sử liệu mình tham khảo. Không có so sánh, đối chiếu để chắt lọc từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau, từ đó các lỗi sai phát sinh càng nhiều. Rồi được thêm thắt bởi các bình luận cảm tính của đội ngũ soạn thảo, những ấn bản đó vô tình trở thành thứ "tham khảo sai lệch" đối với những người đọc trẻ và khiến họ tin vào các dữ liệu lịch sử không chính xác.

Với mọi thứ, thận trọng là đòi hỏi hàng đầu nhưng với lịch sử, thận trọng còn bị đòi hỏi khắt khe hơn nữa. Rất cần các chuyên gia, học giả lịch sử tham gia rà soát các dự án sách, tư liệu, phim ảnh... về lịch sử để từ đó mang lại cho cộng đồng những sản phẩm tốt, chân xác về dữ kiện cũng như chuẩn mực về đánh giá những sự kiện mà chúng ta không trải qua nhưng gắn liền với một phần hình thành và phát triển quốc gia, dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét