Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

 KHÔNG THỂ ĐỂ QUYỀN TỰ DO HỘI HỌP, LẬP HỘI BỊ LỢI DỤNG


Lợi dụng việc Việt Nam tham gia ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều các tổ chức kinh tế, chính trị, văn hóa thế giới và sự thành công của Việt Nam. Các phần tử phản động, cơ hội chính trị và các tổ chức quốc tế không có thiện cảm với Việt Nam luôn tìm mọi cách chống phá, vu cáo, làm xấu hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Trên trang blog Đối Thoại gần đây đang cố tình xuyên tác chỉ thị 24/CT-TW, ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị về bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hòng vu cáo chính quyền “phủ nhận” quyền tự do hội họp, “tăng cường giám sát công dân”; Việt Nam “đi ngược lại” các cam kết về thương mại và phát triển bền vững trong Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA); kêu gọi phát triển “xã hội dân sự” ở Việt Nam.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy quyền tự do hội họp, lập hội luôn được Việt Nam tôn trọng, thực thi.


Về mặt luật pháp: Quyền tự do hội họp, lập hội được quy định trong Hiến pháp 2013, được cụ thể hóa và đảm bảo thực hiện trong nhiều bộ luật, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Bộ luật Dân sự 2015, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13/4/2012 của Chính phủ)... Theo đó, tự do lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân được Nhà nước Việt Nam công nhận, tôn trọng trong Hiến pháp và pháp luật, mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia hoặc không tham gia các tổ chức hội. 


Về thực tế: các hội, nhóm ở Việt Nam phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi, tính chất hoạt động khác nhau. Tính đến cuối năm 2022, cả nước có tổng số 93.438 hội trong đó gồm 571 hội hoạt động phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh và 92.854 hội hoạt động phạm vi địa phương. Đây là những hội, nhóm có đăng ký hoạt động và được cấp có thẩm quyền cấp phép, tạo điều kiện thành lập và duy trì hoạt động. Ngoài ra, trong xã hội còn tồn tại nhiều hội nhóm tự phát thành lập và hoạt động như các hội liên quan đến sở thích chung, đồng hương, đồng môn…


Điều đó cho thấy, không hề có chuyện chính quyền cũng như bất kỳ một ai ngăn cản việc các cá nhân, tổ chức thành lập hội, nhóm hay kiểm soát, hạn chế các hội, nhóm ấy hoạt động. Tuy nhiên, quyền tự do hội họp, lập hội cũng không phải là tuyệt đối, nó phải được hạn chế trong những trường hợp nhất định theo quy định của pháp luật. 


Theo khoản 2 điều 22, Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự năm 1966 chỉ rõ: “Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác…”. Nhiều quốc gia trên thế giới nhất là các quốc gia phát triển đều ban hành các đạo luật, quy định có liên quan đến lập hội, nhóm như: Anh (Luật về Liên kết năm 1825, Luật Công đoàn năm 1871…), Cộng hòa Pháp (Luật về Hợp đồng hội năm 1901), Cộng hòa liên bang Đức (Luật về Thành lập hội năm 1964), Mauritanie (Luật về Hội năm 1964), Roumanie (Luật về Hội năm 1921), Slovenia (Luật về Hội năm 1995), Luật về Hội của Ba Lan năm 1989, Luật về Hội của Hungary năm 1989, Luật về Tổ chức phi chính phủ của Liên bang Nga năm 2006…


Như vậy, mặc dù lập hội, nhóm là quyền tự do của mọi người, mọi công dân của một quốc gia, song việc thành lập và hoạt động của hội, nhóm đều phải tuân theo sự điều chỉnh pháp luật. Điều này, một mặt bảo đảm cho mọi người được thực hiện đầy đủ quyền tự do lập hội, nhóm của mình; một mặt, phòng chống những đối tượng lợi dụng quyền tự do lập hội để thực hiện mưu đồ bất chính, đặc biệt là làm phương hại đến lợi ích quốc gia và quyền tự do của người khác. 


Thực tế cho thấy, ở Việt Nam đã có nhiều hội nhóm được thành lập để trở thành tổ chức đối lập với các tổ chức trong hệ thống chính trị Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền, lôi kéo người dân chống đối lại chính quyền gây bất ổn xã hội… như Quốc gia chính phủ Việt Nam lâm thời, Triều đại Việt, Việt Tân, Anh em dân chủ; Hội đồng liên tôn Việt Nam; Liên đoàn dân chủ Công giáo Việt Nam; Hội đồng nhân quyền Việt Nam; Hội đồng liên kết quốc nội hải ngoại Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Giáo hội Tin Lành đấng Christ Việt Nam; Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo thuần tuý; Hội thánh em Đại đạo Tam Kỳ phổ độ; Tin Lành Đê ga, v.v.. những hội nhóm này đã đi ngược lại với lợi ích tổ chức, cá nhân và của dân tộc, vi phạm luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế , hoạt động của chúng đã gây ra nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam.


Từ những vấn đề trên cho thấy, ở Việt Nam các quyền tự do, dân chủ, hội họp, lập hội luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tôn trọng và tạo mọi điều kiện để mọi người thực hiện thuận lợi bảo đảm lợi ích cho cá nhân, tổ chức và xã hội. Song các hành vi lợi dụng quyền tự do này để chống phá đất nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác đều sẽ bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật./. 


Sáng mãi niềm tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét