Tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh, định hướng lại chiến lược phát triển, hướng trọng tâm đầu tư vào khoa học - công nghệ, đồng thời có chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Về mặt khái niệm, đã có rất nhiều định nghĩa về “văn hóa”, nhưng nhìn chung đều xoay quanh một số điểm: Văn hóa bao gồm cả văn hóa tinh thần và văn hóa vật chất; là sự hướng tới các giá trị chân - thiện - mĩ; có tính hệ thống chặt chẽ... Bên cạnh chức năng giao tiếp, giao lưu, văn hóa còn tác động đến xã hội, có ý nghĩa giáo dục con người, định hình nên bản sắc dân tộc. Đối với khái niệm “lối sống”, đây là những hành vi được lặp đi lặp lại, trở thành nét đặc trưng, điển hình của mỗi cá nhân; phản ánh thế giới quan và được thể hiện thông qua thái độ của cá nhân đối với các vấn đề trong đời sống xã hội.
Sự biến đổi văn hóa, lối sống diễn ra do nhiều tác động khác nhau trong mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khoảng cách về không gian địa lý được thu hẹp tối đa. Điều đó đồng nghĩa với việc mối giao lưu, quan hệ giữa con người với con người được mở rộng. Các cộng đồng, các dân tộc, các nền văn hóa xích lại gần nhau hơn. Trong mỗi cộng đồng, văn hóa, lối sống của các cá nhân cũng chịu tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Sự đan xen này trực tiếp góp phần thúc đẩy sự đa dạng văn hóa, nhưng cũng làm phát sinh tình trạng văn hóa lai căng khiến việc bảo vệ bản sắc trong đa dạng văn hóa trở thành nhiệm vụ không dễ dàng của mọi quốc gia, dân tộc.
Trong mọi lĩnh vực, các cuộc cách mạng đều bao hàm sự thay đổi cơ bản về chất, có tính đột biến, sâu sắc và triệt để, theo hướng tiến bộ. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho tri thức được vốn hóa, thâm nhập sâu vào nền sản xuất vật chất, vào mọi “ngõ ngách” của đời sống con người, làm thay đổi lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Quá trình này diễn ra nhanh chóng trong thời gian ngắn và làm biến đổi nhiều đặc điểm văn hóa, lối sống của con người ở nhiều quốc gia - dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại mang những nét văn hóa đặc sắc riêng. Do vị trí địa lý đặc biệt, sự giao lưu văn hóa của Việt Nam diễn ra phong phú, mạnh mẽ từ hàng nghìn năm trước. Trong thời kỳ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền văn hóa, lối sống con người Việt Nam tiếp tục có những biến đổi. Tuy nhiên, đó không chỉ là sự biến đổi do tiếp biến từ các nền văn hóa khác, mà phức tạp hơn là sự tự biến đổi ngay từ bên trong nội tại nền văn hóa theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực khi nó đi lệch các giá trị văn hóa chuẩn mực.
Trong bất kỳ xã hội nào, các quy định của pháp luật đều không thể điều chỉnh được hết các vấn đề trong đời sống thường ngày. Cùng với pháp luật, con người còn bị ràng buộc bởi các quy tắc bất thành văn, như đạo đức, văn hóa, lối sống, ứng xử... Tựu chung lại, đó chính là những yếu tố tạo nên cấu trúc văn hóa của mỗi dân tộc. Những quy tắc này không có sức mạnh như các quy định quy phạm pháp luật, nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi con người, được con người tôn trọng, tự giác tuân thủ. Vì vậy, khi các quy tắc bất thành văn này có nguy cơ biến đổi theo chiều hướng tiêu cực hoặc bị phá vỡ thì lối sống con người, đạo đức xã hội, văn hóa của một dân tộc sẽ bị đe dọa.
Một số tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân
Làm thay đổi môi trường sinh hoạt, môi trường làm việc, hình thức giao tiếp, ứng xử của cá nhân
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, không loại trừ lĩnh vực văn hóa, cũng như con người - vốn là đối tượng chủ thể của các quan hệ xã hội, là hiện thân của văn hóa, là “bộ nhận diện” văn hóa của từng dân tộc. Thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến xu hướng tiêu dùng của người dân, tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong quan niệm và thói quen tiêu dùng. Nhờ sự phát triển của mạng internet, thương mại điện tử ra đời đã giúp người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm hàng hóa bằng hình thức trực tuyến (ngồi tại nhà lựa chọn sản phẩm trên toàn thế giới qua mạng; thanh toán qua tài khoản điện tử; nhận hàng qua dịch vụ chuyển phát). Thông qua thương mại điện tử, người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận gần hơn với thương mại thế giới.
Sự phát triển của khoa học - công nghệ giúp con người có thể làm nhiều loại công việc bằng hình thức làm việc từ xa, không nhất thiết phải đến trụ sở, văn phòng, không phải giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp, cấp trên, thậm chí cả với đối tác... mà vẫn hoàn thành công việc. Đây là những lợi ích to lớn mà khoa học - công nghệ mang lại, nhưng điều này cũng khiến con người trở nên lệ thuộc vào máy tính, điện thoại thông minh, hệ thống mạng internet, khiến con người ít quan tâm đến các mối quan hệ trong cộng đồng, xã hội, thậm chí là cả quan hệ gia đình...
Giao tiếp, ứng xử của con người Việt Nam trước đây chủ yếu qua phương thức trực tiếp và thiên về sự kín đáo, tế nhị, theo khuôn phép, thậm chí còn nghi thức, cầu kỳ, nhưng nay, với tốc độ, nhịp độ sống nhanh hơn, con người có thể thực hiện giao tiếp bằng nhiều cách thông qua mạng internet, như sử dụng zalo, viber, sky, instagram, facebook... Các thành tựu công nghệ này khiến con người bỏ bớt đi những sự rườm rà, giao tiếp, ứng xử nhanh hơn nhưng đồng thời cũng không tránh khỏi hời hợt hơn.
Làm thay đổi hệ giá trị văn hóa chuẩn mực, tạo ra sự xung đột giữa các giá trị văn hóa, lối sống truyền thống với các giá trị văn hóa, lối sống hiện đại
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo cơ sở thuận lợi cho quá trình giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, đồng thời cũng làm gia tăng sự xung đột giữa nhiều yếu tố, giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại khi cái cũ chưa bị mất đi và cái mới (trong đó, có một số yếu tố văn hóa du nhập từ nước ngoài) cũng chưa định hình rõ nét, chưa hoàn toàn được xã hội chấp nhận. Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 4-6-2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã chỉ ra những hạn chế, bất cập trong xây dựng hệ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ mới; chỉ rõ đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại, môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh… Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một số xu hướng, phong cách văn hóa, lối sống mới hình thành đã và đang gây tranh cãi. Đó là sự thay đổi một số quan niệm, thói quen của một bộ phận người dân, từ nặng về duy tình sang duy lý, vị tình sang vị tiền; là xu hướng cho rằng gia đình không còn là trung tâm; các yếu tố mang giá trị vật chất phần nào thay thế cho yếu tố tinh thần, tình cảm; là sự hình thành tư tưởng hoài nghi, chối bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc; là sự băng hoại về đạo đức, sự xuống cấp trong các quan hệ xã hội, đặc biệt là sự lệch lạc về nhận thức, sống thiếu lý tưởng trong một bộ phận giới trẻ; là sự gia tăng khoảng cách các thế hệ trong nhận thức các giá trị văn hóa chuẩn mực... Biểu hiện chung nhất và dễ dàng nhận thấy trong xã hội là những biểu hiện phi văn hóa, phi đạo đức vẫn tồn tại khá phổ biến, trong khi đó, không ít hành vi đẹp, nghĩa cử đẹp ngày càng ít xuất hiện hơn, thậm chí trong một số trường hợp lại trở thành điều lạ lùng trong cuộc sống. Điều này phần nào phản ánh cấu trúc nhân cách trong bản thân mỗi con người đã có sự biến đổi, dẫn đến những xu hướng khác nhau trong nhận thức về hệ giá trị văn hóa chuẩn mực trong đời sống xã hội.
Sự xung đột về văn hóa chủ yếu giữa hai xu hướng: thứ nhất, cho rằng văn hóa truyền thống phải được gìn giữ một cách nguyên trạng; thứ hai, cho rằng văn hóa phải luôn có sự tiếp biến, bồi đắp, có sự tiếp nhận những tinh hoa của thời đại. Thực tế, trong nội tại từng xu hướng cũng có những mâu thuẫn, xung đột không dễ gì phân tách. Trong xu hướng thứ nhất, một bộ phận tuyệt đối hóa văn hóa truyền thống, trong khi một bộ phận cho rằng trong xã hội hiện đại có những yếu tố văn hóa mang tính truyền thống không còn phù hợp, nhưng cũng không chấp nhận nó được thay thế bởi văn hóa ngoại lai. Trong xu hướng thứ hai, cũng có sự phân nhóm khi có sự lựa chọn khác nhau về tiếp nhận các giá trị văn hóa thế giới...
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải nhận thức, xác định rõ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần bảo vệ và những điểm còn hạn chế để điều chỉnh cho phù hợp. Đất nước sẽ phát triển bền vững khi chúng ta biết gìn giữ, trao truyền bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời biết làm mới mình, tiếp biến các giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới, để làm giàu có thêm nền văn hóa dân tộc; “hòa nhập” nhưng tuyệt đối không “hòa tan”.
Một số vấn đề đặt ra và giải pháp thời gian tới
Một số vấn đề đặt ra
Một là, sự biến đổi văn hóa của các dân tộc - quốc gia là tất yếu trong quá trình giao lưu, hội nhập. Mức độ biến đổi phụ thuộc vào chính sức mạnh văn hóa và nội lực quốc gia. Nếu có sức mạnh nội sinh lớn thì sự tiếp biến văn hóa diễn ra trên thế chủ động, nếu yếu tố nội sinh yếu, thì sự tiếp biến bị động, các giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc dễ bị mai một, thậm chí bị đồng hóa về văn hóa.
Thực tiễn quá trình tiếp biến văn hóa qua nhiều thời kỳ cho thấy, một số cái bị cho là “biến đổi”, thậm chí “mất đi” (một số nét văn hóa truyền thống), nhưng nếu nhìn nhận ở một khía cạnh khác thì đó chính là sự phát triển, bởi những di sản thực sự là bản sắc văn hóa các dân tộc trên thực tế sẽ không dễ mai một mà luôn có sự vận động, phát triển.
Hai là, những năm gần đây, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Việt Nam có cơ hội lớn tiếp thu những giá trị từ nhiều nền văn hóa, nhưng cũng đứng trước những nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Sự thay đổi trong văn hóa, lối sống là không tránh khỏi, vấn đề là cần hướng sự thay đổi đó theo xu thế tích cực; cần nhìn nhận và tận dụng sự phát triển của các thành tựu khoa học - công nghệ như một điều kiện thuận lợi cho việc lưu giữ, phát triển và truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới.
Ba là, cần nhận thức và đánh giá đúng các thách thức lớn đối với nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tìm phương cách vượt qua, hạn chế tác động tiêu cực từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân.
Một số giải pháp thời gian tới
Thứ nhất, tổ chức quán triệt và thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển, tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ, về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thứ hai, xây dựng chiến lược tổng thể phát triển khoa học - công nghệ quốc gia đồng thời và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng luật có nhưng các văn bản dưới luật, nghị định hướng dẫn thi hành lại chậm, thiếu đồng bộ, thiếu cụ thể. Tăng cường giáo dục pháp luật, đổi mới các hình thức giáo dục pháp luật cho phù hợp với từng đối tượng trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Sử dụng các thiết bị công nghệ, mạng xã hội như một kênh thông tin pháp luật chính thống, vừa giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh, chính xác, vừa ngăn chặn được các luồng thông tin sai trái, xuyên tạc.
Thứ tư, tận dụng triệt để các thành quả, thế mạnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu, năng lực tiếp cận, ứng dụng các thành quả công nghệ mới để phát huy năng lực sáng tạo của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa.
Thứ năm, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trước hết phải trên tinh thần vì lợi ích dân tộc, lợi ích nhân dân; phải có tính chủ động cao, tính định hướng sớm, tính khoa học và tính dân tộc; các giá trị văn hóa truyền thống chuẩn mực phải được gìn giữ, các giá trị văn hóa hiện đại phải được tiếp thu có chọn lọc, được chuyển hóa thành thái độ, động cơ, ý chí, hành động và kết tinh thành niềm tin và khát vọng phát triển trong mỗi con người Việt Nam.
Thứ sáu, tăng cường giáo dục đạo đức xã hội, xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, bởi đây chính là yếu tố nền tảng quan trọng và bền vững để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, đẩy lùi các tác động tiêu cực đến văn hóa, lối sống người dân.
Thứ bảy, có cơ chế đào tạo, thu hút, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách thỏa đáng cả về kinh tế và tinh thần, tôn vinh các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý văn hóa. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho văn hóa, có các cơ chế tài chính đặc thù bởi đây là lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm, là nền tảng tinh thần của xã hội. Tăng đầu tư cho khoa học - công nghệ nghiên cứu về văn hóa, con người.
Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tiếp thu và ứng dụng kịp thời các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến vào gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; tiếp thu có chọn lựa các tinh hoa văn hóa thế giới; học hỏi kinh nghiệm các nước đã đạt được nhiều thành công trong ứng phó với những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến văn hóa, lối sống người dân...
Thứ chín, tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, hướng tới làm chủ các nội dung thông tin được truyền tải trên nền tảng khoa học - công nghệ, nhất là trên không gian mạng, dần hình thành một môi trường văn hóa lành mạnh và giàu tính nhân văn trên không gian mạng./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét