Hội nghị Genève về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương được các bên tham gia ký kết vào ngày 20-7-1954 với việc chọn vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Trong khi ở dưới xuôi, các lực lượng gấp rút tiến hành những công việc để nhanh chóng thực hiện những nội dung ghi trong Hiệp định thì trên vùng biên giới Cù Bai, Hướng Lập, kẻ địch vẫn ra sức tuyên truyền, kích động người dân bỏ bản vào ở trong rừng, cấu kết với bọn phỉ Lào, tung lực lượng lấn chiếm giới tuyến, biên giới, gây cho ta vô vàn khó khăn trong công tác triển khai các biện pháp bảo vệ giới tuyến theo Hiệp định Genève trên miền biên viễn phía Tây.
Ngay sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực thì vùng đất Hướng Lập được ví như một “ngã ba” biên giới vì là vị trí giáp với Lào, chính quyền Sài Gòn và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định Genève được triển khai, cũng là lúc người dân Vân Kiều trên vùng đất Cù Bai, Hướng Lập sống trong nỗi hoang mang lo lắng tột độ, họ không biết mình sẽ thuộc về chính quyền nào quản lý trước những luận điệu xuyên tạc của bọn phản động Phái hữu Lào. Nguy hiểm hơn, chúng còn dùng bản đồ Đông Dương do thực dân Pháp vẽ để xuyên tạc vùng đất Cù Bai, Hướng Lập một phần nằm ở phía Nam giới tuyến sẽ chịu sự quản lý của chính quyền Sài Gòn, một phần là đất của Lào nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có quyền gì trên vùng đất này.
Đầu năm 1955, Mỹ - Diệm đã đưa quân đến vùng đất Cù Rừng thuộc xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị ngày nay và trắng trợn tuyên bố “Từ Cù Rừng đến Cù Bai thuộc xã Hướng Lập là đất của chính quyền Ngô Đình Diệm”. Hoang mang trước những lời tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, người dân ở các bản thuộc xã Hướng Lập, trong đó có cả những đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương cũng dao động nên dắt díu nhau vào tá túc trong những hang đá tận rừng sâu.
Trước tình hình vô cùng bức thiết cùng quyết tâm giành dân, giữ đất, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với kẻ địch để bảo vệ an toàn giới tuyến phía Tây và biên giới, tháng 6-1955, Đảng ủy Khu Vĩnh Linh cử một phân đội gồm 7 đồng chí thuộc Đại đội 354, Công an bảo vệ giới tuyến do đồng chí Trần Đồng chỉ huy và đồng chí Hồ Ai dẫn đường đã hành quân từ Hồ Xá lên Cù Bai, Hướng Lập nghiên cứu tình hình và tìm dân để đưa họ trở về bản cũ làm ăn sinh sống.
Do bị kẻ xấu xuyên tạc nên người dân mỗi khi nhìn thấy cán bộ của ta là họ bỏ chạy vào rừng sâu hoặc không cho cán bộ vào bản và ghé nhà mình. Song, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của già làng Hồ Tơ và Hồ Cưng cùng sự kiên trì, bền bỉ của các thành viên trong đoàn công tác, cuối cùng, các anh cũng tiếp cận được với người dân và dùng tiếng nói của họ để tuyên truyền, vận động. Hễ tiếp xúc với người nào là các anh đều tặng cho họ một tấm ảnh Bác Hồ cùng với muối và thuốc chữa bệnh nên dần dần, người dân đã nghe theo và trở về bản cũ.
Sau hàng chục lần xuyên tạc, lôi kéo người dân, lấn chiếm giới tuyến bị thất bại, cuối năm 1958, chính quyền Mỹ - Diệm đã xúi giục bọn phản động Phái hữu Lào đưa quân ra áp sát biên giới, lấn chiếm đất, giành dân với mưu đồ lấy xã Hướng Lập về với Lào. Chúng tăng cường thêm quân, vũ khí, lập ra nhiều đồn, bốt dọc biên giới từ Rà Cồ đến Ra Mai và bắt người dân phải đi theo chúng để gây khó khăn cho ta trong việc tiếp tế lương thực, đạn dược, vũ khí từ đồng bằng lên miền núi cho các lực lượng bảo vệ biên giới - giới tuyến đóng giữ ở Hướng Lập. Thời gian này, trên hơn 25km biên giới Việt - Lào và khu vực giới tuyến phía Tây hết sức căng thẳng, địch ra sức lấn chiếm đất đai, giành dân, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, gây mất ổn định tình hình ở biên giới.
Phía ta, dù lực lượng mỏng, song vẫn kiên quyết bám địa bàn, vận động nhân dân, tổ chức lực lượng du kích của các bản chiến đấu chống địch lấn chiếm. Mỗi ngày, lực lượng của ta nhận được từ 3-4 tối hậu thư từ bọn phản động Phu Mi gửi sang yêu cầu ta phải rút quân về xuôi. Mặc dù vậy, lực lượng của ta vẫn giữ vững tinh thần, kiên quyết đánh trả mọi hành động xâm lấn của chúng. Để đối phó với tình hình lúc bấy giờ, đoàn công tác tích cực xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại địa phương bằng việc báo cáo cấp trên xin thành lập một chi bộ Đảng gồm 5 đồng chí là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương trước đây để làm nhân tố lãnh đạo các phong trào của địa phương cũng như vận động người dân định canh, định cư, chiến đấu giữ bản.
Đầu năm 1959, được sự chi viện về quân số từ Khu Vĩnh Linh và lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men... của quân và dân tỉnh Quảng Bình, lực lượng bảo vệ biên giới, giới tuyến khu vực Cù Bai, Hướng Lập đã đủ sức mạnh để trấn giữ biên cương ổn định. Năm 1960, ta tổ chức tiến công tiêu diệt 4 đồn Chiềng Túp, Ra Mai, Bản Na, Rà Cồ và bức rút một số đồn bốt khác của bọn phản động Phu Mi, ngụy quân Sài Gòn đóng dọc biên giới, giới tuyến, mở rộng vùng giải phóng và hành lang chiến lược từ Bắc vào Nam, tạo thế và lực cho cách mạng miền Nam phát triển.
Công cuộc giành dân, giữ đất, đấu tranh với kẻ thù để bảo vệ biên giới, giới tuyến của lực lượng bảo vệ giới tuyến và cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai (nay là Đồn Biên phòng Hướng Lập) là cuộc đấu tranh đầy cam go, quyết liệt.
Địa bàn xã Hướng Lập thời điểm ấy rất khó khăn, cuộc sống người dân thiếu thốn mọi bề, lại bị kẻ thù gieo rắc tâm lý kỳ thị dân tộc, có ác cảm với người Kinh... Nhưng với tinh thần vì dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đã không ngại gian khổ, tìm đến dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, sẻ chia cho dân từng bát gạo, hạt muối, viên thuốc, kiên trì bám dân, vận động họ dựng làng, lập bản, đấu tranh chống địch lấn chiếm, trồng lúa nước để đảm bảo nguồn lương thực phục vụ cho nhiệm vụ chiến đấu.
Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai đã phối hợp cùng các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên giới, giới tuyến khu vực Cù Bai, Hướng Lập, đồng thời, mở tuyến vận tải đường mòn Hồ Chí Minh để chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và cả nước bạn Lào đánh thắng kẻ thù xâm lược, thống nhất Tổ quốc.
NGƯỜI BẢO VỆ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét