Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay

Khi nghiên cứu về xã hội loài người, C. Mác khẳng định mọi sự thay đổi của đời sống xã hội, xét đến cùng, đều bắt nguồn từ sự biến đổi của lực lượng sản xuất. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, trình độ của lực lượng sản xuất đã có những bước phát triển nhảy vọt so với trước kia. Sự phát triển đó cung cấp thêm cho chúng ta  những chứng cứ thực tiễn thuyết phục để tiếp tục khẳng định quan điểm đúng đắn của C. Mác về lực lượng sản xuất, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cần phải bổ sung, phát triển quan điểm của C. Mác về vấn đề này cho phù hợp với thực tiễn.

Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất

Lực lượng sản xuất là một khái niệm trung tâm của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Việc nghiên cứu rõ nội hàm của khái niệm này là cơ sở để hiểu toàn bộ sự vận động và phát triển của quá trình sản xuất vật chất trong lịch sử xã hội loài người. Vì vậy, C. Mác đã sớm nghiên cứu khái niệm lực lượng sản xuất. Trong các tác phẩm của mình, mặc dù ông không trực tiếp đưa ra khái niệm lực lượng sản xuất, nhưng nội hàm của khái niệm này đã được ông đề cập đến ngay từ những tác phẩm đầu tay.

Năm 1845, khi viết tác phẩm “Về cuốn sách của Phi-đrích Li-xtơ “Học thuyết dân tộc về kinh tế chính trị học””, C. Mác đã phê phán quan điểm duy tâm của Ph. Li-xtơ về lực lượng sản xuất khi Ph. Li-xtơ cho rằng lực lượng sản xuất mang “bản chất tinh thần” và là cái vô hạn. Theo C. Mác, lực lượng sản xuất không phải là cái “bản chất tinh thần” nào đó, mà là những cái có sức mạnh vật chất.

Từ quan điểm duy vật về đời sống của con người nói chung và về lực lượng sản xuất nói riêng, trong các tác phẩm tiếp theo, như “Hệ tư tưởng Đức”“Sự khốn cùng của triết học”“Lao động làm thuê và tư bản”“Tiền công, giá cả và lợi nhuận”, đặc biệt là trong bộ “Tư bản”, nội hàm của khái niệm lực lượng sản xuất ngày càng được C. Mác và Ph. Ăng-ghen làm sáng tỏ và có nội dung sâu sắc hơn. Đó cũng là cơ sở khoa học cho việc nhận thức bản chất, động lực của sự phát triển lịch sử - xã hội thông qua hoạt động lao động của con người.

Công nhân khai thác than ở Anh những năm 1900_Nguồn: Getty Images

Xuất phát điểm trong nghiên cứu của C.  Mác về lịch sử - xã hội là hoạt động sản xuất vật chất của con người hiện thực. Theo ông, bản thân con người bắt đầu được phân biệt với động vật là khi con người sản xuất ra các tư liệu sinh hoạt phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của mình. Ông viết: “Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất”. Như vậy, tiền đề đầu tiên cho sự tồn tại của con người là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu. Đó là việc sản xuất ra chính đời sống vật chất của con người. Đồng thời với quá trình đó, con người cũng sáng tạo ra các mặt của đời sống xã hội. C. Mác viết: “Việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất trực tiếp và chính mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại tạo ra một cơ sở, từ đó mà người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của con người ta”. Luận điểm này đã khẳng định tính triệt để trong quan niệm duy vật của C. Mác.

Theo C. Mác, sản xuất vật chất là hoạt động đặc trưng của con người. Đó là hoạt động cơ bản nhất, quyết định sự tồn tại và phát triển của con người và xã hội loài người. Trong quá trình sản xuất vật chất, con người đồng thời có hai mặt quan hệ. Một mặt, con người quan hệ với tự nhiên, còn mặt khác, con người quan hệ với nhau. Mặt con người quan hệ với tự nhiên chính là biểu thị của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, không phải mọi quan hệ của con người với tự nhiên đều tạo ra lực lượng sản xuất (chẳng hạn như quan hệ tình cảm, quan hệ thẩm mỹ, quan hệ nhận thức...). Chỉ có những quan hệ mà trong đó sự tác động giữa con người với tự nhiên tạo thành của cải vật chất phục vụ những nhu cầu của họ, đồng thời giúp họ cải biến chính bản thân mình mới được gọi là những quan hệ tạo ra lực lượng sản xuất.

C. Mác cho rằng, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong quá trình cải biến giới tự nhiên. Khi tiến hành sản xuất vật chất, con người dùng những công cụ lao động để tác động vào giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất phục vụ những nhu cầu thiết yếu của mình. Cũng trong quá trình đó, con người nắm bắt được những quy luật của tự nhiên, biến giới tự nhiên từ chỗ hoang sơ, thuần phác trở thành “thế giới thứ hai” với sự tham gia của bàn tay và khối óc của con người. Sản xuất vật chất luôn thay đổi nên lực lượng sản xuất là một yếu tố động và là một quá trình luôn được đổi mới, phát triển không ngừng.

Lực lượng sản xuất tạo ra tiền đề vật chất cho sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Nó cũng là tiêu chí cơ bản để đánh giá sự tiến bộ xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Chính vì vậy, trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C. Mác khẳng định: “Lịch sử chẳng qua chỉ là sự tiếp nối của những thế hệ riêng rẽ trong đó mỗi thế hệ đều khai thác những vật liệu, những tư bản, những lực lượng sản xuất do tất cả những thế hệ trước để lại; do đó, mỗi thế hệ một mặt tiếp tục cái hoạt động được truyền lại, trong những hoàn cảnh đã hoàn toàn thay đổi, và mặt khác, lại biến đổi những hoàn cảnh cũ bằng một hoạt động hoàn toàn thay đổi”(3).

Như vậy, theo quan điểm của C. Mác, có thể hiểu, lực lượng sản xuất là một khái niệm dùng để chỉ sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất nhằm tạo ra một sức sản xuất vật chất nhất định.

Khi bàn đến lực lượng sản xuất, C. Mác cũng chỉ ra những yếu tố cơ bản cấu thành nên nó, đó là người lao động và tư liệu sản xuất. Theo ông, để cải biến giới tự nhiên nhằm tạo ra của cải vật chất, người lao động cần phải có một sức mạnh tổng hợp. Trước hết, đó là sức mạnh của thể chất và trí tuệ - những yếu tố tạo nên khả năng lao động của con người. Ông viết: “Để chiếm hữu được thực thể của tự nhiên dưới một hình thái có ích cho đời sống của bản thân mình, con người vận dụng những sức tự nhiên thuộc về thân thể của họ: tay, chân, đầu và hai bàn tay”. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đó thì quá trình sản xuất vật chất vẫn chưa thể diễn ra. Ngoài bản thân chủ thể lao động, con người còn sử dụng những yếu tố khác, như “sử dụng những thuộc tính cơ học, lý học, hóa học của các vật, để tùy theo mục đích của mình, dùng những vật đó làm công cụ tác động vào các vật khác”. Những vật đó được C. Mác gọi là “khí quan”, giúp người lao động có khả năng nối dài đôi bàn tay và làm cho quá trình tác động vào giới tự nhiên trở nên có hiệu quả hơn. Nếu tư liệu sản xuất là điều kiện cần của quá trình sản xuất vật chất thì người lao động chính là chủ thể, đóng vai trò quyết định sự phát triển của sản xuất. Như vậy, theo C. Mác, nếu không có con người biết chế tạo, sử dụng công cụ lao động, tác động vào giới tự nhiên thì sẽ không có quá trình sản xuất vật chất.

Công nhân làm việc trong nhà máy đúc gang ở Mỹ những năm 1900_Nguồn: alamy.com

Ngoài việc bàn đến hai yếu tố cơ bản cấu thành lực lượng sản xuất, C. Mác cũng đề cao, coi trọng vai trò của khoa học đối với sản xuất vật chất nói chung và với sự phát triển của lực lượng sản xuất nói riêng. Bằng những nghiên cứu khoa học, ông đã đưa ra một phán đoán: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến (wissen knowledge) đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến một mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã được cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy; những lực lượng sản xuất xã hội đã được tạo ra đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy; những lực lượng sản xuất xã hội đã được tạo ra đến mức độ nào không những dưới hình thức tri thức, mà cả như là những cơ quan thực hành xã hội trực tiếp, những cơ quan trực tiếp của quá trình sống hiện thực”. Theo luận điểm nói trên của C. Mác, tri thức khoa học đã làm cho tư bản cố định như nhà xưởng, máy móc được dùng trong sản xuất chuyển hóa đến một mức độ nhất định nào đó thì trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nói cách khác, tri thức khoa học được ứng dụng, được vật hóa thành máy móc, thành công cụ sản xuất và được người lao động sử dụng trong quá trình sản xuất, do đó, nó trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Điều kiện để tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp đã được C. Mác khẳng định như sau: “Sự phát triển của hệ thống máy móc trên con đường ấy chỉ bắt đầu khi nền đại công nghiệp đã đạt được một trình độ phát triển cao hơn và tất cả các môn khoa học đều được phục vụ tư bản, còn bản thân hệ thống máy móc hiện có thì có những nguồn lực to lớn. Như vậy, phát minh trở thành một nghề đặc biệt, và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích”.

Như vậy, đứng trên lập trường duy vật về lịch sử, C. Mác khẳng định, lực lượng sản xuất thể hiện năng lực thực tiễn của con người trong việc tác động vào giới tự nhiên để tạo ra của cải vật chất. Do đó, lực lượng sản xuất cũng chính là thước đo đánh dấu sự phát triển hoạt động sản xuất vật chất của con người ở mỗi hình thái kinh tế - xã hội nhất định.

Một số điểm cần bổ sung, phát triển quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất trong bối cảnh toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Ngày nay, chúng ta đang sống trong điều kiện có nhiều cái mới, rất khác so với thời kỳ của C. Mác. Khoa học - công nghệ có những bước tiến nhảy vọt, góp phần tạo ra một lực lượng sản xuất mà xưa nay nhân loại chưa từng được chứng kiến. Tri thức xã hội phổ biến đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đúng như C. Mác từng dự báo; năng suất lao động, nhờ vậy, tăng lên nhanh chóng. Nền kinh tế tri thức đã ra đời và đang được vận hành khá hiệu quả ở nhiều nước phát triển. Quá trình quốc tế hóa mà vào thế kỷ XIX C. Mác và Ph. Ăng-ghen từng nói đến trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đã thực sự trở thành quá trình toàn cầu hóa trong thời đại ngày nay. Ở các mức độ khác nhau, tất cả các nước đều đang bị cuốn hút vào toàn cầu hóa.

Hơn nữa, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra bước phát triển nhảy vọt của đời sống xã hội nói chung và lực lượng sản xuất nói riêng. Có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là “cuộc cách mạng số hóa, thông qua các công nghệ như in-tơ-nét vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại - ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số với tốc độ rất nhanh, quy mô rất lớn, tích hợp nhiều lĩnh vực, tương tác đa chiều”. Những thành tựu của khoa học - công nghệ hiện đại đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở tất cả những yếu tố cấu thành của nó: trình độ của tư liệu sản xuất và trình độ của người lao động.

Trong bối cảnh đó, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội nói chung và quan điểm về lực lượng sản xuất nói riêng của C. Mác mặc dù có nhiều giá trị bền vững cho đến ngày nay nhưng không phải không có những điểm cần được bổ sung, phát triển. Chính V.I. Lê-nin - người đã không ngừng bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác, từng nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”.

Từ sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại trong giai đoạn hiện nay, có thể đề xuất bổ sung, phát triển quan điểm của C.  Mác về lực lượng sản xuất trên một số điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất, C. Mác sống ở thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản nên ông cũng bàn nhiều đến xã hội tư bản. Khi bàn đến sự phát triển của lực lượng sản xuất ở thời kỳ tư bản chủ nghĩa, ông cho rằng, lực lượng lao động chủ yếu của xã hội tư bản là người công nhân, là giai cấp vô sản. Đó là “một giai cấp xã hội hoàn toàn chỉ kiếm sống bằng việc bán lao động của mình”, là “giai cấp những người hoàn toàn không có của”, là “họ buộc phải bán lao động của mình cho nhà tư bản để đổi lấy tư liệu sinh hoạt cần thiết cho cuộc sống của mình”; hầu như ông ít nói đến tầng lớp các bác sĩ, kỹ sư, nhà khoa học. Ngày nay, giai cấp công nhân không chỉ có những người lao động chân tay thuần túy, mà còn bao gồm cả tầng lớp những người trí thức. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, bản thân người lao động là công nhân cũng có sự thay đổi đáng kể. Ở thời đại của C. Mác, lực lượng lao động chủ yếu là công nhân cơ khí, đa số là lao động thủ công, nhưng ngày nay, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho công cụ lao động ngày càng được cải tiến; sức lao động của con người được giải phóng; trình độ kiến thức, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao động không ngừng được nâng cao. Do đó, trong rất nhiều nhà máy, xí nghiệp, số lượng nhân lực khoa học  - công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất chiếm tỷ lệ ngày càng cao, vượt trội hơn hẳn so với số lượng lao động làm việc cơ bắp thông thường. Đội ngũ công nhân trí thức xuất hiện và có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng, điều này đã và đang làm thay đổi dần tỷ trọng của lao động phổ thông và lao động có trình độ cao. Do đó, việc bổ sung nội hàm của khái niệm “người lao động” là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, vì “Điều này hết sức quan trọng đối với chúng ta khi đất nước đang từng bước tiến tới nền kinh tế tri thức, khi nhiệm vụ trí thức hóa công nhân trở thành đòi hỏi bắt buộc, nếu chúng ta muốn đưa đất nước tiến kịp thế giới, tránh tụt hậu xa hơn trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới”.

Thứ hai, trước đây, khi nói đến lực lượng sản xuất, C. Mác nhấn mạnh nhiều đến khả năng của con người trong việc chinh phục giới tự nhiên. Vì lẽ đó, để thể hiện khả năng của mình, con người đã dùng những phương tiện, kỹ thuật hiện đại để chinh phục ngày càng nhiều giới tự nhiên. Thực tế cho thấy, trong quá trình sản xuất vật chất, con người không chỉ chinh phục giới tự nhiên mà còn phải thích nghi với giới tự nhiên, nên khi đề cập đến phạm trù “lực lượng sản xuất” mà chỉ nhấn mạnh đến hoạt động chinh phục giới tự nhiên, xem nhẹ hoạt động thích nghi với giới tự nhiên là chưa đầy đủ. Theo tác giả Lý Bân, “Quan niệm như vậy không chỉ hạn chế nội hàm của khái niệm lực lượng sản xuất mà còn khó dung nạp với sự phát triển bền vững, phát triển liên tục”. Hệ quả của quan điểm này là “con người tìm mọi cách chinh phục, khai thác sao cho được nhiều nhất của cải từ thiên nhiên, bất chấp mọi hậu quả”.

Những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho công cụ lao động ngày càng được cải tiến; sức lao động của con người được giải phóng; trình độ kiến thức, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao động không ngừng được nâng cao_Ảnh: Tư liệu

Trong bối cảnh hiện nay, với mục tiêu phát triển bền vững, quan niệm về lực lượng sản xuất cần được bổ sung khía cạnh “con người sống hài hòa với tự nhiên”. Trong lịch sử loài người đã và đang trải qua ba giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất. Giai đoạn 1: Lực lượng sản xuất phát triển một cách tự phát. Đây là giai đoạn mà kinh nghiệm sản xuất trực tiếp của người lao động sản sinh ra kỹ thuật. Nó xảy ra trước cách mạng công nghiệp. Giai đoạn 2: Lực lượng sản xuất phát triển bằng mọi giá. Đây là giai đoạn sau cách mạng công nghiệp. Ở giai đoạn này, con người đã tận dụng những thành quả của khoa học, kỹ thuật để khai thác ngày càng nhiều tự nhiên nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình. Giai đoạn 3: Lực lượng sản xuất phát triển một cách có chọn lọc. Do mối quan hệ giữa con người và tự nhiên ngày càng trở nên xung khắc, biểu hiện qua những thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu..., nên con người từng bước điều chỉnh hoạt động sản xuất vật chất của mình, chuyển hướng sang phát triển lực lượng sản xuất một cách có chọn lọc, tránh làm tổn hại đến tự nhiên. Vì vậy, thay vì phát triển lực lượng sản xuất như trước kia, ngày nay cần phải phát triển lực lượng sản xuất một cách chọn lọc, bởi “lực lượng sản xuất là khái niệm thể hiện không chỉ hoạt động đấu tranh mà còn thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa con người và giới tự nhiên”.

Thứ ba, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là mạng in-tơ-nét, khoa học nói riêng và tri thức nói chung được phổ biến nhanh chóng, hầu như tức thời, với nhiều sự kiện khoa học trên toàn thế giới. Dòng tri thức, dòng công nghệ cùng dòng vốn được lưu thông với tốc độ chưa từng có trên toàn thế giới. Người ta có thể sản xuất từng bộ phận cấu thành của một sản phẩm ở nhiều nơi trên thế giới, sau đó lắp ráp và lưu thông ở các nước khác nhau nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Vì vậy, đầu ra của lực lượng sản xuất hiện đại không còn là sản phẩm riêng của lao động ở một quốc gia nữa, mà là sản phẩm mang tính toàn cầu. Do đó, lực lượng sản xuất hiện đại trở thành một yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa. Đây là đặc điểm mới, chỉ riêng có ở lực lượng sản xuất hiện đại mà lực lượng sản xuất ở các giai đoạn trước kia chưa có hoặc mới ở trong một phạm vi hẹp. Ở thời của C. Mác, ông đã đề cập đến xu hướng phát triển tất yếu của nền sản xuất là “thiết lập mối quan hệ ở khắp mọi nơi trên thế giới”, nhưng chưa thực sự đặt ra vấn đề toàn cầu hóa của lực lượng sản xuất. Do vậy, để có thể tiếp tục vận dụng quan điểm của C.  Mác về lực lượng sản xuất, cần mở rộng nội hàm của khái niệm này không chỉ ở trong một nền sản xuất vật chất ở một quốc gia nhất định, mà còn ở trong một nền sản xuất vật chất trên phạm vi toàn thế giới. Điều đó góp phần làm cho chủ nghĩa Mác nói chung và quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất nói riêng được bồi đắp bằng thực tiễn sinh động của thời đại ngày nay.

Như vậy, chúng ta không thể phủ nhận được vai trò to lớn của quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với sự phát triển của xã hội loài người, đặc biệt là đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Sự phát triển đó, một mặt, cung cấp những bằng chứng thuyết phục để chúng ta tiếp tục khẳng định những giá trị đúng đắn, bền vững của chủ nghĩa Mác; mặt khác, cũng đặt ra yêu cầu cần phải bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác nói chung và quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất nói riêng. Việc bổ sung, phát triển đó không phải là “xét lại” chủ nghĩa Mác, cũng không phải là làm lu mờ chân giá trị của chủ nghĩa Mác, mà là làm cho những nội dung, quan điểm của chủ nghĩa Mác có thêm sức sống mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của giai đoạn hiện nay. Đó là việc làm hết sức khó khăn, đòi hỏi những người mác-xít phải kiên trì, có bản lĩnh và có trách nhiệm với hệ thống lý luận cách mạng và khoa học được coi là nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét