Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở gắn với phát huy dân chủ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người nông dân hiện nay

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở gắn với phát huy dân chủ là nhiệm vụ chính trị căn bản được thể hiện nhất quán trong hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng; bảo đảm sự tương thích, tính ưu việt của nền chính trị Việt Nam trước yêu cầu của thực tiễn. Trong bối cảnh, tình hình mới, cần có những giải pháp đột phá, toàn diện nhằm phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, từ đó, nâng cao chất lượng đời sống người nông dân một cách thực chất, vững bền.

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở gắn với phát huy dân chủ - nền tảng của những thắng lợi vẻ vang

Hệ thống chính trị ở cơ sở bao gồm các thiết chế chính trị như tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân (được tổ chức và hoạt động trên địa bàn các xã, phường, thị trấn dựa trên những nguyên tắc nhất định); thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân tại cơ sở; có “vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư”. Việc phát huy dân chủ ở khu vực nông thôn (các thôn, xóm, buôn, làng,...) gắn chặt với công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, cụ thể là cấp xã, nơi chính quyền nằm ngay trong lòng dân (cấp thấp nhất trong hệ thống chính trị 4 cấp (cùng với cấp huyện, tỉnh và Trung ương) và là hạt nhân của chế độ chính trị cũng như đời sống xã hội; nơi diễn ra cuộc sống của dân, “chính quyền và các đoàn thể tổ chức cuộc sống, hoạt động và các phong trào của cộng đồng dân cư để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hành dân chủ của chính mình”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy thăm vùng chè cổ thụ Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái_Nguồn: baodantoc.vn

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cấp xã là cấp gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi công việc đều xong xuôi”. Thực tế, hệ thống chính trị ở cơ sở là cấp chính quyền gần dân nhất, trực tiếp thực hiện giải quyết và bảo đảm việc phát huy quyền làm chủ, lợi ích hợp pháp của nhân dân; tổ chức hành động, thực hiện nhiệm vụ nhằm đưa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, gắn kết giữa “ý Đảng” với “lòng dân”; tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư. Do đó, cấp xã là địa chỉ cuối cùng kiểm nghiệm, khẳng định sự thành công của những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Những năm đầu xây dựng chế độ mới, trong sự chuyển mình của một dân tộc từ địa vị nô lệ, thuộc địa trở thành một nước độc lập, tự do, dân chủ, hệ thống chính trị ở cơ sở dù còn non trẻ song sớm được củng cố bởi tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong cộng đồng ở những thời khắc quan trọng, quyết định vận mệnh của đất nước..., qua đó, dần định hình giá trị của con người mới xã hội chủ nghĩa (những quyền căn bản của cá nhân cũng như quyền độc lập và tự quyết của dân tộc được khẳng định, bảo vệ). Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố và kiện toàn, huy động tối đa sức người, sức của cho tiền tuyến, cho chiến thắng, góp phần hoàn thành hai nhiệm vụ lịch sử là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; đồng thời, chứng minh sự đóng góp to lớn và ý chí quật cường, kiên định của nông dân, là “lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thực sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân”. Những năm đầu thời kỳ hòa bình, ổn định, toàn dân xây dựng đất nước, với xuất phát điểm là nền nông nghiệp truyền thống, mới bước vào giai đoạn đổi mới, hệ thống chính trị ở cơ sở là nơi trực tiếp tiếp nhận sự thay đổi, chuyển giao những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách đặt ra từ thực tiễn cuộc sống; nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới (trước hết là tư duy mới về phát triển kinh tế, cơ chế khoán sản phẩm đến hộ gia đình trong hợp tác xã nông nghiệp…) chủ yếu xuất phát từ quá trình nông dân tìm tòi, sáng tạo cách làm ăn mới. Có thể thấy, hệ thống chính trị đã được xây dựng phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn đất nước ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Bước sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trình độ khoa học - kỹ thuật phát triển vượt bậc (đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay), khoa học - công nghệ đã trở thành yếu tố quan trọng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và là cơ hội lớn để nông dân tham gia chủ động, sáng tạo vào chu trình sản xuất, quản lý. Do đó, thực hiện mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là nhu cầu cấp bách đối với hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như với người nông dân và vai trò chủ thể của người dân cần được phát huy hơn bao giờ hết.

Sức sáng tạo không giới hạn của người nông dân được kết tinh trong quá trình lao động sản xuất và thông qua việc phát huy dân chủ, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn trong điều kiện mới; nhiều sáng tạo của người dân rất có giá trị, như: máy gieo hạt tự động năng suất gấp 40 lần so với 1 người, máy nông nghiệp đa năng, phương thức canh tác mới, áp dụng các công nghệ thông minh (công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ rô-bốt và tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)) trong sản xuất nông nghiệp; các phương thức, mô hình phát triển sản xuất mới, như: mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng (tỉnh Lâm Đồng), mô hình du lịch nông nghiệp (tỉnh Gia Lai), mô hình nông nghiệp sa mạc (tỉnh Bình Thuận), mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp (tỉnh Quảng Ngãi),...

Việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở chỉ thành công khi thực sự phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tuy nhiên, bài học kinh nghiệm đó có lúc, có nơi vẫn chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, thay vào đó là lối tư duy xa rời quần chúng, chủ quan, duy ý chí, chưa thực sự xuất phát từ lợi ích của người dân…, thậm chí, có những bức xúc của người dân không được xử lý kịp thời từ cơ sở. Một số chính sách, quyết định được ban hành còn mang nặng tính chủ quan, xa rời thực tiễn, chưa đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở cần đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn và sâu sát thực tiễn; dựa trên sự giám sát có hiệu quả, thực chất của nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị và đánh giá đối với phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Một số khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới

Ngoài những đặc điểm chung, hệ thống chính trị ở cơ sở còn bị chi phối bởi các yếu tố mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa, địa lý… (sự đa dạng giữa các vùng, miền từ vùng núi, trung du, đồng bằng, hải đảo...; mật độ, quy mô dân số, diện tích, đất đai, phương thức canh tác khác nhau, trình độ kinh tế, đời sống văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, tính chất cộng đồng dân cư, dân tộc, tín ngưỡng - tôn giáo, phong tục, tập quán các địa phương khu vực nông thôn...), gây nhiều khó khăn trong hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Những mối đe dọa an ninh truyền thống hay phi truyền thống (tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở vùng nông thôn có những diến biến phức tạp, dịch bệnh, thiên tai, sự đình trệ của các chuỗi cung ứng  hàng hóa…) khiến việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cũng như phát huy dân chủ ở cơ sở phải đối mặt với nhiều thách thức:

Thứ nhất, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tác động mạnh mẽ đến chiến lược quy hoạch, sử dụng đất nông nghiệp trong hoạt động xây dựng và phát triển đô thị, khiến một bộ phận người nông dân rơi vào tình trạng thiếu đất sản xuất. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ, khiến phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống dần mất lợi thế cạnh tranh, người làm nông rơi vào cảnh bị thua thiệt, phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Việc bị lệ thuộc về tư liệu sản xuất dẫn đến hạn chế ít nhiều việc thực hiện quyền làm chủ, thực hành dân chủ của người nông dân. Sự xuất hiện của “nhóm lợi ích” trong nông nghiệp, nông thôn (thể hiện ở các lợi ích kinh tế thiếu lành mạnh, mối quan hệ chằng chéo trong hệ thống dòng tộc làng, xã và văn hóa nông thôn Việt Nam), càng khiến tình trạng bất bình đẳng, thiếu dân chủ dễ phát sinh, ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của người dân, uy tín, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị và tư cách, phẩm chất của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Thứ hai, sự dịch chuyển lao động từ nông thôn đến các thành phố (nơi có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, cơ hội việc làm,...) gắn với quá trình công nghiệp hóa khiến vùng nông thôn chỉ còn chủ yếu là người già, người có kiến thức và kỹ năng lao động nông nghiệp thấp. Thực trạng đó không chỉ gây thiếu hụt lao động nông nghiệp, mà còn gây khó khăn trong việc tạo nguồn cán bộ tại chỗ cho hệ thống chính trị cơ sở. Ngoài ra, nhiều nguồn lực trong nông nghiệp chưa được khai thác triệt để, tình trạng hoang phí tài nguyên trong nông nghiệp, nông thôn vẫn diễn ra phổ biến.

Thứ ba, việc thiếu vốn, trình độ khoa học - công nghệ hạn chế, chậm áp dụng những phương thức kinh doanh mới; năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng có giới hạn; sử dụng các phương thức vận tải và bảo quản hiện đại còn hạn chế… cũng là những thử thách, khó khăn không nhỏ đối với người nông dân Việt Nam, từ đó ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn hiện nay.

Cán bộ khuyến nông huyện Kbang, tỉnh Gia Lai hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho đồng bào dân tộc thiểu số_ Nguồn: baogialai.com.vn

Những nhiệm vụ, giải pháp trong tình hình mới

Bối cảnh mới tất yếu đặt ra những yêu cầu mới trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người nông dân, theo đó, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, đổi mới, nâng cao nhận thức về các mục tiêu cụ thể trong phát huy dân chủ cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới.

Cần xác định những vấn đề cụ thể trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Về nông nghiệp sinh thái: Việc xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái sẽ bảo đảm vấn đề an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, tôn trọng sự bền vững của hệ sinh thái và có định hướng rõ ràng trong xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là tất yếu, khách quan; cần bảo đảm những tiêu chí của sản phẩm nông nghiệp sạch, tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường… trong quá trình nâng cấp thương hiệu nông nghiệp.

Về nông thôn hiện đại: Cùng với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, cần nhanh chóng thực hiện việc rút ngắn khoảng cách, trình độ phát triển giữa đô thị và nông thôn, thiết lập tính công bằng giữa các vùng, các đối tượng ngành, nghề và sự bình đẳng, ổn định xã hội nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Nông thôn hiện đại gắn với việc bảo tồn các yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Nông thôn hiện đại còn là sự đô thị hóa những phương thức sinh hoạt ở nông thôn, qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và việc tiếp cận khoa học - công nghệ hiện đại của người dân trở nên dễ dàng hơn.

Về nông dân văn minh: Mọi sự phát triển đều vì con người, trình độ phát triển được thể hiện qua văn minh vật chất, tinh thần của người nông dân; mức độ đóng góp vào sự phát triển xã hội; sự tiện nghị, chất lượng đời sống ở nông thôn. Ngoài ra, mục tiêu nông dân văn minh còn thể hiện ở trình độ nhận thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, xã hội và sẵn sàng tiếp nhận thành quả của quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa.

Thứ hai, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Để hệ thống chính trị ở cơ sở vận hành hiệu quả, cần phát huy thực chất dân chủ ở cơ sở, để thực sự "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Hiến pháp năm 2013 chỉ rõ: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước” và “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở thông qua việc vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cấp trên vào điều kiện cụ thể của địa phương một cách phù hợpvận động, thuyết phục và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở hiệu quả; thực hành dân chủ trong tổ chức đảng làm hạt nhân mở rộng dân chủ ra xã hội... Xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở thạo việc, liêm chính, phục vụ, chú trọng việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, tạo thuận lợi cho người dân; nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch, cung cấp thông tin, đối thoại và trách nhiệm giải trình trước nhân dân theo quy định. Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở một cách thực chất; xây dựng quy chế phối hợp của Mặt trận Tổ quốc với chính quyền cơ sở; nâng cao năng lực của các tổ chức tự quản trên địa bàn dân cư, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển ở địa phương, cơ sở...

Thứ ba, không ngừng nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.

Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở là quá trình lan tỏa những mục tiêu cao đẹp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đến từng người dân, nên quá trình phổ biến giá trị phải thực sự mang lại niềm cảm hứng, tính hiệu quả, gần gũi với đời sống nhân dân; do đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm và tinh thần cách mạng để dân tin yêu.

Xuất phát từ vai trò then chốt của cấp cơ sở trong hệ thống chính trị ở nông thôn nên đòi hỏi người cán bộ ở cơ sở phải có trình độ và năng lực tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Thực tiễn cho thấy, nơi nào có đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở vững mạnh thì ở đó tình hình chính trị - xã hội ổn định; kinh tế, văn hóa phát triển; quốc phòng, an ninh được giữ vững và ngược lại. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở cơ sở nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, chất lượng và hiệu quả công việc trong tình hình mới là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng, then chốt.

Thứ tư, tăng cường phát huy dân chủ ở khu vực nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới là quá trình nhằm tạo ra động lực và mở ra cơ hội cho nông thôn phát triển; nhu cầu ấy phải được xuất phát từ tư duy mới của Đảng, được thấm nhuần trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị nông thôn, thể hiện ở vai trò đi đầu, dẫn dắt của cán bộ, đảng viên; xuất phát từ nền tảng thực tiễn của phát triển nông thôn, của quá trình xây dựng nông thôn mới từ mọi vùng, miền. Đích đến phải là mức sống, điều kiện sống và làm việc của cư dân trong cả nước phải công bằng trong sự đa dạng và tiếp nối với truyền thống dân tộc(7).

Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngày 10-11-2022, nhất là đối với việc xây dựng nông thôn mới. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, sự tinh gọn của bộ máy và hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo, quản lý được thể hiện một phần quan trọng qua năng lực tiếp nhận, xử lý công việc và truyền đạt thông tin của đội ngũ cán bộ cơ sở, sự kết nối thông suốt giữa các bộ phận của hệ thống chính trị nông thôn trên cơ sở thấu hiểu, vận dụng các phương pháp lãnh đạo và quản trị hiện đại hơn, thể hiện sự thích ứng cao độ với những đổi thay nhanh chóng của thực tiễn, phù hợp với tiêu chí “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét