Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số

Nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, quyết định sự thành công của từng nghị quyết nói riêng, uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng nói chung. Nghị quyết đi vào cuộc sống là minh chứng sinh động thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng đều là của dân, do dân, vì dân; nhờ vậy, dân hiểu Đảng, tin Đảng, theo Đảng. Trong bối cảnh chuyển đổi số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, việc tuyên truyền nghị quyết của Đảng nói riêng, truyền thông chính sách nói chung cần những sự thay đổi phù hợp, hiệu quả.

Chuyển đổi số và ý chí, khát vọng phát triển đất nước

Những năm gần đây, khái niệm chuyển đổi số dần trở nên quen thuộc với người dân trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Chuyển đổi số không chỉ là khẩu hiệu, sự hô hào hay lý thuyết trừu tượng mà ngày càng thâm nhập, ăn sâu vào đời sống người dân, trên hầu khắp các lĩnh vực. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, chuyển đổi số như được tiếp thêm động lực để phát triển mạnh mẽ, rộng khắp hơn, ở các cấp độ khác nhau, từ người dân đến từng đơn vị, ngành, nghề và cả quy mô quốc gia. Tại Việt Nam, xu hướng chuyển đổi số được đẩy mạnh trong bộ máy nhà nước. Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố đã, đang và có dự định xây dựng thành phố thông minh (Smart City) với các nền tảng công nghệ mới. Nhiều hội thảo, hội nghị được tổ chức trực tuyến, thu hút đông đảo người tham gia, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Trước hết, cần điểm qua những điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chuyển đổi số. Trong Văn kiện Đại hội XIII, ý chí, khát vọng phát triển đất nước được thể hiện đậm nét, biểu hiện bằng những chỉ tiêu, mục đích, cột mốc cụ thể: Đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đặc biệt, có những khái niệm lần đầu tiên được đề cập, đó là: Chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, với nội hàm rõ ràng, nhấn mạnh nhiều lần.

Đề cập định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”; “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”…

Trong khi đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, ngay tên chủ đề đã thể hiện nội dung chuyển đổi số, cụ thể là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển thu nhập cao”. Chiến lược đưa ra 5 quan điểm phát triển, trong đó có 2 quan điểm nhấn mạnh về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Quan điểm 1 xác định: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Quan điểm 2 yêu cầu: “Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới”.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trên mọi lĩnh vực, chuyển đổi số là phương thức quan trọng để thực hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong thời gian tới. Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay là yêu cầu bức thiết, là chủ trương nhất quán, được thể hiện mạnh mẽ, với quyết tâm chính trị cao, trên cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia. Để có thể tiến hành thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở nước ta hiện nay, việc truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là một trong những bước đi đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Hình thức mới và hiệu ứng tích cực

Truyền thông chính sách, trước hết và rất quan trọng là việc tuyên truyền nghị quyết của Đảng, nhằm đưa nghị quyết của Đảng đến với nhân dân, đi vào cuộc sống. Trong bối cảnh mới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tuyên truyền, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là đòi hỏi tất yếu. Dấu mốc không thể không nhắc đến đó là lần đầu tiên, Đảng ta triển khai học tập, quán triệt nghị quyết theo hình thức mới: Trong 2 ngày 27 và 28-3-2021, Bộ Chính trị chủ trì tổ chức hội nghị theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII, với 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và hơn 7.400 điểm cầu cơ sở, với sự tham dự của gần 1 triệu đảng viên. Tiếp đó, Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội nghị tổng kết công tác Mặt trận Tổ quốc toàn quốc và việc quán triệt nghị quyết các Hội nghị Trung ương khóa XIII, các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng cũng diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Năm 2022, trong hai ngày 21 và 22-7, ngày 5 và 6-12, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nối điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (thành phố Hà Nội) và hơn 11.600 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc với hơn 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.

Những hội nghị học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết trên cho thấy, nhiều sự chuyển biến tích cực, hiệu quả rõ rệt khi lần đầu tiên rất nhiều cán bộ, đảng viên được nghe các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng truyền đạt nghị quyết một cách trực tiếp mà không phải thông qua các cấp trung gian. Những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, những điểm chính yếu, quan trọng của mỗi nghị quyết,… đều được truyền đạt một cách trực tiếp, nhanh chóng, đầy đủ, chính xác nhất. Điều này được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên cả nước hết sức đồng tình, ủng hộ, vui mừng, đồng thuận, hy vọng vào sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phù hợp với bối cảnh mới, nhằm tối ưu hóa việc tổ chức thực hiện nghị quyết, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với việc tiếp tục xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” như Hiến pháp năm 2013 xác định.

Những buổi học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng theo hình thức trực tuyến đã trở thành những đợt sinh hoạt chính trị quan trọng ngày càng đi vào nền nếp của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Sự chuyển biến, thay đổi phương thức học tập nghị quyết trong bối cảnh chuyển đổi số đã thể hiện đúng tinh thần nội dung Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 9-3-2021, của Bộ Chính trị, tổ chức thật tốt việc quán triệt, học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng là để “tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân”.

Không chỉ giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền về nội dung các nghị quyết nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác, mà việc tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến còn tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, khi cắt giảm được nhiều hội nghị ở các cấp trung gian khác nhau. Tất nhiên, muốn nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, tạo những bước chuyển biến tích cực, những “cú huých” trong phát triển ở từng bộ, ngành, địa phương, còn cần sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng nơi, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong học tập, quán triệt, thực hiện nghị quyết với các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, sát hợp, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính khả thi cao.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, việc tuyên truyền nghị quyết của Đảng nói riêng, truyền thông chính sách nói chung cần những sự thay đổi phù hợp, hiệu quả (Trong ảnh: Các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng sử dụng thiết bị điện tử để nghiên cứu các nội dung của kỳ họp)_Ảnh: TTXVN

Tiếp tục nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng

Kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết của Đảng trong bối cảnh chuyển đổi số đã cho thấy sự đổi thay và những hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, cần lưu ý một số vấn đề sau.

Thứ nhất, cần có các giải pháp kỹ thuật để thông tin được bảo mật an toàn, không để lộ lọt thông tin quan trọng ra ngoài những đối tượng được truyền đạt, tránh gây ra những hậu quả không mong muốn, nhất là khi các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị dựa vào đó để cắt xén một phần rồi xuyên tạc, bóp méo, thổi phồng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính liên tục, thông suốt, chất lượng của đường truyền kết nối giữa các điểm cầu với điểm cầu trung tâm ở Trung ương, để các đại biểu dù ở điểm cầu nào cũng có thể nghe được trọn vẹn các nội dung từ báo cáo viên cao cấp trình bày.

Thứ hai, các cấp ủy cần có biện pháp quán triệt nghiêm túc, hiệu quả tới tất cả các đối tượng tham dự hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai nghị quyết, để việc tham dự đạt chất lượng, hiệu quả. Theo đó, các nội dung chính của nghị quyết cần phải được đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững một cách chủ động, chất lượng, thiết thực, hiệu quả để tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, triển khai tới các cấp, trong đơn vị và vận dụng trực tiếp vào công việc mà mình đảm nhiệm. Đồng thời, cần lấy kết quả học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết là cơ sở để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên hằng năm, cả nhiệm kỳ.

Thứ ba, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần nêu gương, thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc tiếp thu, quán triệt, triển khai nghị quyết một cách phù hợp, sáng tạo, linh hoạt tại cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành mình. Các cấp ủy cần bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của nghị quyết để triển khai một cách chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị… Việc triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cần chú trọng giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu, những vấn đề bức xúc, còn vướng mắc, những khâu đột phá tại cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, sau mỗi hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai nghị quyết, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông qua các hình thức, phương tiện tuyên truyền khác, như tọa đàm, hội thảo, hội nghị…, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, cơ bản, cốt lõi, những điểm mới của nghị quyết, để mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể nắm bắt được, qua đó xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện hợp lý, khả thi, hiệu quả. Đồng thời, cần sáng tạo, linh hoạt, tận dụng tối đa sự tiện lợi, sức mạnh của cuộc cách mạng số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết thông qua các nền tảng truyền thông khác nhau, với những hình thức phù hợp, hiệu quả.

Thứ năm, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, quán triệt, triển khai nghị quyết, qua đó kịp thời phát hiện những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp sát hợp; đồng thời, có hình thức biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt; phê bình, xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm. Cần phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện, góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch hành động, sao cho nghị quyết được cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả ở các cấp ủy, tổ chức đảng, giải quyết khâu yếu nhất và chậm được khắc phục lâu nay đó là nghị quyết thì đúng, trúng, hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét