Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Tư duy quân sự Hồ Chí Minh - tiếp cận từ góc độ vǎn hoá

 "Quân sự" dùng ở đây hiểu theo nghĩa rộng, như "quân sự" trong "đường lối quân sự" của Đảng. Tư duy quân sự Hồ Chí Minh là sự tiếp tục của tư duy chính trị Hồ Chí Minh bằng chiến tranh và trong chiến tranh cách mạng, nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của cách mạng vì độc lập dân tộc (ĐLDT) và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu về tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Bài này chỉ tiếp cận đôi điều từ góc độ văn hóa, xuất phát từ nguồn gốc văn hóa và ảnh hưởng văn hóa đối với tư duy chính trị Hồ Chí Minh là: tinh hoa văn hóa Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lê-nin (là cơ sở lý luận và phương pháp luận, cũng là tinh hoa văn hóa phương Tây hiện đại đã trở thành tinh hoa văn hóa nhân loại), cùng ảnh hưởng của những tinh hoa văn hóa khác Đông - Tây kim cổ. 

Văn hóa bản chất là nhân văn. Nói văn hóa với tư duy quân sự dường như nghịch lý. Nhưng đó lại là thuận lý, mười lần thuận lý đối với tư duy quân sự Hồ Chí Minh. Bởi, với Hồ Chí Minh, "dùng binh là việc nhân nghĩa, muốn cứu nước, cứu dân". Bởi chiến tranh chính nghĩa, yêu nước và cách mạng là "văn minh thắng bạo tàn". 

Chiến tranh xâm lược, phi nghĩa không có gì liên quan đến văn hóa, đến văn minh, trái lại, là chống lại văn hóa, phản lại văn minh một cách tàn bạo nhất - dù dưới bất cứ chiêu bài gì, cả chiêu bài "can thiệp nhân đạo", như ở Cô-xô-vô mà thực chất là xâm lược. 

Tư duy quân sự Hồ Chí Minh, đó trước hết vẫn là việc giải quyết những vấn đề chính trị của chiến tranh và trong chiến tranh nhằm đáp ứng những yêu cầu của chiến tranh, của đấu tranh vũ trang - quy luật chung của chiến tranh - nhằm giành thắng lợi cho chiến tranh cách mạng và tiếp tục đưa cách mạng phát triển trong chiến tranh. Nó phản ánh những vấn đề có tính quy luật của chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng ở Việt Nam trong thời đại mới. 

Cụ thể là: xác định mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng là nhằm thực hiện mục tiêu cơ bản và lâu dài của cách mạng: ĐLDT (dân chủ nhân dân), tiến lên CNXH, vì nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Xây dựng lực lượng của chiến tranh cách mạng trên cơ sở khối đại đoàn kết của toàn dân tộc, lấy liên minh công nông làm nền tảng, phát động và tổ chức toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, mở rộng đoàn kết quốc tế. Giải quyết những vấn đề về phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự trên cơ sở vận dụng trong chiến tranh và theo yêu cầu của quy luật quân sự, những phương pháp và hình thức đấu tranh cách mạng, phát động và tổ chức toàn dân đánh địch một cách toàn diện: quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa. 

Do vậy, tiếp cận tư duy quân sự Hồ Chí Minh, không thể tách rời nguồn gốc văn hóa và ảnh hưởng văn hóa đối với tư duy chính trị Hồ Chí Minh (như nêu ở trên). 

Trực tiếp liên quan đến tư duy quân sự xét theo góc độ văn hóa, đó là văn hóa quân sự. 

Trong vàn hóa Việt Nam, có một bộ phận tiêu biểu là văn hóa quân sự Việt Nam (VHQSVN) - linh hồn của truờng phái quân sự Việt Nam. Bởi nói dân tộc là phải nói bản sắc văn hóa. Nói trường phái quân sự dân tộc không thể không thấy dòng máu văn hoá dân tộc chảy trong đó. Đây là dòng văn hoá quân sự (VHQS) chủ yếu trong tư duy quân sự (cũng là tư duy chính trị) Hồ Chí Minh. Cũng cần nói thêm, văn hóa bản chất là nhân văn nhưng mang bản sắc riêng của các dân tộc khác nhau và dấu ấn riêng của những giai cấp khác nhau trong lịch sử phát triển lâu dài của dân tộc (quốc gia - dân tộc). 

VHQSVN được xây dựng và phát triển trong lịch sử lâu dài giữ nước gắn với dựng nước của dân tộc Việt Nam: trong các cuộc khởi nghĩa dân tộc và chiến tranh dân tộc, chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nhằm lật đổ ách thống trị ngoại bang và đánh bại chiến tranh xâm lược. 

VHQSVN phát triển cả trong sự nghiệp củng cố quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế và văn hóa qua những thế kỷ sống trong hòa bình. VHQSVN thấm nhuần tinh hoa văn hoá Việt Nam, thể hiện trong chiến tranh lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần cộng đồng và ý thức dân chủ, đặc biệt ở làng xã. Nhờ vậy mới có quyết tâm chiến đấu kiên cường để bảo vệ cộng đồng, bảo vệ quê hương, đất nước; mới có "cả nước đánh giặc", "toàn dân là binh", đánh địch toàn diện, đánh địch khắp nơi, làm chủ làng xã, có thể tạm thời mất nước nhưng không để mất làng, không để mất bản sắc văn hoá dân tộc, từ làng, nhà lấy lại nước, giữ gìn và phát triển văn hoá dân tộc (đương nhiên dưới sự lãnh đạo của tập đoàn phong kiến tiến bộ, giữ vai trò lịch sử tích cực trong dân tộc). Có văn hoá yêu nước nồng nàn, tinh thần cố kết dân tộc, mới có chiến tranh toàn dân quyết đánh và quyết thắng, cách đánh mưu mẹo, thông minh, sáng tạo, "lấy đoản chế trường", "lấy yếu đánh mạnh". Có bình đẳng nam nữ (thuận vợ, thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn - chứ không phải "phu xướng, phụ tùy"), mới có "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh". 

Đó là chiến tranh và chiến thắng của văn hóa "lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo" của dân tộc nhỏ đánh thắng kẻ thù xâm lược to bắt nguồn từ sức mạnh của văn hóa. Dân tộc Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, thiết tha với hòa bình trong độc lập tự do, hiểu rõ cái giá của độc lập tự do. Do vậy, cố gắng tránh chiến tranh mà vẫn giữ được độc lập, tự do; buộc phải làm chiến tranh thì quyết thắng trong mọi hoàn cảnh để giữ được độc lập tự do; đánh địch bằng mọi cách, đánh cả vào lòng địch (tâm công) chứ không riêng bằng quân sự; cầu đánh bại quân địch chứ không cầu tiêu diệt nhiều quân địch; thắng rồi nhưng vẫn "mở đường hiếu sinh" tha chết cho tàn quân chiến bại, lấy đường hòa hiếu với kẻ xâm lược bị đánh bại để "dập tắt muôn đời chiến tranh". 

Tư duy quân sự Hồ Chí Minh đậm cái chất của văn hóa Việt Nam, VHQSVN truyền thống phát triển lên một chất mới, trên cơ sở chủ nghĩa Mác Lê-nin, để đánh thắng kẻ thù xâm lược trong thời đại mới là bọn đế quốc có tiềm lực quân sự hiện đại của nền công nghiệp hiện đại cùng quân đội của chúng được trang bị nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. (Khác kẻ thù trước đây mà ông cha ta đánh thắng cùng trình độ phát triển, cùng hình thái kinh tế - xã hội với nước ta thời đó). Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, tìm ra đáp số của bài toán mới đó, trước hết bằng lời giải về chính trị - đường lối cách mạng thấm nhuần văn hóa, lời giải về quân sự thấm nhuần văn hóa: lời giải về văn hóa. Chính giới Mỹ, nhiều nhà chiến lược của Mỹ thừa nhận: thắng lợi của Việt Nam với Mỹ là thắng lợi của văn hóa Việt Nam. Nên nói thêm: Văn hoá Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. 

Tư duy quân sự Hồ Chí Minh đương nhiên còn tiếp nhận những dòng văn hoá khác, những tri thức quân sự cổ kim đông tây. Bác Hồ của chúng ta từng lược dịch Binh pháp Tôn Tử, viết Kinh nghiệm du kích Tàu, Kinh nghiệm du kích Pháp, Kinh nghiệm du kích Nga, Phép dạy làm tướng của Khổng Minh... Những di sản quân sự Mác và Ăng-ghen - nhất là của Ăng-ghen được Bác nghiên cứu khi nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong quá trình cuộc kháng chiến lâu dài chống hai đế quốc to, tư duy quân sự của Bác đã từng bước được làm phong phú thêm bởi khoa học quân sự xô-viết, kinh nghiệm đấu tranh vũ trang của cách mạng Trung Quốc, những kiến thức về vũ khí kỹ thuật hiện đại. Bác không chỉ coi trọng xây dựng dân quân du kích và cách đánh du kích mà coi trọng cả xây dựng bộ đội chủ lực, xây dựng các quân binh chủng kỹ thuật hiện đại, cách đánh của quân đội chính quy. 

Văn hóa trong tư duy quân sự Hồ Chí thể hiện rõ ở chủ nghĩa nhân văn mới, có thể gọi là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, sản phẩm tổng hợp của chủ nghĩa yêu nước và lòng nhân ái truyền thống Việt Nam với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản. Cố tránh chiến tranh nếu có thể được. Buộc phải làm chiến tranh thì đó là vì nhân nghĩa, vì mục đích chính nghĩa, nhân văn của chiến tranh. Quán triệt tư tưởng nhân văn trong xây dựng lực lượng, trong các cách đánh; tìm mọi cách giảm tổn thất cho ta và cả cho địch. Bác từng nói: "Tôi quý sinh mạng thanh niên Pháp như quý sinh mạng thanh niên Việt Nam". "Máu thanh niên Pháp hay máu thanh niên Việt Nam cũng đều là máu". 

Như đã biết, sau thắng lợi của cách mạng tháng 8/1945, trước âm mưu xâm lược của nhiều kẻ thù cùng lúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách rất kiên quyết và khéo léo, đối nội và đối ngoại, kể cả những biện pháp đau đớn, để bảo vệ thành quả cách mạng, củng cố nền độc lập mới giành được mà không phải làm chiến tranh. Nhưng thực dân phản động Pháp cố tình cướp nước ta hòng đạt lại ách thống trị của chúng. "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ?". Chiến tranh yêu nước như vậy, rõ ràng là nhân văn, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống của mỗi người dân. 

Trong mấy thập kỷ chiến tranh, Hồ Chí Minh và Đảng ta nhiều lần tiến hành các cuộc thương lượng hòa bình, ký kết những hiệp ước hòa bình: Hiệp định sơ bộ 6/3, Tạm ước 14/9, Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Hiệp định Pa-ri. Nhưng các thế lực xâm lược vẫn cố tình áp đặt chiến tranh, buộc nhân dân ta cuối cùng vẫn phải giành lấy hòa bình bằng chiến tranh - hòa bình trong Độc lập Tự do. Hồ Chí Minh, những người cộng sản không sùng bái bạo lực, không sùng bái cả bạo lực cách mạng, bạo lực cách mạng chỉ cần thiết để đánh bại bạo lực phản cách mạng. Cuộc chiến tranh yêu nước 30 năm 1945 - 1975 hoàn toàn do kẻ thù áp đặt chúng ta phải tiến hành. 

Chủ nghĩa nhân văn trong tư duy quân sự Hồ Chí Minh thể hiện trong nhiều chủ trương chiến lược và sách lược của Đảng ta trong quá trình chiến tranh, trong các cách đánh của lực lượng vũ trang nhân dân, trong nhiều chính sách đối với nhân dân, quân đội, cả đối với những người lầm đường, tù hàng binh, đối với kẻ thù, mà mọi người đều biết. Nổi lên vẫn là sự quan tâm của Hồ Chí Minh đối với con người, đối với nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân chiến đấu và phục vụ chiến đấu kết hợp chiến đấu với xây dựng. 

Tích cực bồi dưỡng sức dân đi đôi với động viên sức dân, chăm lo mọi mặt đời sống của các tầng lớp nhân dân, của công nông, của bộ đội. Đẩy mạnh việc xây dựng chế độ mới ngay trong hoàn cảnh chiến tranh để càng đánh càng mạnh, để nhân dân lao động, để mọi người dân được hưởng từng bước thành quả của cách mạng ngay trong chiến tranh. 

Những đòn tiến công ngoại giao trong chiến tranh, chính sách đối ngoại có nguyên tắc và đầy tình nghĩa của Đảng và Nhà nước ta thể hiện nổi bật trong hoạt động của cá nhân Hồ Chí Minh. ở Người, trong quan hệ đối ngoại, là sự am hiểu sâu sắc văn hóa và văn minh Đông Tây, lòng yêu nước, vị tha gắn liền với lòng căm thù địch, tính nguyên tắc cứng rắn gắn liền với sách lược mềm dẻo, có lý có tình, khiến bạn bè khâm phục, kẻ thù kiêng nể. Cuộc hòa đàm ở Pari (1968-1973) đã gây ấn tượng mạnh trong chính giới và báo giới thế giới về một "trường phái ngoại giao Việt Nam". Đó là di sản quý báu của văn hóa Hồ Chí Minh, của tư duy chính trị - quân sự - ngoại giao Hồ Chí Minh mà những học trò của Người kế tục xuất sắc khi Người đã đi xa. 

Tiếp cận từ góc độ văn hóa tư duy quân sự Hồ Chí Minh, giúp chúng ta hiểu rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư duy chính trị - quân sự Hồ Chí Minh nói riêng để xử lý theo góc độ văn hóa những vấn đề quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng về văn hóa mà chúng ta đã biết. 
NGƯỜI BẢO VỆ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét